Nhận xét và giải thích sự phân bố các vùng trồng lúa ở nước ta

Lúa được trồng nhiều nhất ở đâu

Đối với người Việt Nam, lúa gạo là lương thực thiết yếu, không thể thiếu cho cuộc sống hàng ngày. Ông cha ta còn ví von hạt gạo như là hạt ngọc mà đất trời ban tặng cho con người. Nhìn chung, Việt Nam là một đất nước có những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc trồng lúa nước. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin về lúa nước và sự phân bố các vùng trồng lúa ở nước ta.

1. Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến sự phân bổ trồng lúa nước như thế nào?

1.1. Thuận lợi:

– Về khí hậu: Bởi vì có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều – điều kiện tự nhiên rất phù hợp cho sự phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa nước nên người dân Việt Nam từ xa xưa đã biết trồng lúa nước và nhiều loại cây ăn quả khác. Đối với người Việt Nam, lúa gạo là lương thực thiết yếu, không thể thiếu cho cuộc sống hàng ngày. Ông cha ta còn ví von hạt gạo như là hạt ngọc mà đất trời ban tặng cho con người.

– Về đất đai: Đất phù sa có nhiều tại bãi bồi của các con sông ở Việt Nam như Sông Hồng,… hàm chứa lượng phù sa cao, được bù đắp màu mỡ hàng năm, đặc biệt là thường xuyên được bồi đắp sau mùa mưa. Hiện nay, ở nước ta, đất phù sa được phân bố và tập trung chủ yếu ở 2 khu vực là Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, do đó hai khu vực này được phân bổ trồng lúa nước lớn nhất nước ta.

– Về hệ thống ông ngòi: Hệ thống sông ngòi ở Việt Nam dày đặc và vô cùng phong phú, chúng phân bố rộng khắp cả nước. Theo thống kê, nước ta có tới khoảng 2360 con sông và kênh lớn nhỏ. Các hệ thống sông lớn gồm hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Mê Kông (Cửu Long). Hằng năm các hệ thống sông này mang lại cho đồng bằng châu thổ rất nhiều phì nhiêu. Đây cũng là nguồn nước chủ yếu được sử dụng để tưới tiêu cho nông nghiệp.

1.2. Khó khăn:

– Về khí hậu: Điều kiện tự nhiên nóng ẩm rất thích hợp sự phát triển của nhiều loại sâu bệnh phá hoại.

– Địa hình: bị chia cắt mạnh gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, không thể sản xuất theo mô hình tập trung, quy mô lớn. Ngoài ra, Việt Nam còn là một quốc gia với địa hình phần lớn là đồi núi (chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ), chủ yếu là đồi núi thấp, đồng bằng chỉ chiếm 1/4 diện tích mà thôi. Tính trên phạm vi cả nước, 85% diện tích là địa hình đồng bằng và đồi núi thấp (dưới 1.000 m).

– Thiên tai: thường xuyên phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Như ở miền Trung Việt Nam thường xuyên phải chống chọi với bão lũ vào khoảng tháng tám hàng năm.

2. Sự phân bổ các vùng trồng lúa ở nước ta:

Nhìn chung, lúa được trồng trên hầu khắp các khu vực của nước ta. Trong đó, các vùng trọng điểm trồng lúa thường phân bố ở vùng đồng bằng như: Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng Thanh – Nghệ – Tĩnh,… Do có hệ thống sông ngòi thuận lợi cho các hoạt động tưới tiêu cũng như địa hình bằng phẳng cộng thêm lượng đất phù sa phong phú. Ngoài ra, lúa còn được trồng ở đồng bằng duyên hải miền Trung, một số cánh đồng vùng trung du miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên. Theo đó, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có vựa lúa lớn nhất cả nước, đứng ở vị trí thứ hai là đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là hai vùng có đất phù sa được phân bố và tập trung chủ yếu, đồng thời có hai hệ thống sông ngòi lớn nhất cả nước: sông Hồng và sông Mê Công (sông Cửu Long). Bên cạnh việc hai đồng bằng này đáp ứng đầy đủ các yếu tố tự nhiên thuận lợi cho việc trồng lúa như đã đề cập đến ở trên như:

– Địa hình đồng bằng châu thổ rộng lớn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các vùng thâm canh quy mô lớn.

– Đất phù sa màu mỡ

– Khí hậu nhiệt đới gió mùa với lượng mưa nhiều, ít thay đổi.

– Nguồn nước dồi dào nhờ vào sự cung cấp nguồn nước của hai hệ thống sông lớn: sông Hồng và sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long còn có những điều kiện thuận lợi khác về con người, kinh tế – xã hội, cụ thể:

– Đông dân cư, nhờ đó có lực lượng lao động dồi dào, giàu kinh nghiệm trong việc canh tác và thâm canh lúa nước.

– Có thị trường tiêu thụ rộng lớn.

– Kinh tế – khoa học và công nghệ phát triển nên tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ứng dụng thành công nhiều thành tựu khoa học trong thực tiễn nông nghiệp.

3. Tìm hiểu về nền văn minh lúa nước:

Văn minh lúa nước là một nền văn minh cổ đại xuất hiện từ cách đây khoảng 13.000 năm tại châu Á, mà theo nhiều tài liệu khoa học thì rất có thể nền văn minh này xuất hiện ở vùng sông Dương Tử hoặc Đông Nam Á. Nền văn minh lúa nước từ lâu đã đạt đến trình độ khá tốt về các kỹ thuật canh tác lúa nước, thủy lợi, hình thành các công cụ và vật nuôi chuyên dụng; bảo đảm sự thặng dư thực phẩm để cung cấp cho một xã hội đông dân sinh sống và góp phần phát triển các yếu tố khác của một nền văn minh ra đời. Một số nền văn hoá đương thời đã ra đời nhờ vào sự phát triển của nền văn minh lúa nước, có thể kể đến như Văn hóa Hà Mỗ Độ (ven sông Dương Tử – Trung Quốc ngày nay), Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Hòa Bình (đồng bằng miền Bắc Việt Nam ngày nay)… Bên cạnh đó, có không ít những ý kiến chỉ ra rằng, nền văn minh lúa nước là cái nôi của văn hóa làng xã, song song với đó là sự ra đời của hình thức cộng đồng cư dân có lối sống định cư định canh và đi kèm với đó là các giá trị văn hoá phi vật thể khác.

Qua quá trình tìm kiếm và khai quật những di tích cổ, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng từ thời Đồ đá cũ, đã có sự hiện diện của con người trên lãnh thổ Việt Nam. Cho đến thời kỳ Đồ đá mới, có thể nói các nền văn hoá Hoà Bình – Bắc Sơn là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sự xuất hiện của nông nghiệp và chăn nuôi, thậm chí là cả nghệ thuật trồng lúa nước. Một số nền văn hóa có niên đại khoảng 4.000 năm như Văn hoá Phùng Nguyên hay văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam ngày nay có những đặc điểm tương đồng với nền Văn hoá Hà Mỗ Độ tồn tại ở sông Dương Tử (Trung Quốc ngày nay) cách đây khoảng 7.000 năm trước. Về mặt chủng tộc và văn hoá, thời điểm ấy thì cư dân Bắc Việt Nam có sự gần gũi và giống nhau so với cư dân vùng nam Trung Hoa hơn là cư dân miền bắc Trung Hoa. Một bằng chứng cho lập luận này, đó là khuôn mặt đắp từ sọ người trong văn hóa Hà Mỗ Độ được trưng bày ở Viện Bảo tàng Hà Mỗ Độ cho thấy họ giống người thuộc chủng Nam Mongoloid, tức là gần với chủng người Việt Nam từ thời Đông Sơn về sau.

4. Tìm hiểu về đồng bằng sông Hồng:

Như đã đề cập đến ở trên, đồng bằng sông Hồng là vựa lúa lớn thứ hai cả nước. Đồng bằng sông Hồng (còn được biết đến với tên gọi khác là Châu thổ Bắc bộ, châu thổ sông Hồng bởi các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng chỉ có hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên là không có núi) là khu vực hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình thuộc Bắc Bộ Việt Nam. Đồng bằng sông Hồng bao gồm hai thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội và Hải Phòng), chín tỉnh khác với 16 thành phố thuộc tỉnh. Với 1.450 người/km² và dân số là 21.848.913 người thì đây là vùng có mật độ dân số cao nhất Việt Nam.

Đồng bằng sông Hồng đáp ứng được các điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc trồng lúa nước, cụ thể như sau:

– Diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 760.000 ha tổng diện tích (51,2% diện tích vùng), đặc biệt 100% là đất phù sa màu mỡ, đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất nông nghiệp.

– Khí hậu cận nhiệt đới ẩm, có mùa hè nóng ẩm với nhiệt độ không khí trung bình năm 22,5 – 23,50 độ C, lượng mưa trung bình năm rơi vào khoảng 1400 – 2000mm (thuộc loại mưa nhiều trên thế giới). Do đặc tính khí hậu nhiệt đới gió mùa nên chế độ mưa vùng Đồng bằng sông Hồng biểu hiện tính mùa khá rõ rệt. Bên cạnh đó còn có mùa đông phi nhiệt đới lạnh và khô, góp phần làm cho cơ cấu cây trồng đa dạng hơn, đặc biệt phát triển các cây trồng ưa lạnh. Hơn thế nữa, tài nguyên khí hậu và thủy văn thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp.

– Hệ thống cung cấp nước phong phú xuất phát từ hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, đem lại giá trị lớn về kinh tế. Ngoài ra còn có những mạch nước ngầm, nước nóng, nước khoáng cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt khác. Phù sa của đồng bằng sông Hồng cũng chủ yếu được bồi đắp bởi sông Hồng và sông Thái Bình.

5. Tìm hiểu về đồng bằng sông Cửu Long:

Như đã đề cập đến ở trên, đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiều nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Vùng đồng bằng sông Cửu Long (còn có tên khác là Vùng đồng bằng Nam Bộ, Vùng Tây Nam Bộ, Cửu Long, Lục Tỉnh hoặc Miền Tây) là vùng cực nam của Việt Nam, một trong hai phần của Nam Bộ. Đồng bằng sông Cửu Long có một thành phố trực thuộc Trung ương (Cần Thơ) và 12 tỉnh khác với các thành phố thuộc tỉnh. Đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích 39.194,6 km² và có tổng dân số là 17.300.947 người nên không có gì ngạc nhiên khi nơi đây có nguồn cung lao động dồi dào, phong phú và giàu kinh nghiệm, nhất là về lĩnh vực trồng lúa nước. Chỉ riêng lúa đã chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo từ toàn vùng chiếm tới 90% sản lượng cả nước.