CMOS là gì và dùng để làm gì trên PC?

Cmos là gì

CMOS (viết tắt của Complementary Metal-Oxide-Semiconductor – tạm dịch là Bán dẫn kim loại ô-xít bù) là thuật ngữ để chỉ một lượng nhỏ bộ nhớ trên bảng mạch máy tính, lưu trữ trong BIOS. Một số thiết lập cài đặt BIOS này có thời gian, ngày tháng trên hệ thống cũng như các thiết lập phần cứng.

Chủ yếu ta nghe nói đến CMOS qua hoạt động Clear CMOS (hay reset BIOS), tức là đưa các thiết lập BIOS về trạng thái mặc định. Việc này rất đơn giản và thường được dùng để giải quyết nhiều lỗi máy tính.

Lưu ý: Cảm biến CMOS lại khác, nó được các camera kỹ thuật số sử dụng để chuyển đổi hình ảnh sang dạng dữ liệu kỹ thuật số.

Các tên khác của CMOS

CMOS còn được gọi là Real-Time Clock (RTC), CMOS RAM, Non-Volatile RAM (NVRAM – RAM điện tĩnh), bộ nhớ Non-Volatile BIOS hoặc Complamentary-Symmetry Metal-Oxide-Semiconductor (COS-MOS – tạm dịch là Bán dẫn kim loại ô-xít bù đối xứng).

BIOS và CMOS hoạt động với nhau như thế nào?

BIOS là con chip máy tính nằm trên bảng mạch giống như CMOS, ngoại trừ việc mục đích của nó là để vi xử lý và các phần cứng máy tính như ổ cứng, cổng USB, card âm thanh, card đồ họa… giao tiếp với nhau. Máy tính không có BIOS sẽ không hiểu được làm sao những linh kiện này phối hợp với nhau.

CMOS là con chip máy tính nằm trên bảng mạch hay cụ thể hơn là chip RAM, nghĩa là thường nó sẽ mất đi các thiết lập đã lưu trữ khi tắt máy tính. Tuy vậy, pin CMOS được dùng để cung cấp nguồn điện ổn định cho con chip.

Khi máy tính khởi động lần đầu, BIOS lấy thông tin từ CMOS để hiểu được các thiết lập phần cứng, thời gian…

Pin CMOS là gì?

CMOS thường chạy bằng pin CR2032, hay còn gọi là pin CMOS. Hầu hết đều có tuổi thọ bằng bo mạch, lên tới 10 năm nhưng đôi khi cũng phải thay thế. Thời gian, ngày tháng hệ thống không chính xác hay mất các thiết lập BIOS là dấu hiệu cho thấy pin CMOS đã/đang “chết”. Thay thế chúng cũng rất đơn giản, chỉ cần tháo ra, lắp cái mới vào là được.

Thông tin thêm về CMOS và pin CMOS

Hầu hết bo mạch đều có chỗ riêng cho pin CMOS, nhưng một số máy tính nhỏ như laptop, máy tính bảng có một phần bổ sung để đặt pin CMOS, kết nối tới bo mạch bằng dây dẫn nhỏ.

Một vài thiết bị dùng CMOS như vi xử lý, vi điều khiển hay RAM tĩnh (SRAM).

Cũng cần lưu ý là CMOS và BIOS không phải 2 thuật ngữ có thể thay thế cho nhau. Dù cùng hoạt động để thực hiện một vài chức năng trên máy tính, chúng là những thành phần hoàn toàn riêng biệt.

Khi máy mới khởi động, có lựa chọn boot máy từ BIOS hoặc CMOS. Mở phần thiết lập CMOS sẽ giúp thay đổi các thiết lập tại đây như thời gian, ngày tháng, cách các linh kiện máy tính khởi động. Bạn còn có thể mở CMOS để kích hoạt/vô hiệu hóa một vài phần cứng trên máy.

CMOS hay được dùng trên các thiết bị chạy bằng pin vì chúng tốn ít điện hơn các loại chip khác. Dù dùng cả mạch phân cực âm và dương (NMOS và PMOS) nhưng vào một thời điểm, chỉ một trong hai loại được sử dụng.

Khi nào cần thay pin CMOS?

Máy tính sẽ bắt đầu hoạt động bất thường khi pin CMOS cạn kiệt. Dưới đây là một số dấu hiệu cho biest bạn cần thay pin CMOS:

1. Ngày hoặc giờ không chính xác

Dấu hiệu phổ biến nhất của việc pin CMOS đã hết là ngày và giờ trên máy tính không chính xác. Thông thường, ngày và giờ sẽ được reset về một khoảng thời gian trong quá khứ.

2. Các thiết bị đầu vào bắt đầu hoạt động không chính xác

Vì BIOS chịu trách nhiệm quản lý các thiết bị như bàn phím và chuột trong khi khởi động, nên những thiết bị này có thể hoạt động sai nếu pin CMOS đã hết. Con trỏ chuột có thể trở nên không chính xác hoặc có độ trễ trong quá trình di chuyển. Bàn phím và chuột cũng có thể ngừng hoạt động hoàn toàn vì BIOS đóng vai trò trung gian.

3. Thiếu driver

Cũng có thể các driver được cài đặt gần đây đã biến mất do pin CMOS bị lỗi. Các driver này rất có thể sẽ liên quan đến những thiết bị đầu vào/đầu ra được kết nối với máy tính.

4. Sự cố bật/tắt nguồn

Mặc dù có thể có nhiều lý do khiến máy tính không khởi động được, nhưng một trong số đó có thể là do pin CMOS bị hỏng. Ngoài ra, máy tính cũng có thể ngừng phản hồi với nút tắt nguồn.

5. Âm thanh bíp hoặc thông báo lỗi

Âm thanh bíp liên tục và các thông báo lỗi liên quan đến CMOS cũng có thể cho biết pin CMOS bị hỏng. Các thông báo lỗi bao gồm lỗi kiểm tra CMOS, lỗi đọc CMOS, lỗi pin CMOS và điện áp pin hệ thống thấp.

Nguồn: tổng hợp

Techzones / Leo666