Dư nợ tín dụng là gì? Tại sao cần quan tâm đến dư nợ tín dụng?

Dư nợ tín dụng là gì? Tại sao cần quan tâm đến dư nợ tín dụng?

Dư nợ tín dụng là gì

Dư nợ tín dụng là thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực tài chính và thường được nhắc đến khi làm hồ sơ vay vốn, vậy cụ thế là gì và có ảnh hưởng như thế nào đến hồ sơ vay vốn? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

1. Dư nợ tín dụng là gì?

Dư nợ là số tiền nợ mà khách hàng đang nợ từ các hoạt động vay vốn từ ngân hàng hay tổ công ty tài chính như vay tín chấp, vay thế chấp, thẻ tín dụng…

Dư nợ tín dụng là một khái niệm có phạm vi nhỏ hơn dư nợ, với đối tượng là khách hàng đang sử dụng thẻ tín dụng. Đối với đối tượng này, dư nợ tín dụng là khoản tiền khách hàng đã dùng thẻ tín dụng để chi tiêu hoặc rút tiền mặt. Bởi vì bản chất của thẻ tín dụng là dùng trước trả sau, khi sử dụng thẻ tín dụng có nghĩa là bạn đã vay tiền của ngân hàng để chi tiêu trước. Khoản vay này có hạn mức và ngày thanh toán được quy định cụ thể, rõ ràng.

Dư nợ tín dụng cũng chính là 1 trong những căn cứ để các công ty tài chính và ngân hàng đánh giá điểm tín dụng của bạn, trong trường hợp bạn thanh toán khoản nợ không đúng hạn sẽ bị trừ điểm tín dụng và có thể rơi vào tình trạng nợ xấu. Tùy vào mức độ nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến uy tín và bạn sẽ khó có thể vay tín chấp tại các tổ chức tài chính trong tương lai.

2. Phân loại dư nợ thẻ tín dụng

Đối với dư nợ thẻ tín dụng có thể phân thành 5 nhóm cụ thể như sau:

Nhóm 1: Dư nợ đủ tiêu chuẩn

Đối với nhóm nợ này, các trường hợp được gom nhóm gồm các khoản nợ được đánh giá có khả năng thu hồi cả gốc và lãi đúng thời hạn, các khoản nợ đang trong thời hạn hoặc các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày

Nhóm 2: Dư nợ cần chú ý

Nhóm này là những đối tượng khách hàng có các khoản nợ quá hạn từ 10 ngày đến dưới 30 ngày hoặc các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu.

Nhóm 3: Dư nợ dưới tiêu chuẩn

Là các khoản nợ quá hạn từ 30 đến dưới 90 ngày. Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu, hoặc các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng

Nhóm 4: Dư nợ có nghi ngờ

Là các khoản nợ quá hạn từ 90 đến 180 ngày, khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu.

Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.

Nhóm 5: Dư nợ có nguy cơ mất vốn

Gồm các khoản nợ quá hạn từ 180 ngày trở lên, các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu, các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn.

3. Tầm quan trọng của lịch sử tín dụng và hậu quả của dư nợ tín dụng quá hạn

● Đối với khách hàng được xếp hạng vào nhóm 1 thì được đánh giá có lịch sử tín dụng tốt, có khả năng được chấp thuận vay vốn ở hầu hết các công ty tài chính và ngân hàng

● Đối với khách hàng được phân vào nhóm 2 thì phụ thuộc vào một số quy định và điều kiện đánh giá khác của từng tổ chức tín dụng để xét duyệt về chấp thuận cho vay.

● Còn đối với khách hàng phân loại và các nhóm còn lại: nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 thì được đánh giá là lịch sử tín dụng kém, hầu hết khi nộp hồ sơ vay vốn đều sẽ bị các tổ chức tín dụng từ chối.

Không chỉ ảnh hưởng đến khả năng chấp thuận vay vốn tại các công ty tài chính và ngân hàng, dư nợ tín dụng quá hạn còn có thể có một số hậu quả như:

● Chịu mức phí phạt trả chậm khá cao, một số đơn vị cho vay vốn có thể áp dụng phí phạt trả chậm bằng 5% – 6% số tiền nợ, đồng thời lãi nợ quá hạn cũng có thể gấp 1,5 lãi suất thông thường.

● Không được sử dụng thẻ tín dụng.

● Không có cơ hội vay vốn ở bất kỳ công ty tài chính, ngân hàng nào tiếp theo.

4. Một số lưu ý liên quan đến dư nợ tín dụng

Để tránh việc rơi vào tình trạng nợ xấu cần chú ý tới 1 số lưu ý như sau:

– Lựa chọn lãi suất quá hạn thẻ ưu đãi phù hợp: Nên chọn ngân hàng hoặc dòng thẻ có lãi suất quá hạn ưu đãi thấp nhất

– Thanh toán dư nợ tín dụng đúng hạn: Ngày đến hạn thanh toán là ngày chậm nhất mà khách hàng nên thanh toán dư nợ tín dụng cho ngân hàng để được hưởng ưu đãi miễn lãi và không cần phải chịu phí thanh toán trễ hạn. Thời điểm ngân hàng xác nhận chủ thẻ đã thanh toán là thời điểm ngân hàng nhận được tiền, chính điều này dẫn đến nhầm lẫn dẫn đến thanh toán trễ hạn và phải chịu phí. Để tránh tình trạng này, khách hàng nên thanh toán dư nợ thẻ tín dụng trước vài ngày làm việc so với ngày đến hạn thanh toán. Chỉ cần thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đầy đủ và đúng hạn, khách hàng vừa tận hưởng tích điểm cho chi tiêu vừa hưởng khuyến mãi giảm giá mà không phải trả lãi khi sử dụng tiền ngân hàng để chi tiêu trước rồi thanh toán sau.

Có rất nhiều cách thanh toán dư nợ tín dụng phổ biến như sau:

  • Thanh toán chuyển khoản từ tài khoản thẻ khác: Khách hàng có thể thực hiện thanh toán chuyển khoản trực tiếp tại ngân hàng hoặc từ thẻ Atm bất kỳ vào thẻ tín dụng để thanh toán dư nợ tín dụng tới hạn
  • Thanh toán tiền mặt: nộp tiền mặt trực tiếp tại ngân hàng

Cách hạn chế dư nợ tín dụng hiệu quả

– Hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng: Rút tiền mặt từ thẻ tín dụng khách hàng sẽ phải chịu thêm phí rút tiền và lãi suất rút tiền do ngân hàng phát hành thẻ quy định. Do đó đây là điều các ngân hàng không khuyến khích khách hàng thực hiện.

– Chi tiêu hợp lý trong hạn mức chi trả: Trước khi thực hiện chi tiêu hay cân nhắc về hạn mức chi trả và khả năng tài chính tránh việc chi tiêu vượt quá khả năng tài chính của bản thân, đồng thời nếu chưa trả đủ nợ thẻ tín dụng của kỳ trước thì nên hạn chế mua sắm, chi tiêu bằng thẻ tín dụng trong kỳ, nếu không số nợ sẽ tăng lên ngày càng cao

– Luôn luôn bảo mật thẻ tín dụng: vì xảy ra rất nhiều rủi ro mất tiền trong tài khoản khi mất thẻ, chủ thẻ không kịp hoặc quên báo với ngân hàng để khóa thẻ, rất có thể kẻ gian sẽ sử dụng thẻ cho các giao dịch gian lận.

– Không nên mở nhiều thẻ tín dụng: Không nên mở quá nhiều thẻ tín dụng bởi bạn sẽ khó kiểm soát được mức độ chi tiêu của mình và dễ mắc phải nợ xấu nếu như bạn không trả đủ số tiền đã chi tiêu khi đến hạn.

– Giữ lại các thông tin liên quan đến thẻ tín dụng: ví dụ như các giấy tờ thanh toán trả nợ thẻ tín dụng, tất cả các hóa đơn thanh toán nợ thẻ tín dụng để đối chiếu khi gặp sự cố thanh toán, cho đến khi ngân hàng đã xác nhận thanh toán trả nợ thành công.

Hoặc các giấy tờ chứa thông tin của thẻ, những giấy tờ chứa thông tin quan trọng liên quan đến thẻ bạn cần cất giữ và bảo mật bởi nếu sơ suất sẽ làm lộ thông tin thẻ, kẻ gian sẽ dễ dàng lấy cắp thông tin và sử dụng thẻ một cách dễ dàng. Giữ lại những giấy tờ chứa thông tin thẻ tín dụng cũng giúp khách hàng xử lý khi thẻ gặp vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Trên đây là một số thông tin về dư nợ tín dụng và thẻ tín dụng mà khách hàng cần lưu ý.