Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại: 1900.6568
1. Tranh tụng là gì?
Khái niệm tranh tụng được biết đến ngay từ những thời đại xa xưa của xã hội loài người. Loại tố tụng này đã được áp dụng từ thời kỳ Hy lạp cổ đại. Ở thời đấy, nguyên cáo bị cáo đã được nhờ người thân của mình bào chữa trước tòa án. Sau đó nó được đưa vào La Mã với tên gọi “thủ tục hỏi đáp liên tục”.Cùng với thời gian, tranh tụng tiếp tục được kế thừa, phát triển và từng bước được khẳng định và đến nay nó được áp dụng hầu hết ở các nước thuộc hệ thống luật lục địa cũng như hệ thống luật án lệ.
Ở Việt nam, có thể nhận xét tranh tụng trên các bình diện dưới đây:
Về mặt lập pháp: khái niệm tranh tụng chưa được chính thức ghi nhận hoặc giải thích trong các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta được ban hành từ năm 1945 đến nay.
Về mặt ngôn ngữ: theo Đại từ điển tiếng Việt năm 1998 thì tranh tụng có nghĩa là “kiện tụng”; còn theo Hán-Việt tự điển thì tranh tụng có nghĩa là “cãi lẽ, cãi nhau để tranh lấy phải”.
Theo cách giải thích này, thì tranh tụng chính là quá trình giải quyết vụ kiện dân sự theo đó các đương sự được tranh luận về các yêu cầu, các chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Đặc thù của tố tụng dân sự là các chủ thể tham gia tố tụng và chủ thể tiến hành tố tụng cùng nhau xác định sự thật khách quan trên cơ sở xem xét đánh giá khách quan, toàn diện và đầy đủ các chứng cứ, tài liệu, các tình tiết khác nhau của vụ án và đối chiếu với các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Để có thể tìm ra chân lý, xác định sự thật khách quan về vụ án thì các chủ thể tham gia vào quá trình tố tụng dân sự phải phát huy tính chủ động, tích cực trong việc cung cấp, thu thập, nghiên cứu và đánh giá các chứng cứ, tài liệu, các tình tiết liên quan một cách chính xác, khách quan và đầy đủ; đưa ra các lý lẽ, các quan điểm khác nhau, viện dẫn các quy định của pháp luật để giải quyết vụ án. Tất cả các hoạt động như cung.
cấp chứng cứ, đưa ra các yêu cầu và phản yêu cầu, đối chất giữa các bên…trong giai đoạn trước khi xét xử cũng như tại phiên tòa đều có thể hiểu là quá trình tranh tụng. Như vậy, tranh tụng được hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
Theo nghĩa rộng, tranh tụng là một quá trình được bắt đầu từ khi các đương sự thực hiện quyền khởi kiện và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án. Như vậy, hiểu theo nghĩa rộng thì quá trình tranh tụng này sẽ bao gồm toàn bộ các giai đoạn khởi kiện, thụ lý vụ án, chuẩn bị xét xử,xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và cả giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm.
Theo nghĩa hẹp:tranh tụng là sự đối đáp, đấu tranh giữa các bên đương sự với nhau về chứng cứ, yêu cầu và phản đối yêu cầu của mỗi bên để từ đó nhằm chứng minh cho đối phương và Tòa án rằng yêu cầu và phản đối yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Xem thêm: Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015
2. Đảm bảo quyền tranh tụng của đương sự ở giai đoạn khởi kiện:
Đảm bảo quyền tranh tụng của đương sự ở giai đoạn khởi kiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt nam.
Khởi kiện là bước khởi đầu của quá trình tranh tụng trong tố tụng dân sự, nếu tòa án trả lại đơn kiện cho người khởi kiện không thụ lý vụ án thì cũng có nghĩa là không có quá trình tranh tụng tiếp theo.
Khởi kiện được quy định tại Chương XII khởi kiện và thụ lý vụ án từ Điều 161 đến Điều 170 của Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.
“Điều 161.Quyền khởi kiện vụ án
Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”
Từ quy định trên của pháp luật chúng ta có thể thấy người tự cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị chủ thể khác xâm phạm có thể tự mình khởi kiện yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi bị xâm phạm hoặc là thông qua người đại diện hợp pháp của mình khởi kiện vụ án.
Pháp luật Tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành quy định rất rộng chủ thể có quyền khởi kiện để bảo vệ tối đa quyền lợi của công dân Việt Nam khi họ bị xâm phạm.
Người khởi kiện muốn yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của mình thì cần phải có đơn khởi kiện và trong đơn cần phải trình bày đầy đủ chi tiết những nội dung liên quan, những yêu cầu và những chứng cứ chứng minh cho việc quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Thông qua nội dung của đơn khởi kiện chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chủ thể khởi kiện đã tự mình hoặc thông qua người đại diện thực hiện quyền tranh tụng theo quy định của pháp luật khi đưa ra các nội dung, các yêu cầu và chứng cứ chứng minh cho việc bị chủ thể khác xâm hại.
Ngoài ra để đảm bảo quyền tranh tụng của các chủ thể khác Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 cũng đã quy định cho các tổ chức khác khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước (điều 162, Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015).
Vấn đề thụ lý vụ việc dân sự theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hiện nay cũng đang có một số tồn tại nhất định:
Bộ luật TTDS 2015 quy định tại điều 174 về nhiệm vụ của Tòa án ngay sau khi thụ lý vụ án trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án tòa án phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án biết việc tòa án đã thụ lý vụ án. Tuy nhiên, văn bản thông báo của Tòa án chỉ nêu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cùng tên tài liệu chứng cứ kèm theo.
Do vậy, để người nhận được thông báo nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông báo là rất khó bởi họ phải đến tòa án “xin phép” Tòa án cho chụp, sao chép các tài liệu của nguyên đơn. Trong thực tế không phải Tòa án nào cũng tạo điều kiện cho họ sao chụp tài liệu, chứng cứ. Vấn đề này đã dẫn đến việc đương sự không thực hiện được quyền tranh tụng của mình như quyền sao chụp tài liệu, quyền được biết chứng cứ do phía bên kia cung cấp để từ đó đưa ra các yêu cầu phản tố phù hợp và các chứng cứ thích hợp để chứng minh.
Khoản 2 điều 174 BLTTDS 20015 quy định về hậu quả pháp lý khi người nhận thông báo không nộp cho Tòa án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu, nhưng lại chưa quy định rõ hậu quả là gì? Theo ý kiến của nhóm hậu quả ở đây có thể hiểu theo hướng bất lợi cho người được thông báo mà không có văn bản trả lời Tòa án. Sự im lặng ở đây có thể xem là đồng ý vì đã không có sự phản đối đối với những yêu cầu của người khởi kiện. Tòa án sẽ giải quyết vụ án vắng mặt một bên theo những tài liêu chứng cứ mà người khởi kiện đưa ra nhằm đảm bảo quyền tranh tụng của người khởi kiện. Do đó, pháp luật cần quy định rõ hơn về vấn đề này
Đương sự có quyền đưa ra yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự. Yêu cầu là cơ sở để phát sinh tranh tụng tại Tòa án, các đương sự không chỉ có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ mà còn có quyền thay đổi bổ sung yêu cầu. Tuy nhiên quyền thay đổi bổ sung yêu cầu này không được vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu được thể hiện trong đơn khởi kiện của nguyên đơn, đơn phản tố của bị đơn, đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Quy định này nhằm đảm bảo quyền tham gia tranh tụng của bên đương sự đối lập.
Quyền chấp nhận một phần, toàn bộ yêu cầu của đương sự phía bên kia, quyền rút yêu cầu và thỏa thuận về việc giải quyết vụ án của đương sự quyết định đến phạm vi tranh tụng. Việc đương sự chấp nhận yêu cầu hay rút yêu cầu đều dẫn đến việc các đương sự không phải tranh tụng về yêu cầu đó nữa. Còn khi các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án thì những vấn đề các đương sự thỏa thuận được với nhau thì cũng không tranh tụng nữa mà chỉ tranh tụng với nhau về những vấn đề có tranh chấp và chứng cứ chứng minh không thống nhất.
Điều 161 – 178 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015đã quy định khá chi tiết về việc khởi kiện và thụ lý vụ án … nhưng bên cạnh đó vẫn còn một khó khăn và bất cập trong việc áp dụng và thực tiễn thì một số chủ thể có quyền và lợi ích bị xâm phạm gặp rất nhiều khó khăn trong việc để đơn khởi kiện của mình được Tòa án thụ lý.
Xem thêm: Thời hạn giải quyết vụ án từ khi khởi tố đến khi xét xử sơ thẩm
3. Đảm bảo quyền tranh tụng của đương sự ở giai đoạn chuẩn bị xét xử:
Đảm bảo quyền tranh tụng của đương sự ở giai đoạn chuẩn bị xét xử theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam
Quyền tranh tụng của đương sự ở giai đoạn chuẩn bị xét xử thể hiện rõ nhất ở vấn đề đương sự cung cấp, thu thập tài liệu chứng cứ, chứng minh để giải quyết vụ án dân sự.
Trong quá trình tranh tụng, các bên đương sự liên tục trao đổi các chứng cứ, tranh luận với nhau về các tình tiết sự kiện liên quan đến vụ án để bảo vệ quyền lợi của mình. Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 đã có những quy định cụ thể về chứng minh và chứng cứ, theo đó nghĩa vụ chứng minh trước hết và chủ yếu thuộc về đương sự Đương sự có quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng phải đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp và “nếu phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh”( Điều 79 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015). Quy định này đã thể hiện rõ bản chất của tranh tụng đó là sự trao đổi, phản bác chứng cứ, lập luận giữa hai bên đương sự trên có sở các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Như vậy, người đưa ra yêu cầu phải có nghĩa vụ chứng minh trước; họ phải xuất trình các chứng cứ, đưa ra lý lẽ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, đồng thời họ phải chỉ ra quy định của pháp luật cho phép chấp nhận yêu cầu của họ (tính hợp pháp của yêu cầu). Khi bên đưa ra yêu cầu đã chứng minh được tính có căn cứ và tính hợp pháp cho yêu cầu của mình thì bên phản đối yêu cầu phải đưa ra chứng cứ, lý lẽ để chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ. Điều đó cho thấy, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 thì nghĩa vụ chứng minh không chỉ đặt ra với bên khởi kiện mà đặt ra với cả bên bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn.
Quy định này thể hiện sự bình đẳng, ngang bằng về nghĩa vụ chứng minh, không có loại đương sự nào được miễn trừ nghĩa vụ chứng minh, dù đương sự đó khởi kiện bảo vệ lợi ích của mình hay lợi ích chung hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác cũng không được miễn trừ nghĩa vụ này. Do đó, nếu bên đương sự có nghĩa vụ đưa chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ. Hậu quả đó là, nếu họ là nguyên đơn sẽ bị bác yêu cầu, nếu là bị đơn sẽ bị xử thua kiện, sẽ phải chấp nhận các yêu cầu đã được chứng minh của nguyên đơn.
Nhưng việc thu thập chứng cứ của các bên đương sự không phải lúc nào cũng dễ dàng bởi gặp phải những khó khăn từ phía cá nhân, cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Điều 7 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan tổ chức có thẩm quyền, nếu không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Tòa án biết và nêu rõ lý do. Trên thực tế, có rất nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không thực hiện đúng trách nhiệm này khi đương sự có yêu cầu và cũng không trả lời bằng văn bản cụ thể cho đương sự biết mà chỉ từ chối bằng cử chỉ, lời nói.
Điều 80 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định những tình tiết sự kiện không cần phải chứng minh, điều này đồng nghĩa với việc các đương sự không phải tranh tụng về các tình tiết, sự kiện đó nữa, phạm vi tranh tụng được thu hẹp hơn, đương sự chỉ tập trung vào các tình tiết, sự kiện còn chưa rõ, mâu thuẫn.
BLTTDS 2015 không quy định về thời hạn cung cấp chứng cứ của đương sự, trên thực tế có thể dấn đến việc đương sự lơi dụng trì hoãn hoạt động tố tụng. ví dụ như trường hợp ở trước phiên tòa sơ thẩm đương sự hoàn toàn có khả năng cung cấp chứng cứ đó nhưng lại không cung cấp mà lại cung cấp tại phiên tòa sơ thẩm khi đang tranh luận làm cho tòa án phải hoãn phiên tòa nếu như chứng cứ đó cần có thời gian xác minh rõ. Hay việc đương sự không cung cấp chứng cứ ở giai đoạn sơ thẩm mà đến giai đoạn phúc thẩm mới đưa ra chứng cứ đó làm cho án sơ thẩm bị sửa hoặc hủy để xét xử lại.
Xem thêm: Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự được quy định như thế nào?
4. Quyền tranh tụng trong xét xử của đương sự:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Cha tôi nộp đơn kiện ra tòa án đề nghị tòa hủy quyết định của UBND quận. Vậy khi ra tòa thì tôi có được tranh tụng trong xét xử hay tòa xem xét hồ sơ, chứng cứ rồi xét xử luôn. Cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Điều 18 Luật Tố tụng hành chính 2010 quy định:
1. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của luật này.
2. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi tòa án thụ lý vụ án hành chính và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của luật này.
3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định của luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.
Từ quy định này, cho thấy, pháp luật quy định việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Theo đó, bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử.
Ngoài ra, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ. Pháp luật phải áp dụng các chứng cứ, quan điểm này để bảo vệ yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp hoặc bác bỏ yêu cầu của đương sự.
Như vậy, tại phiên tòa, cha bạn có quyền được tranh tụng, trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu của mình theo quy định nêu trên.
Xem thêm: Phân biệt đình chỉ xét xử phúc thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án phúc thẩm
5. Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử:
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho em hỏi, những biểu hiện và ý nghĩa, thực trạng của nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử theo Điều 13 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014.
Luật sư tư vấn:
Điều 13 Luật tổ chức tòa án nhân 2014: Bảo đảm tranh tụng trong xét xử
“Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử. Việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo quy định của luật tố tụng.”
Tranh tụng là cơ sở để Tòa án đánh giá toàn bộ nội dung vụ án và đưa ra phán quyết cuối cùng đảm bảo tính khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
-Thứ nhất, quy định nguyên tắc tranh tụng đã thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp.
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới đã quy định: “… Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác… Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng của phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời gian quy định”. Tiếp đó, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 khẳng định: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Nghị quyết 37/NQ-QH13 ngày 23/11/2012 yêu cầu: “… Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa”.
-Thứ hai, quy định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014 tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức lẫn hoạt động thực tiễn trong việc xét xử.
Những quy định pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính hiện hành đã và đang phát huy hiệu lực trên thực tiễn của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử ngày càng hiệu quả, việc tranh luận tại phiên tòa bảo đảm tính dân chủ, khách quan. Tuy nhiên so với tình hình đặt ra thì hoạt động tranh tụng chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân từ những quy định của pháp luật về tranh tụng và bảo đảm tranh tụng chưa rõ ràng, cụ thể nên hiệu lực chưa cao.
-Thứ ba, việc quy định nguyên tắc tranh tụng trong Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014 là tiền đề để xây dựng và hoàn thiện các quy định về bảo đảm tranh tụng trong các văn bản pháp luật tố tụng: Hiến pháp là đạo luật gốc, văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất. Do vậy, khi Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014 quy định về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng như vậy thì những quy định trong bộ luật, luật, các văn bản dưới luật chưa rõ ràng, không thống nhất phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tạo sự thống nhất trong việc vận dụng pháp luật, đặc biệt đòi hỏi cần xây dựng quy định cụ thể về phương thức bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Việc thực hiện các chức năng tố tụng còn nhiều bất cập; việc xét hỏi, tranh luận tại phiên toà chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng…Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trên bao gồm nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, có thể kể đến là do những hạn chế trong quy định của pháp luật; do trình độ chuyên môn và kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư… từ đó đòi hỏi phải có quy định cụ thể nhằm chế hóa được đường lối, tư tưởng của Đảng về cải cách tư pháp.