Giới thiệu khái quát huyện Xuyên Mộc

Xuyên mộc ở đâu

Giới thiệu khái quát huyện Xuyên Mộc

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Huyện Xuyên Mộc thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một huyện nằm ở vị trí địa lý vô cùng quan trọng. Vốn là vùng địa đầu của miền Đông Nam Bộ nối liền với cực Nam Trung Bộ, phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai, Tây giáp huyện Châu Đức, Tây Nam giáp huyện Đất Đỏ, Đông Nam giáp huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận, phía Nam giáp với biển Đông rộng lớn. Diện tích tự nhiên 640,48 km2. Xuyên Mộc là một huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, đã và đang được tiến hành khai thác để trở thành các nguồn lợi kinh tế.

Tài nguyên rừng: Địa bàn huyện Xuyên Mộc xưa toàn là rừng già. Rừng Xuyên Mộc đã bị tàn phá nặng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong cuộc định cư sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975). Một phần rừng còn lại ở Xuyên Mộc đã được quy hoạch thành Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, là một trong hai khu vườn quốc gia của tỉnh, thuộc hệ sinh thái rừng ven biển và hải đảo, vốn rất hiếm hoi ở Việt Nam.

Từ nhiều thế kỷ trước, nơi đây là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Châu Ro. Những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn là một nguồn tài nguyên vô tận, là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Châu Ro. Hơn ba thế kỷ gần đây, người Việt từ các tỉnh miền Trung đã vào đây cùng đồng bào dân tộc khai phá, tạo dựng vùng đất này. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với lợi thế là rừng già bao phủ phần lớn địa bàn, nối với huyện Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận và huyện Xuân Lộc của tỉnh Đồng Nai, địa bàn Xuyên Mộc đã được chọn để xây dựng căn cứ kháng chiến của tỉnh, góp phần vào hệ thống căn cứ địa cách mạng liên hoàn ở miền Đông Nam Bộ.

Mặc dù đã bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh và những năm vừa giải phóng, hiện nay diện tích rừng còn lại khá lớn (khoảng 22.000 ha), chiếm 2/3 diện tích huyện, thuộc rừng nhiệt đới ở đầu rừng sông Ray và ven biển, đất rừng thuộc loại bằng phẳng. Đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu chạy dài 15km sát bờ biển thuộc 4 xã Bông Trang, Bưng Riềng, Bình Châu, Phước Thuận với diện tích hớn 7.000 ha. Đây là loại rừng kín ẩm, luôn luôn giữ được màu xanh nhiệt đới duy nhất bên bờ Biển Đông, có giá trị về nghiên cứu sinh thái rừng ở môi trường ven biển. Rừng nguyên sinh Xuyên Mộc có 200 loại thực vật thuộc 60 họ, trong đó có nhiều loại gỗ quý tốt như cẩm lai, chiêu liêu, bằng lăng… Các loại cây thuốc như đỗ trọng, thục linh, hà thủ ô… Rừng còn có một số động vật hiếm như nai, cheo, chồn, khỉ, heo rừng, các loại chim…

Ngoài giá trị nghiên cứu, sinh thái rừng ven biển, rừng Xuyên Mộc còn có tác dụng bảo vệ bờ biển, điều hòa nhiệt độ môi trường, đồng thời có thể quy hoạch cải tạo để xây dựng khu du lịch tốt. Đây là một tài sản vô giá của quốc gia đã được quy hoạch bảo tồn, là một trong hai khu vườn quốc gia của tỉnh.

Nguồn lợi thủy sản: Xuyên Mộc có Sông Ray là con sông lớn nhất tỉnh chảy qua. Sông Ray bắt nguồn từ núi Chứa Chan (Xuân Lộc), chảy qua miền đồng bằng trù phú của huyện Xuyên Mộc – Long Điền, Đất Đỏ với lưu vực 1500 km2, bằng 2/3 diện tích của tỉnh. Đoạn chảy qua Xuyên Mộc dài 47km, là nguồn nước đáng kể cho việc tiêu tưới trong sản xuất nông nghiệp. Vùng thượng lưu Sông Ray là những căn cứ dóng quân và căn cứ hậu cần quan trọng của các lực lượng cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cửa Lộc An phía hạ lưu có rừng Sác dày che phủ, tiếp giáp với những cánh rừng già bạt ngàn Phước Bửu, Xuyên Mộc là nơi được chọn làm bến bãi tiếp nhận vũ khí chi viện bằng đường biển từ miền Bắc vào miền Đông Nam Bộ và Khu VI.

Sông Hỏa dài 14km, đã được cải tạo bằng đập Cầu Mới, dự trữ bổ sung cho nguồn nước tự nhiên đã giảm sút do việc khai thác rừng thiếu quy hoạch. Hồ Bà Tô nằm giữa trung tâm thị trấn cũng là một nguồn dự trữ nước đáng kể cho đời sống và sản xuất. Ngoài hệ thống sông suối, Xuyên Mộc có nhiều bưng bàu như Bàu Nhám, Bàu Sấu, Bàu Ngứa, Bàu Ma, Bàu Xót, Bàu Non, Bưng Kè… cung cấp nước cho những cánh ruộng rừng nằm trong vùng căn cứ kháng chiến có thể canh tác được một vụ. Đây cũng là khu vực có nhiều cá tôm, nguồn cung cấp thực phẩm cho các lực lượng cách mạng.

Xuyên Mộc có các bãi biển Hồ Cốc, Hồ Tràm, Bình Châu rất đẹp, có thể phát triển du lịch, đồng thời bến ngang cho các loại ghe nhỏ và vừa ra khơi đánh bắt. Vùng biển Bình Châu, Hồ Tràm có ngư trường rộng, giàu tiềm năng về sản lượng đánh bắt, khai thác, nuôi tôm, mực xuất khẩu. Cửa Lộc An, nơi giáp ranh giữa Đất Đỏ và Xuyên Mộc có thể làm bến bãi cho các loại ghe lớn, tàu nhỏ ra vào thuận lợi, có lợi thế về kinh tế và quân sự. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hồ Cốc, Hồ Tràm, Lộc An đã từng là bến tiếp nhận vũ khí chi viện của Trung ương cho chiến trường Bà Rịa và Miền Đông Nam bộ.

Xuyên Mộc có bờ biển dài 30km tiếp giáp vùng biển của huyện Long Đất và huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Biển Xuyên Mộc thuộc vùng bán nhiệt triều, triều cao nhất là 3,9m, thấp nhất là 0,6m. Biển Xuyên Mộc sạch đẹp, bờ biển dài, có rừng nguyên sinh ven biển (nay được qui hoạch thành Khu bảo tồn thiên nhiên) có thể xây dựng thành địa điểm tham quan du lịch, đón khách trong và ngoài nước. Bãi biển Hồ Cốc, Hồ Tramfm cùng với suối nước khoáng nóng Bình Châu là những khu du lịch lý tưởng.

Tài nguyên đất đai: căn cứ vào địa hình và thổ nhưỡng, có tểh chia đất Xuyên Mộc thành 7 loại:

Đất cát biển nhiễm mặn: phân bố ở Phước Bửu, Bình Châu, Xuyên Mộc phần lớn là các dãy cồn cát trắng, vàng có thể cải tạo trồng các loại cây, tạo môi trường phát triển du lịch.

Đất phù sa mới: Phân bố dọc sông Ray, ven những thung lũng rộng do phù sa bồi tụ. Thành phần loại đất này là cát phá đất thịt nhẹ, tầng mặt thường có màu xám đen nhạt, tầng dưới màu xám đen vàng ẩm, hơi chặt và có lẫn sỏi cuội. Đây là loại đất có nhiều tiềm năng về dinh dưỡng, sự phân giải hữu cơ khá mạnh, có thể trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.

Đất đỏ bazan: Do nham thạch phun xuất tạo thành, có diện tích phân bổ rộng trong huyện tại các xã Bàu Lâm, Xuyên Mộc, Bưng Riềng, Hòa Hiệp, Hòa Hội, Bông Trang. Đất đai màu mỡ có thể trồng các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, tiêu, các loại đậu xuất khẩu, cây ăn trái cho năng suất khá.

Nhóm đất đen: Phân bố một vùng nhỏ ở Phước Bửu, tầng mặt màu đen đến đen nâu, cấu trúc viên xốp hơi ẩm, tầng dưới đen nâu ẩm ướt, chặt, nhiều sét, hàm lượng hữu cơ cao, giàu lân. Đây là loại đất giàu tiềm năng về dinh dưỡng. Đại bộ phận trồng được lúa, màu, cây công nghiệp ngắn ngày, nhất là đậu nành, đậu phộng, thuốc lá cho năng suất cao.

Nhóm đất đỏ trên đá Granites: Phân bố vùng Núi Kho (Phước Bửu), núi Tầm Bó. Nhóm hình thành những khối núi đối lập, đỉnh nhọn, độ dốc từ 25-30o, đất dưới chân thoải, mặt bằng thường có màu đỏ ít sét, có nhiều hạt thạch anh nên dễ bị rửa trôi. Đây là loại đất có thể khai thác về lâm nghiệp.

Nhóm đất vàng trên vùng phù sa cổ: Phân bố khá rộng ở Bình Châu, Xuyên Mộc, Bông Trang, Bưng Riềng, có địa hình lượn song, ít dốc, hình thành cách đây mấy ngàn năm. Đất có màu thay đổi từ nâu vàng đến vàng đỏ, thành phàn gồm cát pha đất thịt nhẹ lẫn sỏi, thạch anh kết vón tròn, giữ nước kém, dễ hình thành đá ong. Vùng đất kết vón có thể trồng rừng hoặc cây có rễ sâu, chịu hạn (mít, xoài, điều).

Nhóm đất xám và bạc màu: Phân bố ở Hòa Hiệp, Bưng Riềng, Phước Bửu, Xuyên Mộc có màu xám, xám trắng, xám tro, có thể trồng loại cây ăn trái, loại cây cạn như mía, mì, bắp ở vùng trũng thấp có thể trồng một vụ lúa.

Khoáng sản: Xuyên Mộc có nguồn nước nóng Bình Châu và cát trắng. Cát trắng Bình Châu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, tỷ lệ silicate tuyệt đối cao, tỷ lệ sắt chỉ có vết hoặc không có, tỷ lệ nhôm thấp, tạp chất không đáng kể. Cát Bình Châu trắng, hạt mịn, là nguồn nguyên liệu quý để sản xuất các mặt hàng thủy tinh có giá trị tiêu dùng, xuất khẩu…

Bình Châu còn có suối nước khoáng nóng (nhân dân gọi là đầm nước sôi). Nước trong sạch, nóng từ 75-83o (trên mặt nước) có mùi sulfuahydro nhẹ, có muối clorua sulfat natri, canxi. Suối nước khoáng nóng Bình Châu có tính chất trị liệu về y học, lưu lượng lớn, có tác dụng chữa bệnh và là một địa điểm du lịch lý tưởng, kết hợp với thắng cảnh Hồ Cốc, Hồ Tràm và rừng Quốc gia Phước Bửu – Bình Châu. Cảnh quan thiên nhiên được tạo lập từ bờ biển, rừng núi là một trong những tiềm năng lớn của Xuyên Mộc để phát triển du lịch.

Về sự phân bố khí hậu, vốn nằm trong vùng khí hậu cận xích đạo, gió mùa nóng, ẩm và ổn định quanh năm, ít bão lụt, Xuyên Mộc chịu ảnh hưởng trực tiếp của biển Đông nên khí hậu ôn hòa, mát mẻ hơn. Nhiệt độ trung bình từ 26 đến 27o. Biên độ nhiệt dao động thấp, từ 3 đến 5o. Tháng tư là tháng nóng nhất, nhiệt độ trung bình cũng chỉ vào khoảng 28o. Tháng mát nhất là tháng giêng, nhiệt độ trung bình ở mức lý tưởng của vùng Đông Nam Á: 24,5o.

Trong mỗi năm Xuyên Mộc có 6 tháng thuộc mùa mưa và 6 tháng mùa khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây – Nam gây mưa khá lớn, từ 1300 đến 1700 mm. Mùa mưa thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Mùa mưa nhiều nhưng không kéo dài nên ít ảnh hưởng đến tham quan du lịch vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, do tác động của gió mùa Đông – Bắc (gió chướng). Gió mạnh có khi đạt cấp 5 cấp 6 gây khô hanh, thuận tiện cho tắm biển và tham quan, du lịch… Vào mùa này hầu hết các địa phương ở Nam Bộ đều nắng nóng, vì thế, với những tiện nghi sẵn có, vùng biển Hồ Cốc, Hồ Tràm là điểm hẹn, là sự mong chờ kỳ nghỉ cuối tuần của hàng chục vạn du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam Bộ, của người Việt Nam và nước ngoài.

Giao thông: huyện Xuyên Mộc có trục chính là Quốc lộ 55 (trước đây là tỉnh lộ 23) chạy qua, nối Xuyên Mộc với Đất Đỏ, Long Điền, thành phố Bà Rịa về phía Tây và nối với huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) về phía Đông.

Lộ 23 (nay là Quốc lộ 55) đoạn chạy qua Xuyên Mộc từ Cầu Trọng đến Hàm Tân (Bình Thuận) dài 32km. Lộ 23 trước đây là đường thiên lý, từ Bắc vào Nam. Năm Mậu Thân 1748, quan điều khiển là Nguyễn Hữu Doãn do có việc dùng binh đã cho giăng dây đắp con đường từ phía Bắc Cầu Sơn đến Mô Xoài. Đó là quốc lộ đầu tiên nối xứ Đồng Nai – Gia Định với kinh đô Huế. Đường có nền đất, một số đoạn được rải sạn, đá, long đường hẹp, cầu gỗ dung cho người đi bộ là chính, dọc đường có đặt các trạm.

Trong huyện còn có lộ 328 từ Hồ Tràm đi Bàu Lâm nối liền với huyện Xuân Lộc dài 32km, lộ 329 từ Xuyên Mộc lên Bưng Kè dài 25km. Với địa hình như vậy, Xuyên Mộc có một ưu thế thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ kháng chiến, tiến có thể công, lùi có thể giữ, là đại bàn hậu phương trực tiếp xây dựng lực lượng, phát triển lực lượng tại chỗ.

Vị trí quân sự: huyện Xuyên Mộc có vị trí quan trọng. Xuyên Mộc có rừng rậm, trải dài với rừng Xuân Lộc, Tân Phú đến chiến khu D, ra Buôn Ma Thuột nên địa bàn trú quân rất tốt, đảm bảo hành lang giao thông chiến lược với miền Đông Nam Bộ và ra Trung ương. Biển Xuyên Mộc nối liền biển Long Đất, Bình Thuận thuận lợi cho giao thông đường thủy.

Từ thế kỷ XVIII, khi bị Nguyễn Huệ đánh bại ở Gia Định, Nguyễn Ánh đã rút về Bà Rịa, Xuyên Mộc, dựa vào số địa chủ ở đây để tích trữ lương thảo, vũ khí củng cố lực lượng để chống lại Tây Sơn. Phước Bửu còn có di tích Núi Kho, Bình Châu hiện còn di tích giếng Ngự, nhân dân tương truyền là Nguyễn Ánh đã về trú ở đây và cho lính đà giếng lấy nước dùng (giếng Ngự tức là giếng để cho vua dùng).

Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) từ đầu thế kỷ XIX đã chép về những ngọn núi ở Xuyên Mộc: “Núi Kho: ở cách huyện Phước An 27 dặm về phía Đông Bắc, nằm ngang đường cái trông xuống sống Xích Lam, cây cối um tùm, chu vi 2 dặm. Đầu đời Trung Hưng thống binh Hồ Văn Quí mộ người lập thành 3 đội Bình Lâm, Tân Bình và Du Sơn, đóng trại ở đây để chống nhau với quân Tây Sơn, dựng kho chứa gạo, nền cũ vẫn còn.”

“Núi Thần Mẫu: ở cách huyện Phước An 50 dặm về phía đông, tục gọi mũi Bà Khé, đứng sững ở bãi biển, dưới núi nhiều đá ghềnh, trên núi nhiều động cát thường nổi gió mạnh sóng to, người đi thuyền phải đề phòng. Trong động có đền thần nữ, trước đến là đường quan, hành khách nhiều khi thả tiền giấy hoặc treo gà sống để thần phù hộ”.

Sông Xích Lam được nhắc đến trong đoạn trích trên đây là Sông Ray, con sông có lưu vực rộng lớn nhất của tỉnh chảy qua địa bàn huyện Xuyên Mộc. Huyện Phước An thời ấy chính là phần lớn địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay, trung tâm huyện lị đóng tại thôn Long Điền, nay là thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đoạn trích trên cũng cho thấy, từ thời xa xưa, địa bàn Xuyên Mộc đã có một vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc khai phá và bảo vệ vùng đất này.

SỰ HÌNH THÀNH VÙNG ĐẤT XUYÊN MỘC

1. Từ khi người Việt đặt chân đầu tiên lên Xuyên Mộc đến năm 1858

Xuyên Mộc là vùng rừng rậm hoang vu, đầy thú dữ, nước độc, là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc ít người Châu Ro sống du canh du cư. Khi người Việt từ Đàng Ngoài vào tìm đất khẩn hoang, lập nghiệp, ở đây chỉ có một số đồng bào người dân tộc Châu Ro sống rải rác sâu trong núi. Đất rộng, người thưa nên việc khai phá đất đai để làm ăn sinh sống trở nên dễ dàng. Những bãi biển Hồ Tràm, Hồ Cốc, Bình Châu là những bến dừng chân đầu tiên của người Việt.

Từ năm 1623, với tư cách là con rể của chúa Nguyễn Phúc Chu; vua Chân Lạp (Chey Chetta II) chấp thuận cho người Việt ở xứ Đàng Trong vào làm ăn ở xứ Đồng Nai, Bến Nghé. Năm 1758 vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân với tư cách là vua một phiên quốc nước Đại Việt, lại một lần nữa cho phép người Việt vào làm ăn ở xứ Mô Xoài (Bà Rịa và miền Đông Nam Bộ ngày nay).

Một số sách xuất bản trước năm 1975 đã đưa ra một giả thuyết giải thích về cái tên Xuyên Mộc là do lớp người Việt đầu tiên đến vùng rừng hoang này, họ thấy rải rác nhiều xương người chết. Từ đó, họ gọi vùng đất này là “xương mục”, lâu ngày đọc trại ra là Xuyên Mộc (?).

Cũng có ý kiến cho rằng từ thế kỷ XVII-XVIII, người Việt từ Đàng Ngoài vào khai phá xứ Đàng Trong, từ vùng Thuận Hóa cho đến Bình Định, Phú Yên, đến vùng đất ngày nay là Xuyên Mộc, vì thú dữ và thời tiết ác nghiệt, khó sinh sống, họ phải băng qua những cánh rừng già dày đặc về hướng Đất Đỏ, Long Điền, Phước Lễ định cư và đặt tên vùng đất Bà Rịa là xứ Mô Xoài. Phải chăng vì thế mà người Việt gọi tên cho vùng đất đã đi qua là Xuyên Mộc (Xuyên:băng qua. Mộc: cây).

Gần đây, các tác giả nghiên cứu địa chỉ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định, Xuyên Mộc là tên một loài cây lớn, mọc khá nhiều ở vùng đất này trước đây. Khi người Đàng Ngoài vào thực ra khi đến ngay Bình Châu, Hồ Tràm mà định cư. Cách giải thích này có sức thuyết phục, vì khi đó Xuyên Mộc là rừng già bạt ngàn, không nằm trong lộ trình mở đất của lớp người tiên phong hồi cuối thế kỷ XVII. Khi đó người Việt vào xứ Mô Xoài (Bà Rịa – Đồng Nai) chủ yếu là đi đường biển, ghé những nơi có cửa biển, ven sông, chọn nơi đồng bằng ven sông, ven biển dễ khai phá, tiện giao thông mà định cư, rồi mới khai phá rộng ra. Điều này có thể thấy rõ hơn qua phần thống kê dân cư vào đầu thế kỷ XX, khi đó, dân cư trên địa bàn Xuyên Mộc còn thưa thớt hơn vùng Đất Đỏ, Long Điền, hay Long Kiên, Long Xuyên (Hòa Long), Long Phước…

Cách đây hơn 300 năm, trên bước đường tiến về phía nam để khai hoang phía Đàng Trong, người Việt đã đặt chân lên mảnh đất Xuyên Mộc. Theo Phan Khoang, trong “Việt sử xứ Đàng Trong” từ năm 1620 vùng đất Proyokor (tức Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa) đã có nhiều người Việt đến khai khẩn đất đai.

Năm 1658, vua Nặc Ông Chân vi phạm biên cảnh, chúa Nguyễn sai phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn Phước Yến đem 3.000 quân đến Mô Xoài đánh bắt được Nặc Ông Chân giải về, sau đó tha về những phải cam kết “không được nhiễu dân ở ngoài biên cương”. Sự kiện này cho thấy người Việt đã có mặt ở đây khá đông từ giữa thế kỷ XVII. Sau “sự kiện Mô Xoài 1658”, chúa Nguyễn tiếp tục có nhiều chính sách khuyến khích dân chúng vào khai phá vùng đất Nam Bộ. Trong sách “Phủ Biên Tạp Lục”, Lê Quý Đôn nói rõ: Họ Nguyễn đã chiêu mộ những người dân có “vật lực” (người giàu) ở xứ Quảng Nam, các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn đi khẩn hoang. Những người có “vật lực” này được quyền mua nô tỳ để sử dụng. Mục đích của nhà Nguyễn là mở rộng địa bàn đứng chân, củng cố thế lực để chống lại chúa Trịnh, vua Lê ở Đàng Ngoài.

Cuộc phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn (thế kỷ XVII) và sự áp bức của bọn cường hào, ác bá đã dồn ép những lớp người Việt từ miền Bắc, miền Trung vào đây tìm đất sinh sống, lập nghiệp. Họ vượt biển bằng thuyến buồm vào Đàng Trong, đặt chân lên những bãi biển Bình Châu, Hồ Cốc, Hồ Tràm (Xuyên Mộc), Phước Hải (Đất Đỏ), Long Hải, Phước Tỉnh (Long Điền), Bến Đá, Bến Đình (Vũng Tàu) rồi từng bước phát triển về vùng châu thổ.

Những người dân yêu tự do, chống sự áp bức của quan lại bản xứ đã tiên phong quần tụ tại mảnh đất Xuyên Mộc này. Rừng hoang, khí hậu khắc nghiệt, thú dữ càng làm cho họ đoàn kết hơn, trở thành một cộng đồng người có quy củ để chống lại thiên nhiên, khai phá rừng hoang, xây dựng xóm làng, ruộng rẫy. Mức độ chiến tranh Trịnh – Nguyễn càng ác liệt số dân bỏ vào Đàng Trong sinh sống càng đông hơn. Từ Xuyên Mộc, người Việt mở rộng về Biên Hòa, Gia Định và đồng bằng sông Cửu Long, lập xóm làng trù phú ở xứ Mô Xoài – Đồng Nai – Gia Định.

Năm 1768, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý, lấy đất Nông Nại lập phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bộ, Ký lục để cai trị. Nha thuộc có hai ty Xá, Lại để làm việc. Quân binh thì có cơ, đội, thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ.

Vùng đất Xuyên Mộc nói riêng, Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay nói chung đều nằm trọn trong huyện Phước An. Những tên làng xuất hiện khá sớm trên vùng đất Xuyên Mộc ngày nay là Long Xương, Long Cơ, Hưng Nhơn, Nhu Lâm, Thừa Tích, Xuyên Mộc, Phước Bửu, Thuận Biên… Tiềm năng về đất, rừng, biển rất đa dạng nhưng do dân cư còn ít, phương tiện khai thác lạc hậu, lại là địa bàn xa các trung tâm kinh tế, nên đến cuối Thế kỷ XIX, Xuyên Mộc vẫn còn là vùng rừng rậm hoang vu, dân cư thưa thớt, trong khi dân cư xứ Đồng Nai – Gia Định đã có 40.000 hộ với 200.000 dân, đất đai khai phá được hơn 1.000 dặm.

Trong quá trình lịch sử, địa lý và tên gọi huyện Xuyên Mộc cũng nhiều lần thay đổi. Theo sách “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức, huyện Xuyên Mộc ngày nay thuộc về tổng Phước Hưng, huyện Phước An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa.

Năm 1788, Nguyễn Ánh thu phục toàn cõi Gia Định, đặt quan công đường coi hai dinh Phiên Trấn và Trấn Biên. Trên địa bàn dinh Trấn Biên có một số đơn vị phòng thủ trực thuộc gọi là “đạo” như đạo Hưng Phước, đạo Nục Giang, đạo Đồng Môn, đạo Cần Giờ… Khu vực Phước Lễ (thành phố Bà Rịa hiện nay), Long Điền, Châu Đức thuộc đạo Hưng Phước. Vùng đất Xuyên Mộc ngày nay thuộc đạo Nục Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) chép trong mục Đền – Miếu về vùng đất này như sau: “Đền Hiên Ngọc Hầu: ở thôn Phước Bảo, huyện Phước An, thờ thống binh Hồ Văn Hiên là con tập chức của Hồ Văn Quí là Thống binh đầu đời trung hưng; Hiên đóng quân ở đạo Nục Giang, sau chết ở đạo sở, tỏ dấu anh linh, dân địa phương có cầu đảo liền ứng; năm Minh Mệnh thứ 19, nguyên hộ phủ là Phạm Duy Trinh đào sông Xích Lam, đêm nằm mộng bèn lập đền thờ”.

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), nhà Nguyễn tách hai huyện Long Thành và Phước An đặt thuộc phủ Phước Tuy, tách phần đất phía Bắc của hai huyện này để thành lập huyện mới Long Khánh gồm 6 tổng là Long Xương, Long Cơ, An Trạch, An Viễn, Tập Phước và Khánh Nhân. Một phần đất trong các tổng Long Xương, Long Cơ nay thuộc huyện Xuyên Mộc.

2. Từ năm 1858 đến những năm đầu thế kỷ XX

Hòa ước Nhâm Tuất 1862 nhượng tỉnh Biên Hòa cho người Pháp làm thuộc địa. Thực dân Pháp đứng đầu mỗi địa hạt là một vien quan người Pháp gọi là Giám đốc Bản xứ vụ (Directeur des affaires indige`nes). Tất cả các viên Giám đốc này đặt dưới quyền viên Giám đốc Cao cáp Bản xứ vụ coi chung các địa hạt gọi là quản hạt.

Sauk hi chiếm được 3 tỉnh miền Đông, thực dân Pháp phân chia lại lãnh thổ, trong đó địa bàn tỉnh Biên Hòa được chia thành 5 địa hạt: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Long Thành, Bảo Chánh (Long Khánh) và Bà Rịa. Vùng đất thuộc huyện Xuyên Mộc ngày nay thuộc về tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, phủ Phước Tuy.

Năm 1867, sau khi chiếm trọn 6 tỉnh Nam kỳ, người Pháp chia địa bàn Nam kỳ thành 24 đơn vị hành chính gọi là hạt Thanh tra. Đứng đầu mỗi hạt là viên Thanh tra (Inspecteur) sau đổi là Tham biện (Administrateur).

Ngày 20-12-1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tất cả các hạt thanh tra thành tỉnh, đứng đầu là một viên Tham biện, thường gọi là chủ tịch (Chef de la Province). Hạt thanh tra Bà Rịa đổi thành tỉnh Bà Rịa. Tên gọi tỉnh Bà Rịa xuất hiện từ đó.

Ngày 7-11-1905, Toàn quyền Đông Dương quyết định đem phần đất gọi là Khánh Sơn và 3 xã của người thiểu số là Hưng Nhơn, Nhu Lâm, Thừa Tích của tỉnh Bình Thuận nhập vào tỉnh Bà Rịa, lấy cớ các xã này không đóng thuế cho Chính phủ Nam triều, tức không thuộc Trung kỳ. Sự thật là tại khu vực này, các toán nghĩa quân chống Pháp vẫn còn hoạt động tại đây, thường đột nhập vào tiến công quân Pháp đóng trên vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu. Bởi vậy chúng nhập các làng này vào tỉnh Bà Rịa cho dễ kiểm soát. Kể từ đó, các làng Hưng Nhơn, Nhu Lâm, Thừa Tích trực thuộc tỉnh Bà Rịa mà ngày nay thuộc địa bàn các xã Bàu Lâm, Bưng Riềng, Bông Trang, Hòa Bình, Hòa Hưng, Hòa Hiệp, Hòa Hội của huyện Xuyên Mộc.

3. Từ những năm đầu của thế kỷ XX đến năm 1945

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dân cư Xuyên Mộc sống tập trung khá đông ở hai làng Phước Bửu và Xuyên Mộc. Theo thống kê năm 1901, tỉnh Bà Rịa có 7 toongwr, 62 làng, 49.212 dân. Các làng Xuyên Mộc, Phước Bửu thuộc tổng Phước Hưng Hạ. Dân số các làng trong tổng Phước Hưng Hạ như sau (xếp theo thứ tự từ thấp lên cao):

– Làng Hiệp Hòa: 191 người,

– Làng Gia Thạnh: 223 người,

– Làng Long Hưng: 243 người,

– Làng Hưng Hòa: 358 người,

– Làng Long Thới: 417 người,

– Làng Thạnh Mỹ: 473 người,

– Làng Phước Bửu: 805 người,

– Làng Phước Lợi: 837 người,

– Làng Phước Hiệp: 905 người,

– Làng Xuyên Mộc: 1.045 người,

– Làng Phước Tụy: 1.714 người,

– Làng Phước Thọ: 1.993 người.

Thống kê cho thấy, dân cư tổng Phước Hưng Hạ tập trung đông nhất tại làng Phước Thọ (1.993 người), kế đến là làng Phước Tụy (1.714 người), làng Xuyên Mộc (1.045 người), làng Phước Hiệp (905 người), làng Phước Lợi (837 người), làng Phước Bửu (805 người). Như vậy, về dân số, làng Xuyên Mộc đứng hàng thứ 3, làng Phước Bửu đứng hàng thứ sáu trong tổng số 12 làng của tổng Phước Hưng Hạ.

Đầu thế kỷ XX, nhất là sau chiến tranh thế giới lần I, thực dân Pháp càng tăng cường bóc lột thuộc địa. Tại Xuyên Mộc, tư bản Pháp đuổi dân, cướp đất lập sở cao su như sở Le, sở Attamarat, sở cà phê Bàu Lâm… Ngoài ra, chúng còn khuyến khích một số địa chủ từ Long Điền, Đất Đỏ lên Xuyên Mộc khai thác lập đồn điền như sở Năm Bào (Sở Quít), sở cao su Bà Tô, hoặc khai khẩn rừng làm ruộng rẫy như ruộng rừng ở suối Mò Om (do cô Tư Ray con Bà Tô đứng ra khẩn). Công cuộc khai khẩn vùng đất này đã định hình một lớp nông dân tá điền ở Xuyên Mộc.

Công nân làm công cho các đồn điền cà phê và cao su của các chủ tư bản Pháp ở Xuyên Mộc vốn là những người nông dân cùng cực từ miền Trung, miền Bắc được thực dân mộ phu vào làm theo hợp đồng. Tình cảnh lao động, sinh hoạt của người phu cao su vô cùng cực nhọc. Bệnh tật do chướng khí, không có thuốc điều trị, them vào đó, họ thường xuyên bị đòn roi của bọn cai, cho nên người phu cao su sống rất cơ cực, chết dần chết mòn. Không mấy ai trong đội nủ công nhân cao su làm hết hạn côngtra (hợp đồng) ba năm được trở về quê cũ. Xa quê hương, lại cùng cảnh ngộ bị thực dân, địa chủ bóc lột đã làm cho công nhân gắn bó, đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau. Truyền thống đó đã phát huy mạnh mẽ sau Cách mạng tháng Tám 1945 và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở Xuyên Mộc.

Bộ phận cư dân thứ 3 rất cơ bản là đồng bào dân tộc ít người, đa số là người dân Châu Ro người dân bản địa lâu đời của vùng đất Xuyên Mộc. Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-1999, người Châu Ro ở Xuyên Mộc có 1.177 người, chiếm 1,04%, đứng thứ 3 sau người Kinh (96,453%) và người Hoa (1,42%). Xưa kia người Châu Ro sống du canh du cư, làm nương làm rẫy và săn bắn thú rừng (rẫy gọi là min, rẫy mới phát là răm, rẫy cũ là ro) ở vùng đất đỏ, theo lối du canh du cư. Sau vài ba năm canh tác, đất khô, bạc màu, đồng bào lại lên đường tìm đất mới khai nương mở rẫy. Người dân tộc Châu Ro có những sinh hoạt tập quán riêng. Nhưng điều cơ bản là đồng bào rất chân thật, đã tin tưởng thì một lòng một dạ. Suốt hai cuộc kháng chiến, đồng bào dân tộc ở Chiến khu Xuyên Phước Cơ đã có một lòng một dạ với cách mạng. Những lúc cách mạng gặp khó khăn nhất, vẫn bám rừng, chịu cực khổ cùng cán bộ, chiến sĩ, giúp đỡ và chiến đấu đến thắng lợi.

Làng Bình Châu được hình thành từ những năm 20 của thế kỷ XX khi mới thành lập có tên là làng Cù Mi gồm có 3 xóm: Sở Dừa, Xóm Rẫy và Hố Lá. Những năm 1920-1921, một nhà bác học người Pháp là Colombier George cùng với vợ người Việt là cô Tám Say đã đến nghiên cứu vùng rừng ở Xuyên Mộc. Khi đến làng Bông Trang (xã Bông Trang ngày nay) ông thấy một vùng bong trang mượt mà, đất đai tươi tốt có rừng, biển, khí hậu ôn hòa, nên bỏ vốn đầu tư Sở Dừa, cất chùa để quy tụ nhân dân về khai khẩn. Sau đó Colombier George cùng với vợ người Việt là cô Tám Say đi tiếp về hướng Bắc, thấy địa thế thuận lợi lại khẩn hoang trồng mấy chục mẫu dừa, gọi là xứ dừa Ông Tám. Ngôi chùa được dời về Bàu Xót cạnh một dốc cát nhân dân gọi là dốc Chùa. Cùng đi với Ông Tám lúc ấy có một số gia đình đến sinh sống lập nghiệp như ông Năm Hanh, Hai Bến Tre, ông Cả Khoa ở Hội Mỹ (Đất Đỏ). Một số dân miền Trung ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên cũng tụ tập vào đây sinh sống. Dân số ngày càng đông, cuộc sống tấp nập, ông Tám xin lập làng gọi là làng Cù Mi. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, làng Cù Mi mang tên xã Bình Châu.

4. Từ năm 1945 – 1975

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa giới Xuyên Mộc cũng nhiều lần được điều chỉnh. Năm 1948, Ủy ban kháng chiến Hành chính tỉnh Bà Rịa đã ra nhiều quyết định điều chỉnh lại địa giới cho phù hợp với yêu cầu kháng chiến:

– Làng Nhơn Xương thuộc quận Đất Đỏ được sáp nhập vào quận Cơ Trạch (Quyết định số 36/TV ngày 6-6-1948)

– Làng Bình Giã được sáp nhập vào Quảng Giao (Quyết định số 36/TV ngày 6-6-1948)

– Thành lập Khu kiểu mẫu “Xuyên Phước Lộc” gồm 3 làng: Xuyên Mộc, Phước Bửu và Lộc An (Quyết định số 95/TV ngày 7-9-1948)

Đây là thời điểm thực dân Pháp tăng cường lực lượng bảo vệ lộ 2, con đường bộ duy nhất để tiếp tế cho Bà Rịa và Vũng Tàu kể từ khi lộ 15 bị cắt đứt. Kể từ cuối năm 1947, địch càn quét nhiều lần, đánh phá, bắn giết giã man làng Bình Giã, một số lớn đồng bào xã Bình Giã phải dời làng về xã Quảng Giao. Năm 1948, thực dân Pháp triệt hạ làng Quảng Giao. Dân làng Quảng Giao cùng công nhân sở Xuân Sơn được cán bộ hướng dẫn vượt Sông Ray về địa bàn Bàu Lâm xây dựng làng chiến đấu trong vùng căn cứ địa cách mạng.

Cuối năm 1949, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh quyết định giải thế quận Cơ Trạch, thành lập xã Cơ Trạch bao gồm các làng Bàu Lâm, Ba Mẫu, Thừa Tích và Quảng Giao. Căn cứ địa từ Xuyên Mộc, Phước Bửu và Lộc An được mở rộng lên Cơ Trạch và chính thức mang tên Chiến Khu Xuyên Phước Cơ. Xã Cơ Trạch lúc đó khá rộng, bao gồm địa giới các xã Bàu Lâm, Thanh Tóa, Ba Mẫu, Thừa Tích, Vũng Hầm, giáp với xã Xuyên Mộc và xã Phước Bửu. Căn cứ địa Cách mạng của tỉnh ở Khu Đông được mang tên Chiến khu Xuyên Phước Cơ.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do yêu cầu xây dựng vùng căn cứ của Bà Rịa, Tỉnh ủy đã thành lập huyện Xuyên Mộc.

– Tháng 5 – 1971, Xuyên Mọc hợp nhất cùng với huyện Long Đất thuộc Phân khu Bà Rịa.

– Tháng 8 – 1972, thành lập lại huyện Xuyên Mộc.

5. Từ năm 1975 đến nay

– Tháng 9 – 1975, Xuyên Mộc được sáp nhập vào huyện Long Đất

– Ngày 30-6-1976, huyện Xuyên Mộc được thành lập lại gồm có 10 xã: Phước Bửu, Xuyên Mộc, Bàu Lâm, Hòa Hưng, Hòa Bình, Hòa Hội, Hòa Hiệp, Bông Trang, Bưng Riềng và Bình Châu.

Nghị quyết của Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ 9 ngày 12-8-1991 thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gồm Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo và 3 huyện của vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu là Long Đất, Châu Thành và Xuyên Mộc. Huyện Xuyên Mộc có 11 xã: Phước Bửu, Xuyên Mộc, Bàu Lâm, Hòa Hưng, Hòa Bình, Phước Tân, Hòa Hội, Hòa Hiệp, Bông Trang, Bưng Riềng và Bình Châu.

Nghị định 71-CP ngày 30-10-1995 của Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Thị trấn Phước Bửu và xã Phước Thuận thuộc huyện Xuyên Mộc. Huyện Xuyên Mộc khi đó có diện tích 631,54km2, chiếm 31% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số 117.983 người. Mất độ dân số 186,8 người/km2.

Dân số Xuyên Mộc tăng nhanh chủ yếu là theo cơ học. Tháng 4-1975, dân số của huyện hơn 3000 người, đến năm 1980 đã có trên 73 ngàn người gồm nhiều thành phần dân tộc, có đủ dân của nhiều tỉnh, thành trong cả nước về đây sinh sống (Xuyên Mộc có dân tộc Kinh, Hoa, Khơmer, Chăm, Tày Thổ, Thái, Châu Ro. Người Kinh chiếm đa số). So với diện tích toàn huyện hơn 63.000 ha, Xuyên Mộc vẫn là vùng đất rộng người thưa, mật độ dân số 81 người/km2.

Số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-1999 cho biết, toàn huyện có 117.139 người, trong đó có 58.176 là nữ. Dân số phân bổ như sau:

– Thị trấn Phước Bửu: 11.766 người,

– Xã Phước Thuận: 6.443 người,

– Xã Phước Tân: 13.005 người,

– Xã Xuyên Mộc: 9.681 người,

– Xã Bông Trang: 3.505 người,

– Xã Bàu Lâm: 14.521 người,

– Xã Hòa Bình: 11.505 người,

– Xã Hòa Hưng: 3.972 người,

– Xã Hòa Hiệp: 13.318 người,

– Xã Bưng Riềng: 4.531 người,

– Xã Bình Châu: 15.152 người.

Dân Xuyên Mộc trước đây sinh sống chủ yếu bằng nghề làm lúa nước, trồng hoa màu, trên nương rẫy với các cây như bắp mì và một số loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu… Một bộ phận làm công nhân cao su. Ở Bình Châu, trước năm 1954 có nhiều hộ khai thác gỗ rừng, dùng ghe chở đi bán ở miền Tây Nam Bộ đổi lấy gạo và hàng hóa khác. Những hộ lớn như Mã Kim Trọng, Mã Phùng Tảo, Biện Ó, Đội Độ, Thành Hưng (Chợ Lớn), Tám Đài (Gò Công)… Ở Bình Châu còn có nghề làm biển, câu mực.

Nhân dân Xuyên Mộc siêng năng, cần cù trong lao động, trọng tín nghĩa, thờ cúng tổ tiên, những bậc tiền hiền đã có công khai phá rừng lập làng (Phước Bửu và Xuyên Mộc đều có đình thờ tiền hiền). Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, Đạo Tin Lành, Đạo Hồi, Đạo Cao Đài, Đạo Hòa Hảo, đều có tín đồ ở Xuyên Mộc, trong đó Đạo Thiên Chúa có 33.043 tín đồ (chiếm 28,20%), Phật Giáo có 22.172 tín đồ (chiếm 18,92%), các tôn giáo khác có số lượng ít, dưới 1%. Ở Bình Châu, Hồ Tràm (Phước Thuận), ngư dân còn có tính ngưỡng nghề nghiệp riêng. Họ quyên góp tiền xây dinh Ông (thờ cá voi, cá ông) hàng năm cúng bái trang trọng để cầu bình an khi đi biển. Ở Hồ Tràm (xã Phước Thuận) còn có tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na – Bà Chúa Ngọc, một tín ngưỡng thờ Nữ thần có nguồn gốc từ miền Trung.