Hành hương về với Đức Mẹ Tà Pao là một hành trình gửi gắm bao nỗi niềm, mong mỏi, kỳ vọng về bản thân và những người thân yêu trong cuộc sống. Rất nhiều người đang lên kế hoạch khám phá địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Bình Thuận này. Bỏ túi những kinh nghiệm quý báu dưới đây sẽ giúp cho chuyến đi của bạn trọn vẹn hơn.
1. Giới thiệu về Đức Mẹ Tà Pao
Quần thể công trình tượng đài và lễ đài Đức Mẹ Tà Pao có tên gọi chính thức là Trung tâm Thánh Mẫu Tà Pao. Theo tiếng của người dân tộc K’Ho thì Tà Pao có nghĩa là “Một giấc mơ đẹp”. Ngoài ra, nếu được viết hoặc phát âm thành “Tàmpao” thì có ý nghĩa là “Suối mơ”.
Tượng Đức Mẹ được đúc bằng chất liệu xi măng trắng với chiều cao 3m và đặt trên một bệ cao 2m hình vuông. Đây được cho là trung tâm hành hương lớn ở Bình Thuận dành cho những người theo Công giáo Việt Nam.
2. Đức Mẹ Tà Pao ở đâu?
Tượng Đức mẹ tọa lạc trên núi Tà Pao thuộc xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Điểm hành hương này thuộc địa bàn Giáo Hạt Đức Tánh của Giáo Phận Phan Thiết. Đây là một trong những địa điểm du lịch Bình Thuận bạn không thể bỏ qua khi ghé thăm vùng đất này.
Trước năm 1975, giáo dân ở đây phải đi sơ tán do chiến tranh khắp mọi nơi nên Tượng đài Đức Mẹ không được chăm sóc. Mãi đến năm 1991, được sự cho phép của Đức Giám Mục Phan Thiết, Tượng mẹ đã được sửa chữa và làm mới lại. Từ ngày 01.8.1991, Thánh Tượng Đức mẹ Tà Pao chính thức ngự trị trên ngọn núi Tà Pao.
3. Hiện tượng về bức tượng Đức Mẹ Tà Pao
Câu chuyện ba em học sinh ở Phương Lâm nhìn thấy Đức Mẹ xuất hiện và bay về phía bên kia núi đã mở ra hiện tượng Đức Mẹ Tà Pao. Các giáo dân ở Phương Lâm và các vùng lân cận khác như Gia Kiệm, Dốc Mơ, Hố Nai, Sài Gòn…đã đổ về đây với mong muốn được nhìn thấy Mẹ.
Mãi đến đầu năm 2000, giáo dân biết được trên núi Tà Pao thuộc huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình thuận có tượng đài của Mẹ sau một thời gian tìm kiếm. Nhiều người đã hành hương từ bắc chí nam đến thăm viếng, chiêm ngắm và cầu nguyện tại đây. Từ đó, biết bao câu chuyện kỳ lạ và ơn lành đã xuất hiện từ Thánh tượng Mẹ Tà Pao.
4. Kinh nghiệm hành hương về Đức Mẹ Tà Pao
Trước đây, hành trình du lịch hành hương về với Đức Mẹ trên núi Tà Pao gặp ít nhiều khó khăn. Bạn phải chuẩn bị đồ ăn, thức uống và nhiều đồ dùng khác mang theo. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc di chuyển lên núi Tà Pao đã dễ dàng hơn nhiều.
Do cung đường đã được tu sửa khá đẹp nên bạn có thể lên tượng đài Đức Mẹ trên núi bằng xe máy số hoặc ô tô. Đi qua cây cầu treo Đạp Loa, trung tâm thánh mẫu sẽ hiện ra trước mắt bạn. Nhưng du khách ở xa cần lưu ý, đường lên núi nhiều khúc cua khá nguy hiểm. Vì vậy, bạn cần điều khiển xe hết sức cẩn thận, nếu tay lái yếu thì tốt nhất không nên tự lái đi một mình.
Nếu không nắm rõ đường thì tốt nhất bạn nên hỏi người dân địa phương ở đây. Có ba đường dẫn lên khu Thánh tượng Mẹ Tà Pao, tùy vào địa điểm xuất phát bạn nên lựa chọn cung đường ngắn nhất.
- Di chuyển từ Vũng Tàu, Hàm Tân, Phan Thiết, Nha Trang bạn nên đi theo ngã ba căn cứ 6.
- Di chuyển từ miền Tây, Sài Gòn, Đồng Nai bạn nên đi theo ngã ba Ông Đồn.
- Di chuyển từ Đà Lạt, Bảo Lộc, Phương Lâm, Định Quán bạn nên đi theo ngã ba cô đơn.
Trước khi hành hương về với đất Mẹ, bạn nên dừng chân nghỉ ngơi và ăn uống ở dưới chân núi Tà Pao. Nếu không chuẩn bị trước đồ ăn, du khách có thể thưởng thức những đặc sản nổi tiếng của địa phương. Ở đây, có rất nhiều món quà lưu niệm ấn tượng để mua tặng người thân, bạn bè.
Từ chân núi, bạn phải đi bộ qua 429 bậc cấp, dài khoảng 237m vẻ đẹp linh thiêng của tượng Đức Mẹ sẽ hiện ra trước mắt bạn. Toàn cảnh Đức Mẹ trên núi mang vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ. Du khách bốn phương sẽ có những giây phút đáng nhớ khi hòa mình vào thiên nhiên trong lành nơi đây.
Tượng Đức Mẹ Tà Pao tồn tại gần nửa thế kỷ bên núi rừng nguyên sinh kỳ vĩ. Nơi đây chào đón hàng nghìn du khách phương xa đến viếng thăm và cầu nguyện mỗi năm. Đến với Đức mẹ, giáo dân dành cả con tim yêu mến và tấm lòng tôn kính để hát bài ca dâng kính và nguyện cầu sự bình an, may mắn cho tất cả mọi người.