Ở Sài Gòn, mua axit dễ như mua rau ngoài chợ

Mua axit ở đâu

Sáng 1/4, những cửa hàng bán hóa chất trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) thưa khách. Ông Tuấn – chủ tiệm cạnh một siêu thị – cho biết, việc 2 nữ sinh ở quận Gò Vấp vừa bị tạt axit khiến các bạn hàng của ông không khỏi bàn tán, nhất là có thể khiến các cửa hàng như của ông bị siết chặt quản lý, ảnh hưởng việc kinh doanh.

“Thiệt ra chúng tôi rất hạn chế bán lẻ axit, nhất là loại đậm đặc, mà chỉ bán sỉ cho người quen. Lời chẳng đáng bao nhiêu nhưng chẳng may có thằng nào nó mua để hại người thì lương tâm chịu không được. Axit loãng đã có thể hủy hoại mắt, phỏng những nơi da mỏng. Một muỗng canh axit nồng độ 25% cũng làm thủng hai lớp vải dày, huống chi là loại đậm đặc mà hung thủ dùng gây án với 2 nữ sinh”, ông Tuấn nói.

Theo chủ cửa hàng này, không quá 100 nghìn đồng đã mua được một lít axit đậm đặc. Ông đã quán triệt xuống các nhân viên không được bán axit cho ai không đủ điều kiện như quy định mà Bộ Công thương đưa ra. Theo đó, quy trình khi mua bán axit, hóa chất độc hại là “bên bán và bên mua đều phải ghi rõ trong phiếu kiểm soát: họ tên người bán – người mua; địa chỉ; số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp; điện thoại; thông tin hóa chất…”.

Tương tự, ở hàng loạt cửa hàng bán hóa chất tại khu vực quận 10, khi khách hỏi mua hóa chất các nhân viên đều tỏ ra e dè hỏi giấy giới thiệu, “truy” mục đích mua để sử dụng hoặc thẳng thừng: “Lời có nhiêu đâu, buôn bán cái thứ chết người đó làm gì”.

Tuy nhiên, ở cửa hàng gần giao lộ Tô Hiến Thành – Thành Thái, khách không cần phải khai tên tuổi, địa chỉ. “Cô ơi bán cho con một chai axit của Đức”, nam thanh niên nói lớn. Nữ quản lý cửa hàng cho biết không có axit Đức, chỉ có loại Trung Quốc nồng độ “maximum” là 38%, giá 55.000 đồng một chai (loại 0,5 lít).

“Cậu mua làm cái gì thì cũng phải cẩn thận nhé. Nó đậm đặc đấy, da người có thể bị bỏng nặng, quần áo bị cháy nếu dính phải”, bà này căn dặn.

Còn tại chợ Kim Biên (quận 5, TP HCM) hai bên lối vào cửa hàng bán hóa chất nằm san sát, tấp nập người ra vào. Chợ có không dưới 30 gian hàng bán axit. Thấy khách hỏi mua 2 kg axit loãng, nam thanh niên ngồi trên xe chở hàng của tiệm nằm giữa chợ báo giá mỗi kg 6.000 đồng và tiền bình đựng 4.000 đồng. Anh này xách ra một can lớn màu đen chiết axit vào bình 2 lít.

“Cái này chỉ để tẩy nền gạch thôi, anh làm gì em không biết”, thanh niên này nói.

“Em không biết ai bán axit đậm đặc đâu. Trong vụ 2 cô gái bị tạt axit vừa xảy ra ở Gò Vấp chắc chắn người ta mua ở đâu đó chứ không mua được ở chợ này. Ở đây muốn mua loại đó phải vào công ty”, anh này trả lời khi nghe khách “tán” về vụ án.

Cũng loại axit trên, quản lý cửa hàng cách chợ Kim Biên vài trăm mét, trên đường Gò Công báo giá 15.000 đồng mỗi lít, bao gồm cả bình đựng. Khi khách hàng thắc mắc bên kia bán thấp hơn, anh này giải thích: “Ở đây bán mười mấy ngàn một ký, 6 ngàn yếu lắm. Loại này đậm đặc nhất rồi, mạnh nhất, bốc khói luôn mà”.

Việc mua bán ở hai cửa hàng diễn ra chưa đến 5 phút.

Theo một cán bộ điều tra Công an TP HCM, ngành đã cảnh báo nhiều lần đến UBND thành phố về việc quản lý lỏng lẻo mua bán hoá chất độc hại, nhất là axit, bởi gần đây xảy ra hàng loạt vụ án. Quá trình điều tra, các hung thủ chủ mưu hoặc trực tiếp ra tay tạt axit các nạn nhân đều khai là mua hóa chất này ở chợ Kim Biên và trên đường Tô Hiến Thành một cách dễ dàng.

Theo chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình, thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam), đã đến lúc các cơ quan chức năng siết chặt việc quản lý buôn bán “hóa chất giết người” này. Gần 20 năm làm việc, bà gặp nhiều người nhờ tư vấn khi bị tạt axit. Đa phần nạn nhân đều bất mãn với cuộc sống, tự ti, lo lắng cho tương lai. Có người còn có ý định trả thù hoặc tự vẫn.

“Với những trường hợp thế này tôi chỉ biết khuyên họ bình tĩnh, suy nghĩ lại hậu quả của việc mình làm, không thể lấy oán báo oán. Dẫn ra những trường hợp còn bi đát hơn nhưng họ vẫn sống, làm việc có ích cho xã hội”, bà Mai nói.

Trao đổi với VnExpress, ông Phan Hoàn Kiếm – Chi cục trưởng Quản lý thị trường TP HCM – cho biết đơn vị thường xuyên kiểm tra, xử phạt những địa điểm bán hóa chất trên địa bàn, nhất là khu vực tập trung nhiều cửa hàng trên đường Tô Hiến Thành và khu vực chợ Kim Biên.

“Axit được nhiều người chọn làm công cụ gây án. Quy định của Bộ Công thương đã quản lý chặt chẽ nhưng nhiều người muốn kiếm lời nên dễ dãi bán cho khách hàng. Khi đi kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”, ông Kiếm nói.

* Tiêu đề được Báo Điện tử Công an TPHCM đặt lại.

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/mua-axit-o-sai-gon-de-nhu-mua-rau-3379375.html