Nhân dịp được một hôm ngồi nhâm nhi cốc trà chamomile ngon thật sự, thì mình muốn viết một bài chia sẻ thông tin về loại trà này cũng như là một chút câu chuyện giữa mình và trà hoa cúc.
Nguồn gốc
Giống như trà hoa nhài (Jasmine tea), trà hoa cúc cũng có thành phần chính là hoa cúc, hay còn có tên khoa học là Matricaria chamomilla/chamaemelum noble, một loại hoa thuộc họ cúc (daisy).
“Chamomile” bắt nguồn từ cách đặt tên theo tiếng Hy Lạp là χαμαίμηλον (chamaimēlon/khamaimelon), dịch nguyên gốc có nghĩa là “earth-apple”. “khamai” là ở lòng đất, “melon” là táo. Sở dĩ hoa cúc lại được đặt tên như vậy là bởi hương thơm đặc trưng rất giống mùi táo. Loài hoa này được tìm thấy ở các vùng đông dân cư ở khắp Châu Âu cũng như là vùng ôn đới châu Á, sau đó được du nhập rộng rãi vào các vùng ôn đới ở Bắc Mỹ và Úc.
German Chamomile và Roman Chamomile
Chamomile chỉ là tên gọi chung cho loài hoa cúc, còn ở từng vùng thì sẽ lại có tên riêng khác nhau, ví dụ như có 2 giống chính là Matricaria chamomilla – giống hoa cúc Đức (German Chamomile), và Chamaemelum noble – hoa cúc La Mã, hay là hoa cúc Anh.
Nói về sự khác nhau thì theo như mình tìm hiểu trên mạng, hoa cúc La Mã có mùi vị táo nhẹ và thanh, trong khi đó hoa cúc Đức thường sẽ có mùi vị ngọt hơn. Thêm vào đó, hàm lượng tinh dầu chiết xuất từ hoa cúc Đức cũng nhiều hơn so với hoa cúc La Mã. Ngoài ra thì kích thước về lá và hoa của 2 giống này cũng có sự khác biệt nhất định. Nhưng nhìn chung thì mùi hương và công dụng của 2 loài hoa này đều như nhau.
Chamomile hay Camomile?
Trước khi nói về công dụng của hoa cúc hay trà hoa cúc thì mình muốn dành một vài dòng để giải thích về cách gọi tên của hoa cúc.
Hồi mới biết đến trà hoa cúc thì mình cứ nghĩ nó chỉ có tên gọi là chamomile. Tuy nhiên trong lần đi Hội An cuối tháng 12 năm ngoái, khi mình ghé vào một quán cafe và chọn túi trà hoa cúc thì thấy trên bìa ghi là camomile. Lúc đó mình cứ nghĩ túi trà này là trà “dỏm”. Nhưng sau đó khi tìm hiểu thì mới biết “chamomile” là tên gọi Anh Mỹ, còn “camomile” là tiếng Anh Anh.
Không liên quan nhưng nếu như hồi xưa mình đặt tên blog là Hanoi Camomile thì chắc là mọi người phát âm đúng từ “Ca mô mai”, vì có vài người hay đọc “chamomile” là “cha mô mai”, chẳng hạn như mẹ mình. Dù sao thì mình cũng thích có chữ “h” ở giữa hơn.
Lần đầu biết đến trà hoa cúc
Lần đầu tiên mình biết đến trà hoa cúc là vào đầu năm 2018, khi mình vẫn đang là sinh viên năm cuối ở bên trường đại học Nhật Bản. Đợt đó mình hay ghé qua cửa hàng Starbucks ở ngoài vịnh để nghỉ ngơi sau một cuốc đạp xe từ nhà, cũng như để ngồi học và đọc sách.
Mặc dù vào Starbucks nhưng vì phải hạn chế caffeine cũng như không thích mấy món Frappuchino lắm nên mình chỉ tập trung vào menu trà. Ban đầu mình hay gọi trà Peppermint (bạc hà), đôi khi là English Breakfast (trà này chứa một chút hàm lượng caffeine). Sau đó khi để ý kĩ hơn đến menu thì thấy có trà chamomile viết bằng tiếng Nhật(カモミール).
Mình vẫn nhớ lần đầu gọi trà ý ở quầy, mình hỏi nó có vị như thế nào, thì bạn nhân viên đã giải thích rất cụ thể với mình rằng đây là trà thảo dược, mùi hương rất dễ chịu và uống vào sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, đặc biệt là rất hợp với trời mùa đông.
Sau lần uống đầu tiên, mình bị thích trà này ngay lập tức. Hôm đó lại đang là thời điểm lạnh nhất trong năm (giữa tháng 1). Kể từ đó, mỗi khi đến đây mình hầu như chỉ gọi trà hoa cúc. Đôi khi là phá luật một chút và gọi Chamomile Latte, hoặc đôi khi là cho một ít sữa vào cốc trà.
Mình cũng trở thành khách hàng thân thiết ở cửa hàng Starbucks đó và các bạn nhân viên đặt nickname cho mình là Mr. Chamomile. Khi tạo blog, mình cũng không tốn quá nhiều thời gian để nghĩ tên vì lúc đó trong đầu mình vốn đã có sẵn cụm từ “Hanoi Chamomile”. Có thể nói việc đặt tên blog nó hoàn toàn là một điều ngẫu nhiên không có tính toán gì, nhưng hiện tại nó lại trở thành một cái “personal brand” của mình.
Mỗi lần uống trà chamomile, mình lại có cảm giác rất thư thái, dễ chịu. Dù biết là trà thảo dược nên nó tốt cho sức khoẻ, nhưng mình muốn tìm hiểu kĩ nó có tác dụng cụ thể như thế nào. Và đến khi đó mình mới nhận rằng, trà hoa cúc này thực sự là để dành cho mình.
Công dụng của trà hoa cúc
Vì là trà thảo dược nên dĩ nhiên nó đem lại khá nhiều lợi ích cho người dùng. Ở đây, mình muốn nêu ra một số công dụng chính của trà hoa cúc sau khi tham khảo nhiều bài viết trên mạng bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
1. Giúp ngủ ngon hơn
Trong trà hoa cúc có chứa một loại hợp chất chống oxy hoá gọi là apigenin, hợp chất này kết hợp với một số thụ thể trong não, qua đó thúc đẩy cơn buồn ngủ, giúp ta dễ ngủ hơn.
Theo một nghiên cứu, một nhóm phụ nữ sau khi sinh đã có giấc ngủ tốt hơn nhờ việc uống trà hoa cúc trong vòng 2 tuần. Các triệu chứng trầm cảm do bệnh mất ngủ gây ra cũng giảm đi đáng kể, khi đem so sánh với nhóm không uống trà hoa cúc.
Không biết có phải là ngẫu nhiên hay không nhưng tối qua mình đã uống trà hoa cúc và đúng là mình ngủ say một mạch đến sáng luôn.
2. Cải thiện vấn đề tiêu hoá
Mặc dù chưa có một bài nghiên cứu khoa học cụ thể trên người, nhưng các thí nghiệm trên động vật đã cho thấy rằng, hoa cúc có tác dụng trong việc chống viêm ở hệ tiêu hoá của chuột, nhờ có hợp chất gọi là chamazulene.
Lúc biết được công dụng này cũng là lúc mình thốt lên trong đầu “ôi đây chính là loại trà dành riêng cho mình”. Mình bị mắc chứng tiêu hoá mãn tính từ năm 2016, và kể từ khi uống trà hoa cúc từ đầu năm 2018, dù không có dấu hiệu nào cho rằng mình đã hoàn toàn khỏi bệnh, nhưng mình cảm nhận rõ được tác dụng chống chướng bụng và giảm đau dạ dày nhờ việc uống trà hoa cúc thường xuyên.
3. Giúp kiểm soát lượng đường trong máu
Hợp chất chống viêm trong hoa cúc còn giúp cân bằng và ngăn ngừa tổn thương các tế bào trong tuỵ khi lượng đường trong máu tăng.
Trong một nghiên cứu, 64 người mắc bệnh tiểu đường được hướng dẫn uống trà hoa cúc kèm bữa ăn trong 8 tuần, và kết quả là lượng đường huyết của những người này ổn định hơn những người chỉ uống nước lọc thông thường
Ngoài 3 công dụng chính này, trà hoa cúc còn được cho là giúp tăng hường hệ miễn dịch, giúp làn da trở nên mịn màng hơn cũng như là giảm chứng cảm lạnh, dị ứng,…
Nên chọn mua trà hoa cúc nào tốt nhất
Là một người khá sành về trà hoa cúc, mình sẽ gợi ý cho bạn một số sản phẩm trà hoa cúc ngon và cực kì chất lượng, dựa trên ý kiến cá nhân của bản thân.
Khi ra Lotte Mart hoặc Vin Mart, thường thì bạn sẽ tìm thấy sản phẩm trà hoa cúc của một số hãng sau: Lipton, Vinatea (trà hoa cúc mật), Dilmah và Cozy. Mình đã thử cả 4 sản phẩm, và cái mà mình KHÔNG THÍCH NHẤT là trà hoa cúc mật của Vinatea. Hương vị hoa cúc gần như không có, và mình thấy nó cứ như là trà nhân trần vậy. Bên cạnh đó, trà hoa cúc của hãng Cozy có thành phần là hoa cúc lẫn trà xanh, vì thế nó không tạo ra được mùi hương đặc trưng của hoa cúc, cũng như trà sẽ trở nên đắng sau một lúc. Nếu như bạn mua ở ngoài siêu thị, thì mình suggest bạn nên mua chamomile tea của hãng Lipton hoặc Dilmah.
Nếu bạn muốn trải nghiệm hương vị trà hoa cúc thật sự, thì mình gợi ý bạn sản phẩm Pure Camomile của thương hiệu nổi tiếng nước Anh – TWINNINGS. Bạn có thể mua một hộp 25 túi trà lọc với giá là 170,000 VNĐ trên tiki. Mình chắc chắn 100% với bạn là hương vị của trà TWINNINGS nó khác một trời một vực so với các sản phẩm bán ở ngoài siêu thị Việt Nam. Ngoài ra mình còn mua gói trà hoa cúc hữu cơ sấy khô của Thuỵ Điển để uống, và mình cũng mua nó trên tiki với giá 200,000 VNĐ. Mình thấy trên mạng có bán nhiều sản phẩm trà hoa cúc sấy khô made in Vietnam, và lần tới mình sẽ mua và thử xem sao.
Ngoài ra, bạn có thể ra Starbucks để gọi trà hoa cúc của Starbucks TEAVANA, hay là ra T-Coffee Vincom NCT hoặc Đinh Lễ (Hà Nội) để uống trà hoa cúc của hãng TWG Tea của Sing. Theo đánh giá của mình thì chamomile tea của TWG ngon thật sự. Sẽ thật tuyệt nếu mình cho thêm một ít sữa vào, sau đó nhúng bánh quy và tận hưởng tiệc trà theo phong cách của người Anh.
Mình hi vọng là bài viết này sẽ giúp bạn hiểu biết được rõ hơn về loại trà mà mình yêu thích, cũng như là một số sản phẩm nên mua nếu bạn muốn được tận hưởng hương vị thật của trà hoa cúc.
“I have to wake up and drink chamomile tea to slow down” – Janice Dickinson
Nguồn tham khảo
Wikipedia – Chamomile
COMPARE GERMAN VS ROMAN CHAMOMILE ESSENTIAL OILS
German Chamomile Vs. Roman Chamomile: What’s The Difference?
WHY IS THERE MORE THAN ONE WAY TO SPELL C(H)amomile?
5 Ways Chamomile Tea Benefits Your Health
Featured Image: https://kumamotokeiwa.com/read/archives/special/chamomiletea