Stressor

Stressor là gì

Stressor nghĩa là nguyên nhân gây áp lực tâm lý, gây nên tình trạng stress cấp tính và mãn tính.

Stress sẽ xảy ra khi áp lực từ môi trường tác động lên cá nhân, vượt quá giới hạn chịu đựng của họ, bao gồm những nguyên nhân từ môi trường bên ngoài và từ mỗi cá nhân. Nhóm nguyên nhân bên trong là vấn đề sức khỏe, tâm sinh lý của mỗi người. Nhóm nguyên nhân bên ngoài là những nguyên nhân nảy sinh từ những áp lực trong công việc, học tập; từ môi trường làm việc cũng như môi trường sống, và từ những mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng.

Về vấn đề thể chất và sức khỏe:

– Những thay đổi sinh lý của cơ thể trong quá trình đang hoàn thiện cũng là nguyên gây nên những căng thẳng, mệt mỏi ở lứa tuổi thanh thiếu niên học sinh, sinh viên.

– Cơ thể gầy gò, sức đề kháng yếu, dễ bị say nắng, cảm, sốt, đau đầu… do chế độ sinh hoạt không hợp lý, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng cũng làm cho chúng ta dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, stress.

– Khi đang bị cảm sốt bạn thường cảm thấy mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, đau cơ, chỉ muốn ngồi hoặc nằm một chỗ không muốn hoạt động; khi bị đau đầu bạn sẽ có cảm giác mọi thứ như đang quay và muốn nổ tung, chỉ muốn được yên tĩnh nhưng nếu bị làm phiền bạn sẽ rất dễ nổi nóng.

– Hoặc khi biết mình đang mắc những căn bệnh hơi nghiêm trọng, thời gian điều trị kéo dài và tốn kém (như viêm gan, bệnh về tim mạch, cao huyết áp…) hoặc biết mình mắc bệnh nan y (ung thư dạ dày, ung thư máu…) người ta sẽ không ngừng lo nghĩ về nó, buồn rầu và suy nghĩ về những chiều hướng có thể xảy ra đối với bản thân, điều đó cũng góp phần làm nảy sinh căng thẳng.

Nguyên nhân từ môi trường:

– Sự thay đổi của thời tiết, thời tiết nắng mưa thất thường, oi bức cũng dễ làm người ta sinh ra bực bội, cáu gắt.

– Sự ô nhiễm từ môi trường bởi tiếng ồn, khói xe, bụi, chất thải công nghiệp, giao thông tắc nghẽn cũng là nguyên nhân dẫn đến stress thường gặp.

– Môi trường học tập, làm việc không thoải mái, thiếu những tiện nghi cần thiết chẳng hạn như không gian quá hẹp, bừa bộn, nóng bức, không đủ ánh sáng, không có màu xanh từ thiên nhiên, gần những nguồn phát ra tiếng ồn, không có không gian cho sự sáng tạo cũng làm giảm hiệu suất trong quá trình học tập, làm việc.

– Hoặc nếu sống, học tập, làm việc trong một môi trường mà mọi người không làm việc theo hết khả năng của mình, không tập trung chuyên môn mà còn nói chuyện gây ảnh hưởng đến hoạt động của người khác cũng là nguyên nhân nảy sinh những bất mãn, chán nản và căng thẳng cho những người xung quanh.

Những căng thẳng, áp lực từ công việc, gia đình, xã hội và các mối quan hệ:

– Công việc yêu cầu phải hoàn thành trong thời gian ngắn và gấp rút yêu cầu phải dốc toàn lực để hoàn thành đúng tiến độ tạo nên áp lực lớn cho mỗi cá nhân, nếu không hoàn thành hoặc làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến thành tích cá nhân, đó cũng có thể là nguyên nhân của stress.

– Các vấn đề tài chính, đặc biệt trong thời kỳ bão giá hiện nay làm cho nhiều người phải suy tính và đau đầu vì nó. Phải cắt giảm việc chi tiêu cho những khoản hơi tốn kém, phân bổ thế nào cho hợp lý để vẫn đảm bảo những điều kiện cần thiết cho cuộc sống nhưng vẫn còn những khoản tiết kiệm cho tương lai.

– Sự mất mát người thân làm cho chúng ta cảm thấy hụt hẫng và đau đớn, gây ra những cú sốc lớn về tâm lý cũng như mất đi chỗ dựa về kinh tế.

– Mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, giữa bạn bè với nhau cũng gây ra những đè nặng về tâm lý của cá nhân, khiến họ không tập trung trong quá trình làm viêc… Bên cạnh đó áp lực từ sự kỳ vọng của mọi người dành cho mình cũng tạo nên sức ép lớn cho cá nhân, cũng là nhân tố gây nên tình trạng strees của họ.

Cách nghĩ của bản thân về các vấn đề trong cuộc sống:

Đây có thể xem là nguyên nhân quyết định việc cá nhân có phải đối mặt với stress hay không, qua “lăng kính phản chiếu cuộc sống” của mỗi người, cùng một vấn đề có thể tạo nên những thái độ và phản ứng rất khác nhau. Cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận về cuộc sống, về những khó khăn sẽ quyết định trạng thái tinh thần và tâm lý của ta. Nếu chúng ta nghĩ mọi chuyện theo hướng tích cực, đơn giản vấn đề rằng nó cũng không đến mức không thể giải quyết được thì sẽ làm giảm bớt những đè nặng về tâm lý thay vì cứ nghĩ đến những hậu quả xấu nhất và cho rằng nó sẽ xảy đến thì chỉ làm cho tâm lý nặng nề hơn mà vấn đề vẫn không được giải quyết.