Stent là một cuộn lưới kim loại nhỏ, được đưa vào đoạn mạch vành tắc nghẽn và sau đó bóng thu nhỏ trong stent được nong lên để mở rộng lòng mạch, giúp đường đi của máu thông thoáng. Đặt stent mạch vành là thủ thuật thường được thực hiện để điều trị các bệnh mạch vành cũng như xử trí trường hợp nhồi máu cơ tim cấp.
Nếu bạn bị xơ vữa mạch máu, các mảng bám sẽ tích tụ trong động mạch, làm giảm lưu lượng máu đến tim. Điều này có thể dẫn đến hình thành cục máu đông, chặn dòng máu cung cấp cho tim và gây ra cơn nhồi máu cơ tim đe dọa tính mạng.
Đặt stent mạch vành là gì?
Đặt stent mạch vành là một thủ thuật trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, có tác dụng giữ cho lòng mạch vành thông thoáng, tạo điều kiện để máu lưu thông dễ dàng. (1)
Thủ thuật đặt stent nong mạch vành thường được chỉ định trong các trường hợp bị tắc hẹp mạch vành hoặc cho những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và cần phải khắc phục tắc nghẽn ngay lập tức. Khi stent được đặt đúng vị trí tắc trong lòng mạch vành, các triệu chứng bệnh mạch vành như tức ngực, đánh trống ngực, khó thở, chóng mặt, buồn nôn… sẽ được cải thiện đáng kể. Đồng thời, bệnh nhân nhồi máu cơ tim cũng được cứu sống, giảm thiểu các di chứng sau này.
Điều trị bằng stent phù hợp với những trường hợp bệnh nhân bị tắc ở một hoặc hai chỗ trong động mạch vành. Ở những người bị tắc nghẽn nhiều đoạn, thủ thuật này sẽ được xem xét. Bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp phẫu thuật bắc cầu mạch vành hoặc nong mạch vành tùy tình huống.
Các loại stent mạch vành phổ biến
Một số loại stent được sử dụng trong thủ thuật đặt stent mạch vành là: (2)
1. Stent kim loại thường (BMS)
Còn có tên gọi khác là stent kim loại trần, loại stent này không có lớp phủ thuốc bên ngoài. Nhược điểm của nó là làm tăng tỷ lệ tái hẹp sau đặt stent. Tuy nhiên, bệnh nhân không phải sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu trong thời gian dài. Chính vì thế, stent kim loại trần được xem là loại stent phù hợp cho những người có nguy cơ chảy máu cao.
Tuy nhiên, vì tỷ lệ tái hẹp cao của stent kim loại thường cùng với sự phát triển của các stent phủ thuốc thế hệ mới có thể sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu kép trong thời gian ngắn nên stent kim loại thường hầu như không được chỉ định sử dụng phổ biến.
2. Stent phủ thuốc (DES)
Đây là loại stent thông dụng nhất, được sử dụng nhiều nhất trong thủ thuật nong mạch vành đặt stent hiện nay. Nhờ được phủ một lớp thuốc bên ngoài nên loại stent này có tác dụng ngăn sự hình thành mô sẹo bên trong stent hiệu quả. DES giúp giải phóng thuốc bên trong mạch máu, làm chậm sự phát triển quá mức của mô mạch máu vào trong stent, nhờ đó giảm nguy cơ mạch máu bị hẹp trở lại.
3. Stent tự tiêu (BRS)
BRS là loại stent có giá đỡ tạm thời, được phủ một lớp thuốc để chống tái hẹp. Khi tình trạng tắc nghẽn mạch vành được cải thiện và lưu lượng máu được phục hồi, stent sẽ tan dần đi trong cơ thể, trả lại trạng thái tự nhiên cho động mạch như chưa hề trải qua thủ thuật can thiệp nào.
Ưu điểm lớn nhất của stent tự tiêu là giảm khả năng hình thành huyết khối muộn, giảm thời gian dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu. Nhược điểm của nó là không phải đoạn mạch nào cũng phù hợp để đặt stent tự tiêu. Chính vì thế, việc sử dụng loại stent này chưa được phổ biến như stent phủ thuốc.
Đặt stent có chữa khỏi hoàn toàn bệnh mạch vành?
Đặt stent là giải pháp hữu hiệu trong việc điều trị các bệnh lý mạch vành. Nó giúp khắc phục các triệu chứng bệnh và phòng tránh biến chứng suy tim, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim… Song, dù đã được nong mạch đặt stent nhưng vẫn còn có nguy cơ hình thành mô sẹo bên trong stent (tái hẹp trong stent). Điều này thường xảy ra trong vòng 6-12 tháng kể từ khi đặt stent. Để khắc phục, bác sĩ sẽ khảo sát nguyên nhân tái hẹp, từ đó nong bóng lại hoặc đặt một stent khác vào trong lòng stent bị tái hẹp.
Một vấn đề nữa là việc đặt stent ở một (hoặc nhiều) đoạn động mạch không làm giảm nguy cơ tắc hẹp ở các động mạch khác. Điều đó có nghĩa là nếu không bỏ thuốc lá, không thay đổi lối sống và không tập luyện đều đặn sau đặt stent, bạn vẫn có khả năng bị bệnh mạch vành. Khi ấy, có thể bạn phải tiến hành thêm các thủ thuật đặt stent khác.
Quy trình đặt stent mạch vành
Trước khi đặt stent mạch vành, bác sĩ sẽ nong mạch vành để “mở đường” đưa stent vào lòng động mạch. Phương pháp can thiệp này không gây đau. Người bệnh không cần sử dụng thuốc mê và vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật. (3)
Trước tiên, bệnh nhân được gây tê tại khu vực luồn ống thông. Sau đó, bác sĩ đưa ống thông từ mạch máu ở tay (động mạch quay) hoặc bẹn (động mạch đùi) đến động mạch vành bị tắc. Một bóng nhỏ (balloon) được trượt lên sợi dây dẫn nhỏ đưa đến đoạn mạch bị hẹp, bơm phồng lên để nong mạch mở rộng chỗ hẹp.
Một kỹ thuật không thể thiếu, hỗ trợ bác sĩ khi tiến hành nong mạch vành đặt stent là soi chụp huỳnh quang. Kỹ thuật này sử dụng một loại tia X đặc biệt, tương tự như tia X trong chụp X-quang phổi. Nhờ đó, bác sĩ dễ dàng tìm thấy những vị trí tắc nghẽn trong động mạch vành khi thuốc cản quang di chuyển qua động mạch. Đây chính là phương pháp chụp động mạch vành.
Sau khi xác định đoạn mạch bị hẹp và bơm bóng nong mạch, bác sĩ sẽ lấy bóng ra, luồn một stent vào (bên trong stent có một bóng thu nhỏ) trở lại đoạn động mạch bị hẹp. Tiếp đến, bóng được nong lên để bung stent ra áp sát vào thành mạch và quả bóng được làm xẹp, rút ra từ từ để cho stent giữ nguyên vị trí. Cuối cùng, bác sĩ rút ống thông, băng ép động mạch, kết thúc quá trình nong mạch vành.
Rủi ro trong quá trình nong mạch đặt stent
Theo thống kê, những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến đặt stent mạch vành là khá thấp, chỉ khoảng 1-2%. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhờ có sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại cũng như trình độ chuyên môn cao của đội ngũ y bác sĩ, con số này giảm xuống còn chưa tới 1%. Những biến chứng phổ biến đến hiếm gặp trong quá trình nong mạch đặt stent bao gồm: (4)
- Chảy máu, nhiễm trùng hoặc tổn thương mạch máu nơi ống thông được đưa vào (ở bẹn/cổ tay) hoặc lớp lót bên trong của động mạch.
- Cơ thể dị ứng với thuốc cản quang.
- Hình thành cục máu đông (huyết khối) trong stent – tình trạng cần được điều trị y tế ngay lập tức.
- Rối loạn nhịp tim.
- Vỡ hoặc tắc hoàn toàn động mạch vành và phải tiến hành phẫu thuật bắc cầu mạch vành.
- Tổn thương thận (vì bị ảnh hưởng từ thuốc cản quang).
- Đau tim, đột quỵ dẫn tới tử vong.
Cách chăm sóc người bệnh sau khi đặt stent
Để nhanh hồi phục và giảm thiểu nguy cơ biến chứng sau đặt stent, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách:
- Giữ vùng da xung quanh vị trí luồn ống thông luôn khô ráo trong vòng 24-48 giờ sau thủ thuật để tránh nhiễm trùng. Nếu khu vực này trở nên ấm, đỏ hoặc bắt đầu chảy dịch, rất có thể bệnh nhân đang bị nhiễm trùng, cần được bác sĩ xem xét xử lý ngay.
- Theo dõi khu vực mạch máu luồn ống thông xem có chảy máu không. Nếu có, hãy nằm thẳng, tạo áp lực lên vùng đó để cầm máu rồi gọi bác sĩ.
- Tránh nâng vật nặng, không tập các bài tập gắng sức và kiêng hoạt động tình dục ít nhất một tuần.
- Mặc dù việc làm ướt khu vực luồn ống thông thường an toàn sau 48 giờ, nhưng bạn nên tránh bơi lội và tắm trong vòng một tuần. Sự thay đổi áp suất có thể ảnh hưởng không tốt đến mạch máu.
- Tránh hút thuốc lá trong 24 giờ. Tốt nhất, bạn nên bỏ hẳn thuốc lá sau khi đặt stent. Khói thuốc đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như có khả năng thay đổi thành phần hóa học trong máu.
- Duy trì uống thuốc kháng tiểu cầu kép đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc kháng kết tập tiểu cầu vì có thể làm tắc stent đột ngột và tử vong tức thì.
- Tái khám định kỳ để được đánh giá hiệu quả sau đặt stent, đồng thời phát hiện sớm nếu có bất thường.
- Trường hợp sau khi xuất viện, người bệnh gặp các triệu chứng như đau ngực, khó thở đột ngột…, cần đến bệnh viện ngay để được can thiệp kịp thời.
Trung tâm Can thiệp mạch, Hệ thống BVĐK Tâm Anh được xây dựng theo tiêu chuẩn của các bệnh viện hàng đầu thế giới, chuyên thực hiện thủ thuật thông tim can thiệp cho các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, tắc hẹp động mạch, bệnh mạch máu ngoại biên, loạn nhịp tim, bệnh tim bẩm sinh… Đặc biệt, Trung tâm có sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền (DSA) Philips Azurion Robotic Ceiling FlexArm kết hợp hệ thống IVUS – siêu âm trong lòng mạch vành đầu tiên tại Việt Nam. Nhờ đó, các bác sĩ đã thực hiện được kỹ thuật đặt stent kích thước “khổng lồ” (có stent lên đến 4-5mm) giúp giảm nguy cơ hẹp trong stent.
Bên cạnh đó, nhờ kết hợp hệ thống phần mềm ứng dụng trong can thiệp tim mạch tiên tiến nhất trên thế giới như: Cardiac Swing, Dynamic Coronary Roadmap, StentBoost Live, các bác sĩ có thể rút ngắn thời gian can thiệp, đồng thời giảm tối đa lượng thuốc cản quang đưa vào cơ thể bệnh nhân, giảm nguy cơ cho người bệnh suy thận, suy tim. Ngoài ra, Trung tâm còn có hệ thống iFR giúp đo phân suất lưu lượng mạch vành không cần dùng thuốc Adenosin, đặc biệt có ý nghĩa với nhóm đối tượng không thể thực hiện kỹ thuật FFR thường quy như: bệnh nhân block AV, người bị dị ứng, hen suyễn…
Thủ thuật đặt stent mạch vành là giải pháp hoàn hảo để điều trị bệnh mạch vành cũng như cấp cứu các trường hợp nhồi máu cơ tim. Việc chăm sóc đúng cách sau thủ thuật sẽ giúp người bệnh nhanh hồi phục. Bên cạnh đó, dù đã đặt hay chưa từng đặt stent, bạn cũng cần thăm khám sức khỏe định kỳ, thay đổi lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ tắc nghẽn mạch vành và phòng ngừa các bệnh tim mạch.