Theo trắc nghiệm MBTI (Myers-Briggs Type Indicator), mỗi chúng ta thuộc về một trong 16 nhóm tính cách đặc trưng. Và trong số những nhóm tính cách này, ENFP là một loại hình tính cách khá đặc biệt. Những người sở hữu tính cách ENFP có một nguồn năng lượng tích cực và hoạt bát rất nổi bật.
Vậy nhóm tính cách ENFP có gì đặc biệt, họ có điểm mạnh, điểm yếu gì, và nghề nghiệp gì thì phù hợp nhất với họ? Cùng Glints tìm hiểu bạn nhé!
Tính cách ENFP là gì?
Nhóm tính cách ENFP là một trong các định nghĩa về hành vi, đặc điểm tâm lý trong trắc nghiệm tính cách MBTI của tác giả Carl Jung. ENFP là sự kết hợp của bốn yếu tố: Extraversion (sự hướng ngoại), iNtuition (trực giác), Feelings (cảm xúc), và Perceiving (nhận thức).
1. Ý nghĩa của ENFP
Mỗi chữ cái trong cụm ENFP đại diện cho một nét tính cách đặc trưng của nhóm người này. Để giúp bạn hiểu tường tận, Glints sẽ giải thích ý nghĩa đằng sau cụm MBTI ENFP nhé:
- Extraverted: Hướng ngoại – được nạp năng lượng bằng cách ở bên (nhiều) người khác
- iNtuitive: Trực giác – liên kết, suy luận qua góc nhìn chủ quan như biểu tượng, ý nghĩa
- Feeling: Cảm xúc – ra quyết định dựa trên cảm nhận cá nhân và các giá trị cốt lõi
- Perceiving: Nhận thức – thích phong cách linh hoạt, tuỳ cơ ứng biến hơn là được đóng khuôn, có kế hoạch trước
Những cá nhân có nét tính cách này thường được tả là những người nhiệt huyết, sáng tạo, độc lập, và có sức hút lớn.
Ngoài ra, họ còn được gọi với những cái tên như Người Truyền Cảm Hứng (The Inspirer), Người Khởi Xướng (The Campaigner), v.v.
2. ENFP có phải tính cách hiếm gặp không?
ENFP là một nhóm tính cách khá phổ biến, chiếm tầm 8% dân số thế giới. Họ đứng thứ 5 trong các tính cách có nhiều phụ nữ nhất.
Một số người nổi tiếng và nhân vật mang nét tính cách ENFP bạn có thể biết bao gồm:
- Robin Williams
- Drew Barrymore
- Jennifer Aniston
- Jennifer Lawrence
- Daniel Radcliffe
- Walt Disney
- Mark Twain, Oscar Wilde (nhà văn, nhà thơ)
- Ron Weasley (nhân vật truyện Harry Potter)
- Harley Quinn (loạt truyện DC)
- Jo March (tiểu thuyết Little Women)
- Joyce Byers (series Stranger Things)
- Phoebe Buffay (series Friends)
ENFP tính cách đặc trưng
Các tính cách phân biệt ENFP với các nhóm khác là gì? Cùng tìm hiểu những điểm cộng và trừ của ENFP sau đây.
1. Điểm mạnh
Khả năng thấu hiểu người khác
Một trong các tính cách đặc trưng nhất của ENFP là sự nhiệt thành và sự quan tâm với mọi người. Họ có khả năng thấu hiếu suy nghĩ và mong muốn của người khác.
Cũng vì vậy mà họ có lòng cảm thông cao và dễ dàng giúp đỡ, định hướng người khác khi họ thấy mông lung.
Đây cũng là nét tính cách mang nét tương đồng giữa của các nhóm -NF, chẳng hạn như INFP, ISFJ, v.v.
Hoạt ngôn, khả năng giao tiếp tốt
Ngoại giao là chuyện nhỏ với ENFP. Nếu bạn mang nhóm tính cách ENFP, bạn rất dễ kết giao và có thể có mạng lưới bạn bè rộng.
ENFP có rất nhiều năng lượng và có thể khởi xướng, tham gia trò chuyện, bàn bạc rất sôi nổi.
Khả năng ứng biến trong giao tiếp là điểm mạnh khá rõ rệt của ENFP. Đó cũng là lý do nhiều ENFP chọn làm các công việc liên quan nhiều đến sử dụng lời nói như diễn viên, MC, v.v.
Giỏi thích ứng
Nếu bạn bị lạc trên một hòn đảo hoang, bạn sẽ thấy may mắn khi bên cạnh bạn là một ENFP. Nhóm tính cách ENFP rất linh hoạt và dễ thích ứng với hoàn cảnh.
Theo Michael Segovia (Tư vấn chính, huấn luyện viên Chứng nhận MBTI® cho Công ty Myers-Briggs), ENFP có thể thay đổi và hoà nhập với sự thay đổi. Suy nghĩ của họ không hề cứng nhắc và luôn dựa vào các yếu tố đa chiều.
Siêu sáng tạo
John Hackston cũng chia sẻ, ENFP là những người có lối suy nghĩ sáng tạo, thiên về bức tranh toàn cảnh. Họ thích hình mẫu trừu tượng và có khả năng nghệ thuật cao.
“”Họ có thể nhận ra các kết nối, nút thắt mới mẻ mà những người khác không thể. Tuy nhiên, đôi lúc những liên kết lạ lẫm họ tìm ra có thể không thực sự tồn tại và có ý nghĩa sâu xa như họ nghĩ”.
Nhìn chung, ENFP giải quyết vấn đề theo cách riêng. Họ luôn học hỏi, phát triển bản thân bằng cách học nhiều điều mới, không theo khuôn mẫu.
Trong thời gian rảnh rỗi, ENFP thường viết lách, chơi nhạc cụ, nghe nhạc, đọc sách giả tưởng, vẽ, tạo ra các ấn phẩm nghệ thuật đặc biệt, v.v
Năng lượng tích cực
Tính cách ENFP là những người hướng ngoại. Vậy là họ thích dành thời gian bên nhiều người, ngược lại với các hướng nội viên như INTJ, ISTP, v.v. Bằng cách ngoại giao, họ có thêm nhiều năng lượng để cảm thấy hào hứng, vui vẻ.
Và họ có thể làm một ngày ủ rũ của bạn trở nên tươi sáng hơn rất nhiều. ENFP có khả năng kéo người khác khỏi vỏ ốc của họ. Họ giúp những người hướng nội tự tin hơn trong đám đông.
Năng lượng tích cực dễ truyền tải tới người khác chính là một trong những điểm mạnh lớn của ENFP.
Khả năng truyền cảm hứng, quan tâm tới người khác của ENFP cũng là một trong những đóng góp ấn tượng nhất của họ ở nơi làm việc.
Mặt khác, khác với đa số các nhóm E khác, ENFP vẫn cần không gian riêng để suy ngẫm.
2. Điểm yếu
Ngoài các ưu thế chính của ENFP như trên, nhóm tính cách ENFP còn có một số nhược điểm cần lưu ý như sau.
Dễ bị choáng ngợp
ENFP muốn thử sức với nhiều thứ khác nhau, cộng với tính cách hoà đồng, nhiều năng lượng. Đôi lúc họ có thể thấy choáng ngợp khi có quá nhiều thứ phải làm, quá nhiều người để gặp.
Để không bị mất hiệu suất công việc hay sự tự tin của bản thân, ENFP có thể chọn dừng lại một chút. Nghỉ ngơi, thiền, viết nhật ký, từng bước hoàn thành từng mục tiêu, và ENFP sẽ trở lại với nguồn năng lượng ban đầu.
Có xu hướng trì hoãn
Có nhiều ý tưởng cũng dẫn đến một mặt trái. Vậy điểm yếu này của ENFP là gì?
Họ thường không thích cái gì lặp đi lặp lại và hướng tới kết quả hơn quá trình. Dù họ có thể nghĩ ra hàng nghìn ý tưởng, họ lại hay “chày cối” để những việc quan trọng đến phút cuối mới làm.
Việc họ là cha đẻ, mẹ đẻ của hàng loạt concept mới lạ nhưng lại không hoàn thành chúng không có gì là lạ.
Nghĩ nhiều
ENFP thắc mắc về mọi thứ. Nhưng đôi khi họ có thể suy nghĩ quá nhiều về cách vận hành của mọi thứ, ý nghĩa của nó. Hơn nữa, họ nhạy cảm và không giỏi tiếp nhận những lời chỉ trích.
Vì vậy họ dễ bị nghĩ vẩn vơ, nghĩ nhiều, và lo âu.
Cần sự công nhận của người khác
Có thể nói ENFP cần được tất cả mọi người yêu quý. Đôi lúc, ENFP còn cố thay đổi chính mình và đồng ý làm mọi thứ được nhờ để có thể được người khác công nhận.
Để phát triển bản thân, ENFP cần biết nói lời từ chối và hiểu rằng họ không cần phải sống theo kỳ vọng của bất kỳ ai.
Nghề nghiệp dành cho ENFP là gì?
1. ENFP và nghề nghiệp tương thích
Khi lựa chọn một nghề nghiệp, một người cần phải hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.
Vậy, với ENFP, nhóm tính cách MBTI này cần công việc cho phép họ linh hoạt, tự do, vì deadline có thể quá sức với họ.
Và vì họ sáng tạo, có lòng cảm thông, thích kết nối xã hội và giúp đỡ người khác, họ cũng sẽ phù hợp với các ngành liên quan đến nghệ thuật, dịch vụ xã hội.
Bên cạnh đó, họ sẽ là những người đồng nghiệp hoà đồng, thân thiện và không ngại teamwork.
Một số nghề nghiệp ENFP phù hợp để làm là:
- Thiết kế đồ hoạ
- Dẫn chương trình (MC, VJ)
- Nhà tâm lý học
- Phóng viên, nhà báo
- Y tá, điều dưỡng
- Nhân viên cộng đồng
- Chính trị gia
- Tư vấn viên
- Diễn viên
- Nhạc sĩ, ca sĩ
- Hoạ sĩ
2. ENFP không hợp với ngành nghề nào?
Các ENFP nên cân nhắc các ngành sau bởi bạn có thể khó phát triển lâu dài với tính chất công việc:
- Hóa học
- Khoa học máy tính
- Kỹ thuật
- Nông nghiệp
- Tài chính
- Pháp luật
Những nghề nghiệp này sẽ khó để bạn hoặc là tiếp xúc với nhiều người, hoặc là thoả sức sáng tạo, hoặc là cảm thông với người khác.
ENFP trong các mối quan hệ
Nhóm tính cách có yếu tố iNtuitve (trực giác) thường rất hợp nhau. ENFP cũng không ngoại lệ vì hai tính cách hợp với họ nhất là INFJ và INTJ.
Ba tính cách này có thể có những cuộc hội thoại sâu sắc với kết nối về mặt tâm linh, tâm hồn. Trong đó, INFJ và ENFP được coi là cặp đôi lý tưởng nhất vì họ thường có chung lý tưởng sống và tính cách thì bù trừ một cách hoàn hảo.
Mặt khác, họ thường là những người dễ yêu, và dễ thấy lo lắng khi cảm thấy đối phương không có nhiều tình cảm tương tự. ENFP cũng trân trọng những mối quan hệ họ có, từ bạn bè, gia đình, tới người yêu.
Các nhân vật có tính cách ENFP
Người nổi tiếng là ENFP: Robin Williams, Alicia Silverstone, Andy Samberg, Dr. Seuss, Bob Dylan, Sandra Bullock, Mark Twain, Walt Disney, Charles Dickens, Kelly Clarkson, Gwen Stefani,
Nhân vật hư cấu thuộc tính cách ENFP: Ariel (Nàng Tiên Cá), Willy Wonka (Nhà máy Chocolate), Rapunzel (Công chúa tóc mây), Peter Pan, Anna (Frozen), Phil Dunphy (Modern Family), Harley Quinn (Vũ trụ DC), v.v.
Kết
Mỗi loại tính cách Myers-Briggs đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, và nhóm tính cách ENFP cũng không ngoại lệ.
Họ là những người đầy cảm hứng và sáng tạo mà bạn sẽ thấy tự hào khi có họ hiện hữu trong cuộc sống của bạn. Chỉ đừng ngạc nhiên khi thấy họ có xu hướng suy nghĩ quá mức, đôi khi bỏ qua các chi tiết nhỏ và dễ bị choáng ngợp.
Để sống cân bằng và phát triển bản thân, ENFP cần nhận thức được rằng họ là những người quan trọng và không cần sống vì mong muốn của ai khác ngoài chính mình.
Tham khảo:
- ENFP – The Champion
- An Overview of the ENFP Personality Type
Tác Giả