Toàn cầu hóa đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Một số học giả cho rằng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Liên Xô, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) chưa từng vượt qua được Mỹ và Mỹ đã trở thành bá chủ duy nhất trên thế giới.
Mỹ đang làm tất cả những gì có thể để loại trừ Trung Quốc, đồng thời thiết lập quan hệ quốc tế cạnh tranh lẫn nhau. Đó không phải là một phân tích sâu sắc. Nhưng cần nói rằng toàn cầu hóa là xu thế không thể đảo ngược và là kết quả tất yếu khi nền văn minh nhân loại phát triển đến một giai đoạn nhất định. Việc làm thế nào để đạt được toàn cầu hóa còn cần thảo luận thêm, nhưng có một điều chắc chắn là toàn cầu hóa không có nghĩa là Mỹ hóa và cũng không có nghĩa là phi Mỹ hóa.
Có một quan điểm cho rằng Mỹ đang trở thành bên “phá hoại” trật tự thế giới và toàn cầu hóa phải loại trừ Mỹ, toàn cầu hóa không có Mỹ mới thực sự là toàn cầu hóa hòa bình. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng trật tự quốc tế được xây dựng trên cơ sở bá quyền của Mỹ, cả trật tự kinh tế và trật tự chính trị đều liên quan trực tiếp đến Mỹ và đây vẫn là nước bá chủ đáp ứng mọi lời kêu gọi.
Toàn cầu hóa không thể bỏ qua Mỹ, nếu Mỹ không được tính đến, thảo luận về toàn cầu hóa chỉ là những điều trên giấy.
Thẳng thắn mà nói, hai quan điểm này có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc trong việc xử lý mối quan hệ với Mỹ. Quan hệ Mỹ-Trung đang đứng trước ngã rẽ. Trong nửa thế kỷ, Mỹ đã áp dụng chiến lược “sử dụng-loại trừ” đối với Trung Quốc. Mỹ sử dụng Trung Quốc vào những thời điểm quan trọng, nhưng loại trừ Trung Quốc trong hầu hết thời gian. Vì vậy, Trung Quốc phải hết sức coi trọng sự phát triển và thay đổi của mối quan hệ Mỹ-Trung.
Bước sang thế kỷ 21, do cách sử dụng quân sự của mình, Mỹ đã trở thành quốc gia với tăng trưởng kinh tế yếu, lạm phát cao, thâm hụt tài chính lớn và các vấn đề kinh tế ảo ngày càng nghiêm trọng. Mỹ muốn Trung Quốc cung cấp thêm các nguồn tài nguyên cho mình, nhưng đồng thời lại lo ngại Trung Quốc có thể sẽ thay thế vị trí của mình, do đó đã trở nên quyết liệt hơn trong việc xử lý mối quan hệ Mỹ-Trung.
Quy luật lịch sử trong quan hệ Mỹ-Trung
Trong việc xử lý mối quan hệ Mỹ-Trung, Trung Quốc hy vọng hai nước sẽ thiết lập quan hệ nước lớn kiểu mới mà không có xung đột hay đối đầu. Trong tương lai, quan hệ Mỹ-Trung có thể là mối quan hệ “cạnh tranh-hợp tác,” cạnh tranh về vị trí thống trị và chỉ hợp tác trong các lĩnh vực hoặc khía cạnh cục bộ.
Bộ Ngoại giao Mỹ thậm chí còn xác định quan hệ Mỹ-Trung là đối đầu, cạnh tranh và hợp tác, đồng thời lấy đối đầu làm xu hướng chủ đạo, nhấn mạnh tính cần thiết của việc kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.
Có những quy luật lịch sử trong sự phát triển của mối quan hệ Mỹ-Trung. Đầu tiên, khi kinh tế Mỹ bùng nổ, Mỹ sẽ mở rộng vòng tay và thu hút các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Hầu hết các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, có thể đạt được sự phát triển kinh tế ổn định bằng cách xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.
Tuy nhiên, khi kinh tế Mỹ gặp khó khăn, chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ trỗi dậy và chủ nghĩa bảo thủ sẽ xuất hiện ở Mỹ, Mỹ có thể sẽ sử dụng các cuộc xung đột địa chính trị để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
[Xung đột Nga-Ukraine gây trở ngại lớn cho tiến trình toàn cầu hóa]
Thứ hai, Mỹ là quốc gia nền tảng, Mỹ phát triển kinh tế bằng cách thu hút nguồn lực từ khắp nơi trên thế giới. Mỹ giống như một công ty nền tảng thương mại điện tử, chuyên cung cấp nền tảng cho việc trao đổi tài nguyên giữa các quốc gia và Mỹ dựa vào thị trường tài chính phát triển của mình để thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Khi lợi ích bị tổn hại, với sự thống trị lĩnh vực tài chính quốc tế của mình, Mỹ sẽ sử dụng mọi lực lượng, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để đạt mục đích duy trì nền kinh tế. Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã thay đổi trật tự tiền tệ quốc tế bằng cách điều chỉnh lãi suất, tước đi của cải từ các nước khác. Nền kinh tế nền tảng đặc biệt của Mỹ khiến các nước trên thế giới rất khó bắt kịp và vượt qua họ.
Thứ ba, Mỹ là nền kinh tế và quốc gia tiêu dùng lớn nhất thế giới. Xuất khẩu của các nước sang Mỹ giúp các nước này kiếm được nguồn tiền để hỗ trợ sự phát triển kinh tế trong nước. Vì vậy, chỉ cần Mỹ không thực hiện chính sách đóng cửa, các nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển, sẽ đổ xô xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ, còn Mỹ có thể thu được hàng hóa tiêu dùng và các loại hàng chế tạo khác từ các nước trên khắp thế giới bằng cách in thêm tiền. Bằng cách này, Mỹ có thể duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mỹ là trở ngại lớn cho quá trình toàn cầu hóa…
Khi đã phân tích bản chất của kinh tế Mỹ, chúng ta phải tìm ra giải pháp cho vấn đề. Toàn cầu hóa ngày càng bị Mỹ tác động để bảo vệ lợi ích của mình, Mỹ áp dụng các chính sách bảo hộ thương mại và tùy ý áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia khác. Nếu tình trạng này tiếp tục, toàn cầu hóa sẽ chỉ còn là một cụm từ trống rỗng.
Vì điều này, một số học giả đã nhấn mạnh rằng toàn cầu hóa phải loại trừ Mỹ, toàn cầu hóa không có Mỹ mới là toàn cầu hóa thực sự. Tuy nhiên, đây là một quan điểm duy ý chí rất khó có thể đạt được trong ngắn hạn. Tất cả những gì Mỹ làm là nhằm duy trì vị thế bá chủ của mình.
Cuộc xung đột ở Ukraine được cho là sẽ gây ra những thay đổi đáng kể trong quan hệ giữa Nga và các nước châu Âu và khiến sự phát triển của châu Âu sẽ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.
Toàn cầu hóa phải thay đổi chiến lược địa-chính trị của Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có quốc gia hay tổ chức nào có khả năng thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ. Do đó, một số học giả Trung Quốc cho rằng toàn cầu hóa phải loại trừ Mỹ, vì chỉ bằng cách này, toàn cầu hóa mới có lợi cho nhân loại
…nhưng toàn cầu hóa không có Mỹ chỉ là ảo vọng
Xét tình hình hiện nay, Mỹ chắc chắn là một trở ngại lớn cho quá trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, không thể thiết lập một sự toàn cầu hóa thay thế khác mà không có Mỹ. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và là trung tâm đổi mới công nghệ. Mỹ là trung tâm tài chính quốc tế và là sàn giao dịch thương mại lớn nhất trên thế giới.
Là một quốc gia nền tảng, Mỹ đang sử dụng ảnh hưởng của mình để thu hút của cải từ các quốc gia khác trên thế giới. Tình hình này khó thay đổi trong ngắn hạn. Ngoài ra, khi bàn về toàn cầu hóa, chúng ta phải tính đến sự tồn tại của Mỹ. Nếu bỏ qua tầm quan trọng của kinh tế Mỹ đối với toàn cầu hóa, thì cái gọi là toàn cầu hóa chỉ còn là một ảo vọng.
Trung Quốc phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng trong mọi trường hợp Trung Quốc không bỏ qua sự hiện diện của Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc rất coi trọng chiến lược địa-chính trị của Mỹ. Trung Quốc cho rằng Mỹ nên thay đổi chính sách đối ngoại và lấy phát triển hòa bình làm nguyên tắc cơ bản để xử lý các vấn đề quốc tế.
Trước hết, Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng Mỹ là một quốc gia của những người nhập cư và sự đa dạng văn hóa ở Mỹ có nghĩa là bản thân Mỹ tràn đầy sự năng động nhưng cũng tồn tại các yếu tố bất ổn. Hiện tại, xung đột chủng tộc, xung đột tôn giáo và sự tranh đấu của các đảng phái chính trị ở Mỹ khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc hoạch định một chiến lược phát triển dài hạn hiệu quả.
Do đó, để “xoa dịu” Mỹ, Trung Quốc có thể đi sâu vào các tầng lớp dân chúng của Mỹ, hiểu rõ những suy nghĩ thực sự của các tầng lớp khác nhau và các nhóm dân tộc khác nhau, giải thích rõ để những người dân Mỹ bình thường nhận thấy rằng Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình. Trung Quốc nên sử dụng những thành tựu kinh tế của mình để kể một câu chuyện tốt đẹp. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chắc chắn sẽ làm mất một số việc làm của người Mỹ, nhưng sẽ giúp kiềm chế lạm phát ở Mỹ và bảo vệ lợi ích của những người tiêu dùng Mỹ.
Thứ hai, thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc và Nga đã có những thay đổi lớn. Nga là nước dám bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, vì vậy trong xử lý quan hệ với Nga, Mỹ chỉ nói chứ không làm. Còn khi xử lý quan hệ với Trung Quốc, Mỹ thường trực tiếp can dự.
Nói cách khác, một mặt, Mỹ sử dụng các phương tiện truyền thông và các tổ chức phi chính phủ mà họ kiểm soát để làm tổn hại hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Mặt khác, Mỹ cử tàu chiến đến phô trương sức mạnh ở các khu vực xung quanh Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đã đi đến điểm mấu chốt, một cuộc xung đột quy mô lớn giữa hai bên có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, ngay cả vậy, Mỹ vẫn sẽ giấu mặt. Tổng thống Nga hiểu rõ chiến lược ngoại giao của Mỹ và sẽ không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ cho đến thời điểm thiết yếu.
Trong khi đó, quan hệ Mỹ-Trung đang ở ngã ba đường. Một số học giả Trung Quốc tin rằng Mỹ sẽ duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Thái Bình Dương và sẽ không phát động các cuộc xung đột một cách dễ dàng. Tuy nhiên, tình trạng phòng thủ và đối phó lẫn nhau này đã khiến quan hệ Mỹ-Trung gặp khó khăn.
Nhìn chung, việc xử lý quan hệ Mỹ-Trung là một kế hoạch dài hạn. Toàn cầu hóa không có Mỹ sẽ không thể xảy ra, nhưng để Mỹ đóng một vai trò tích cực trong sự phát triển của toàn cầu hóa cũng là điều xa vời./.