ADA coin là gì? Đánh giá chi tiết về tiền điện tử ADA

Ada là gì

ADA coin là đồng tiền điện tử gốc của nền tảng Cardano – một dự án blockchain 3.0 đầu tiên ra đời hứa hẹn có khả năng mở rộng cao, phi tập trung, bảo mật và có khả năng tương tác. Với sự phát triển của DeFi, Cardano nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm của giới Crypto. Vậy cụ thể ADA coin là gì và Cardano có phải là một nền tảng đáng để đầu tư? Hãy cùng 8th Street Grille tìm hiểu sâu hơn về dự án ngay trong bài viết sau đây.

Cardano là gì?

Cardano là một dự án blockchain Proof of Stake phi tập trung, mã nguồn mở hoàn toàn và là ngôi nhà của đồng tiền điện tử ADA. Cardado được thiết kế bởi một nhóm các kỹ sư hàng đầu và chuyên gia học thuật. Dự án được phát triển từ năm 2015 và chính thức ra mắt vào năm 2017.

Về cơ bản, người dùng trên toàn thế giới đều có thể chuyển tiền thông qua P2P, xây dựng và phát triển dApp (ứng dụng phi tập trung) bằng smart contract, cũng như tạo ra mã thông báo tiền điện tử và trò chơi mới… trên nền tảng của Cardano. Song, so với 2 “người anh em” là Bitcoin và Ethereum thì Cardano có phí giao dịch thấp hơn, thời gian giao dịch nhanh hơn và mức độ tương tác tối ưu hơn.

Dự án định nghĩa mình là một blockchain 3.0, trong khi đó Bitcoin là blockchain 1.0 và Ethereum là blockchain 2.0. Cardano tập trung mạnh vào tính bền vững, khả năng mở rộng và tính minh bạch. Hứa hẹn là một môi trường an toàn và đáng tin cậy cho các ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi) hoạt động.

Không chỉ tập trung vào mảng tài chính, trong tương lai, blockchain Cardano hứa hẹn sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn nữa trong thực tế, cụ thể mạng lưới sẽ là môi trường thích hợp để phục vụ cho nhiều mảng, điển hình như:

  • Giáo dục: Cardano mang đến giải pháp xác thực ID và thông tin, giúp bảo vệ các chứng chỉ học tập trong một hệ sinh thái chống giả mạo.
  • Định danh kỹ thuật số: Cardno cũng cung cấp khả năng định danh kỹ thuật số cho các công dân ở các nước đang phát triển và không có ngân hàng của Châu Phi và Châu Á. Vào năm 2019, nhóm Cardano đã bắt đầu hợp tác với 54 quốc gia để xây dựng các công cụ quản trị blockchain.
  • Nông nghiệp: Trong lĩnh vực nông nghiệp, Cardano blockchain được sử dụng để chứng nhận sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.
  • Chăm sóc sức khỏe: Các giải pháp của Cardno có thể được dùng để xác thực và xác minh nguồn gốc cũng như chuỗi cung ứng của các sản phẩm dược phẩm, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trên toàn thế giới.

Đội ngũ phát triển của Cardano là ai?

Một trong các nhà đồng sáng lập của Ethereum cũng chính là nhà sáng lập của Cardano chính là Charles Hoskinson. Sau gần 2 năm nghiên cứu, Charles Hoskinson đã chính thức công bố nền tảng blockchain “thế hệ thứ 3” – Cardano đến với cộng đồng vào tháng 09/2017.

Đồng hành với Charles Hoskinson trên hành trình phát triển của Cardano là một nhóm bao gồm các kỹ sư, nhà toán học, nhà khoa học và các chuyên gia kinh doanh đa ngành đến từ công ty công nghệ Input Output Hong Kong (IOHK). Bên cạnh đó, chặng đường này còn có sự góp mặt của Cardano Foundation – Cơ quan tiêu chuẩn độc lập và EMURGO – Công ty chuyên cung cấp các giải pháp cho các nền tảng blockchain.

Nếu đội ngũ đến từ IOHK chịu trách nhiệm xử lý các hoạt động phát triển giao thức tại nền tảng thì EMURGO đảm đương vai trò phát triển kinh doanh và thực hiện đầu tư cho các dự án được xây dựng trên Cardano blockchain.

Trong khi đó, Cardano Foundation được giao nhiệm vụ giám sát dự án, hỗ trợ cộng đồng người sở hữu ADA coin, tham gia trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan tới pháp lý và thương mại.

Blockchain Cardano hoạt động như thế nào?

Các hạn chế như phí gas, thời gian xác minh giao dịch, mức độ tương tác,.. còn tồn đọng ở nền tảng blockchain 1.0 và 2.0, đều có chung xuất phát điểm chính là thông lượng.

Khi càng có nhiều người tham gia vào nền tảng thì mặc nhiên số lượng giao dịch sẽ càng lớn. Song, thông lượng của các dự án blockchain thế hệ trước không đủ để xử lý giao dịch một cách nhanh chóng. Điều này vô hình trung dẫn đến tình trạng tắc nghẽn mạng ngày càng nghiêm trọng.

Nhìn nhận được vấn đề, đội ngũ phát triển Cardano đã quyết định sử dụng cơ chế đồng thuận PoS (Proof of Stake) có tên là Ouroboros, thay vì PoW (Proof of Work). Việc ứng dụng thuật toán này giúp quá trình giành quyền Verify Transaction (xác minh giao dịch) diễn ra nhanh chóng với mức phí thấp hơn so với Bitcoin và Ethereum. Cụ thể quá trình diễn ra như sau:

  • Hệ thống mạng được duy trì tính bảo mật bởi hàng ngàn node trên khắp thế giới. Để trở thành validator (người xác thực), người tham gia cần stake một lượng ADA nhất định.
  • Khi giao dịch xuất hiện, hệ thống sẽ chọn ngẫu nhiên một node tham gia xác thực giao dịch. Node có số lượng ADA stake càng lớn thì cơ hội được chọn để tham gia quá trình xác thực giao dịch sẽ càng cao.
  • Ngay khi quá trình xác thực được hoàn tất, node tham gia sẽ nhận được ADA coin như một phần thưởng. Trong trường hợp, node được chọn không thực hiện xác minh giao dịch thì sẽ mất quyền tạo ra block mới và phải đợi đến phiên khác.

Đặc điểm nổi bật của Cardano

Cardano là một trong các dự án blockchain “thế hệ thứ 3” được giới đầu tư crypto đặt rất nhiều kỳ vọng. Lý do xuất phát từ 6 đặc điểm nổi bật sau đây.

1. Mạng lưới Cardano được kiểm chứng dựa trên khoa học

Điểm nổi bật của Cardano là triết lý học thuật và khoa học đằng sau nó. Nhóm phát triển Cardano đã xuất bản hơn 90 cuốn whitepaper cho công nghệ cơ bản. Các công nghệ tiên tiến nhất mà Cardano áp dụng đều được các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu tại các đại học lớn đánh giá và công nhận.

2. Cấu trúc mạng gồm 2 lớp

Blockchain lớn đầu tiên có cấu trúc 2 lớp riêng biệt, bao gồm:

  • Lớp CSL (lớp giải quyết), nơi chứa sổ cái các tài khoản, số dư và các giao dịch được xác thực bởi cơ chế đồng thuận Ouroboros.
  • Và lớp CCL (lớp điện toán), nơi các ứng dụng chạy trên blockchain được thực thi thông qua các hoạt động của hợp đồng thông minh.

Việc phân chia lớp giúp tăng khả năng mở rộng, tăng bảo mật và tính linh hoạt của mạng lưới.

3. Sử dụng Ouroboros và Proof of Stake

Cardano là blockchain đầu tiên triển khai Ouroboros. Ouroboros cho phép phân cấp mạng Cardano và cho phép mở rộng quy mô bền vững mà không ảnh hưởng đến tính bảo mật.

  • Bảo mật cao: Cardano giúp bất kỳ bên nào không quen biết nhau (giữa họ không có bất cứ một điểm gì để họ tin tưởng lẫn nhau) có thể tương tác và giao dịch một cách an toàn nhất. Thông qua Ouroboros, Cardano chứng minh là an toàn trước mọi nhân tố xấu muốn tấn công vào mạng lưới.
  • Khả năng mở rộng cao và bền vững với môi trường: Ouroboros giảm chi phí năng lượng hơn so với PoW bởi không yêu cầu validator phải sở hữu máy tính có cấu hình cao, số lượng máy lớn tiêu tốn nguồn năng lượng để có cơ hội xác thực giao dịch và thêm khối mới. Với mạng Cardano, Validator chỉ cần sở hữu một máy tính có cấu hình ổn và stake một lượng ADA nhất định là đã có quyền tham gia tạo khối mới.

4. Khuyến khích người dùng tham gia vào mạng lưới

Cardano là một dự án mã nguồn mở. Để đảm bảo mạng luôn hoạt động ổn định và bền vững, Cardano có cơ chế khuyến khích thưởng cho người dùng hấp dẫn.

  • Người nắm giữ ADA có thể stake lượng ADA của mình để trở thành validator để kiếm thêm phần thưởng nếu xác thực giao dịch thành công. Những người có lượng ADA ít hơn, có thể ủy quyền ADA hiện có vào các node validator đang hoạt động tốt. Nếu họ nhận được phần thưởng khối, họ cũng sẽ chia sẻ cho bạn.
  • Bên cạnh đó, hệ thống quản trị của Cardano tạo cơ hội cho mọi người đều có quyền cất lên tiếng nói của mình. Bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào có trong tay đồng token ADA đều có thể tham gia đề xuất và bỏ phiếu cho các hoạt động quản trị mạng. Và ngay khi đề xuất nhận được đa số biểu quyết thì nền tảng sẽ ngay lập tức được cập nhật theo đề xuất đó.

5. Ngôn ngữ lập trình Haskell thân thiện

Các nhà phát triển có thể tận dụng các đoạn mã ngắn, mã có sẵn trong kho dữ liệu của ngôn ngữ lập trình Haskell để viết smart contract, xây dựng và phát triển các dự án mà không cần phải mất quá nhiều thời gian để build (xây dựng) từ đầu hoặc debug (sửa lỗi). Haskell cũng được đánh giá là ngôn ngữ lập trình an toàn nhất hiện nay.

So sánh Cardano và Ethereum

Lộ trình phát triển của Cardano

Lộ trình phát triển của Cardano vốn đã được hoạch định rất chi tiết ngay từ những ngày đầu, cụ thể như sau:

  • Byron – giai đoạn khởi đầu, phát hành đồng ADA và phát triển cộng đồng.
  • Shelley – giai đoạn biến Cardano trở thành mạng lưới phi tập trung.
  • Goguen – bắt đầu triển khai smart contract và khuyến khích các nhà phát triển xây dựng các dApp trên Cardano.
  • Bosho – tập trung về tối ưu khả năng mở rộng mạng lưới và khả năng tương tác với các blockchain khác trên Cardano.
  • Voltaire – chuyển giao quyền quản trị mạng lưới cho cộng đồng.

Tính đến đầu năm 2023, chúng ta đang ở kỷ nguyên Bosho. Để giải quyết khả năng mở rộng, cải thiện tốc độ của mạng lưới, Caradno đưa ra nhiều giải pháp như sidechain, Hydra heads, Off-chain Computing, Mithril…

ADA coin là gì? Thông tin chi tiết về ADA coin

ADA coin là đồng tiền điện tử chính thức của nền tảng Cardano. Nó bắt đầu ICO vào năm 2016 nhưng phải đến 2017, đồng tiền kỹ thuật số này mới chính thức được niêm yết trên sàn giao dịch với đơn vị nhỏ nhất là lovelace (1 ADA = 105 lovelace).

Thông tin chi tiết về đồng ADA

  • Tên: Cardano.
  • Ticker: ADA.
  • Blockchain: Cardano.
  • Tiêu chuẩn: Coin.
  • Tổng nguồn cung: 35.285.627.462 ADA.
  • Số lượng token đang lưu hành tại thời điểm viết bài (1/2023): 34.503.744.627 ADA.
Đồng ADA

ADA coin dùng để làm gì?

Tương tự như nhiệm vụ của ETH đối với Ethereum, ADA coin được dùng để:

  • Chuyển tiền ngang hàng nhanh chóng trên mạng ngang hàng Cardano.
  • Thanh toán phí giao dịch, phí smart contract trên Cardano
  • Stake để trở thành người xác thực giao dịch (validator). Hoặc người dùng cũng có thể stake vào các node validator để có cơ hội nhận phần thưởng khi validator tạo ra block mới.
  • Phần thưởng cho các node khi tham gia xác thực giao dịch.
  • Chủ sở hữu đồng ADA có thể tham gia đề xuất và bỏ phiếu cho các sửa đổi và cập nhật của nền tảng.

Ưu, nhược điểm khi đầu tư vào ADA coin

Đồng coin ADA thuộc dự án Cardano có thể sẽ là một khoản đầu tư dài hạn với những ai đang đặt niềm tin vào Charles Hoskinson và tương lai của Cardano. Song với những ai muốn đầu tư ADA coin trong thời gian ngắn cần cân nhắc.

1. Ưu điểm

Các ưu điểm nổi bật của ADA coin có thể kể đến như:

  • Tính thanh khoản cao: ADA coin được niêm yết trên hầu hết các sàn giao dịch uy tín trên thị trường. Người dùng có thể mua bán ADA coin một cách dễ dàng.
  • Rủi ro lạm phát thấp: Nguyên nhân là bởi mức giới hạn của tổng nguồn cung.
  • Blockchain ít tốn năng lượng: Với cơ chế hoạt động của PoS Ouroboros, giúp tiêu tốn năng lượng ít hơn, thời gian giao dịch nhanh hơn trong khi vẫn đảm bảo được tính bảo mật giữa các node. Số lượng staking chiếm 70% cung lưu thông cho thấy cộng đồng đang rất tin tưởng vào tương lai của Cardano.
  • Đội ngũ xây dựng và phát triển Cardano uy tín: Họ đều là những cá nhân và tổ chức uy tín, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực.
  • Hệ sinh thái Cardano đang ngày càng mở rộng: Vào tháng 5/2021, chỉ có khoảng 50 dự án. Tuy nhiên, ngay sau khi hoàn thiện smartcontract, thì tính đến tháng 12/2022, nền tảng sở hữu hơn 200 dự án phủ rộng ở nhiều mảng khác nhau, từ DeFi, Lending, Stable, NFT..

2. Nhược điểm

Không thể phủ nhận Cardano đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhất định. Một số nhược điểm của nền tảng đang dần bộc lộ như:

  • Cardano không có EVM (Ethereum Virtual Machine): EVM là nền tảng được dùng để viết smart contract phổ biến trên thị trường hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc các dev không thể thực hiện sao chép và sử dụng các ứng dụng được phát triển trên Cardano tại những nền tảng khác.
  • Cardano phát triển khá chậm: So với các dự án khác, Cardano được cho là đi khá chậm. Cụ thể phải cho đến 2022, đội ngũ phát triển dự án mới bắt đầu rục rịch cho ra kế hoạch phát triển các ứng dụng DeFi, CNFT. Tuy nhiên, ngay sau khi sàn DEX đầu tiên của Cardano – Sundae Swap ra mắt thì lại liên tục gặp vấn đề, từ tắc nghẽn mạng cho đến lỗi giao dịch, lỗi nền tảng chỉ sau 1 ngày ra mặt testnet.
  • Các kế hoạch đề ra đều không thành công: Điển hình như trong năm 2022, các kế hoạch như hình thành cấu trúc dự án mã nguồn mở giống Hyperledger cho Linus, phát triển hệ thống điều hành tài chính tại Châu Phi, tạo ra một giao dịch tài chính vi mô từ đầu đến cuối trên Cardano… đều gặp vấn đề khi thị trường crypto đối mặt với giai đoạn khủng hoảng trầm trọng.

Ví lưu trữ ADA coin

Cardano đã thiết kế ví lưu trữ riêng cho ADA coin có tên là Daedalus Wallet. Chiếc ví này cho phép người dùng lưu trữ, quản lý đồng ADA một cách dễ dàng với độ an toàn cao. Đặc biệt, người dùng có toàn quyền kiểm soát tài sản của mình mà không cần phải chi trả bất kỳ khoản phí giao dịch ADA coin nào, bởi Daedalus không có chính sách giữ Private Key của người dùng.

Hiện, ví Daedalus đã có mặt trên cả 3 hệ điều hành: Windows, MacOS, Linux. Theo chia sẻ của đội ngũ phát triển, Daedalus sẽ cho ra mắt phiên bản hỗ trợ hệ điều hành Andoid, iOS trong tương lai gần nhất.

Ngoài ra, nếu muốn lưu trữ ADA coin an toàn, bạn cũng có thể tham khảo top 9 chiếc ví sau đây:

  • Ledger
  • Trezor
  • Trust Wallet
  • MetaMask
  • Binance Chain Wallet
  • Math Wallet
  • Exodus
  • Safepal
  • Atomic

Kết luận

Không phủ nhận Cardano là một dự án blockchain nghiêm túc, công nghệ đột phá, có hướng đi rõ ràng và không ngừng hoàn thiện bởi đội ngũ phát triển hàng đầu. Tuy nhiên, những cam kết về lộ trình phát triển của Cardano từ phía Charles Hoskinson đang dần mất đi “trọng lượng”. Các hạn chế của dự án liên tiếp được bộc lộ. Hy vọng thông qua bài viết bạn đã nắm được tổng quan dự án Cardano, hiểu ADA coin là gì và có phương án đầu tư hiệu quả nhất.

>>> Có thể bạn quan tâm:

Ethereum là gì? Tất tần tật những hiểu biết về đồng ETH