Polyp trực tràng là dạng khối u lồi trong trực tràng có nhiều kích thước khác nhau, có thể lên tới vài centimet. Kích thước polyp càng lớn thì nguy cơ ác tính càng cao. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều đối tượng; trong đó đặc biệt ở những người béo phì; lạm dụng bia rượu, bị đái tháo đường,…
Polyp trực tràng là gì?
Trực tràng là bộ phận/ vị trí nằm giữa đại tràng và ống hậu môn; đóng vai trò không nhỏ trong việc vận chuyển và loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Polyp trực tràng là tình trạng xuất hiện một hoặc nhiều khối u xuất hiện trong lòng trực tràng; thường là ở vị trí phía cuối ruột già. Khối mô polyp thường có hình dáng cây nấm bám vào màng nhầy trực tràng bằng một đoạn “cuống”.
Polyp đại trực tràng nói chung có 2 dạng: không cuống (polyp phẳng) và có cuống, trong đó loại không cuống có độ phổ biến hơn. Có 2 dạng polyp khác nhau với mức độ nguy hiểm cũng khác nhau là polyp tuyến (polyp phát triển bất thường) và polyp không phải dạng tuyến (không phát triển bất thường). Theo đó có thể phân chia các loại polyp trực tràng hay gặp như sau:
-
- U tuyến ống: Cấu trúc tế bào lúc này vẫn còn giữ được cấu trúc bình thường theo dạng ống. U tuyến ống chiếm khoảng 70% trường hợp, là loại polyp phổ biến nhất.
-
- Polyp tăng sản: Là một polyp không phải dạng tuyến. Polyp tăng sản thường có kích thước nhỏ. Trong các loại polyp, loại polyp này có nguy cơ thấp chuyển thành ung thư nên người bệnh không cần quá lo lắng khi gặp phải.
-
- Polyp răng cưa: Đây là loại polyp nhỏ (thường dưới 5mm), hình dạng tròn và không có cuống. Polyp răng cưa khó phát hiện, là một loại u tuyến nguy hiểm và được coi là nguy cơ tiền ung thư. Tùy vào kích thước, dạng mô bệnh học và mức độ loạn sản lúc được phát hiện của polyp mà các khối u có nguy cơ ác tính khác nhau.
-
- Polyp viêm: Thường xảy ra ở người bệnh bị viêm ruột. Đây không phải là một loại polyp thật sự mà thực chất là một phản ứng với tình trạng viêm mạn tính ở trực tràng. thường xuất hiện ở người bệnh viêm đại tràng thể loét mạn tính hoặc người bị bệnh Crohn của đại trực tràng.
-
- U tuyến ống nhánh: Có khoảng 5-15% người bệnh mắc phải loại polyp này và là hỗn hợp của hai loại trên. Polyp có kích thước thay đổi, có cuống hoặc không có cuống và có nguy cơ ung thư hóa thấp.
Ai có nguy cơ mắc polyp trực tràng?
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển polyp đại tràng. Nếu bạn hoặc người thân có một hoặc nhiều các yếu tố dưới đây thì cần chú ý hơn:
- Người trên 50 tuổi
- Người bị thừa cân, béo phì
- Có tiền sử gia đình mắc polyp hoặc ung thư đại trực tràng(1)
- Từng có polyp trong quá khứ
- Phụ nữ bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư tử cung trước 50 tuổi
- Có tình trạng viêm ảnh hưởng đến đại tràng, chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng
- Mắc bệnh tiểu đường
- Mắc chứng rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng Lynch hoặc hội chứng Gardner
Ngoài các nguy cơ trên, có một số hành vi lối sống có thể góp phần vào sự phát triển của polyp trực tràng gồm:
- Hay hút thuốc
- Uống rượu thường xuyên
- Có lối sống ít vận động
- Chế độ ăn nhiều chất béo, dầu mỡ; ít chất xơ
Triệu chứng polyp trực tràng
Phần lớn polyp trực tràng không có triệu chứng, điều này gây không ít khó khăn cho việc nhận biết bệnh sớm. Người bệnh chỉ thường phát hiện khi đi soi đại tràng. Nếu bệnh tiến triển tới giai đoạn muộn thì người bệnh có thể xảy ra nhiều triệu chứng như đi ngoài có máu, sa ra ngoài khi đi tiêu, hoặc tắc ruột.(3)
Nguyên nhân polyp trực tràng
Polyp đại trực tràng là một khối tế bào nhỏ hình thành trên niêm mạc đại tràng, hình thành do sự tăng sinh quá mức/ bất thường của niêm mạc. Nguyên nhân cụ thể hình thành nên polyp trực tràng vẫn chưa được biết. Phần lớn các polyp đại trực tràng là vô hại. Nhưng theo thời gian, một số polyp có thể phát triển thành ung thư, gây tử vong khi phát hiện ở giai đoạn muộn.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh polyp trực tràng nhất là với những người có yếu tố nguy cơ kể trên.
Phương pháp chẩn đoán polyp trực tràng
Để chẩn đoán phát hiện tổn thương do polyp trực tràng hay các dấu hiệu của ung thư trực tràng, ngoài việc thăm khám, hỏi thăm bệnh sử thì người bệnh có thể được chỉ định một số phương pháp dưới đây:
-
- Nội soi: Phương pháp chẩn đoán chính, mang độ chính xác cao đối với polyp trực tràng là nội soi. Nội soi giúp xác định các tổn thương đang có ở trực tràng, có thể thực hiện bằng ống soi cứng hoặc mềm. Phương pháp này còn giúp lấy mô mẫu để quan sát và sinh thiết để kiểm tra nguy cơ đó là u lành tính hay ác tính trong trường hợp cần thiết.(4)
-
- Xét nghiệm máu trong phân: Trong giai đoạn đầu ung thư trực tràng, người bệnh có thể gặp phải tình trạng đại tiện kèm máu. Xét nghiệm máu trong phân khi bị polyp trực tràng mang tới kết quả chính xác hơn so với việc quan sát bằng mắt thường.
-
- Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ)/ chụp CT (chụp cắt lớp): Tùy theo chỉ định của bác sĩ mà người bệnh sẽ cần chụp MRi hoặc chụp CT. Thông thường phương pháp này được áp dụng với những bệnh nhân không thể nội soi nhằm xác định mức độ ung thư trực tràng sau khi đã có kết quả chẩn đoán.
Polyp trực tràng có nguy hiểm không?
Mặc dù đa số polyp trực tràng là lành tính nhưng vẫn có một số trường hợp có khả năng trở thành ác tính (ung thư). Vì vậy, một người càng xuất hiện nhiều polyp trực tràng hoặc có một vài polyp nhưng với kích thước lớn càng cần phải lưu tâm, cảnh giác, không được chủ quan, bởi vì, rất có thể diễn biến thành ung thư bất cứ lúc nào.
Điều trị polyp trực tràng
Cách tốt nhất để điều trị polyp đại tràng là loại bỏ chúng. Bác sĩ có thể sẽ cắt bỏ hoàn toàn polyp trong quá trình nội soi.
Các polyp sau đó được gửi đi làm xét nghiệm mô bệnh học xem đó là loại polyp nào và có tế bào ung thư nào không. Trong phần lớn trường hợp, các bác sĩ thường có thể loại bỏ polyp mà không cần thực hiện phẫu thuật. Thao tác này được thực hiện kết hợp trong quá trình nội soi chẩn đoán – là thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ polyp nếu đó là loại polyp lớn và không thể cắt bỏ khi nội soi.
Sau khi loại bỏ polyp, việc điều trị vẫn chưa thật sự kết thúc. Polyp vẫn có nguy cơ hình thành trở lại; do đó người bệnh vẫn cần phải nội soi trực tràng định kỳ (thời gian định kỳ tùy theo số lượng, kích thước và loại polyp đã cắt bỏ trước đó) để có thể phát hiện sớm nếu có polyp tái phát.(2)
Các biện pháp phòng ngừa polyp trực tràng
Để giảm nguy cơ bị polyp trực tràng cũng như để phòng ngừa bệnh tiến triển nặng, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là điều cần thiết. Song song đó thì xây dựng thói quen lành mạnh cũng là điều cần có để đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Muốn như thế chúng ta nên:
- Tăng cường chất xơ thể rau xanh, trái cây, các loại hạt vào chế độ ăn uống
- Nên hạn chế bia rượu, thuốc lá
- Bổ sung vitamin D, canxi theo chỉ định của bác sĩ
- Tập thể dục thể thao đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Giữ tinh thần thoải mái, không nên chịu áp lực/ stress trong thời gian dài
- Sinh hoạt theo giờ giấc ổn định để góp phần tránh gây rối loạn tiêu hóa
- Thăm khám định kỳ nếu gia đình có tiền sử bị polyp trực tràng
Nếu nói về thuốc để phòng ngừa, aspirin và thuốc ức chế COX-2 có thể được dùng đến để ngăn ngừa hình thành polyp mới ở những người đã từng bị. Việc dùng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để tránh dẫn tới việc lạm dụng, dễ gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị y tế uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc phải các vấn đề về tiêu hóa từ nhẹ đến nặng. Trung tâm quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội – Ngoại – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh về gan với các chuyên gia tại Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin Quý khách vui lòng liên hệ:
Polyp trực tràng có thể là u lành tính hoặc ác tính, là vấn đề tiêu hóa có thể gặp phải ở mọi đối tượng. Dù là loại polyp nào thì người bệnh cũng cần loại bỏ khi gặp phải. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ tiến triển thành ung thư. Để có kết quả thăm khám, điều trị hiệu quả, ít tốn kém về thời gian thì người bệnh nên tìm đến những cơ sở y tế uy tín có trình độ bác sĩ có chuyên môn cao.