Đọt Chuối Non

Miscommunication là gì

Chào các bạn,

Miscommunication có từ gần nhất trong tiếng Việt là “hiểu lầm”. Tuy vậy, miscommunication còn có nhiều nghĩa rộng rãi hơn nhiều. Nó có thể là nói nhầm, vô tình nói sai, cố tình nói sai, nghe nhầm, nghe đúng nhưng vô tình hiểu sai, nghe đúng nhưng cố tình hiểu sai… Nói chung là miscommunication có nghĩa là nói với nhau nhưng “ông nói gà, bà hiểu vịt.”

Mình nhận ra rằng, với cuộc cách mạng thông tin từ bốn thập kỷ nay, thì con người càng ngày càng gia tăng vận tốc truyền thông, càng thông tin với nhau nhiều, số lượng thông tin mà một người nhận và chuyển đi mỗi ngày càng nhiều, ngay cả vận tốc nói/viết của mỗi người cũng càng ngày càng nhanh… và miscommunication cũng càng ngày càng nhiều.

Có hai nguồn của miscomunication. Thứ nhất là số lượng: communication càng nhiều thì đương nhiên cơ hội cho miscommunication cũng càng nhiều. Thứ hai là phẩm chất: chúng ta càng ngày càng nói nhiều, viết nhiều, đọc nhiều, nghe nhiều… và do đó mọi thứ đều làm với vận tốc càng nhanh hơn, và do đó dễ bị sai sót hơn – nói sai, viết sai, đọc sai, nghe sai.

Chính vì vậy là communication bây giờ khó hơn là cách đây vài chục năm. Máy móc giúp communication tiện hơn, nhưng chẳng làm cho nó dễ hơn, và có lẽ là làm cho phức tạp và khó khăn hơn.

Cách đây ba mươi năm, mỗi lần phải giảng điều gì cho một luật sư mới ra trường, mình đã mệt ná thở. Bày giờ giảng điều gì cho một luật sư mới ra trường thì mệt hơn vậy cả chục lần. Tốt hơn cả là chẳng nói gì nhiều, chỉ giao việc lặt vặt cho làm để các cô cậu mỗi ngày học thêm một chút. Không giảng ngay một lần được.

Đây có lẽ là vấn để cực kỳ lớn và khó khăn cho quản lý và lãnh đạo – làm thế nào để mọi người đều có thể hiểu đúng 100% điều mình nói và muốn mọi người hiểu?

Điều mình muốn nói với các bạn là hãy quan tâm đến communication. Vài mươi năm trước người ta đã nói 80 phần trăm những vấn đề của một công ty là communication. Ngày nay mình thấy 98%, nếu không là 100%, vấn đề của một công ty là communication.

Cực kỳ khó để cho mọi người không hiểu sai ý mình. Hầu như nói điều gì cũng có cả lô người hiểu sai – chỉ vì họ không chịu đọc kỹ email mình gửi, dù mình đã đọc đi đọc lại mấy lần trước khi gửi. Nhưng đó là lỗi cả hai bên – mình tưởng mình đã viết kỹ và đọc lại kỹ, và người đọc tưởng là họ đã đọc kỹ và hiểu kỹ.

Mình chẳng biết cách nào để giải quyết, ngoại trừ mình chậm hơn, cẩn thận hơn, suy nghĩ kỹ hơn, khi viết hay nói. Và thường khi phải lặp đi lặp lại điều mình nói/viết nhiều lần.

Đây là vài ví dụ mới tức thì đây về communication trên bình diện lớn. Khi Taliban ở Afghanistan đã tiến đánh và thắng vùn vụt trong vùng quê bắc Afghanistan và đã chiếm được 2 thành phố lớn ở vùng đó, một vị tướng của Mỹ báo động là coi chừng Afghanistan sẽ bị nội chiến – A, ông ơi, Afghanistan đã có nội chiến rồi và Taliban đang thắng thế vùn vụt. Gần đây, CIA (Cơ quan tình báo trung ương) của Mỹ có thông tin là Afghanistan có thể lọt vào tay Taliban trong vòng 3 tháng (tức là 90 ngày). A, chỉ 4, 5 ngày sau thì Taliban chiếm trọn Afghanstan và tổng thống chạy trốn (hiện nay đang tị nạn ở UEA). Và tổng thống Mỹ chới với như bị một viên đá trên trời rơi xuống ngay đỉnh đầu.

Nói thế chẳng phải là để phê bình chính phủ Mỹ, mà là để các bạn nhận thấy vấn đề mis/communication lớn đến thế nào, và hệ trọng thế nào cho thế giới. Làm thế nào mà cả tướng lĩnh, cơ quan tình báo, và tổng thống có thể sai lầm về thông tin đến vậy – sai lầm về những thông tin mà những người theo dõi và đọc Internet thường xuyên (như mình) nắm được rất chính xác mỗi ngày?

Các bạn suy nghĩ về câu hỏi đó để thấm nhuần được tính hệ trọng của vấn đề, cho chính bạn và cho thế giới.

Chúc các bạn luôn communicate tốt.

Mến,

Hoành

© copyright 2021 Trần Đình Hoành Permitted for non-commercial usewww.dotchuoinon.com