Luật tục hay còn có cách gọi khác là tập quán pháp, luật lệ, lệ tục, phong tục, hương ước…, đây chính là một hệ thống bao gồm các phép tắc, phép xử sự được áp dụng rộng rãi trong một cộng đồng người. Vậy dưới góc độ pháp lý luật tục được hiểu như thế nào? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
1. Luật tục là gì?
– Theo PGS.TS Ngô Đức Thịnh (Viện trưởng viện nghiên cứu văn hóa dân gian) đã khái quát về luật tục như sau: “Luật tục là một hình thức của tri thức bản địa, được hình thành trong lịch sử lâu dài qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường và xã hội, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và truyền từ đời này sang đời khác bằng trí nhớ qua thực hành sản xuất và thực hành xã hội. Nó hướng đến việc hướng dẫn quan hệ xã hội, quan hệ con người với thiên nhiên. Những chuẩn mực ấy được cả cộng đồng thừa nhận và thực hiện, nhờ đó đã tạo ra sự thống nhất và cân bằng trong mỗi cộng đồng. “
– Nhà dân tộc học, PGS.TS Vương Xuân Tình cho rằng: “Luật tục, với ý nghĩa là tri thức dân gian về quản lý cộng đồng có vai trò lớn trong xã hội, nhất là xã hội tiền giai cấp. Luật tục, có thể là thành văn hay bất thành văn, có thể được định danh khác nhau như hương ước (ở người Việt), tập quán (một số vùng dân tộc Tây Nguyên) hay quy ước (nhiều dân tộc tại miền núi phía Bắc), nhưng đều hàm chứa những quy định liên quan tới nhiều mặt của đời sống và buộc các thành viên phải tuân theo.”
– Theo từ điển Luật học thì luật tục là “Những quy tắc xử sự mang tính chất bắt buộc do các cộng đồng làng xã xây dựng nên và được truyền từ đời này sang đời khác. Luật tục có thể tồn tại bằng truyền miệng hoặc được ghi thành văn bản. Văn bản luật tục có thể tồn tại dưới hình thức đơn giản như “hương ước” nhưng cũng có thể xây dựng dưới dạng bộ luật”. Luật tục là phong tục tập quán của một cộng đồng, được hình thành và phát triển trong một cộng đồng dân cư và được cộng đồng đó chấp nhận, tuân theo trong quan hệ với nhau. Hiện nay tại Việt Nam luật tục vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Có nhiều ý kiến cho rằng luật tục về căn bản đã nhường bước cho luật bất thành văn tuy nhiên những phong tục, tập quán tốt đẹp của Việt Nam vẫn được duy trì và vận dụng một cách phù hợp vào xã hội mới.
2. Đặc điểm của luật tục:
– Thứ nhất, Luật tục phản ánh ý chí chung của cộng đồng và là một công trình lập tục tập thể của cả cộng đồng được chọn lọc, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Luật tục còn là hệ thống các quy phạm trên cơ sở quan niệm đạo đức xã hội. Luật tục được tạo ra dựa trên tinh thần là đưa ra những quy phạm để giải quyết có lý những mâu thuẫn với mục đích răn đe, giáo dục. Luật tục hướng con người đến những điều tốt đẹp không gian dối, không làm điều tà ác, mang tính khuyên răn, giáo dục.
– Thứ hai, Luật tục được đảm bảo thực hiện bởi sức mạnh của cộng đồng dân cư, bằng sự tự giác của mỗi người và có khi là bằng những thói quen hàng ngày. Cộng đồng đóng vai trò hướng dẫn và cưỡng chế các thành viên ứng xử theo đúng chuẩn mực của luật tục. CỘng đồng cũng đóng vai trò cổ vũ, khích lệ các thành viên làm theo quy định của luật tục.
– Thứ ba, Luật tục có phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát toàn bộ các lĩnh vực quan hệ trong cộng đồng xã hội. Dựa vào tính chất, đặc điểm của những quan hệ xã hội điều chỉnh có thể phân thành những nhóm được luật tục điều chỉnh như sau: Lĩnh vực ổn định trật tự an ninh, và đảm bảo lợi ích cộng đồng, lĩnh vực tổ chức và quản lý cộng đồng; Lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình; lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; bảo vệ sản xuất môi trường; lĩnh vực giáo dục và duy trì nếp sống văn hóa, tín ngưỡng.
– Thứ tư, Luật tục có tác dụng răn đe, giáo dục, ngăn ngừa những người có hành vi vi phạm luật tục. trong nhiều trường hợp luật tục cũng bị chi phối bởi mặt tín ngưỡng, thần linh.
3. Các giá trị của luật tục từ góc nhìn pháp lý?
3.1. Luật tục được xem xét trong mối tương quan với vị trí vai trò của pháp luật:
– Luật tục duy trì trật tự xã hội mà ở đó các giai cấp và các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau đấu tranh để cùng tồn tại nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển của xã hội. Có thể nói pháp luật là công cụ điều chỉnh và điều hòa các quan hệ xã hội có sự phân chia giai cấp và những lợi ích khác biệt nhau. Đây là giá trị xã hội lớn nhất của pháp luật.
– Xã hội ngày càng phát triển thì vai trò của pháp luật ngày càng được nâng cao. Bởi pháp luật có vai trò điều chỉnh, điều hòa các mối quan hệ xã hội. Pháp luật của chúng ta là pháp luật của dân, do dân và vì dân do vậy pháp luật được thực hiện đầu tiên và chủ yếu là dựa trên tinh thần tự giác. Tuy nhiên, trên thực tế không phải bất kì một quy định của pháp luật nào ban hành cũng đều được thực hiện. Mặc dù pháp luật luôn mang tính thống nhất nhưng trên thực tế, với sự phát triển của xã hội trong phạm vi từng vùng, từng địa phương, từng dân tộc thì pháp luật lại không được đồng đều về nhiều mặt. Chính vì thế không phải trong trường hợp nào pháp luật cũng có hiệu lực như nhau ở các phạm vi lãnh thổ khác nhau với những điều kiện khác nhau.
– Luật tục, ở một phạm vi nhất định nào đó cũng có vai trò, giá trị xã hội quan trọng như pháp luật, nó điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, duy trì sự ổn định trật tự của cộng đồng và đảm bảo cho sự phát triển, tồn tại của cộng đồng dân cư
– Lục tục cũng có tính phổ biến, tính quy phạm và tính cưỡng chế giống pháp luật. Tuy nhiên các tính chất này của luật tục lại không đồng nhất với nhau, thể hiện trình độ khác nhau.
– Xét về mặt hình thức thì luật tục được lưu truyền chủ yếu bằng lời nói, nói vần được truyền miệng từ đời này sang đời khác như Luật tục Ê đê, M` nông,.. các hoạt động xã hội có kết cấu đơn giản, dễ hiểu. Pháp luật có kết cấu logic, chặt chẽ với những hình thức trình tự thủ tục ban hành nghiêm ngặt, là một hệ thống lý luận phản ánh bản chất của hiện tượng và được thể hiện dưới hình thức văn bản Nhà nước
3.2. Luật tục được xem xét trong các mối quan hệ với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của mỗi xã hội cụ thể:
– Những năm vừa qua, cùng với sự chuyển biến trong cơ cấu kinh tế, xã hội ở các vùng dân tộc, luật tục cũng có những biến đổi để phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội. Một số luật tục đã mất đi, một số khác đã bị biến đổi về nội dung hoặc hình thức và cũng bị giảm hiệu lực ở những mức độ nhất định.
– Sự tồn tại của luật tục mang tính khách quan và hiệu lực của luật tục cũng được đảm bảo tồn tại bởi sự phát triển kinh tế xã hội. Hay nói cách khác trong xã hội hiện nay luật tục đang tồn tại dựa trên những sự phát triển của điều kiện kinh tế – xã hội khách quan và các quan hệ xã hội phù hợp với sự điều chỉnh của luật tục.
3.3.Tiếp thu, kế thừa và phát huy các giá trị của luật tục như để phù hợp với điều kiện hiện nay của nước ta:
– Ở nước ta luật tục được tồn tại rất lâu đời. Và trong suốt quá trình tổn tại đó luật tục đã có rất nhiều thay đổi. Hiện nay cũng có rất ít các tài liệu nói về luật tục cũng như cách thức cai trị của chính quyền phong kiến đối với các dân tộc ít người. Trong đầu thập kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp đã tổ chức thu thập, hiệu chỉnh các luật tục của đồng bào Tây Nguyên, biên dịch thành sách phát hành trong các buôn làng.
– Ở một số nước, tập quán là một nguồn rất quan trọng của pháp luật (ví dụ như nước Anh ), Nhà nước xem xét các phong tục, tập quán, nếu thấy phù hợp với lợi ích chung của giai cấp thống trị và với tiến trình phát triển của xã hội thì Nhà nước thừa nhận và ghi nhận nó như là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật chung.
– Có thể nói quá trình tiếp thu, kế thừa và phát huy giá trị của luật tục là cả một quá trình lâu dài, phức tạp đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng một cơ chế sử dụng và cải biên luật tục một cách linh hoạt, có khả năng thích ứng cao trong những hoàn cảnh khác nhau.