Thanh cao Hồ Chí Minh

Thanh cao Hồ Chí Minh

Thanh cao là gì

Phong cách sống thanh cao của Hồ Chí Minh là một nét đẹp riêng biệt bắt nguồn từ truyền thống văn hóa của dân tộc, từ quê hương, gia đình Hồ Chí Minh và chính những phẩm chất riêng có của Người. Từ điển tiếng Việt định nghĩa thanh cao là trong sạch và cao thượng. Chúng tôi cho rằng định nghĩa này rất phù hợp để đánh giá về Hồ Chí Minh.

thanh cao ho chi minh Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh chụp ngày 15-5-1957). Ảnh tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Suốt đời sống vì mọi người

Trong những bài giảng tại lớp huấn luyện ở Quảng Châu, sau được in trong cuốn Đường Kách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhắc nhở mỗi người cách mạng phải giải quyết hài hòa 3 mối quan hệ: Với mình, với người và với công việc. Trong đó, Người xác định tự mình phải: “Cần, kiệm, liêm, chính” và cả cuộc đời Người đã sống như thế.

Đã từng phải làm tới gần 20 nghề, miễn là nghề lương thiện để sống và để hoạt động, đến khi đã trở thành một vị lãnh đạo có quyền lực và uy tín, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên chất người lao động cần cù, có kỷ luật, có trách nhiệm, tiết kiệm, liêm chính. Từ chuyện gói lại đồ ăn thừa để chuyển cho người nghèo khi làm phụ bếp ở nước Anh xa xôi, đến khi làm Chủ tịch nước ăn cơm nắm muối vừng đi công tác, hay dự bữa tiệc chiêu đãi sang trọng của lãnh đạo nước bạn, Người vẫn trân trọng từng người lao động và nâng niu từng sản phẩm do con người làm ra.

Người dành cả cuộc đời để lo giải phóng dân tộc, đấu tranh cho con người thoát khỏi áp bức, bất công. Người tâm sự: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo-là vì mục đích đó”. Là một lãnh tụ mà “lời nói luôn đi đôi với việc làm”, Người là tấm gương sáng về lòng “tận trung với nước, tận hiếu với dân” nhất quán, trước sau như một.

Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, hướng tới mục tiêu độc lập cho Tổ quốc, cơm no áo ấm cho đồng bào, Người đã vượt qua bao khó khăn, thử thách. Sự truy sát ráo riết và đe dọa của kẻ thù không làm Người nhụt chí. Trong lao tù của kẻ thù, lòng kiên trung bất khuất của Người, quyết tâm giải phóng dân tộc, mong muốn mang lại cơm no áo ấm cho đồng bào càng được bồi đắp thêm. Ngay cả khi bị cấp trên (Quốc tế Cộng sản) và cấp dưới chưa hiểu, Người vẫn trung trinh một niềm tin để đặt sự nghiệp của Đảng cao hơn cuộc sống cá nhân, để luôn sống và làm việc vì Đảng, như nhận xét của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Lê Hồng Phong.

Khi Tổ quốc được độc lập, Người “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào” không muốn “dính líu gì với vòng danh lợi” mà “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”…

Trong suốt những năm “phải gánh chức Chủ tịch vì đồng bào ủy thác”, tình yêu thương Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện hữu trong từng công việc. Dù ở đâu, làm gì, Người cũng chỉ nhằm một mục đích là “phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc”… để rồi trước lúc đi xa, về với “thế giới người hiền”, trong Di chúc thiêng liêng, Người tự vấn lòng mình và thấy rằng: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”…

Suốt đời yêu thương, quý trọng con người

Trong quá trình tìm đường cứu nước, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tiễn đấu tranh của các dân tộc, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận quan trọng: Trên đời này có hai hạng người: Người thiện và người ác; hai thứ việc: Việc chính và việc tà. Theo đó, tình yêu thương con người không thể chung chung, trừu tượng, mà thiết thực, cụ thể, trước hết dành cho người mất nước, người cùng khổ. Chính vì vậy, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu thương con người là không biên giới. Người lo cho dân tộc mình và lo cho tất cả những kiếp người trên hành tinh còn bị đày đọa, đau khổ, bởi vì: “Lọ là thân thích ruột rà/ Công nông thế giới đều là anh em”.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người để lại “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” và “gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.

Người ân cần nhắc nhở toàn Đảng phải tiếp tục chăm lo cho con người, trước hết là những người đã hy sinh một phần xương máu cho công cuộc kháng chiến, tiếp đến là cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ, là bà con nông dân, là thanh niên, phụ nữ… lo cho hiện tại, lo đào tạo cho tương lai. Ngay cả “với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Tình yêu thương con người được thể hiện rất cụ thể, từ việc lớn như lo giải phóng cho con người, khuyến khích: “Phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, và phần xấu bị mất dần đi”, đến việc chăm lo từng con người cụ thể, không chỉ: Lụa tặng cụ già, sữa tặng bà mẹ sinh ba, mà là từng bát cơm, manh áo, từ chỗ ở, việc làm để an cư lạc nghiệp đến chuyện tương cà mắm muối hằng ngày cho nhân dân.

Người lo cho toàn dân tộc và chăm lo cho từng chiến sĩ bảo vệ, phục vụ quanh Người. Vai trò của nhân dân được vô cùng trân trọng: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”. Người tôn trọng từ các nhà khoa học, các bậc hiền tài cho tới những người lao công, bởi theo Người, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau.

Suốt đời sống trong sạch

24 năm liên tục nắm giữ đỉnh cao quyền lực: Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, có thời kỳ dài là Chủ tịch Chính phủ, có thời kỳ kiêm chức Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam, Người luôn luôn giữ cho mình trong sạch, luôn giữ vững tư cách đạo đức.

Người suốt đời tránh xa những biểu hiện của đầu óc lãnh tụ, lúc nào cũng chỉ tâm niệm làm một người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào, làm tròn trọng trách nhân dân ủy thác, không chấp nhận sự đề cao, tung hô. Tháng 7-1969, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày kỷ niệm lớn của năm: Ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lê-nin và Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi biết tin này, Người đề nghị: “Bác chỉ đồng ý ba phần tư nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu học sinh đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”.

Đoàn đại biểu các nước đến thăm Việt Nam hay khi Bác đi công tác nước ngoài, Người thường được biếu các đồ lưu niệm. Những tặng phẩm đó, Bác đều chuyển cho Văn phòng vào sổ và bảo quản. Chính vì vậy, sau ngày Người qua đời, Văn phòng Phủ Chủ tịch đã bàn giao cho Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh hàng nghìn hiện vật là đồ tặng phẩm của Bác Hồ. Đi công tác các địa phương, Người thường từ chối nhận quà, cho dù đấy chỉ là yến gạo, bộ quần áo.

Năm 1959, đi công tác Liên Xô, trước ngày về nước, Bác đã viết thư và gửi trả lại 5.000 rúp do Đảng bạn tặng Bác và Thư ký Vũ Kỳ. Thực ra, đây không phải đặc quyền của riêng Bác Hồ, mà theo thông lệ hợp tác giữa các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, khi đón đoàn nước bạn đến thăm, nước chủ nhà ngoài việc lo phương tiện đi lại, kinh phí ăn ở, lễ tân, thường có thêm một khoản gọi là “tiền tiêu vặt” cho các vị khách. Tất nhiên, mức tiền khác nhau theo từng chức vụ và thời gian lưu trú. Song ngay cả với số tiền thông lệ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từ chối nhận. Bởi với Người, việc không nhận quà biếu đã trở thành một nguyên tắc sống./.

Tiến sĩ Chu Đức Tính

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)