Attention to detail, một kỹ năng cực kỳ quan trọng cho mọi nghề nghiệp

Detail oriented là gì

Khi bạn làm việc với người nước ngoài, một trong những kỹ năng họ đánh giá rất cao đó chính là attention to detail hay còn được gọi với từ khác là detail-oriented. Hiểu nôm nay đó chính là khả năng chú ý vào các chi tiết.

Đối với những người viết content bằng tiếng Anh, kỹ năng này càng được nhấn mạnh hơn nữa. Rất nhiều lần mình video call với khách hàng hay nói chuyện với sếp, mình đều biết họ đánh giá cao một người có kỹ năng attention to detail tốt.

Vậy attention to detail là gì?

Như mình đã nói ở trên, attention to detail là khả năng chú ý tới các chi tiết. Nói đúng hơn, nó được phản ánh thông qua việc một người để ý tới từng góc cạnh của một nhiệm vụ và hoàn thành nó một cách tốt nhất. Chứ không phải làm một cách cẩu thả, qua loa cho xong chuyện, hoặc chỉ tập trung vào cái hiển nhiên, to lớn mà xem nhẹ các việc nhỏ.

Mình lấy ví dụ:

Khi bạn viết một bài tiếng Anh, bạn để ý từng chỗ chấm câu, spelling, ngữ pháp, định dạng bài viết… đảm bảo mọi thứ đều đúng như chuẩn Chicago mà khách hàng yêu cầu.

Khi bạn xử lý sổ sách kế toán, bạn để ý tới từng con số, từng dấu phẩy, các file ngay ngắn, gọn gàng, folder được sắp xếp theo trật tự…

Khi bạn thiết kế một bìa sách, bạn để ý tới sự cân đối tuyệt đối của các chi tiết trên bản thiết kế, màu sắc có hài hoà, tương phản tốt, đảm bảo không có yếu tố nào thừa. Bạn gửi file cho khách hàng với cách đặt tên file, dung lượng file,… như tiêu chuẩn mà khách hàng muốn.

Khi một người không có attention to detail tốt, nó phản ánh trong mọi hành động, suy nghĩ và lời nói. Chẳng hạn:

Nhà tuyển dụng yêu cầu gửi 2-3 bài viết tiếng Anh mẫu để họ đọc xem thử, bạn lại gửi cho họ một website và bảo họ vào blog của bạn đọc. Bạn đã không tập trung kỹ yêu cầu của họ.

Bài luận cuối khoá yêu cầu sinh viên phải định dạng theo chuẩn APA, bạn lại trình bày theo một chuẩn khác.

Vậy thì làm thế nào mà khách hàng hay nhà tuyển dụng đánh giá được bạn có attention to detail như bạn đã nói trong buổi phỏng vấn?

Dễ lắm. Chính là dựa vào CV hoặc cover letter của bạn đó.

Mình đã từng xem CV tiếng Anh cho rất nhiều bạn. Kha khá bạn nhấn mạnh có kỹ năng attention to detail, nhưng nhìn CV mình không hề thấy attention to detail chút nào.

  • Các thì sử dụng không đồng nhất, lúc thì dùng to verb, lúc thì dùng V-ing
  • Viết hoa, thụt dòng vô tổ chức
  • Màu sắc rồi các icon cũng bị lạm dụng
  • Lỗi spelling rất nhiều
  • Tên của referee viết sai
  • Định dạng số điện thoại không chính xác
  • ….

Nếu bạn tự nhận mình có attention to detail mà CV đã bị nhiều lỗi như vậy, dù chỉ là các tiểu tiết, thì liệu rằng nhà tuyển dụng hay khách hàng có tin tưởng bạn hay không? Không đâu.

Attention to detail là một kỹ năng rất “nhạy cảm”. Nó “nhạy cảm” ở chỗ người ta hoàn toàn có thể đánh giá kỹ năng này của bạn ngay từ chính CV, thứ đầu tiên mà bạn gửi đến cho họ. Từ cách bạn nói, ăn mặc, hành xử trong buổi phỏng vấn…

Do vậy, nếu bạn thực sự thành thục ở kỹ năng này thì hãy nói. Còn nếu vẫn đang rèn luyện thì hãy thành thực. Người ta không đánh giá bạn thấp chỉ vì bạn đang ở giai đoạn rèn luyện, nhưng người ta sẽ đánh giá thấp bạn nếu bạn không thành thực.

Làm thế nào để rèn luyện attention to detail?

Mình nhấn mạnh là không ai có thể hoàn hảo trong kỹ năng này, bởi vì con người mà, chúng ta không thể hoàn hảo. Bạn đọc bài viết của mình hàng chục lần không phát hiện ra lỗi spelling, nhưng đưa cho một người khác thì họ có thể phát hiện ra chỗ bạn dùng sai từ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Thế nên, đừng lo lắng nếu bạn vẫn có một vài lỗi nhỏ, chưa attention to detail 100% được.

Nhưng chúng ta có thể cải thiện kỹ năng này dần dần bằng các kỹ thuật sau. Đây cũng chính là những gì mà mình đã áp dụng để làm bản thân trở nên detail oriented hơn:

  1. Luôn làm tốt nhất ngay từ những việc nhỏ: Dọn dẹp, lau bàn ghế, rửa bát, viết lách freelance hay làm việc tại agency hay viết trên blog, mình luôn cố gắng hết sức để làm tốt nhất. Mình để ý tới các tiểu tiết, đảm bảo mọi thứ đều mượt mà (dù đôi khi vẫn có lỗi nhỏ không nhìn ra được).
  2. Chịu trách nhiệm, cam kết, và kỷ luật: Chú ý vào các chi tiết cũng đòi hỏi bạn phải sống và làm việc với tinh thần, trách nhiệm lớn. Bạn để ý nhiều tới việc nếu sự bất cẩn của mình có ảnh hưởng tới người khác và sẽ thế nào nếu mình chỉ làm qua loa. Khi bạn đặt lợi ích của người khác lên trên mình, bạn sẽ có trách nhiệm hơn với những gì mình đang làm và không làm ẩu.
  3. Đọc đi đọc lại nhiều lần trước khi gửi bài cho khách hàng: Riêng với viết lách, mình khuyên bạn nên đọc lại bản nháp của mình thật kỹ và bám sát theo yêu cầu của khách hàng. Khi bạn làm như vậy, bạn sẽ gửi bài đi với sự tự tin và khách hàng cũng sẽ vui vì biết bạn là người có trách nhiệm.

Attention to detail hoàn toàn khác với kỹ tính, tiểu tiết hay “nhỏ mọn.” Attention to detail là sự thể hiện bạn có trách nhiệm, tổ chức, kỷ luật, và chỉnh chu. Một việc nhỏ đã hoàn thành tốt, bạn chứng minh cho người khác bạn sẽ làm được những việc lớn và họ sẽ tin tưởng giao cho bạn trọng trách. Không có một cái gì nhỏ mà không quan trọng, mọi thứ trên đời đều có giá trị và chỗ đứng của nó.

Hy vọng chia sẻ nhỏ này có ích cho bạn nhé. Cố gắng rèn luyện attention to detail để giúp bản thân tự tin hơn trong công việc và làm freelance nha.