Trong khái niệm về bảo vệ chính trị nội bộ, đã xác định rõ bảo vệ chính trị nội bộ là một bộ phận của công tác xây dựng Đảng. Tổ chức đảng là chủ thể chính, chủ trì thực hiện các hoạt động tự bảo vệ, để bảo vệ các đối tượng, các yêu tố bên trong. Tuy nhiên, bảo vệ chính trị nội bộ không chỉ là bảo vệ tổ chức đảng, mà còn được hiểu là đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, với Nhà nước và xã hội, do đó công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải thực hiện trong phạm vi của hệ thống chính trị.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã chỉ rõ: “Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hiện tượng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, gây mất đoàn kết trong Đảng”. Quy định 126-QĐ/TW, ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” quy định: Việc phát hiện cán bộ, đảng viên có vấn đề cần xem xét về chính trị là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; của cơ quan, tổ chức, cán bộ và các cơ quan liên quan của Đảng và Nhà nước ở các cấp, các ngành; của cán bộ, đảng viên. Chị thi 01-CT/ĐUK, ngày 23/6/2016 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương chỉ rõ: Công tác bảo vệ chính trị nội trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần bảo đảm chất lượng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối.
Trong thời gian qua, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương luôn xác định công tác bảo vệ chính trị nội bộ là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, vì vậy, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả khá toàn diện, đảm bảo tiến độ và chất lượng tham mưu ngày càng được nâng cao, phục vụ kịp thời cho công tác tuyển dụng, quy hoạch, bố trí, bổ nhiệm cán bộ; sử dụng và quản lý cán bộ, đảng viên; công tác quy hoạch cấp ủy; công tác phát triển đảng viên; hướng dẫn và giải đáp kịp thời những kiến nghị, đề xuất của các cấp ủy trực thuộc đối với công tác bảo vệ chính trị nội bộ góp phần đảm bảo chất lượng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối.
Hiện nay, diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế đang đặt ra cho công tác này những yêu cầu, nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đã và đang tác động tiêu cực tới Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về chính trị – xã hội, quốc phòng – an ninh. Các thế lực thù địch, phản động ở trong nước và nước ngoài ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng, tác động tiêu cực đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, với âm mưu gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Các thế lực thù địch ở nước ngoài công khai ủng hộ, nuôi dưỡng các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị ở trong nước nhằm xây dựng “lực lượng đối lập”; núp dưới chiêu bài “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, “bảo vệ tự do tôn giáo”, “bảo vệ tự do ngôn luận” để tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo, vu khống các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây chia rẽ trong nội bộ Đảng. Chúng dùng nhiều thủ đoạn mới, tinh vi nhằm thâm nhập nội bộ, thu thập thông tin nội bộ, bí mật nhà nước… Trong khi đó, một số cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, còn diễn biến phức tạp… Những thách thức, nguy cơ gây mất ổn định chính trị – xã hội nêu trên đặt ra cho công tác bảo vệ chính trị nội bộ những nhiệm vụ mới trọg tâm là:
Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về quan điểm, nội dung, phương hướng, nhiệm vụ công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên; gắn công tác bảo vệ chính tri nội bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó triển khai có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên nói, viết và làm trái Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng; tham ô, tham nhũng, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, gây mất đoàn kết trong Đảng. Ngăn chặn kịp thời âm mưu hình thành phe nhóm, tổ chức chính trị đối lập.
Thứ hai: Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ; thẩm định tiêu chuẩn chính trị cán bộ trong từng khâu theo phân cấp quản lý cán bộ; xác minh và có kết luận của cấp ủy có thẩm quyền những trường hợp có vấn đề về chính trị hoặc có quan hệ chính trị phức tạp.
Thứ ba: Xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu, nhất là cấp ủy cơ sở trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên, chú trọng quản lý cán bộ, đảng viên ra nước ngoài và có quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Thực hiện tốt công tác quản lý, đồng thời có biện pháp bảo vệ cán bộ, đảng viên, lưu học sinh có liên quan đến yếu tố nước ngoài, hiện đang công tác, học tập, nghiên cứu, lao động ở nước ngoài, không để các thế lực thù địch, phản động móc nối, mua chuộc, lôi kéo;
Thứ tư: Rà soát chính trị nội bộ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý, sử dụng phù hợp đối với những trường hợp có vấn đề về chính trị; việc rà soát phải được thực hiện một cách công tâm, khách quan, đánh giá đúng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; về mức độ tin cậy chính trị và sự tín nhiệm của nhân dân.
Thứ năm: Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy của bộ phận bảo vệ chính trị nội bộ, bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm đủ năng lực tham mưu giúp cấp ủy các cấp xử lý, giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến chính trị nội bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Vũ Mạnh Cường
(Ban Tổ chức Đảng ủy Khối)