Thuốc Bismuth: Thuốc bao phủ chọn lọc ổ loét đường tiêu hóa

Thuốc Bismuth: Thuốc bao phủ chọn lọc ổ loét đường tiêu hóa

Bismuth là gì

Thuốc Bismuth là một tác nhân bảo vệ tế bào niêm mạc đường tiêu hóa. Thuốc thường được chỉ định kèm với các thuốc khác trong điều trị loét dạ dày và tá tràng. Vậy thuốc Bismuth được dùng như thế nào và cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc thông qua bài viết sau của YouMed.

Thuốc chứa thành phần tương tự: Amebismo; Trymo; Ulcersep.

Bismuth là thuốc gì?

Thuốc Bismuth có áp lực bao phủ chọn lọc lên đáy ổ loét dạ dày (không có tác dụng trên niêm mạc dạ dày bình thường). Do tác dụng của acid dạ dày, kết tủa chứa bismuth được tạo thành. Bismuth liên kết với chất nhầy tạo thành rào cản chống khuếch tán ngược acid. Tại ổ loét cả ở dạ dày và tá tràng, quá trình hoại tử mô giải phóng liên tục một lượng tương đối lớn sản phẩm giáng vị của protein.

Thông qua sự hình thành phức hợp, những sản phẩm này cùng với tủa thu được từ bismuth tạo thành một lớp bảo vệ niêm mạc khỏi dịch vị hoặc các enzym trong ruột, và cũng có thể ngăn ngừa tác dụng của pepsin trên vị trí loét. Điều này giúp giữ cho vết loét có thời gian lành lại.

Bismuth có tác dụng diệt vi khuẩn Helicobacter pylori. Nhưng khi dùng đơn trị liệu, bismuth chỉ diệt được H. pylori ở khoảng 20% trường hợp. Khi phối hợp với kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton (hoặc thuốc chẹn thụ thể histamin-2), có thể tới 70 – 90% trường hợp diệt trừ được H. pylori.

Thuốc Bismuth

Công dụng thuốc Bismuth

Bismuth được chỉ định trong điều trị loét dạ dày và tá tràng. Thường dùng cùng với các thuốc khác, nhất là metronidazol kèm với tetracyclin hoặc amoxicilin (phác đồ 3 hoặc 4 thuốc) để diệt hết H. pylori, do đó ngăn ngừa tái phát loét tá tràng.

Bên cạnh đó, thuốc Bismuth còn được chỉ định trong tiêu chảy và chứng khó tiêu.

Thuốc bismuth được chỉ định trong trường hợp nào?
Thuốc bismuth được chỉ định trong trường hợp nào?

Hướng dẫn sử dụng thuốc Bismuth

Liều thông thường của bismuth subcitrat là 240 mg x 2 lần/ ngày hoặc 120 mg x 4 lần/ ngày. Uống thuốc trước bữa ăn. Điều trị trong 4 tuần, kéo dài tới 8 tuần nếu cần thiết.

Bismuth subcitrat thường có trong viên kết hợp 3 thành phần gồm bismuth, metronidazol, tetracyclin. Đây là một phần của phác đồ 3 thuốc.

Với liều thường dùng của bismuth subcitrat là 120 mg x 4 lần/ngày sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ. Nuốt cả viên với một cốc nước to (240 ml) để tránh kích ứng và loét thực quản (thường phối hợp với omeprazol 20 mg, ngày 2 lần sau bữa sáng và bữa tối). Thời gian điều trị thường là 4 tuần (có thể kéo dài tới 8 tuần).

Không khuyến cáo điều trị duy trì với bismuth, mặc dù điều trị có thể lặp lại sau khi ngừng dùng thuốc 1 tháng.

Chống chỉ định của thuốc Bismuth

Bismuth không được dùng trong các trường hợp:

  • Quá mẫn với bismuth.
  • Người có bệnh thận nặng, do tăng khả năng tích lũy bismuth kèm theo nguy cơ gây độc.
  • Phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 8 tuổi, người có tổn thương gan, thận và mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.

Thận trọng khi dùng thuốc Bismuth

Bismuth được cho là có thể gây bệnh não. Liều khuyến cáo (480 mg/ngày) dùng trong 8 tuần để điều trị nhiễm H. pylori không thấy có biến đổi về thần kinh.

Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm độc bismuth có thể tăng nếu vượt quá mức liều khuyến cáo trong các trường hợp quá liều, ngộ độc, uống thuốc trong thời gian dài hoặc uống cùng với những thuốc khác chứa bismuth.

Phải thận trọng khi dùng bismuth cho người bệnh có tiền sử chảy máu đường tiêu hóa trên. Vì bismuth gây phân màu đen có thể nhầm lẫn với đại tiện có máu đen.

Phải xác định chắc chắn nhiễm H. pylori thì mới dùng phác đồ 3 thuốc phối hợp để tránh kháng thuốc.

Cách xử trí tác dụng phụ của thuốc

Bismuth phản ứng với H2S của vi khuẩn tạo ra bismuth sulfid làm đen khoang miệng và phân. Các tác dụng không mong muốn của bismuth là:

  • Thường gặp: đen phân hoặc lưỡi. Làm biến màu răng (có hồi phục).
  • Ít gặp: buồn nôn, nôn.
  • Hiếm gặp: độc tính thận, bệnh não, độc tính thần kinh.

Tương tác thuốc với Bismuth

  • Điều trị trước với omeprazol làm tăng hấp thu bismuth lên 3 lần. Do đó, có thể tăng nguy cơ độc tính nếu dùng liệu pháp 2 thuốc này.
  • Dùng đồng thời với thuốc đối kháng H2 hoặc antacid làm giảm hiệu lực của các muối bismuth so với khi dùng đơn độc trong điều trị loét.
  • Bismuth hấp thụ tia X, có thể gây cản trở các thủ thuật chẩn đoán đường tiêu hóa bằng tia X.
  • Bismuth làm giảm hấp thu toàn thân của tetracyclin nhưng chưa rõ ý nghĩa lâm sàng giữa tác dụng toàn thân so với tác dụng tại chỗ.

Xử trí khi quá liều Bismuth

Khi dùng thuốc Bismuth với các liều khuyến cáo, hiếm khi gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Nhưng sau khi dùng quá liều cấp hoặc mạn tính đã có xuất hiện suy thận, bệnh não và độc tính thần kinh. Uống với liều điều trị dài ngày, cách quãng trên 2 năm, đã có gây dị cảm, mất ngủ và giảm trí nhớ.

Nếu nồng độ bismuth trong máu vượt quá 10 nanogam/ml thì phải ngừng các chế phẩm bismuth.

Hiện vẫn chưa rõ cách điều trị tối ưu khi quá liều bismuth. Nên rửa dạ dày, tẩy và bù nước ngay cả khi đến chậm. Vì bismuth có thể được hấp thu ở đại tràng. Thẩm phân máu kết hợp với điều trị bằng unithiol có thể làm tăng sự đào thải bismuth. Thẩm phân màng bụng cũng có hiệu quả đối với bệnh nhi.

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú

Phụ nữ mang thai

Hiện chưa rõ thuốc Bismuth có nguy cơ gây ung thư, gây đột biến hoặc gây hại đến khả năng sinh sản và thai nhi hay không. Không khuyến cáo dùng bismuth trong thời kỳ mang thai.

Phụ nữ cho con bú

Bismuth bài xuất vào sữa, nhưng không rõ có gây hại cho trẻ sơ sinh hay không. Vì vậy không khuyến cáo dùng thuốc này cho người mẹ đang cho con bú trừ khi lợi ích vượt trội nguy cơ.

Phụ nữ mang thai và cho con bú cần thận trong khi dùng thuốc bismuth
Phụ nữ mang thai và cho con bú cần thận trong khi dùng thuốc Bismuth

Cách bảo quản thuốc Bismuth

Bismuth nên được bảo quản ở nhiệt độ dưới 30oC, trong bao bì kín.

Bismuth là thuốc bảo vệ tế bào niêm mạc đường tiêu hóa trong điều trị loét dạ dày – tá tràng. Trên đây là những thông tin tham khảo từ YouMed về thuốc Bismuth. Nếu có bất cứ vấn đề gì, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa hay dược sĩ để được tư vấn cụ thể.