DÂN ĐEN VÀ CHỦ ĐỎ.

Dân đen là gì

(Giới thiệu một bài viết của bác Đoàn)

Dân đen là một từ rất phổ thông, nó vừa có nghĩa là nước da sạm đen (cháy nắng), vừa có nghĩa là tăm tối (mê muội). Cũng gốc từ chữ lê dân, lại còn có nghĩa là dân cày, là đám đông (dân chúng), là rạng sáng đầu ngày.

Người xưa coi Chủ là người trong thiên hạ (thiên hạ là chủ, vua là khách – Hoàng Tôn Nghị). Về sau, do sự phát triển bộ máy cai trị xã hội nên chủ mới được coi là người cai trị, là vua chúa.

Chủ – tất nhiên có nhiều kiểu cách, mức độ khác nhau, nhưng tựu trung là kẻ nắm quyền lực, nắm thóp về kinh tài. Người chủ cả thường quản lý một cơ ngơi, công việc có nhiều người tham gia mà phần lớn làm công ăn lương.

Chỉ trong thời buổi giao thoa giữa bộ máy cầm quyền danh nghĩa là đỏ – Cộng sản – với nền kinh tế thị trường Tư bổn chết giẫy mới xuất hiện tư bản “đỏ”, chủ cả “đỏ”.

Khác và ngược với thời kỳ đấu tranh bí mật trong lòng địch- Đảng chủ trương “lòng đỏ vỏ xanh”, thì nay công khai từ các vị ở thượng tầng, thuộc phái thái tử, công nương theo mốt “mắt xanh mỏ đỏ” hay máu xanh mặt đỏ. Chỉ vì mục tiêu bắt được chuột không quan hệ gì đến mèo trắng hay đen- đều tốt cả, nên hắc bạch lưỡng phái trong giang hồ về lý thuyết đều có cơ hội như nhau; song le trong bóng đêm thì mèo đen chiếm ưu thế hơn hẵn ắt được nhiều chuột hơn, chủ phải mến hơn. Do đó mà trong đỏ có nhiều chất đen.

Dân đen thì từ lâu chỉ được nghe một chiều, được nói theo một chiều, chuyện tốt hay dù nhỏ cũng tán dương nhưng tội lỗi dù to cũng miễn chê trách, nên thông tin sự thật bị che đậy, dấu đút. Lâu ngày đám mây u ám phủ dày, trong mê muội họ vẫn tự tin là sáng suốt và tặc lưỡi bỏ ngoài tai tiếng kêu than, thậm chí còn bào chữa. Mẹ già tôi hơn 60 tuổi Đảng, chỉ nghe đài báo lề phải thôi mà đã than thầm: giá bác Hồ còn sống thì đâu đến nỗi ! Dân mất lòng tin vào hiện tại đến vậy.

Đã là nhà chủ thì bao giờ cũng nhớ tới chữ dân có nét móc, mà ám ảnh nghi ngờ dân hay móc hậu. Chỉ những người lãnh đạo thân dân mới ý thức rõ dân là nước: đẩy thuyền cũng dân mà lật thuyền cũng dân. Người xưa cũng dạy trời thương người dân, dân muốn gì trời phải theo; hay dân là của quý, thứ tới mới là xã tắc còn vua thì (nên) xem nhẹ.

Đã có thời nhân danh dân đen cờ đỏ, những vệ binh đỏ đã “cải tạo” người dân, từ ruộng đất miền quê đến nghiệp công thương nơi phố thị. Cái trào lưu đầu Xít đít Mao đó đã để lại biết bao hệ quả, hậu quả mà hôm nay, ngày mai vẫn còn gây hoang mang, nghi ngại cho người dân và cho cả nhà đương cục, làm chậm đà tiến lên của xã hội, của quốc gia mấy thế hệ người. Rốt cục nhà nông lại trở thành kẻ sử dụng đất đai của một ông “toàn dân” nào đó mà nhà nước giao mức nộp tô. Toàn dân trồng lúa thành người làm công mắc nợ cho Hiệp hội Lương thực, sân sau của nhiều tập đoàn tư lợi. Hãng xưởng cải tạo tư sản không quản nổi đem cho nước ngoài thuê lại hoặc bán đắt bán rẻ thành tài sản riêng tư của quan chức họ hàng.

Trước có người chơi chữ sửa câu “tiên thiên hạ chi ưu, nhi ưu tiên; hậu thiên hạ chi lạc”, nhi lạc hậu- đã làm méo mó hình ảnh của kẻ công bộc khổ trước sướng sau thành anh cán bộ sướng thì được ưu tiên hưởng trước, còn kẻ nào chịu sướng sau là lạc hậu. Bây giờ, ở đâu cũng thấy tầng lớp ăn trên ngồi trốc từ quan phụ mẫu đến thơ lại; từ chính ủy đến đảng viên thường đều khá hơn dân, sướng hơn dân. Tưởng chỉ là đùa, là hiện tượng nhưng không, nay đã phổ biến đến mức như là bản chất.

Thế thì anh đầy tớ cho dân- công bộc nay đã là chủ- vua chúa “cách mệnh”, họ tham gia từ hùn miệng cho đến bán thông tin; từ bưng bít chủ trương đến đầu cơ vận hội; từ chiếm dụng của công đến mua bán tài nguyên,… nghiễm nhiên họ trở thành ông chủ “đỏ”. Từ đó đẻ ra vô số tệ đoan, mua bán chức quyền cho đến sa sút đạo đức xã hội. Dột từ nóc xuống mà lị.

Qua sự việc đầm nuôi tôm cá ở Vinh Quang, Tiên Lãng, ai cũng thấy rõ ràng đất đai dù là bãi bồi cũng cần có mồ hôi tim óc dốc vào, cả những khổ đau, nước mắt, mới thành được vuông đầm. Chính sách gì, luật nào đi nữa cũng phải dựa trên đạo lý công bằng và xét xử theo lương tâm công bằng. Thế mà những ông chủ đỏ đã cư xử với dân đen theo cách khác- bất công và vô lương.

Người dân rất dễ thuyết phục nếu nhà cầm quyền tôn trọng lẽ phải và sự thật. Nói phải đến củ cải cũng nghe kia mà, hà cớ gì anh kỹ sư Vươn và cả gia đình không nghe. Ắt là chính quyền Tiên Lãng có những điều không phải đạo. Đã thế mà từ trên chí dưới cứ sồn sồn dùng từ cưỡng chế, sao nghe thất nhân tâm vậy nhỉ ? Bài học về “Năm bước công tác dân vận của Đảng” đâu rồi ? Đâu phải được dân giao cho quyền quản lý là trở thành quan phụ mẫu, nói không thông thì vác đòn roi đe nẹt ? Mà khi có sự không thông đồng bén giọt giữa chính quyền với dân thì cứ phải ra Tòa, cuối cùng là Cảnh sát Tư pháp sẽ thực hiện theo án lệnh của Tòa. Không ai đưa cả CS Cơ động, BĐ Biên phòng vào cuộc vì hiểu mà cố làm như vậy là vi luật, vi hiến.

Tôi nhớ lại những ngày đầu mang súng, đi đâu làm gì cũng khoác trên vai. Khi hạ súng, cụm súng đều phải có lệnh. Đang hành quân mà súng xuống tay là có chuyện, quân lệnh xưa nay của LLVT ta đâu có gì thay đổi. Ấy vậy mà nhìn hình ảnh người cán bộ CS bên cạnh Đại tá Ca lăm lăm mũi súng AK về phía nhà anh Vươn tôi bỗng lạnh người. GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên ĐBQH khóa trước, nói dân không phải là địch nhé, thế ông Ca xem dân là gì mà ra lệnh súng xuống tay ? Bản năng và bản lĩnh của một người đã từng cầm súng là khi bị đặt vào vị trí nguy hiểm, bị đe dọa tính mạng mình thì bấm cò trước cũng không phải là điều lạ, chỉ là bản năng tự vệ. Vấn đề ở đây là ai ra lệnh cho lực lượng vũ trang xuống tay súng trước, kẻ ấy phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong vụ việc dân nổ trái và nổ súng tự tạo.

Có người nói anh Vươn, anh Quý tàng trữ hung khí. Vâng, chuyện đó ở HP có mà đầy. Tôi đố CA HP biết được có bao nhiêu băng đảng trang bị bao nhiêu súng tự tao hoa cà hoa cải trên đất HP ?! Trước tình thế đấy thì Alibaba cũng phải phòng bị phía ngoài biển trong vuông chứ đừng nói ai. Hơn nữa, việc phạm luật của chính quyền Tiên Lãng đối với nhân dân tày liếp chứ không chỉ kể từ có luật Đất đai 1993. Khi nghe phong thanh thôi, chính quyền cơ sở sẽ dùng bọn du đãng, côn đồ cộm cán cướp của đốt nhà mình, kêu cứu cũng không ai ngó xuống thì việc tự vệ ấy có gì lạ ? Nhà tôi ở hơi xa phố thị, gần sông nước thì cũng phải thủ cây côn lưỡi kiếm là ít, chứ kiểu cách Công an quản lý trị an nhờ xã hội đen kiểu này thì khi có việc “kêu được mạ má đã sưng”.

Rõ ràng là đoàn cưỡng chế cương thì nhân dân bị cưỡng chế cũng cương. Ta để cho xã hội loạn thì có tiên đề gì để nói dân không loạn. Loạn hay trị là do luật lệ và đạo đức của nhà cầm quyền, từ xưa nay đã vậy.

Cho nên chuyện dân đen với chủ đỏ sẽ còn là chuyện dài nhiều tập, sau Đoàn văn Vươn sẽ có những Trần văn Vườn, Nguyễn văn Vượn,… ở những địa phương, hoàn cảnh có khác nhau song nguyên nhân khá giống nhau: Đảng nhà nước đã đánh mất tinh thần dân chủ và lạm dụng cường quyền bạo lực.

ĐOÀN NAM SINH