Thông qua phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế – xã hội; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhằm thực hiện tốt công tác dân vận tại địa bàn vùng giáo, thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã quan tâm triển khai nhiều nội dung công tác, trong đó trực tiếp hỗ trợ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vùng giáo là nội dung trọng tâm. Để trực tiếp hỗ trợ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vùng giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” cấp tỉnh hướng dẫn Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” cấp huyện lựa chọn địa bàn, nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ sở. Sau khi đã thống nhất lựa chọn nội dung, địa chỉ cụ thể, Ban Dân vận Tỉnh ủy hướng dẫn Ban Chỉ đạo cấp huyện ban hành kế hoạch xây dựng mô hình trong đó nêu rõ từng nội dung, phần việc cụ thể của từng giai đoạn, huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị và xã hội hóa để xây dựng mô hình; hàng quý và cuối năm đánh giá, kiểm thảo lại các nội dung công việc đề ra, từ đó xác định phương hướng, mục tiêu cho thời gian tiếp theo.
Trong 02 năm (2020 và 2021), Ban chỉ đạo cấp tỉnh phối hợp hướng dẫn rà soát, lựa chọn và trực tiếp hỗ trợ xây dựng 13 mô hình “Dân vận khéo” tại vùng giáo. Nội dung xây dựng mô hình “Dân vận khéo” đa dạng, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn tại cơ sở, chẳng hạn như: xây dựng đường cây xanh, đường cờ, điện sáng, thiết chế văn hóa, đường giao thông nông thôn, phối hợp truyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa tại khu dân cư, đảm bảo an ninh trật tự vùng giáo…
Về nguồn lực thực hiện mô hình, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp, hướng dẫn Ban Chỉ đạo cấp huyện và cơ sở huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nguồn lực để tập trung cho mô hình. Từ nguồn hỗ trợ trực tiếp của tỉnh, cấp huyện, cơ sở đã huy động thêm nguồn xã hội hóa, đóng góp của nhân dân để cùng xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vùng giáo. Nhiều mô hình có quy mô lớn ra đời từ sự “nhen lên” của cấp ủy, chính quyền các cấp, như mô hình “Giáo xứ văn minh – xanh, sạch, đẹp” tại giáo xứ Bén Đén, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu: từ nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện và xã cùng với Hội đồng mục vụ giáo xứ đã vào cuộc tích cực, huy động được 106 triệu đồng xây dựng đường cây, điện sáng xanh sạch đẹp dài 2km vào nhà thờ giáo xứ và chỉnh trang nhà văn hóa xóm trong năm 2020, bước sang năm 2021 lan tỏa thêm được đường cây, điện sáng tại giáo họ với giá trị 127 triệu đồng. Mô hình “Xứ đạo an lành – văn minh” tại giáo xứ Vạn Thủy, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng được đường cờ, điện sáng với tổng giá trị trên 50 triệu đồng trong năm 2020, bước sang năm 2021 xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo là giáo dân, hỗ trợ các hộ giáo dân có hoàn cảnh khó khăn lên tới 150 triệu đồng. Mô hình “Xóm đạo đoàn kết chung tay xây dựng khu dân cư sáng – xanh – sạch – đẹp” tại xóm Trang Đen (giáo xứ Trang Đen), xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn mới xây dựng trong năm 2021 đã huy động nguồn lực được 288 triệu đồng để xây dựng đường điện, đường giao thông, xây cột cờ cho các hộ gia đình…. Mô hình “Xây dựng đường cờ, điện sáng đại đoàn kết” tại thôn 3B – thôn giáo toàn tòng, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai có tổng giá trị hơn 120 triệu đồng. Mô hình “Đường cây dân vận” tại giáo xứ Diệu Phúc, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành có sự tham gia tích cực của linh mục quản xứ từ những ngày đầu ra mắt mô hình cho đến quá trình chăm sóc hàng cây; mô hình đường hoa tại giáo xứ Quy Hậu, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ có giá trị hơn 100 triệu đồng…
Quá trình xây dựng mô hình, hệ thống dân vận các cấp không chỉ chú trọng đến nội dung vật chất mà còn quan tâm triển khai thực hiện các tiêu chí về an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư vùng giáo. Ban Chủ nhiệm điều hành mô hình được thành lập để vận động nhân dân tham gia xây dựng, giám sát, bảo quản thành quả của mô hình; tổ chức cho các tổ dân cư kí cam kết thực hiện tiêu chí của mô hình, đánh giá các hộ thực hiện tốt, hộ chưa nghiêm túc thực hiện từ đó có giải pháp cải thiện, nâng cao ý thức của người dân.
Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vùng giáo không chỉ mang lại hình ảnh mới khang trang, đẹp đẽ hơn cho vùng giáo mà còn tạo sự gắn kết giữa giữa đồng bào theo và không theo tôn giáo trên địa bàn, khích lệ hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội tại vùng giáo, sự tham gia tích cực của hội viên là giáo dân trong các tổ chức chính trị – xã hội tại vùng giáo. Nhìn chung, các mô hình có sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, công tác lựa chọn, tổ chức triển khai bài bản, có kế hoạch cụ thể, tạo được sức lan tỏa và đồng thuận cao trong nhân dân, đạt chất lượng, tính lan tỏa và nhân rộng trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, kinh tế – xã hội tại địa phương./.
Thanh Hà
Ban Dân vận Tỉnh ủy