Âm (từ) “phong” là một âm trong số hàng vạn âm của tiếng Việt, âm này ta mượn của tiếng Hán nên cần phải tra về chữ gốc tiếng Hán mới hiểu được nghĩa. Nếu tôi dành ra một bài để giải nghĩa âm “phong”, thì sẽ cần hàng vạn bài để giải nghĩa các âm khác. Tuy nhiên, giống như âm “chi” và âm “tử” trong tiếng Hán, âm “phong” có rất nhiều cách viết, tương ứng với các cách viết là các nghĩa khác nhau, nên phải dành riêng một bài cho âm “phong”.
Như từ lâu tôi đã phân tích, âm “phong” nói ra miệng và từ “phong” viết lên giấy là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau. Âm “phong” là tiếng Việt ta mượn của tiếng Hán, nhưng Trung Quốc họ viết chữ (tự) còn ta viết từ (word). Tiếng Hán cũng đọc là phong, nhưng tùy vào cách viết (chữ) mới dịch được nghĩa. Âm “phong”: nếu viết là 丰 nghĩa là đầy, đẹp, thịnh… Nếu viết là 封 nghĩa là phong bì, niêm phong, phong tỏa, phong (ban) cho… Nếu viết là 風 nghĩa là gió, bệnh từ gió, thói quen…
Trong tiếng Việt thì âm “phong” chỉ được viết bằng một từ “phong” duy nhất, tùy vào các từ xung quanh nó mới hiểu ngữ cảnh để dịch ra nghĩa. Đồng âm khác nghĩa. Vậy cả hai ngôn ngữ đều có hiện tượng đồng âm khác nghĩa. Bên trên là những nghĩa chính của âm phong tiếng Việt mượn từ tiếng Hán, ngoài ra âm phong tiếng Hán còn có nhiều cách viết khác, tương ứng với đó là các nghĩa như: (峰) đỉnh núi, cái bướu; (楓) cây phong; (㸼) trâu rừng; (烽) đốt lửa làm hiệu; (蜂) con ong, đông, nhiều; (鋒) đầu giáo, mũi dao; (沨) bồng bềnh; nấm; cỏ tạp…
***
Một trường hợp sử dụng âm phong đáng lưu ý trong tiếng Việt là, trong bài hát “Dấu tình sầu” của Ngô Thụy Miên, nhạc sĩ có câu: “Đàn dâng tiếng phong kín tuổi buồn”, thì từ “phong” ở đây hiểu là “phủ”, “phong kín” là “phủ kín”… Rồi còn nhiều từ khác như: “phong phú” nghĩa là nhiều, đa sắc, đa dạng… “Phong bì” (bao thơ) là một gói giấy phủ kín, che kín những thứ bên trong. “Phong lưu, phong độ, phong nhã, phong cách…” “Phong tỏa”, “niêm phong”…
Một trường hợp khác, từ “phong tình” nếu nói cho người, thì là chuyện luyến ái nam nữ (chữ phong theo nghĩa bồng bềnh), nếu nói cho phong cảnh thì là nói đến cảnh đẹp văn hóa, do bàn tay con người tạo ra, chăm sóc và gìn giữ (cảnh nhân tạo – với hàm ý đối nghĩa với cảnh tự nhiên, tả cảnh đẹp tự nhiên không dùng từ “phong tình”)… Con người chăm chút từng li từng tí một khu nào đó, làm cho nó đẹp toàn diện, chỗ nào cũng đẹp, cũng mang ẩn ý của tác giả bên trong.
Tiếng Việt ta mượn rất nhiều âm của tiếng Hán, dù cách viết của ta bây giờ đã khác họ, ta viết chữ Quốc Ngữ theo hệ chữ Latin với các chữ cái và dấu ghép lại thành từ – mã hóa âm. Còn người Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông) vẫn viết chữ tượng hình. Theo hệ chữ này thì mỗi âm của họ viết bằng một chữ (tự). Tiếng Việt mượn nhiều âm tiếng Hán, nên tôi phải giải thích theo góc nhìn của họ mới hiểu được.