ALLELUIA CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

Alleluia là gì

Vào Lễ Chúa nhật Phục sinh. Đặc trưng của mùa Phục sinh là các lời chúc tụng Alleluia vang lên trong các bài ca. Alleluia có nghĩa là gì? Tại sao trong mùa Chay, phụng vụ không cho phép hát Alleluia, thưa cha?

– Alleluia là một thành ngữ gốc Do thái, ghép bởi hai từ “hallelu” (hãy ngợi khen, động từ hillel) và “jah” (Giavê, Thiên Chúa). Như vậy, alleluia có nghĩa là “hãy ngợi khen Chúa”. Nên biết là bản dịch Kinh thánh sang tiếng Hy-lạp và tiếng La-tinh đã để nguyên văn Do thái chứ không dịch nghĩa ( aineite ton Kyrion; laudate Dominum) cũng tựa như đối với từ ngữ Amen. Cả hai tiếng “Amen” và “Alleluia” đều là công thức phụng vụ. Amen khẳng định niềm xác tín, chấp nhận lời Chúa; Alleluia mang tính cách tôn vinh chúc tụng.

Người Do thái hát Alleluia vào dịp nào?

Thật khó biết được công thức Alleluia được sử dụng từ hồi nào. Điều đáng ghi nhận hơn cả là Alleluia gặp thấy trong một số thánh vịnh, được đặt tên là những “thánh vịnh Hallel” (từ 113-118, theo lối đánh số của bản Do thái). Một nhận xét khác là nói chung alleluia thường được đặt ở đầu các thánh vịnh vừa nói, nhưng có khi ở cuối thánh vịnh (các tv 115; 117), có khi cả ở đầu cả ở cuối (thí dụ 113). Ngoài ra, alleluia cũng gặp thấy kể cả bên ngoài loạt các thánh vịnh Hallel (chẳng hạn các thánh vịnh 105-106; 111-112; 135- 136; và nhất là sáu thánh vịnh cuối cùng, từ 146 đến 150). Có lẽ người Do thái còn hát Alleluia vào các dịp khác nữa chứ không hẳn là lúc đọc thánh vịnh, như ta thấy nói đến ở sách Tôbia (13,18): “Các cửa thành vang tiếng ca hoan hỷ, mọi nhà sẽ cùng hát: ‘alleluia, chúc tụng Thiên Chúa là Đấng Israel tôn thờ’!”

Như vậy khi hát Alleluia, các Kitô hữu chỉ lặp lại một tập tục của người Do thái thôi hay sao?

Thiết tưởng cần phân biệt nhiều chặng: trước tiên, trong đời đức Giêsu; kế đến, trong Hội thánh tiên khởi; và chặng thứ ba trong phụng vụ. Trước hết, nếu xét trong cuộc đời của đức Giêsu thì chắc rằng Người đã hát alleluia nhiều lần khi tham dự phụng vụ với đồng bào của mình. Các sử gia đã lưu ý đặc biệt tới trình thuật thiết lập bí tích Thánh thể dựa theo Phúc âm nhất lãm, trong khung cảnh của một bữa tiệc Vượt qua, trong đó Phụng vụ Do thái hát các thánh vịnh Hallel đã nói trên đây (113-118 và 135).

Sang giai đoạn hai (nghĩa là Hội thánh tiên khởi), rất có thể các tín đồ gốc Do thái cũng hát các thánh vịnh Hallel vào lúc cử hành Thánh thể, vì muốn lặp lại cử chỉ của Chúa Giêsu. Dù sao, trong Tân ước, ta thấy lời chúc tụng Alleluia xuất hiện trong một bối cảnh khác, đó là bài ca khải hoàn trên thiên quốc được ghi lại trong sách Khải huyền chương 19. Lời Alleluia được vang lên 4 lần như điệp khúc (câu 1.3.4.6). Thật khó mà xác định được đây chỉ là một thị kiến của thánh Gioan, hay là phản ánh của một buổi cử hành phụng vụ Kitô giáo. Dù sao thì ngày nay, đoạn văn này trở thành thánh ca giờ kinh chiều Chúa nhật ngoài mùa Chay.

Từ hồi nào alleluia được đưa vào phụng vụ Kitô giáo?

Chúng ta không nên quan niệm phụng vụ Kitô giáo hoàn toàn bắt đầu từ con số không. Như đã nói trên, Chúa Giêsu và các tông đồ đã nhiều lần đọc các thánh vịnh dựa theo truyền thống Do thái, trong đó có nhiều thánh vịnh alleluia. Do đó, ta có thể suy ra là ngay từ đầu các lời chúc tụng alleluia đã đi vào phụng vụ Kitô giáo qua ngỏ các thánh vịnh. Điều này càng rõ hơn khi đọc tác phẩm các giáo phụ viết từ thế kỷ IV. Thánh Athanasiô, Basiliô, Grêgôriô Nyssa bắt đầu viết những khảo luận về ý nghĩa alleluia khi chú giải các thánh vịnh Hallel. Đến khi đời đan tu thịnh hành, người ta thấy nhiều khoản luật ấn định việc sử dụng alleluia trong các thánh vịnh, nghĩa là alleluia được thêm vào hết mọi thánh vịnh cho dù trong nguyên bản Do thái không có. Một thí dụ điển hình là luật thánh Biển đức dành hẳn một chương 15 để ấn định khi nào đọc alleluia: trong mùa Phục sinh, alleluia được thêm vào hết các thánh vịnh và đáp ca; ngoài mùa Phục sinh, thì thêm alleluia vào 6 thánh vịnh chót của giờ Kinh Đêm, và nếu là Chúa nhật thì thêm vào các thánh vịnh giờ kinh Sáng.

Alleluia được gắn liền với các thánh vịnh trong phụng vụ các giờ kinh. Còn trong Thánh Lễ thì sao?

Dựa theo sự nghiên cứu của cha Martimort, từ thế kỷ IV, alleluia đã được hát trong thánh lễ ở nghi thức rước sách Phúc âm. Việc công bố Phúc âm tượng trưng Chúa Kitô hiện diện giữa cộng đoàn để giảng dạy. Vì thế mọi người đứng lên chăm chú lắng nghe. Do đó, việc rước sách Phúc âm được kèm theo nhiều nghi thức long trọng, với các giúp lễ cầm đèn, xông hương, đang khi cộng đoàn tung hô alleluia. Ra như phụng vụ muốn diễn tả lại nghi thức nhân dân thành phố Giêrusalem đón rước Đức Giêsu vào thành, và nhất là đoàn rước trên thiên quốc được mô tả trong sách Khải huyền. Lời chúc tụng Alleluia được đệm thêm với những câu thánh vịnh hoặc những đoạn Kinh thánh, tạo nên một bài ca. Tập tục này còn được lưu giữ trong phụng vụ ngày nay, bên Tây phương cũng như bên Đông phương. Dần dần, ngoài lời chúc tụng trước khi đọc Phúc âm, alleluia cũng được thêm vào các bài ca nhập lễ, ca hiệp lễ nữa.

Nếu alleluia là lời chúc tụng Chúa, thì tại sao lại không được sử dụng trong mùa Chay? Đâu phải là mùa Chay thì miễn chúc tụng Chúa đâu?

Đúng vậy, ta phải chúc tụng Chúa luôn luôn, mọi nơi mọi lúc. Đó cũng là quan niệm của Phụng vụ bên các Giáo hội Đông phương: họ hát alleluia quanh năm. Nhưng bên Tây phương thì lại khác. Tại sao vậy? Các sử gia đưa ra giả thuyết như sau. Mặc dù trong nguyên ngữ Do thái “alleluia” chỉ có nghĩa là “hãy chúc tụng Chúa”, nhưng khi được chuyển sang văn hóa La-tinh thì nó mang một sắc thái khác, đó là nó biểu lộ sự vui mừng. Tại Rôma cho đến thế kỷ V, alleluia chỉ được hát vào lễ Phục sinh hoặc tối đa là cho đến hết mùa Phục sinh. Tập tục này cũng được áp dụng ở Bắc Phi, như ta thấy ở các bài giảng của thánh Augustinô. Mùa Chay là thời đền tội, và các tín hữu quỳ gối khi cầu nguyện; còn mùa Phục sinh là thời kỳ hoan hỉ, và các tín hữu đứng khi đọc kinh, miệng hát alleluia. Đang khi đó, các nơi khác bên Tây phương không biết đến tập tục đó, và họ hát alleluia quanh năm cũng y như bên Đông phương. Nhưng khoảng cuối thế kỷ VIII, tập tục Rôma thắng thế, alleluia được dành cho mùa Phục sinh, và tuyệt đối cấm hát trong mùa chay. Và phụng vụ Rôma trước đây có nghi thức tiễn biệt và đón rước Alleluia. Trước khi ngưng hát alleluia (kể từ Chúa nhật 70) ca đoàn hát một điệp ca đệm nhiều lời alleluia. Và đêm Vọng Phục sinh, thì phó tế lên giảng đài trịnh trọng xướng ba lần ca khúc alleluia loan báo cho toàn dân tin mừng Alleluia: “Adnuntio vobis, reverendissime Pater, gaudium magnum quod est Alleluia”. Cũng vì Alleluia tượng trưng cho niềm vui, cho nên trước đây, người ta không hát trong lễ an táng hoặc cầu cho người chết.

Trên thực tế, ngày nay phụng vụ chỉ hát alleluia trong mùa phục sinh mà thôi hay sao?

Không phải thế. Trong Thánh Lễ, alleluia được xướng lên như bài ca chúc tụng trước khi đọc Phúc âm suốt năm, chỉ trừ mùa Chay. Trong mùa Phục sinh, thì alleluia được thêm vào các đáp ca, điệp xướng, ca nhập lễ vân vân. Đó là nói đến các bản văn phụng vụ chứ không thể kể hết những thánh ca bình dân hoặc các bản trường ca (tựa như Messiah của Handel viết năm 1741). Dù sao đi nữa, khía cạnh vui tươi khi hát alleluia không chỉ tùy thuộc cung điệu của các nhạc sĩ hoặc tài nghệ của ca đoàn, nhưng tùy thuộc rất nhiều vào tâm hồn của ta. Khi tâm hồn ta đang buồn rười rượi, thì có tham dự cả chục đại nhạc hội, ta vẫn buồn như thường, phương chi là hát alleluia! Đây là một nhận xét rất tinh tế của thánh Augustinô trong nhiều bài giảng Phục sinh. Phụng vụ Phục sinh biểu lộ niềm tưng bừng hoan hỉ của biến cố Chúa Phục sinh. Nhưng thử hỏi: trên cõi đời này làm gì có niềm vui trọn vẹn, bởi vì tâm hồn chúng ta luôn bị ám ảnh bởi bao nỗi lo âu buồn phiền. Liệu tiếng hát alleluia có trở thành giả dối không? Thánh nhân trả lời thế này. Nói cho đúng, chỉ có các thiên thần và các thánh nhân trên trời mới có thể hát alleluia cách trọn vẹn, bởi vì các ngài có thể ca ngợi Thiên Chúa suốt ngày đêm và nhất là các ngài không còn bận tâm lo lắng gì nữa. Chúng ta hát alleluia với niềm khao khát sẽ cùng được thông phần hoan hỉ với các ngài (sermo 252,9). Alleluia trở nên bài ca hy vọng tin tưởng, khi biết rằng Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta, và hứa ban cho chúng ta hạnh phúc vĩnh cửu (sermo 254,5). Dù sao đi nữa, chúng ta không phải chỉ hát bằng lời ca nhưng còn bằng cuộc đời. Alleluia có nghĩa là “hãy ngợi khen Chúa”. Chúng ta hãy ngợi khen bằng cuộc sống và miệng lưỡi, bằng con tim và bằng đôi môi, bằng tiếng hát và bằng nếp sống. Chúa muốn chúng ta hát alleluia cho thật hoà điệu chứ đừng hát ngang cung.

Vì thế hãy để cho lưỡi hợp điệu với nếp sống, môi miệng hợp với lương tâm. Như đã nói, chỉ có trên trời mới có hợp điệu tuyệt đối, chứ ở dưới trần này, lương tâm ta áy náy đủ chuyện: nào là sai lỗi, nào là chước cám dỗ, và vì thế ta phải cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Dù vậy, thưa anh em, dù giữa bao sự dữ, ta hãy cứ hát alleluia đi, bởi vì Thiên Chúa tốt lành và tha thứ tội lỗi chúng ta, và cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ. Sự dữ nào? Bệnh tật ư? Tù ngục ư? Không phải thế đâu. Bạn nghĩ cho kỹ đi: sự dữ gì làm bạn sợ nhất? Có phải là cái chết không? Nhưng anh em có biết rằng Chúa đã cứu thân xác anh em khỏi chết hay không? Sự dữ đáng sợ nhất mà ta không còn lo nữa, thì phải sợ cái gì? Các chước cám dỗ ư? Lo gì, Thiên Chúa là Đấng tín trung, Ngài không để cho anh em bị thử thách quá sức của mình đâu; trái lại, Ngài còn ban cho anh em sức mạnh để vượt qua cơn thử thách nữa. Vì thế anh em hãy hát alleluia đi, hát giống như những người lữ hành, vừa đi vừa hát, hát để an ủi nhau giữa lúc lao nhọc, hát để khích lệ nhau nuôi dưỡng niềm hy vọng có ngày sẽ tới nơi an nghỉ. Nhưng vừa hát vừa lên đường, chứ đừng dừng lại, trở lui, hay rẽ ngang (Sermo 256,3).

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, O.P.

CANH THỨC PHỤC SINH – LỄ TRỌNG CỦA CÁC LỄ TRỌNG

Mùa Chay Thánh đạt đến đỉnh cao với việc cử hành Tuần Thánh. Sau đó, trung tâm của Tuần Thánh là Tam Nhật Phục Sinh – bao gồm Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, Thứ Bảy Tuần Thánh, và ngay đêm đó Thánh Lễ Canh Thức Phục Sinh đưa chúng ta vào việc cử hành Sự Phục Sinh Vinh Quang của Chúa chúng ta và Đấng Cứu Độ Giêsu Kitô. Chúa Giêsu thực sự sống lại từ cõi chết – Alleluia!

Trong tất cả các cử hành Phụng Vụ suốt năm, việc cử hành Thánh Lễ Vọng Phục Sinh là chiến thắng vinh quang nhất. Do đó, Thánh Lễ Vọng Phục Sinh được gọi là “Lễ Trọng của các Lễ Trọng.” Thật vậy, đó là điểm vinh quang của các cử hành Phụng Vụ.

Thánh Lễ Canh Thức Phục Sinh, rất phong phú về các bài đọc, biểu tượng, bí tích, và niềm vui tràn trề, đáng để chúng ta suy ngẫm sâu hơn để thu hoạch thiêng liêng dồi dào. Vì vậy, chúng ta hãy bước vào kho ân sủng dồi dào này bắt nguồn từ Thánh Tâm Yêu Thương của Chúa Giêsu và uống nước của Nguồn Sống Đời Đời.

Chúng ta sẽ điểm qua một số nghi thức nổi bật nhất trong Đêm Vọng Phục Sinh và cố gắng thấm nhuần cả ý nghĩa và thông điệp mà Thiên Chúa đã sẵn sàng phục vụ chúng ta trong Bữa Tiệc Thiêng Liêng tinh tế này.

1. TRANG TRỌNG CANH THỨC

Lửa được chuẩn bị ở một nơi thích hợp bên ngoài nhà thờ. Mọi người tập trung xung quanh ngọn lửa và linh mục chủ sự cùng với các thừa tác viên. Một thừa tác viên cầm Nến Phục Sinh. Linh mục và tín hữu làm dấu. Tiếp đến, chủ tế hướng dẫn mọi người về Lễ Vọng Phục Sinh, sau đó làm phép lửa.

Tính biểu tượng thực sự phong phú. Khi thế giới đang ở trong bóng tối sai lầm của tội lỗi, Chúa Giêsu là Ánh Sáng thật, Ngài đến xua tan bóng tối. Chúa Giêsu thực sự là Ánh Sáng Thế Gian.

2. NẾN PHỤC SINH

Một đường dọc được cắt và sau đó là đường ngang – Chúa Giêsu Kitô là Anpha và Ômêga. Lời cầu nguyện tiếp tục, mọi thời đại đều thuộc về Chúa Giêsu. Ngài là vinh quang và quyền năng qua mọi thời đại và mãi mãi. Sau đó, năm chiếc đinh nhỏ được cắm vào Nến Phục Sinh. Năm chiếc đinh nhỏ tượng trưng năm vết thương của Chúa Giêsu khi Ngài bị đóng đinh.

Tiếp theo, linh mục thắp Nến Phục Sinh bằng lửa mới được làm phép và nói: “Nhờ những vết thương thánh và vinh quang, xin Chúa Kitô là Chúa canh giữ và bảo vệ chúng con. Amen.” Linh mục tiếp tục nói: “Xin Ánh Sáng Đức Kitô sáng lên trong vinh quang xua tan bóng tối của tâm trí chúng con.”

3. RƯỚC NẾN PHỤC SINH

Linh mục, hoặc phó tế, bước vào nhà thờ một cách nghiêm trang, nâng cao Nến Phục Sinh và hát ba lần khi đến gần bàn thờ: “Ánh Sáng Chúa Kitô.” Mọi người đáp: “Tạ ơn Chúa!” Cuộc Rước nhắc chúng ta nhớ đến sự thật rằng tất cả chúng ta đều là Khách Lữ Hành hướng về quê hương vĩnh cửu của chúng ta là Thiên Đàng.

4. NHÀ THỜ ĐANG TỐI, BÂY GIỜ BẬT ĐÈN

Mọi người tham dự Thánh Lễ Canh Thức Phục Sinh đều được tặng một cây nến nhỏ và được thắp sáng. Hãy chia sẻ ánh sáng của mình với người lân cận. Chúa Giêsu là Ánh Sáng Thế Gian, và chúng ta được kêu gọi để chia sẻ Ánh Sáng của Ngài trong chúng ta với những người khác. Thật vậy, Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Ngài là Ánh Sáng Thế Gian, nhưng chúng ta cũng được kêu gọi trở thành ánh sáng trong thế giới này.

5. EXSULTET – CÔNG BỐ TIN MỪNG PHỤC SINH

Sau khi Nến Phục Sinh đã được đặt trên một giá nến lớn đã chuẩn bị bên cạnh giảng đài, bài Công bố Tin Mừng Phục Sinh được hát lên. Đây thực sự là một bài thánh ca hay và là lời cầu nguyện về sự chiến thắng của Thiên Chúa đối với sự dữ đang bao vây chúng ta trên thế giới. Bài thánh ca này nhấn mạnh sự thật rằng Ađam đã phạm tội, nhưng đây là nguyên nhân và sự xuất hiện của Đức Kitô, với sự sống, sự chết và sự phục sinh của Ngài. Thật vậy, Thiên Chúa cho phép điều ác mang lại điều tốt lành hơn!

6. ÁNH SÁNG, AN BÌNH VÀ NIỀM VUI

Môi trường tâm linh tỏa ra ánh sáng, an bình và niềm vui. Nến sáng soi, hương thơm ngát, hoa rực rỡ, các bài hoan ca chiến thắng – tất cả tạo tiền đề cho việc kỷ niệm thời điểm quan trọng trong lịch sử thế giới: Sự Phục Sinh của Chúa chúng ta, Đấng Cứu Độ Giêsu Kitô. Tất cả chúng ta được mời gọi tham dự bữa tiệc tâm linh này.

7. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Trong buổi canh thức này, mẹ của tất cả các buổi canh thức, có 9 bài đọc – 7 bài trích từ Cựu Ước, 2 bài trích từ Tân Ước. Sau các bài đọc Cựu Ước, một Thánh Vịnh được đọc hoặc hát. Đọc Lời Chúa là phần chính của Canh Thức Phục Sinh. Vì lý do Mục Vụ, các bài đọc trong Cựu Ước có thể bỏ bớt, nhưng không nên bỏ qua bài trích sách Xuất Hành và bài ca tương ứng. Các bài đọc trình bày Lịch Sử Cứu Độ ngắn gọn. Thực sự sẽ rất hữu ích nếu đọc các bài đọc này ngay cả trước khi bắt đầu Canh Thức Phục Sinh.

8. TUNG HÔ ALLELUIA!

Sau hành trình dài 40 ngày, cuối cùng bài Alleluia vang lên trong niềm vui mừng khôn tả. Với tất cả con tim, khối óc và linh hồn, chúng ta cùng ca đoàn vang lên hoan ca Alleluia. Linh mục long trọng hát Alleluia ba lần. Mọi người cùng tung hô Alleluia.

9. CÔNG BỐ PHÚC ÂM

Linh mục, hoặc phó tế, công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Phục Sinh. Bài giảng giải thích ý nghĩa biến cố Vượt Qua – cuộc Khổ Nạn, Sự Chết và đặc biệt là Sự Phục Sinh của Chúa chúng ta là Đấng Cứu Độ Giêsu Kitô. Thật vậy, đây là sự kiện trọng tâm của cuộc đời Chúa Giêsu và cuộc đời của chúng ta được kết hợp trong Ngài.

10. PHỤNG VỤ PHÉP RỬA

Đến phần thiết yếu thứ ba của Thánh Lễ Canh Thức Phục Sinh là Phụng Vụ Phép Rửa và Bí tích Thêm Sức.

11. TÂN TÒNG

Giờ đây, các tân tòng đi đến cuối hành trình hướng tới dòng nước thanh tẩy của Phép Rửa. Những người lớn trải qua chương trình giáo lý đã sẵn sàng cho ngày hạnh phúc nhất đời họ. Giờ đây, họ lãnh nhận ba bí tích, được gọi là các Bí Tích Khai Tâm: Rửa Tội, Thêm Sức với Thánh Thể. Sau đó, tại Bàn Tiệc Thánh Thể, họ được rước lễ lần đầu.

12. NGƯỜI ĐỠ ĐẦU

Các cha mẹ đỡ đầu đồng hành cùng con cái của họ trong lễ kỷ niệm tuyệt vời này. Cha mẹ đỡ đầu không chỉ cầu nguyện cho những người dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của họ, mà họ còn cố gắng nêu gương tốt về đời sống thánh thiện của Kitô hữu.

13. CẦU XIN CÁC THÁNH

Mọi người cùng cầu nguyện với các thánh qua Kinh Cầu Các Thánh. Chúng ta mời các thánh từ Thiên Đàng đến với chúng ta và cầu nguyện cho chúng ta.

14. LÀM PHÉP NƯỚC

Giếng Rửa Tội đã trống trong 40 ngày Mùa Chay. Giờ đây, linh mục làm phép nước sẽ được dùng để rửa tội cho các tân tòng để họ trở thành những tín hữu Công giáo mãi mãi.

15. THÊM SỨC

Những người lớn vừa được rửa tội sẽ lãnh thêm Bí tích Thêm Sức. Điều này được thực hiện bằng cách xức dầu thánh trên trán: “Hãy lãnh nhận ấn tín Chúa Thánh Thần.”

16. ÁO RỬA TỘI

Thông thường, áo này có màu trắng. Linh mục nói: “Hãy nhận chiếc áo rửa tội này.” Sau đó cha mẹ đỡ đầu đặt chiếc áo đó lên người mới được rửa tội. Linh mục nói: “(Tên thánh) – con đã trở nên thụ tạo mới và đã mặc lấy Đức Kitô. Hãy nhận chiếc áo rửa tội này và giữ nó tinh tuyền đến nơi phán xét của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống đời đời. Amen.”

17. THẮP NẾN RỬA TỘI

Linh mục nói với người mới được rửa tội: “Anh chị em đã được soi sáng bởi Đức Kitô. Hãy luôn bước đi như những người con của ánh sáng và giữ cho ngọn lửa niềm tin luôn sáng mãi trong tim. Khi Chúa đến, xin cho anh chị em ra ngoài để gặp Ngài cùng với tất cả các thánh trên Nước Thiên Đàng.” Điều này gợi nhớ dụ ngôn cô những trinh nữ khôn ngoan và khờ dại. Các trinh nữ khôn ngoan thắp đèn và trữ dầu khi chờ Chàng Rể. Chúng ta cũng được kêu gọi hãy tỉnh thức và cảnh giác!

18. LỜI HỨA RỬA TỘI

Sau đó, linh mục mời cộng đoàn lặp lại lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.

19. HIỆP THÔNG TRỌN VẸN

Bây giờ, các tân tòng mới được rửa tội sẽ lãnh nhận Bí tích Thêm Sức qua việc xức dầu thánh.

20. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

Tới phần Phụng Vụ Thánh Thể. Linh mục cầu nguyện trên bánh và rượu, và đọc lại những lời của Chúa Giêsu đã nói trong Bữa Tiệc Ly, phép lạ vĩ đại xảy ra, Chúa Giêsu thực sự hiện diện trọn vẹn với Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Ngài.

21. HIỆP LỄ

Những người có thiện chí – những người mới được rửa tội, và được thêm sức, sẽ hoàn tất việc lãnh nhận các Bí tích Khai Tâm bằng cách rước Mình Thánh Chúa. Những người được rửa tội đêm nay được lãnh nhận cả 3 bí tích một lượt.

Sau đó, ngày lễ Phục Sinh không chỉ kéo dài 24 giờ, mà là 8 ngày. Thật vậy, tuần bát nhật sau Lễ Phục Sinh thực sự là Lễ Phục Sinh. Không thể cử hành một Lễ Trọng cao cả, vinh quang và cao cả như vậy trong một ngày. Tám ngày chúng ta vui mừng hân hoan trong Chúa Giêsu, Đấng thực sự đã sống lại từ cõi chết để ban cho chúng ta sự sống và được sống dồi dào.

HÃY MỪNG VUI LÊN!

“Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.” (Tv 118:24) Chúa Giêsu Kitô thực sự sống lại từ cõi chết, mở cửa Thiên Đàng cho chúng ta. Alleluia! Thiên Đàng là định mệnh vĩnh viễn của chúng ta. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mở đường cho mục đích vĩnh cửu của chúng ta – Thiên Đàng, Ngôi Nhà thực sự và vĩnh viễn của chúng ta.

Xin Đức Mẹ luôn ở bên chúng ta trong cuộc đời này và giúp chúng ta đạt được mục đích cho đời sau!

LM. ED BROOM, OMV – https://catholicexchange.com

TRẦM THIÊN THU chuyển ngữ

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.