Tứ tử trình làng

Trình làng là gì

Nhà văn VĂN PHAN (tên khai sinh Phan Văn Thẩm, sinh 1938; quê quán: xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Tuổi Mậu Dần thường được coi là người có tiết tháo, nhân cách và tài hoa, được kính trọng cả trong đời sống, cả trong công việc. Nhà văn đã thực hành công việc của một người viết văn “đi – đọc – viết”, trung thành với phương châm “Sống đã rồi hãy viết”.

Ông đã từng khoác áo Thanh niên xung phong ở vùng rừng núi Tây Bắc vào độ tráng niên; sau đó công tác ở Cục Cảnh vệ, Bộ Công an; đã tranh thủ tận dụng thời gian dự học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, lớp bồi dưỡng viết văn Quảng Bá, Hội Nhà văn Việt Nam, khóa 5 (1972-1973). Trước lúc nghỉ hưu (2002) ông là Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản CAND; Chủ tịch Chi hội Nhà văn CAND khóa I, II.

Nhà văn đã xuất bản gần 20 tác phẩm (chủ yếu văn xuôi), đề tài và chủ đề hướng tới cuộc sống chiến đấu gian khổ và anh dũng của người chiến sỹ CAND Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Nói đến nhà văn, bạn đọc nhiều thế hệ nhớ tới những tác phẩm đánh dấu lộ trình sáng tác của ông: “Lớn lên với Điện Biên” (1964), “Nhóm rắn lục” (1971), “Đội Công an số 6” (1976), “Lời thú tội” (1988), “Đoàn mật vụ của Ngô Đình Cẩn” (1989), “Tình yêu và tội lỗi” (1993),…

Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả là “Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot DInville” (1995) – viết về nữ chiến sỹ điệp báo Nguyễn Thị Lợi đã anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ đánh đắm Thông báo hạm của Pháp trên biển Sầm Sơn, Thanh Hóa (1950). Là hình thức văn xuôi tư liệu nhưng phần “hư cấu” không vì thế mà hao khuyết (thể hiện trong cách chọn tư liệu, bố cục tác phẩm, khai thác tâm lý nhân vật). Nhà văn thực sự kỳ công trong việc thổi hồn sống vào tư liệu.

Nhà văn đã nhận nhiều giải thưởng văn học sáng giá. Nhưng có lẽ, giải thưởng lớn nhất với ông chính là tác phẩm đã sống trong lòng người đọc, tạo nên những ký ức lương thiện về một quá khứ hào hùng của đất nước qua cách mạng, chiến tranh và những vật đổi sao dời của thời hậu chiến.

Nhà văn TRẦN HỮU TÒNG (sinh 1938; quê quán: xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) tuổi Mậu Dần. Gia nhập Quân đội từ 25-4-1954, trải qua chiến đấu chống Pháp tại Bố Trạch, Quảng Bình; sau đó trở thành lính Biên phòng (có thời kỳ gọi là CAND vũ trang). Từng làm Báo Biên phòng, Báo Quân đội nhân dân. Chuyển ngành sang Bộ Văn hóa thông tin, giữ chức vụ Cục trưởng Cục Văn hóa thông tin cơ sở cho đến lúc nghỉ hưu.

Nhà văn đã xuất bản gần 30 tác phẩm (chủ yếu văn xuôi). Đôi khi ông làm thơ (đã in 2 tập: “Đằm thắm”, “Mái tóc Anh”), thơ của một người chuyên viết ký, truyện ngắn và tiểu thuyết nhưng không bị sự kiện hay chi tiết lấn át. Truyện, ký của nhà văn giàu chi tiết đời sống của một người trải nghiệm sống và trải ngiệm văn hóa dày dặn. Hình ảnh người lính hiện lên chân chất, mộc mạc. Câu “văn là người” rất sát hợp với nhà văn Trần Hữu Tòng.

Bạn đọc riêng thích những trang viết của nhà văn về khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, trong đó con người và tạo vật luôn có mối quan hệ hữu cơ, con người hiện lên với ý nghĩa là một phần của tự nhiên. Vì thế, những tác phẩm tiêu biểu như “Đất núi Mường Khương”, “Mùa bông điệp”, “Mùa chim cu làm tổ”, “Bếp lửa đêm rừng”, “Bóng núi”, “Cánh rừng hai vừng trăng”, “Chuyện thần kỳ chốn non xanh”, “Chuyện non ngàn kỳ thú”, “Chuyện non thiêng biên ải”… có thể nói đã tạo nên một bộ sưu tập thú vị và hấp dẫn cho cả bạn đọc lớn tuổi và thiếu nhi.

Qua những tác phẩm này, người đọc thấy năng khiếu đặc biệt quan sát thế giới tự nhiên, nhất là vùng rừng núi nơi nhà văn đã sống, đã đi qua với cảm xúc “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Nói theo cách của các nhà nghiên cứu, thì đây chính là “văn học xanh” (văn học sinh thái), vốn đang thiếu hụt trên văn đàn hiện nay. Đánh giá đóng góp của một nhà văn, thiết nghĩ, nếu người ấy góp vào được phần thiếu hụt của văn học, thì đó là thành tích đáng ghi nhận. Nếu gọi Trần Hữu Tòng là “nhà văn miền biên viễn”, thiết nghĩ cũng không quá lời.

Người đọc kính trọng nhân cách và tìm thấy trên những trang viết của nhà văn một phong cách – có thể gọi là phong cách chân thành.

Nhà thơ HỒNG THANH QUANG (tên khai sinh Đặng Hồng Quang; sinh 1962; quê quán: Nguyên Hòa, Phủ Cừ, Hưng Yên) tuổi Nhâm Dần. Thân phụ là quân nhân nên có lẽ vì thế chàng thanh niên lãng tử này đã nối nghiệp bậc sinh thành. Anh đã có 24 năm phục vụ trong Quân đội; từ 2003 đầu quân về Báo CAND (từng giữ chức Phó Tổng biên tập), làm tờ An ninh Thế giới một thời nổi như cồn; sau đó khoác áo dân sự, giữ chức Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết (2014-2019).

Hồng Thanh Quang là nhân vật “2 trong 1” (văn/báo). Nhưng nếu còn đọng lại trong trí nhớ người đọc thì anh là nhà thơ tình yêu, đã xuất bản 8 tập thơ (“Trữ tình – Thơ”, “Không thể nào nguôi”, “Mùa dịu dàng”, “Chỉ là mơ thấy”, “Sống như không thể chết”, “101 bài thơ tình”, “Nỗi buồn tốc ký”, “Chút sen còn lại”, xuất bản trong vòng gần 30 năm, 1993-2021). Ngoài thơ, anh còn có 3 tập pha trộn báo chí/ văn học (“Thời luận, V.Putin – sự lựa chọn của nước Nga”, “Những lát cắt số phận”) và 3 tập thơ dịch (từ tiếng Nga).

Nhà thơ có tác phẩm xuất hiện lần đầu trên Báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội với những bài thơ trẻ trung, nồng nàn tình yêu đời, yêu người. Tập thơ mới nhất “Chút sen còn lại” (2021) đầy tính chất chiêm nghiệm lẽ đời, tình người, khi đã bước vào ngưỡng lục thập, biết rõ hơn lúc nào hết cái “vô thường” của đời sống và phận người. Nhưng toát lên là tinh thần tự tại, lạc quan vì rốt cục phải “sống như không thể chết” (nhan đề một tập thơ của thi sỹ).

Thơ Hồng Thanh Quang càng ngày càng chín theo độ chín của người thơ. Nếu trước đây bất chợt lúc nào đó người đọc thấy thơ anh thoang thoảng sự hoan ca, thì giờ đây do đã thấm nhuần kiếp nhân sinh, thơ anh trở nên bình tĩnh hơn, ưu ái hơn, chân thành hơn, chắt chiu vẻ đẹp và giá trị của sự sống không bao giờ chán nản hơn trước. Âu cũng hợp lý, hợp tình. Ai đó nói có lý, người làm văn nếu có thân phận thì con chữ mới đằm, những gì viết ra mới gan ruột. Tôi nghĩ, ý này sát hợp nếu vận vào trường hợp Hồng Thanh Quang.

Nhà thơ vừa vượt qua một thử thách có thể nói hết sức khó khăn, để trở lại đời sống như một người bình thường. Người yêu thơ vẫn lưu giữ hình ảnh một chàng trai cao ráo, tươi vui, nói cười rổn rảng mỗi khi ra ngoài gặp bạn bè, đồng nghiệp. Anh là người của công chúng. Đã đành. Nhưng bây giờ anh là của chính mình. Đúng thế chăng?!

Nhà văn CHU THANH HƯƠNG (sinh 1986; quê quán: huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn): Tuổi Bính Dần, thường được coi là người khôn ngoan, trí lực, nhiều lộc (nhưng do mình làm ra, không phải trời cho). Chu Thanh Hương từng là một trong những nhà văn trẻ nhất Hội Nhà văn Việt Nam, hiện là sỹ quan, công tác tại Công an tỉnh Lạng Sơn.

Vốn có năng khiếu văn chương từ nhỏ, 12 tuổi, Chu Thanh Hương đã đam mê viết những đoản văn đầu tiên đăng trên các Báo Thiếu niên Tiền phong, Hoa học trò, Mực tím (thường là nơi cất cánh của thế hệ 8X đam mê viết lách). Quan sát sáng tác của thế hệ 8X, tôi thấy, người này không có cái động hướng “chầm chậm tới mình” của ai đó, trái lại luôn bứt lên kịp “mã đáo thành công”. Trong vòng 8 năm (2002-2020), chị đã vừa công tác tốt trên vị trí một sỹ quan Công an, vừa lao tâm khổ tứ trên bàn phím với con chữ, viết và viết. Tôi hình dung chị không còn một kẽ hở thời gian nhàn rỗi: 8 tiểu thuyết/ truyện dài, một tập truyện ngắn, một kịch bản phim truyền hình (38 tập). Tôi cứ hình dung, dẫu mãnh lực như hổ, nhưng sức lực con người là có hạn, vậy cô gái có nguồn sức mạnh dồi dào này từ đâu?!

Cũng có người viết nhiều nhưng không bén duyên giải thưởng như Chu Thanh Hương. Tính sơ, chị đã giật 10 giải thưởng các loại (từ 2008 đến 2020). Nhưng có hai giải làm nên tên tuổi cây bút nữ trên văn đàn này đáng chú ý hơn cả: 2 Giải Nhất cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 2007-2010, 2017-2020 với 2 tiểu thuyết “Hoa bay”, “Phận liễu”. Xét theo tướng mạo và thần thái thì thấy toát lên từ nữ nhà văn sự tự tin, mạnh mẽ, khoáng đạt. Người này sẽ còn nhiều lộc lá của đời, của nghề chữ. Tin tưởng, tại sao không?!