ASM Là Gì? Công Việc Của Area Sales Manager

Asm là gì

ASM là gì (Area Sales Manager)? Thực chất công việc của một ASM bao gồm những gì? Cần có tố chất nào để có thể chinh phục công việc ASM?

Chắc hẳn sẽ có rất nhiều thắc mắc từ các bạn trẻ hiện nay có sự yêu thích và đam mê đối với nghề Sales cũng như hành trình phát triển thành một Area Sales Manager.

Glints Việt Nam sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc về công việc của một Area Sales Manager qua bài viết dưới đây.

ASM là gì?

ASM (Area Sales Manager) còn được gọi là Giám đốc kinh doanh vùng, Giám đốc bán hàng khu vực. Area Sales Manager nắm giữ chiếc chìa khóa quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

ASM chính là nhân tố chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo mục tiêu kinh doanh/bán hàng đã đặt ra. Đồng thời, vị trí này cũng đảm nhiệm vai trò điều phối các quy trình, hoạt động bán hàng của một khu vực, một vùng để doanh số kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và phát triển.

Một ASM thực thụ sẽ có nền tảng chuyên môn và kinh nghiệm vững chắc. Đồng thời ASM cũng có sức ảnh hưởng trực tiếp đối với doanh thu, hiệu quả của hoạt động kinh doanh/bán hàng trong vùng hay khu vực.

Để đạt được một vị trí cấp cao như ASM, bạn cần trải qua một hành trình nâng cao năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng thực sự nghiêm túc và kỷ luật. Có người sẽ chỉ mất vài năm để trở thành Area Sales Manager, nhưng cùng lúc đó sẽ có người mất đến 10 năm hoặc hơn.

Đọc thêm: Mô Tả Công Việc Giám Đốc Kinh Doanh

Area Sales Manager làm công việc gì?

Chịu trách nhiệm chủ chốt và đại diện cho bộ phận kinh doanh, bán hàng trong toàn khu vực. Một Area Sales Manager thường tham gia vào những công việc sau đây:

  • Xây dựng định hướng và kế hoạch phát triển hệ thống kinh doanh, bán hàng theo nhu cầu hiện tại cũng như tiềm năng tương lai của doanh nghiệp.
  • Theo dõi và đảm bảo quá trình trình khai các kế hoạch được thực hiện đúng hướng, đồng nhất và liền mạch, không vượt quá chỉ tiêu về ngân sách.
  • Giám sát và quản lý trực tiếp hệ thống phân phối để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, bán hàng, giúp doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển bền vững.
  • Thu thập, tổng hợp và phân tích dữ liệu để đánh giá chính xác về hiệu quả hoạt động kinh doanh, đồng thời phân tích dữ liệu của các đối thủ để đề xuất giải pháp phù hợp.
  • Chịu trách nhiệm quản lý, điều phối và chỉ đạo quá trình thu hồi công nợ hằng tháng, đảm bảo công nợ được hoàn lại đầy đủ và đúng hẹn.
  • Quản lý và sắp xếp đội ngũ nhân sự trong bộ phận bán hàng, đồng thời tham gia đào tạo nhân viên để đảm bảo quá trình kinh doanh, bán hàng được phát triển một cách hiệu quả.
  • Chịu trách nhiệm cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của khu vực và thực hiện báo cáo định kỳ đầy đủ cho cấp trên hay ban lãnh đạo của doanh nghiệp.
  • Đề xuất ý kiến kinh doanh đồng thời tiếp nhận các chỉ thị từ ban lãnh đạo để xây dựng những phương án, giải pháp phù hợp với hoạt động kinh doanh của vùng, khu vực.

Nhiệm vụ và chức năng của ASM

Chức năng của ASM là gì?

Area Sales Manager là một trong những người đi đầu của bộ phận bán hàng tại vùng, khu vực. Trong đó, một Area Sales Manager sẽ là nhân tố chủ chốt giúp cho các nhân viên được định hướng đúng đắn và toàn diện về tầm nhìn, mục tiêu và các yêu cầu để triển khai một chiến lược bán hàng/kinh doanh thành công.

Các chức năng của ASM bao gồm:

  • Quản lý quy trình thực hiện hoạt động bán hàng: một Area Sales Manager cần phải đảm bảo toàn bộ các hoạt động trong quá trình bán hàng của khu vực có thể mang lại doanh thu tối ưu.
  • Đào tạo các hoạt động bán hàng và không ngừng hỗ trợ các nhân viên cập nhật kiến thức mới, nâng cao năng lực chuyên môn để mang lại hiệu quả bán hàng, từ đó góp phần tăng trưởng doanh số, doanh thu kinh doanh cho toàn khu vực.
  • Thực hiện báo cáo bán hàng định kỳ hàng tuần, hàng tháng về hiệu suất hoạt động, tình trạng bán hàng, các vấn đề đang gặp phải, v.v. Từ đó tiến hành xây dựng các giải pháp phù hợp như phân bổ lại nhân lực, cải thiện một vài bộ phận trong quy trình bán hàng, v.v.
  • Phát triển đội ngũ bán hàng ngày càng tốt hơn với tác phong chuyên nghiệp và với phương châm: mỗi nhân viên bán hàng đều là một người đại diện hoàn hảo cho bộ mặt của thương hiệu và doanh nghiệp.

Nhiệm vụ của ASM là gì?

Nhiệm vụ chính yếu nhất và cốt lõi nhất mà một Area Sales Manager phải đảm nhiệm chính là xây dựng, triển khai và giám sát các chiến lược, hoạt động bán hàng một cách hiệu quả , giúp tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp.

Trong đó, các nhiệm vụ cụ thể bao gồm:

  • Không ngừng theo dõi, giám sát và cập nhật các thông tin, dữ liệu về hệ thống phân phối sản phẩm/dịch vụ, hệ thống khách hàng, tình hình doanh số, tình hình kinh doanh, nhân sự, v.v để từ đó có một cái nhìn toàn diện và đưa ra đánh giá đầy đủ cho tình hình bán hàng, kinh doanh hiện tại của vùng và khu vực.
  • Thực hiện phân tích, đánh giá để từ đó để xuất những ý kiến, đóng góp kịp thời, phù hợp giúp xây dựng bộ phận bán hàng, kinh doanh hoạt động liền mạch và hiệu quả hơn. Đồng thời, Area Sales Manager cũng có thể tham gia đề xuất các phương án đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ định kỳ để cải thiện năng lực cho nhân viên một cách hiệu quả hơn.

Đọc thêm: Công Việc Của Giám Đốc Điều Hành Là Gì?

Kỹ năng cần có của một ASM

Bên cạnh những kiến thức đặc thù trong từng ngành và nền tảng chuyên môn vững chắc về kinh doanh, một Area Sales Manager thực thụ cần hội tụ đầy đủ các yếu tố quan trọng về kỹ năng và tư duy để có thể đạt được một vị trí tương xứng. Để làm được điều đó, họ cũng cần tự mình trải qua những thử thách và khó khăn để rèn luyện và nâng cấp chính mình.

Tư duy khoa học và khả năng lên kế hoạch

Đối với một vị trí quản lý cấp cao như Area Sales Manager, nhiệm vụ chủ yếu là phải thường xuyên xây dựng, phát triển chiến lược, kế hoạch bán hàng. Chính vì vậy, một tư duy khoa học và khả năng lên kế hoạch thuần thục sẽ là kỹ năng quan trọng giúp ích cho Area Sales Manager làm việc hiệu quả, dễ dàng và thuận lợi hơn.

Đồng thời, tư duy khoa học, logic còn giúp cho Area Sales Manager phân bổ công việc, nhiệm vụ cũng như quá trình bán hàng một cách dễ dàng và có thể đáp ứng đầy đủ những mục tiêu đã đặt ra ban đầu.

Tư duy phân tích, tổng hợp

Area Sales Manager là một vị trí cấp cao có sức ảnh hưởng lớn và giúp dẫn dắt hoạt động bán hàng cho toàn khu vực. Chính vì vậy, vị trí này không thể thiếu đi một khả năng phân tích, tổng hợp xuất sắc.

Trong đó, một óc phân tích, tổng hợp giỏi có khả năng thúc đẩy một Area Sales Manager tạo ra những kế hoạch kinh doanh, bán hàng sát với thực tế, đáp ứng được trọn vẹn các nhu cầu của khách hàng, từ đó tăng thêm mức độ hài lòng và sự tin tưởng của khách hàng dành cho sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu.

Tố chất lãnh đạo

Một vị trí lãnh đạo đòi hỏi cần có những tố chất quan trọng về khả năng dẫn dắt và lãnh đạo. Tố chất lãnh đạo có thể được rèn luyện và hình thành theo thời gian. Và vị trí Area Sales Manager cũng không là ngoại lệ.

Một tố chất lãnh đạo sẽ thúc đẩy Area Sales Manager giữ vững phong độ mạnh mẽ, có tầm nhìn, khéo léo và quyết đoán, logic và có kế hoạch. Từ đó, tố chất này giúp mang lại cho Area Sales Manager hiệu quả tối ưu khi quản lý, vận hành nhân sự cũng như toàn bộ bộ phận kinh doanh, bán hàng của khu vực.

Khả năng giao tiếp và truyền đạt

Đây là một kỹ năng quan trọng luôn có mặt trong hầu hết mọi công việc, ngành nghề. Đặc biệt hơn hết là vị trí Area Sales Manager thì bắt buộc không thể thiếu đi khả năng này.

Khi đã thuần thục trong hoạt động giao tiếp và cách truyền đạt, Area Sales Manager sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi trình bày ý kiến, kế hoạch cho các quản lý cấp trên và cả khi truyền đạt kế hoạch kinh doanh, bán hàng cho các nhân viên cấp dưới.

Sự giao tiếp và truyền đạt rõ ràng sẽ giúp cho người nghe nắm bắt đầy đủ những ý kiến, kế hoạch, mục tiêu, từ đó giúp cho toàn bộ quá trình hoạt động diễn ra liền mạch hơn.

Óc kinh doanh nhạy bén

Đây chính là một chìa khóa quan trọng thể hiện năng lực của một Area Sales Manager trong việc nhạy bén với các yếu tố mới từ xu hướng, thị trường hay những nhân tố có thể đẩy nhanh hiệu quả kinh doanh hoặc tối ưu doanh số.

Bên cạnh đó, với những cạnh tranh khắc nghiệt của ngành bán hàng, kinh doanh, một khả năng nhạy bén, linh hoạt sẽ giúp bạn ứng biến kịp thời và dẫn dắt hoạt động kinh doanh một cách tốt nhất.

Thu nhập của Area Sales Manager

Mức lương của Area Sales Manager sẽ thay đổi theo thời gian làm việc, đồng thời cũng có sự khác biệt ở hai khu vực trọng điểm TP.HCM và Hà Nội:

  • ASM đã có tối thiểu 1 – 3 năm làm việc thường có mức lương khoảng 25-30 triệu đồng (TP.HCM) và khoảng 25 – 40 triệu đồng (Hà Nội)
  • ASM đã có tối thiểu 3 – 5 năm làm việc thường có mức lương khoảng 30-50 triệu đồng (TP.HCM) và khoảng 30 – 60 triệu đồng (Hà Nội)
  • ASM đã có tối thiểu 5 năm làm việc trở lên thường có mức lương khoảng 30-60 triệu đồng (TP.HCM) và khoảng 35 – 70 triệu đồng (Hà Nội)

Lộ trình thăng tiến của vị trí này sẽ phát triển từ ASM đến Regional Sales Manager và cuối cùng là National Sales Manager (Giám đốc kinh doanh toàn quốc). Thời gian để thăng tiến lên một cấp bậc thường tối thiểu là 2 năm nhưng cũng sẽ khác tùy theo năng lực và những giá trị mà bạn mang đến cho doanh nghiệp.

Đọc thêm: Làm Thế Nào Để Thăng Tiến Trong Công Việc Nhanh Chóng?

Tìm việc ASM ở đâu?

Để có thể chinh phục vị trí này, bạn cần phải trải qua vô vàn những thử thách, khó khăn và kiên trì rèn luyện, phát triển năng lực từng ngày để có được một vị trí xứng đáng.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng Area Sales Manager vẫn luôn rộng mở và đa dạng về ngành nghề. Chính vì vậy, nếu bạn thực sự có tinh thần học hỏi và luôn phát triển năng lực tốt hơn mỗi ngày, chắc chắn bạn sẽ tìm được một cơ hội phù hợp với đam mê. Hãy ghé Glints Việt Nam để biết những công ty nào đang tuyển dụng vị trí ASM nhé.

Kết luận

Thông qua bài viết này, câu hỏi ASM là gì (Area Sales Manager) chắc chắn đã được giải đáp đầy đủ và trọn vẹn. Nếu bạn luôn cố gắng phát triển bản thân ngày càng tốt hơn, có lẽ hành trình trở thành một ASM của bạn sẽ không còn xa.

Tiếp tục cập nhật những thông tin bổ ích về hành trình nghề nghiệp trong những bài viết tiếp theo. Và đừng bỏ lỡ những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn đang chờ bạn tại trang tìm kiếm việc làm uy tín Glints Việt Nam!

Tác Giả