TCS là gì?
TCS (Traction Control System) là hệ thống chống trượt trên xe ô tô. Tùy theo cách đặt tên của từng hãng sản xuất, hệ thống TCS còn được gọi là TRC, ASR hay DSC. Hiện nay, nhằm đảm bảo sự an toàn, phần lớn các loại xe đều được trang bị công nghệ TCS.
Thực tế, xe rất khó kiểm soát khi tăng tốc, phanh và vào cua. Bởi vì ở 3 thời điểm này, do có nhiều yếu tố tác động lên xe nên khả năng ổn định và cân bằng của xe rất khó đảm bảo nếu như không có các hệ thống hỗ trợ. Chính vì thế, các hãng đã trang bị hệ thống TSC, ABS và ESC để khắc phục tình trạng này nhằm giúp thân xe ổn định hơn trong quá trình vận hành.
Theo đó, hệ thống TCS được dùng để làm giảm sự trơn trượt của bánh xe, đồng thời tăng tối đa khả năng bám đường của bộ phận này. Như vậy, cùng với ABS và ESC (ESP), TCS là 3 công nghệ an toàn quan trọng của hệ thống phanh, giúp lốp xe tăng độ bám với mặt đường để di chuyển ổn định, an toàn hơn.
TCS là hệ thống giúp ô tô chống trượt và bám đường tốt hơn
Vai trò của hệ thống TCS trên ô tô
Theo Oto.com.vn, khi xe tăng tốc thường hay xảy ra hiện tượng bánh xe mất ma sát với mặt đường. Nguyên nhân được cho là vòng xoay của bánh xe và công suất của động cơ không tương thích với tốc độ. Lúc này, hệ thống TCS sẽ điều chỉnh phanh ABS giảm tốc các bánh xe đang bị mất ma sát và giảm công suất tác động lên bánh xe để khắc phục tình trạng trượt bánh, từ đó giúp cho bánh xe tiếp xúc 1 cách tốt nhất với mặt đường.
Hoặc trong trường hợp xe leo dốc và địa hình đường xấu, trơn trượt do bùn lầy, nếu như không trang bị hệ thống chống trượt TCS, các bánh xe sẽ bị mất độ bám và khiến xe trôi xuống dốc khi nhấn ga. Trong khi đó, nếu được trang bị TCS, các bánh xe sẽ được hoạt động theo cơ chế ngắt – nhả liên tục và linh hoạt, giúp bánh xe bám đường tốt và di chuyển về phía trước 1 cách thuận lợi.
Như vậy có thể thấy rằng, hệ thống TCS đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xe bám đường tốt hơn và chống trượt. Ngoài ra, TCS tác động đến hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hệ thống bướm ga hay có thể điều chỉnh công suất, từ đó điều chỉnh lực kéo để xe di chuyển mượt mà, ổn định hơn. Quy trình hoạt động này được diễn giải như sau: các cảm biến trọng lực, gia tốc, vòng quay bánh xe, bướm ga, chân ga… sẽ phát ra tín hiệu và TCS sẽ thu nhận nhưng tín hiệu này về ECU. ECU sau khi tổng hợp tín hiệu và thông qua van thủy lực sẽ điều khiển hệ thống phanh ABS giảm tốc các bánh xe, trong khi đó bướm ga sẽ điều chỉnh công suất động cơ nhằm thay đổi sức kéo cho xe.
TCS là 1 trong 3 công nghệ an toàn quan trọng của hệ thống phanh xe ô tô
Thực tế, khá nhiều người nhầm lẫn giữa TCS, EBD và ESP bởi đây đều là những hệ thống hỗ trợ khả năng di chuyển ổn định cho xe. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về ô tô, ESP giúp xe di chuyển cân bằng ở tốc độ cao hoặc khi vào cua hay đánh lái đột ngột. Còn TCS là hệ thống hộ mệnh cho tài xế trong trường hợp bánh xe bị trượt khi tăng tốc hay đi trên đường trơn trượt ở tốc độ thấp.
Tuy nhiên, vì được phát triển trên kết cấu hệ thống phanh ABS và cân bằng điện tử ESP nên nếu như đèn cảnh báo TCS sáng, tài xế nên kiểm tra thực trạng của cả 2 hệ thống này.
Với tác dụng kể trên, hệ thống chống trượt TCS đặc biệt quan trọng đối với các dòng xe có công suất lớn, gia tốc cao hay các loại xe thường xuyên phải di chuyển đường trường và trên các loại địa hình xấu, hay bị trơn trượt. Sự xuất hiện của hệ thống TCS sẽ giúp cho tài xế kiểm soát được tay lái tốt hơn, xe chạy ổn định và đảm bảo an toàn.
Có thể bạn quan tâm:
- Hệ thống cân bằng điện tử ESP – “Kẻ nâng đỡ” trên mọi chặng đường
- Hệ thống phanh ABS và sứ mệnh bảo vệ người dùng xe hơi