​CHỮ ĐỨC – Ý NGHĨA CHỮ ĐỨC

đức là gì

CHỮ ĐỨC – Ý NGHĨA CHỮ ĐỨC

Trong cuộc sống, cùng “Tâm”“Đức” luôn đồng nghĩa với những điều tốt đẹp, với những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, là một trong những yếu tố hợp thành, tạo nên hai chữ “Con người” viết hoa.

Chữ “Đức” tuy có nhiều cách viết (như: 徳, 悳, 惪), nhưng chữ Hán chỉ có duy nhất một chữ (). Chữ Đức được kết hợp từ 3 bộ chữ là chữ “Sách”, chữ “Trực”chữ “Tâm”, trong đó, chữ “Sách” có nghĩa là bước đi, hành động; chữ “Trực” nghĩa là ngay thẳng, chính trực; chữ “Tâm” mang ý nghĩa về ý nghĩ, tư duy. Như vậy có thể hiểu một cách khái quát, Chữ Đức nghĩa là sống thực với chính mình, làm đúng với lương tâm mình.

“Đức” có các nghĩa: 1. Ân huệ (Dĩ đức báo oán); 2. Đạo đức, lấy đạo để lập thân (Đức hạnh); 3. Hạnh kiểm, tác phong; 4. Cái khí tốt (thịnh vượng) trong bốn mùa (mùa xuân gọi là thịnh đức tại mộc); 5. Ý chí, niềm tin, lòng dạ (nhất tâm nhất đức – một lòng một dạ); 6. Ơn; 7. Giáo dục (đức hoá – lấy đức mà dạy bảo); 8. Mỹ thiện (Đức chính – chính sách tốt đẹp).

Với những ý nghĩa tốt đẹp đó, chữ “Đức” có vai trò đặc biệt quan trọng. Người xưa có câu: “Tiên tích đức, hậu tầm long” nghĩa là trước phải có đức, phải tu nhân tích đức, sau mới nghĩ đến chuyện tìm sự giàu sang phú quý (tầm long nghĩa là tìm long mạch tốt để tạo sự phát đạt, giàu sang). Lại có câu: “Có đức mặc sức mà ăn” cũng với ý nghĩa tương tự. Chữ “Đức”, hay nói đúng hơn, ăn ở có đức là điều rất quan trọng. Do vậy, mặc dù Tử vi đặc biệt coi trọng “số phận” con người, nhưng vẫn có câu “Đức năng thắng số’’, cũng là nhằm nhắc nhở con người biết lấy “Đức” làm trọng, vừa giúp ích cho xã hội, vừa tạo nên “số phận” tốt hơn cho chính mình. Theo nghĩa này, sách “Thuyết văn giải tự” cũng khẳng định: “Đức giả đắc dã, nội đắc vu kỷ, ngoại đắc vu nhân”, nghĩa là: Người có đức thì bên trong làm chủ được bản thân, bên ngoài đắc được nhân tâm.

“Đức” là một khái niệm triết học và phổ quát trong các truyền thống đạo học của phương Đông. Đạo giáo, Phật giáo và Khổng giáo quan niệm về chữ đức có chút phần khác biệt nhau nhưng đại thể thì có nét tương đồng.

Đạo giáo quan niệm tu thân tới mức hợp nhất với trời đất và an hòa với người là có đức. Theo như “Đạo Đức kinh”, “Đức” luôn được vận hành với đạo, trong đó đạo chính là yếu tố có trước và đức có sau, phụ thuộc vào đạo. Khổng giáo quan niệm sống đúng với luân thường chính là có đức. “Đức” là cái gốc muôn hạnh cũng là cái gốc để cho con người lập thân. “Đức” là đức hạnh tốt, phần tốt đẹp, sự thẳng thắn của con người. Trong “Kinh Dịch” có câu “Quân tử tiến đức tu nghiệp” nghĩa là, người quân tử rèn luyện về phẩm hạnh và đạo đức để vun bồi, xây dựng sự nghiệp.

Nho giáo cũng đặc biệt đề cao cái Đức ở con người, nhất là đức “hiếu”, bởi Nho giáo quan niệm rằng, làm người trước tiên phải có lòng kính yêu cha mẹ và người thân trong gia đình mình, sau rồi mới biết yêu thương người ngoài, yêu thương đồng loại, mới làm nhiều việc tốt được. Làm người trước hết phải biết tu dưỡng “đức” rồi mới học “văn”. Hiếu đức ở đây không phải chỉ là nuôi dưỡng cha mẹ một cách đơn thuần mà là chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ với sự thành kính, sự yêu thương thật sự.

Trong Phật giáo, chữ đức nó mang ý nghĩa vô cùng rộng lớn, bao hàm các phương diện thể, tướng, dụng của “Đức” với “Nhị đức”, “Tam đức”, “Tứ đức” và “Ngũ đức”.

“Nhị đức” gồm có “Trí đức” (tức là trí huệ viên mãn) và “Đoạn đức” (dứt hết phiền não).

“Tam đức” chính là 3 đức tướng của Niết bàn gồm: “Pháp thân đức” là Chân như sẵn đủ xưa nay của tất cả các pháp, “Giải thoát đức” là thoát ly sự trói buộc của phiền não và “Bát nhã đức” là trí tuệ giác ngộ. “Tam đức” về phương diện ba tướng của quả vị Phật bao gồm: “Đoạn đức” – diệt hết tất cả phiền não, “Trí đức” – trí tuệ quán sát tất cả pháp và “Ân đức” – nguyện lực cứu độ chúng sanh. “Tam đức” về phương diện 3 đức tướng viên mãn của Như Lai gồm: “Nhân viên đức”, “Ân viên đức” và “Quả viên đức”.

“Tứ đức” – 4 đức Pháp thân của Như Lai gồm: Thường (thể tính của Pháp thân Như Lai không bao giờ thay đổi), Lạc (lìa hẳn các khổ và̀ trụ trong an vui hoàn toàn của Niết bàn), Ngã (tự tại vô ngại, siêu việt hữu ngã và vô ngã), Tịnh (lìa cấu nhiễm, thanh tịnh và vắng lặng).

“Ngũ đức” là khái niệm là thiên về phương diện “Đức” là đạo đức, đức hạnh, như 5 đức của giới sư bao gồm: giữ giới, mười hạ trở lên, thông hiểu thiền định, thông hiểu tạng Luật và có trí tuệ; 5 đức một vị Sa di phải biết là: phát tâm xuất gia vì cảm bội Phật pháp, hủy bỏ hình đẹp vì thích ứng pháp y, cát ai từ thân vì không còn thân sơ, không kể thân mạng vì tôn sùng Phật pháp, chí cầu Đại thừa vì hóa độ mọi người v.v…

Mặc dù chữ đức ở trong Phật giáo có rất nghĩa nhưng đều được thiết lập ở trên nền tảng cơ bản là hoàn thiện nhân cách đạo đức ở mỗi con người. Vì thế, để tu nhân tích đức, theo Phật giáo có nhiều phương thức nhưng khái quát nhất và dễ thực hành nhất chính là tuân thủ năm nguyên tắc đạo đức của Phật tử (không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh và không nói dối, không dùng những chất gây nghiện và say sưa)./.