Peel da (chemical peels) được xem là phương pháp “lột xác” thần kỳ cho làn da, khi từ một làn da xỉn màu, chi chít vết mụn, li ti nếp nhăn được trả lại bề mặt mịn mướt, tươi sáng và mất dấu những khuyết điểm xấu xí trước đó. Để biết hơn peel da là gì, hiện tượng xảy ra khi peel và cách chăm sóc da sau khi peel sao cho khoa học, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết sau.
Cứ sau mỗi 28 ngày, theo chu kỳ sinh học thì các tế bào da hư tổn sẽ được thay mới. Để thúc đẩy quá trình thay da, tái tạo tế bào mới này thì cần đến những hoạt chất như glycolic acid, salicylic acid… đóng vai trò chủ đạo trong phương pháp peel da. Quá trình sử dụng các loại acid tương đối mạnh này khá phức tạp và dễ để lại tác dụng phụ nên đòi hỏi người peel da phải có kiến thức và kinh nghiệm thực hiện.
Phương pháp peel da có khả năng tái sinh làn da mạnh mẽ (Nguồn ảnh: Internet)
Vì sao nên peel da? Phương pháp này được áp dụng cho các trường hợp mà da thường gặp phải như mụn (mụn bọc, mọc đầu đen, mụn ẩn…), lỗ chân lông to, sẹo thâm, nám, tàn nhang, da không đều màu, da lão hóa … Đặc biệt peel da mặt có thể áp dụng cho cả nam và nữ, tùy theo loại acid và nồng độ phù hợp với tình trạng da mỗi người.
Peel da là gì? Thay da sinh học là gì? Có mấy loại, mấy cấp độ?
Peel da là gì? Có tác dụng gì?
Peel da là phương pháp thay da sinh học, sử dụng hóa chất để tác động lên bề mặt da, giúp loại bỏ da chết, vi khuẩn… nằm sâu dưới lỗ chân lông, đồng thời gây tổn thương nhẹ cho da và kích thích tái tạo mô tế bào mới phát triển, giúp da trở nên khỏe mạnh hơn. Để an toàn, thay da sinh học nên được bác sĩ da liễu thực hiện. Công dụng của peel da bao gồm:
Tái tạo tế bào
Peel da giúp “lột phăng” tế bào già cỗi, cứng đầu bám chặt trên da, kích thích sản sinh collagen và elastin, giúp da phục hồi rõ rệt, tăng độ đàn hồi, hấp thu dưỡng chất từ các sản phẩm dưỡng da tốt hơn và đẩy lùi dấu hiệu tuổi tác.
Peel giúp da trở nên căng mịn, hạn chế dấu hiệu lão hóa (Nguồn ảnh: Internet)
Làm đều màu da
Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cộng với hậu quả do mụn để lại khiến bạn tự ti vì làn da đầy sẹo thâm, nám, sạm… khiến tổng thể da không đều màu, gây mất thẩm mỹ. Peel da sẽ hỗ trợ lấy đi những mảng da chết ở bề mặt, đẩy dưỡng chất vào da hiệu quả hơn, giúp tổng thể da được cải thiện đều màu, đồng thời làm chậm quá trình sản xuất melanin, ngăn ngừa xuất hiện nám, tàn nhang.
Trị mụn, sẹo thâm
Peel da trị mụn với nồng độ acid cao sẽ tác động trực tiếp lên da khiến cồi mụn ẩn dưới da được đẩy lên khỏi bề mặt, giúp bạn dễ dàng loại bỏ phần nhân mụn hơn. Đồng thời, lớp da chết mất đi và được thay thế bằng tế bào mới sẽ giúp giảm tình trạng vết thâm.
Các chất thường dùng để peel da
Dung dịch peel da sinh học là những acid được dùng để quét hoặc chấm lên dùng da cần điều trị, làm bong tróc nhẹ nhàng lớp da chết trên cùng, lấy đi vết thâm, làm mới cấu trúc của lớp thượng bì, kích thích tăng sinh tế bào da giúp mật độ lớp bì dày hơn, giúp da trở nên sáng đẹp và săn chắc hơn. Hóa chất thường dùng để peel da bao gồm:
Alpha Hydroxy Acid (AHA) với glycolic acid 30%, glycolic acid 50%, glycolic acid 70%… có khả năng tẩy tế bào chết, xây dựng hàng rào ngăn chặn yếu tố lão hóa, chống nhăn và chảy xệ, làm sáng da, trị mụn…
Beta Hydroxyl Acid (BHA) với salicylic acid có khả năng thấm vào sâu tận lỗ chân lông, phá vỡ tế bào chết dính vào nhau, tiêu trừ bã nhờn bị tắc nghẽn, tẩy da chết làm bong lớp sừng bề mặt da, loại bỏ mụn đầu đen, mụn đầu trắng…
Retinol là dẫn xuất vitamin A, tác động trực tiếp vào tế bào hư hại, kết nối và phục hồi chức năng ở mức tốt nhất nên được dùng trong liệu trình trẻ hóa da, thúc đẩy sản xuất collagen ngừa mụn, giảm thâm nám và tàn nhang, kháng viêm, hạn chế hình thành nhân mụn…
AHA, BHA, retinol… thường được sử dụng trong peel da (Nguồn ảnh: Internet)
Tricloacetic Acid (TCA) giúp tái tạo cấu trúc da mới, hỗ trợ quá trình trẻ hóa da, sắc tố da và hạn chế nếp nhăn.
Jessner là sự kết hợp của AHA, BHA và Resorcinol, hỗ trợ điều trị mụn, mờ thâm và cải thiện tình trạng da sần sùi cực kỳ hiệu quả.
Các cấp độ peel da
Peel nông
Đây là cấp độ peel “nhẹ đô” nhất, không gây đau và cho hiệu quả thấp vì chỉ tác động vào lớp trên cùng của biểu bì. Cấp độ này chủ yếu đem lại làn da sạch, cải thiện sắc tố da…
Peel trung
Cấp độ này giúp hoạt chất thẩm thấu vào lớp sâu nhất của biểu bì. Sau vài ngày, lớp da mới sẽ hình thành. Nếu bạn muốn peel trắng sáng da, xóa thâm nhẹ thì cấp độ này sẽ cho kết quả nhanh chóng.
Peel sâu
Tác động vào tầng hạ bì của da (liên quan đến quá trình hình thành nếp nhăn, quyết định độ mỏng dày của da). Cấp độ này giúp ích trong việc điều trị các vấn đề như nếp nhăn, vết thâm, mụn… và đòi hỏi phải được thực hiện bởi bác sĩ da liễu.
Với cấp độ nông, bạn có thể tự peel da mặt tại nhà, còn với cấp độ sâu hơn thì nên có sự can thiệp của chuyên gia da liễu.
Peel da cấp độ sâu nên có sự can thiệp của bác sĩ da liễu để đảm bảo an toàn (Nguồn ảnh: Internet)
Phân biệt giữa thay da sinh học với lột da
Lột da là phương pháp dùng hóa chất lột tẩy như hydroquinone, corticoid… để làm trắng da nhanh chóng chỉ sau một lần sử dụng, loại bỏ tế bào chết bên ngoài và các khuyết điểm như thâm, sạm…
Tuy nhiên hình thức này lại vô tình tước đi lớp màng ẩm tự nhiên, phá hủy hàng rào phòng ngự của da. Kết quả là da sẽ trắng hồng ngay lập tức nhưng lại vô cùng mỏng yếu, lộ mao mạch, dễ bị kích ứng, không thể chống chọi lại tác động từ tia UV, vi khuẩn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, dẫn tới hoại tử…
Trong khi đó, thay da sinh học là giải pháp làm đẹp khoa học, đảm bảo tiêu chí làm đẹp thuận theo tự nhiên, sinh lý của làn da và được sự tư vấn về nồng độ acid cho phép từ bác sĩ da liễu nên sẽ an toàn hơn.
Trường hợp nên/ không nên peel
Nếu da gặp các vấn đề về mụn ẩn, mụn bọc, sẹo thâm, nám, da không đều màu, có dấu hiệu lão hóa… thì nên peel da để cải thiện. Riêng trong những trường hợp sau thì bác sĩ da liễu khuyến cáo không nên áp dụng peel da sinh học:
- Da bị nhiễm khuẩn, bị bỏng, có vết thương hở, vảy nến, chàm, trứng cá đỏ…
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú (tuy nhiên vẫn có thể sử dụng AHA ở nồng độ thấp dưới sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ)
- Người đang dùng Accutane (Isotretinoin) trong vòng 6 tháng
- Người đang dùng sản phẩm thuốc uống/ chăm sóc da có chứa Renova, Retin-A
- Người đang sử dụng sản phẩm chứa vitamin C hoặc acid khác trong vòng 48 tiếng
Ưu và nhược điểm của peel da
Ưu điểm
- Điều trị các loại mụn trên da, kích thích đẩy nhân mụn, ngăn mụn tái phát…
- Thúc đẩy sản sinh collagen mạnh mẽ, nhanh chóng tái tạo tế bào, làm đầy tổn thương trước đó mà không lưu lại sẹo, xóa thâm…
- Không đem lại cảm giác đau đớn, chỉ hơi có cảm giác châm chích nhưng sau đó sẽ được làm dịu da bằng cách chườm đá lạnh.
- Rút ngắn liệu trình so với các phương pháp điều trị mụn thông thường (mụn nhẹ chỉ peel 2 – 3 lần, mụn nặng chỉ 5 – 7 lần), không cần nhiều thời gian nghỉ dưỡng.
- Hiệu quả dài lâu nếu bạn kết hợp với chế độ chăm sóc da khoa học.
Peel da xử lý tốt tình trạng mụn (Nguồn ảnh: Internet)
Nhược điểm
- Da dễ bị tổn thương nếu không biết cách peel da tại nhà hoặc chọn cơ sở chăm sóc da thiếu uy tín, khiến tình trạng da còn tồi tệ hơn ban đầu.
- Cần quan tâm cách chăm sóc da sau peel, bởi đây là yếu tố quyết định hiệu quả điều trị.
- Nhanh thấy hiệu quả với kinh phí thấp nên nhiều người dễ lạm dụng, dẫn tới ảnh hưởng sức khỏe làn da.
Quy trình peel da chuẩn y khoa
Bước 1: Làm sạch da
Sử dụng sản phẩm tẩy trang và sữa rửa mặt để làm sạch bề mặt da.
Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ được tiệt trùng
Chuẩn bị dụng cụ được tiệt trùng, hoạt chất peel da theo chỉ định của bác sĩ để tránh gây ra biến chứng không mong muốn.
Bước 3: Thoa Benpathen lên vùng da nhạy cảm
Thoa Benpathen lên vùng da quanh mắt, khóe mũi, khóe miệng để bảo vệ vùng da nhạy cảm.
Bước 4: Thoa sản phẩm peel
Thoa dung dịch peel theo thứ tự trán, hai má, mũi và cằm.
Bước 5: Thoa dung dịch trung hòa
Sau khi peel xong, dùng gạc mềm ngâm trong dung dịch trung hòa Aloe Vera Neutralizer để lau lớp sản phẩm peel, giúp da dễ chịu hơn.
Bước 6: Làm dịu da
Chườm khăn lạnh để làm mát, giảm cảm giác châm chích và hơi rát.
Bước 7: Vệ sinh da sau peel
Làm sạch da mặt với nước lạnh.
Bước 8: Dưỡng ẩm
Thoa sản phẩm chứa hyaluronic acid lên vùng da vừa peel nhằm tạo độ ẩm và cân bằng da.
Bước 9: Thoa kem chống nắng
Ngoài ra, ở các spa, khách hàng sẽ được chụp ảnh các góc mặt trước khi đi vào các bước trong liệu trình peel nhằm giúp bác sĩ theo dõi tiến trình điều trị thuận tiện hơn.
Cách chăm sóc da sau khi peel
- Chống nắng: Đây là lưu ý tối quan trọng sau khi peel da, bởi lúc này da còn rất yếu và dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ ánh nắng mặt trời.
- Dưỡng ẩm: Hãy sử dụng xịt khoáng, sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp, bởi da mới bong tróc rất cần được dưỡng ẩm.
Dưỡng ẩm là bước cần thiết để tái tạo làn da sau peel (Nguồn ảnh: Internet)
- Vệ sinh da bằng nước muối sinh lý: Để phục hồi da sau peel, bạn nên dùng nước muối sinh lý để rửa mặt trong khoảng vài ngày đầu. Không dùng sữa rửa mặt, (đặc biệt sữa rửa mặt có hạt), sản phẩm tẩy trang có cồn…
- Không cạy, gỡ mài: Khi da chưa sẵn sàng bong tróc và bạn lại “táy máy” sẽ khiến ảnh hưởng đến chức năng đề kháng của da.
- Hạn chế trang điểm: Sau khi peel, da còn đang nhạy cảm nên bạn cần hạn chế trang điểm (ít nhất trong 7 – 10 ngày) để tránh bít lỗ chân lông, gây mụn.
Sản phẩm peel tốt nhất
So’Natural Red Peel Tingle Serum
Sản phẩm có kết cấu khá đặc với chiết xuất từ dâu tằm nên mùi hóa học trong acid không quá nồng. Thành phần chính gồm glycolic acid, lactic acid và citric acid, được đánh giá là đặc biệt phù hợp cho da nhạy cảm, mụn hoặc từng bị tổn thương do dùng kem trộn.
The Ordinary AHA 30% + BHA 2% Peeling Solution
The Ordinary AHA 30% + BHA 2% Peeling Solution chứa glycolic acid, lactic acid và citric acid đều thuộc nhóm AHA và có thêm BHA 2%. Nồng độ acid của The Ordinary cao hơn Red Peel Tingle Serum một chút. Điểm cộng cho sản phẩm peel da tại nhà này là thành phần có leaf extract (chiết xuất thảo dược) giúp hạn chế kích ứng khi sử dụng acid ở nồng độ cao.
The Ordinary AHA 30% + BHA 2% Peeling Solution (Nguồn ảnh: Internet)
NeoStrata Retinol Peel
NeoStrata Retinol Peel sử dụng retinol 3% (nồng độ trung bình) có khả năng gây hiện tượng bong tróc khi mới sử dụng. Sản phẩm giúp hỗ trợ giải quyết vấn đề về sẹo rỗ, lỗ chân lông to và kích thích sản sinh collagen nên được đánh giá đặc biệt thích hợp với da có nhiều vấn đề về mụn và lỗ chân lông.
Vi kim tảo biển
Vi kim tảo biển là kĩ thuật thẩm mỹ đột phá trong lĩnh vực peel da được áp dụng tại các spa, thẩm mỹ viện. Xét về nguyên lý, phương pháp này sử dụng đầu kim silica siêu mảnh để truyền tinh chất tảo biển vào sâu bên trong da, đẩy nhanh quá trình thay lớp da cũ sần sùi, tối màu bằng lớp da mới trắng sáng, mịn màng hơn.
Câu hỏi thường gặp về peel da
Peel da có hại không?
Peel da không những không làm mỏng da, giúp sạch mụn mà còn khiến da dày, khỏe và đẹp hơn. Nhưng nếu sử dụng sản phẩm peel sai cách và chăm sóc da sau peel thiếu khoa học thì dễ dẫn tới bỏng rát, nổi mụn, thâm nám, chảy dịch… Nếu rơi vào tình huống như vậy trong thời gian dài thì hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn hướng khắc phục.
Hiện tượng sau khi peel
Sau khi peel, da có thể ửng đỏ trong vài ngày đầu tiên, khô sạm và cồi mụn bị khô, đẩy lên bề mặt da, bong vảy trắng, xuất hiện da mới…
Đây là những biểu hiện rất bình thường khi peel da, nhưng để yên tâm hơn, bạn có thể liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.
Bong tróc là hiện tượng thường thấy khi peel da (Nguồn ảnh: Internet)
Sau khi peel, nên dùng sản phẩm gì?
Sau khi peel da, bạn nên rửa mặt bằng nước muối sinh lý (thay cho sữa rửa mặt), uống viên chống nắng (1 – 3 ngày sau peel), xịt khoáng, sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm và kem chống nắng SPF 50 (thời gian sau 3 ngày).
Cách peel da tại nhà
Muốn peel da sinh học tại nhà, trước hết phải đảm bảo da mặt đang trong trạng thái ổn định. Nếu da mỏng yếu, bị mụn viêm nghiêm trọng thì tuyệt đối không nên.
Ngoài ra, nên test thử các sản phẩm peel da chứa acid như BHA và AHA để xem có bị kích ứng không rồi mới quyết định peel.
Da mỏng có nên peel?
Đối với trường hợp da quá mỏng hay quá yếu, bạn nên tham vấn bác sĩ để cân nhắc tình trạng da, nồng độ, lựa chọn hoạt chất peel, dược mỹ phẩm phục hồi sau peel… trước khi quyết định có peel hay không.
Bao lâu thì peel 1 lần?
Đối với peel da, tần suất lý tưởng chỉ nên ở mức 7 – 10 ngày/lần (tùy thuộc vào tình trạng da) và nên có sự tư vấn từ bác sĩ da liễu nếu thực hiện tại nhà.
Peel da giá bao nhiêu?
Chi phí peel da tại các spa hiện nay dao động từ 500.000 – 3.000.000 đồng/lần điều trị (tùy theo tình trạng da).
Kết thúc bài viết, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ peel da là gì, sản phẩm peel da tại nhà tốt nhất và cách chăm sóc da sau peel. Dù được biết đến với khả năng “lột xác” toàn diện cho làn da nhưng để có được kết quả mỹ mãn, bạn phải hết sức thận trọng, bởi phương pháp này luôn tiềm ẩn không ít nguy cơ gây tổn hại cho làn da nếu thực hiện sai cách.
Tốt nhất là hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn cụ thể nhất khi peel da.