Ảnh minh họa
Dong riềng đỏ có tên khoa học là Canna edulis – Kur. Đây là loại cây thuốc dân gian rất có giá trị trong phòng chống bệnh tim mạch. Cây dong riềng đỏ còn được biết đến với các tên gọi khác như khoai đao, khương vu. Loài cây này phân bố ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Bắc Kạn, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn la, Hòa Bình …. Cây dong riềngcó xuất xứ từ các nước Trung và Nam châu Mỹ. Có 2 loại dong riềng là dong riềng trắng và dong riềng đỏ. Tuy nhiên, dong riềng đỏ mới là loại có nhiều tác dụng, được dùng trong cả y học và trong ngành công nghiệp thực phẩm. Toàn bộ lá, thân, củ của cây dong riềng đỏ đều được dùng làm thuốc. Ngoài ra, củ của nó còn được dùng để làm miến.
Cây dong riềng đỏ cao 1,2 – 1,5m, có thể tới 2m. Thân rễ phình to thành củ, chứa nhiều tinh bột. Trong thực vật nói chung, Thân rễ chỉ cho một đoạn của thân cây nằm ngang dưới mặt đất mà từ các mắt của nó mọc ra các rễ và chồi. Nó vốn là thân cây nhưng nằm sát mặt đất và phình ra nên thường gọi là củ, như gừng, nghệ,… Lá có phiến thuôn dài, thường có màu tía. Gân lá ở giữa to, gân phụ song song. Hoa xếp thành cụm ở ngọn thân, màu đỏ, hồng. Quả nang có nhiều gai mềm, chứa nhiều hạt hình cầu màu đen. Cây dong riềng đỏ rất dễ trồng và chăm sóc, tuy nhiên nên trồng vào khoảng tháng 2. Chỉ cần vùi củ vào đất ẩm và chờ nảy mầm. Cây không bị sâu bệnh và chịu được bóng râm.
Cây ra hoa quả quanh năm. Dong riềng đỏ có vị ngọt, nhạt, tính mát. Cây có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, an thần, tức là làm mát cơ thể, bồi bổ, chữa mất ngủ.
Liều dùng :Rễ 15 – 20g, sắc uống; hoa 10 – 15g, hãm sôi trong nước và dùng ngay.
Nhiều nước trồng và khai thác Dong riềng làm nguồn chế biến tinh bột. Nó còn được dùng để làm tá dược trong sản xuất thuốc.
Củ cây này luộc ăn ngon, và chế bột làm miến (bún tàu) tại nhiều vùng ở nước ta.
Rễ dùng chữa viêm gan hoàng đản cấp tính. Dùng ngoài trị đòn ngã chấn thương, viêm mủ ở da.
Hoa dùng chữa chảy máu bên ngoài. Hạt có thể tán bột rắc chữa viêm tai có mủ.
Trị viêm gan cấp: Rễ Dong riềng tươi 60 – 90g đun sôi uống. Có hiệu quả sau một tuần lễ điều trị .
Trị ngã chấn thương: Rễ cây tươi giã nát và đắp tại chỗ lên vết thương.
Chiết xuất từ lá Dong riềng có thể dùng để tổng hợp các hạt nano bạc (AgNPs). Hạt nano bạc này có tác dụng ức các vi sinh vật gây bệnh, ở nồng độ ức chế vi sinh vật thì không có ảnh hưởng đến tế bào động vật và người. Do đó, lá Dong riềng là một ứng cử viên trong sản xuất nano bạc thân thiện với môi trường, sạch, tiết kiệm chi phí và không độc hại.
Một nghiên cứu ở nước ta cho thấy dịch chiết thân rễ Dong riềng có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, chống đông máu và chống oxi hóa mạnh. Các hoạt tính này tương tự các thuốc tim mạch điều trị các bệnh như thiếu máu cơ tim, tắc mạch máu ở tay chân, xơ vữa mạch, … Do đó thân rễ Dong riềng là một nguồn tiềm năng để bào chế thuốc tim mạch, chống oxi hóa.
Dong riềng đỏ được xem là thần dược cho tim mạch vì nó vừa chữa suy tim; hạ huyết áp; điều hòa nhịp tim; giãn vi mạch vành; giảm đau ngực nhanh; làm sạch lòng mạch vành và an thần./.
Gia Hân (t/h)