Bloomberg là gì? Tìm hiểu về Bloomberg

Bloomberg là gì

Hầu hết những ai quan tâm đến lĩnh vực tài chính, kinh tế, đều không xa lạ gì website Bloomberg, nơi chứa rất nhiều các tin tức hay các bài phân tích có giá trị. Giúp trader đưa ra được các nhận định, các ý tưởng giao dịch cho chính bản thân. Tuy nhiên, với nhiều trader Bloomberg không chỉ là website cung cấp thông tin, mà còn là nơi có phần mềm giao dịch vô cùng tuyệt vời mà không phải ai muốn cũng sử dụng được. Trong bài viết này, ngoài việc giới thiệu Bloomberg, chúng ta sẽ cùng nhau đi sâu tìm hiểu về Bloomberg Terminal phần mềm giao dịch có giá 2000 USD/ tháng và 24.000 USD/ năm (khoảng 550 triệu vnđ) thường được các phòng Treasury trong khối ngân hàng sử dụng.

Bloomberg là gì?

Trước khi nổi tiếng với website tin tức Bloomberg, Innovative Market Solutions tên tiền thân của Bloomberg L.P khi mới thành lập (năm 1981), chỉ là 1 công ty sáng chế ra thiết bị đầu cuối máy tính mà sau này được biết đến với tên gọi Bloomberg Terminal, cho phép các nhà giao dịch cập nhật thông tin về thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ. Ngoài Bloomberg Terminal, Bloomberg L.P còn sở hữu website tin tức Bloomberg Business News, đài phát thanh Bloomberg Radio, kênh truyền hình Bloomberg TV và 2 tạp chí Bloomberg Businessweek và Bloomberg Markets.

Như vậy, Bloomberg L.P là một công ty cung cấp các công cụ phần mềm, giải pháp doanh nghiệp, cũng như cung cấp dịch vụ phân tích, nền tảng giao dịch vốn, dịch vụ dữ liệu và tin tức cho các công ty tài chính, các tổ chức kinh doanh, được thành lập bởi Michael Bloomberg ban đầu chỉ là 1 nhân viên đếm tiền của ngân hàng Salomon Brothers.

Cuộc đời của Michael Bloomberg

Michael Bloomberg sinh ra trong 1 gia đình trung lưu ở Massachusetts, ông từng tốt nghiệp đại học Johns Hopkins chuyên ngành kỹ thuật điện. Sau đó ông tiếp tục theo học và lấy được bằng MBA của Đại học Harvard.

Nhờ được bồi thường 10 triệu đô tiền thôi việc từ ngân hàng Salomon Brothers, Michael Bloomberg đã dùng 4 triệu đô để phát triển một hệ thống máy tính, để cung cấp thông tin cho thị trường trái phiếu. Với sự giúp đỡ của Thomas Secunda, Duncan MacMillan, Charles Zegar cũng chính là những người sáng lập nên Innovative Market Solutions (1981) và được đổi tên thành Bloomberg L.P (1990).

Sau khi có khách hàng đầu tiên (1982) là ngân hàng Merrill Lynch đã đặt mua và lắp đặt 22 thiết bị đầu cuối máy tính. Bloomberg có những bước phát triển vượt bậc, chỉ sau 5 năm thành lập Bloomberg L.P đã bán được 5.000 thiết bị máy tính, cũng như thiết lập được nền tảng giao dịch của riêng mình.

Và đúng 1 thập niên sau đó, vào năm 1998, đã có Bloomberg Terminal thứ 100.000 được lắp đặt. Mặc dù giá của Bloomberg Terminal không hề rẻ lên tới 24.000 USD/ năm, nếu bạn đăng ký sử dụng từ 2 thiết bị Bloomberg Terminal trở lên thì sẽ có giá 20.000 USD ( khoảng 460 triệu vnđ). Tuy nhiên, tính đến nay Bloomberg Terminal đã có 325.000 đăng ký sử dụng dịch vụ này. Điều này đồng nghĩa, chỉ tính riêng thiết bị đầu cuối Bloomberg Terminal đã giúp cho cha đẻ của phần mềm này kiếm được hơn 7 tỷ USD mỗi năm. Nhờ vậy, không khó hiểu làm sao khi Bloomberg trở thành 1 trong 10 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ. Trong phần sau, chúng tôi sẽ giải thích kỹ lưỡng hơn vì sao Bloomberg Terminal lại đắt xắt ra miếng đến như vậy.

Nhờ sự ăn nên làm ra của Bloomberg Terminal, tỷ phú Bloomberg đã bắt đầu đứng ra tranh cử chức thị trưởng thành phố New York và đã đắc cử vào năm 2002. Cũng trong thời gian này Bloomberg từ chức Giám đốc điều hành (CEO) Bloomberg L.P để tập trung vào chính trị.

Dù chỉ nhận mức lương 1 USD/năm cho chức vụ thị trưởng New York nhưng Michael Bloomberg sở hữu khối tài sản lên tới 55 tỷ USD, và trở thành thị trưởng có nhiệm kỳ kéo dài nhất của New York. Một thông tin ngoài lề, Michael Bloomberg rất có thể sẽ trở thành 1 trong những đối thử nặng ký của ông Trump khi có kế hoạch chi 500 triệu USD để tranh cử tổng thống vào năm 2020.

Các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp bởi Bloomberg

Như có nói ở trên Bloomberg sở hữu rất nhiều các công ty con khác nhau, mà trong số đó Bloomberg Terminal và Bloomberg News là những sản phẩm chính mang tới nhiều doanh thu nhất cho hãng này. Trong đó, Các dịch vụ tin tức của Bloomberg – bao gồm BusinessWeek và Bloomberg News tạo ra 4% doanh thu nhưng lại chi phí nhiều hơn số tiền kiếm được. Trong khi đó Bloomberg Terminal mới là “con gà đẻ trứng vàng” khi đã tạo ra 75% tổng doanh thu cho Bloomberg. Ngoài ra, còn có rất nhiều các sản phẩm và dịch vụ khác do Bloomberg cung cấp như:

  • Bloomberg Professional Service: 1 dịch vụ nằm trong thiết bị đầu cuối Bloomberg Terminal để theo dõi và phân tích dữ liệu tài chính theo thời gian thực, tìm kiếm tin tức tài chính, nhận báo giá và gửi tin nhắn điện tử thông qua Dịch vụ nhắn tin Bloomberg hay còn biết đến với tên gọi Instant Bloomberg (IB).
  • Bloomberg News: dịch vụ này quá nổi tiếng rồi, được thành lập từ năm 1990 bởi Michael Bloomberg và Matthew Winkler, ngoài cung cấp thông tin cho người đọc thì đây cũng chính là nơi để cung cấp báo cáo tin tức tài chính cho các thuê bao thiết bị đầu cuối của Bloomberg Terminal.
  • Bloomberg Radio và Bloomberg Television một mạng truyền hình tin tức tài chính được phát sóng 24/24 và đã có hơn 200 triệu hộ gia đình đang sử dụng dịch vụ này trên toàn cầu.
  • Bloomberg Markets: 1 tạp chí ra mắt hàng tháng, cung cấp cái nhìn chuyên sâu về thị trường tài chính toàn câu theo phân tích từ các chuyên gia tài chính đến từ Bloomberg.
  • Bloomberg Pursuits: là một tạp chí thuộc dạng đắt đỏ hai tháng xuất bản 1 lần, được phân phối độc quyền cho người dùng thiết bị đầu cuối Bloomberg Terminal, tuy nhiên đã ngừng xuất bản vào năm 2016.
  • Bloomberg Entity Exchange: hay còn gọi là nền tảng tập trung dựa trên nền tảng web dành cho các công ty, các tập đoàn và công ty bảo hiểm, ngân hàng hoặc nhà môi giới để trao đổi dữ liệu và tài liệu cần thiết cho mục đích KYC.
  • Bloomberg Government: một dịch vụ trực tuyến cung cấp tin tức và thông tin về chính trị.
  • Bloomberg Law: ra mắt năm 2009, đây là một dịch vụ cung cấp hồ sơ pháp lý và báo cáo từ các nhà phân tích pháp lý của Bloomberg cũng như tin tức và thông tin kinh doanh.
  • Bloomberg Opinion: trước đây là Bloomberg View, một bộ phận biên tập trực thuộc Bloomberg News ra mắt vào tháng 5 năm 2011, cung cấp nội dung biên tập trong các chuyên mục của các tác giả, các biên tập viên về các vấn đề tin tức.
  • Bloomberg Tradebook: dịch vụ môi giới cho các giao dịch ngoại hối, các chủ sở hữu tương lai, cung cấp quyền truy cập vào các thuật toán giao dịch, phân tích và nhất là marketing insights.
  • Bloomberg Beta: một công ty đầu tư mạo hiểm được chính Bloomberg L.P rót vốn 75 triệu đô la tập trung vào các khoản đầu tư, các lĩnh vực mà Bloomberg L.P. quan tâm.

Ngoài ra còn rất rất nhiều dịch vụ khác như: Bloomberg Innovation Index, Open Bloomberg, Bloomberg Live, TicToc by Bloomberg, Bloomberg New Economy Forum (Diễn đàn kinh tế mới của Bloomberg)… Các bạn đã hiểu vì sao Michael Bloomberg lại giàu nhất New York và là tỷ phú xếp thứ 7 trên toàn thế giới rồi chứ?

Phần mềm Bloomberg Terminal

Mặc dù Bloomberg Terminal có thể là cái tên xa lạ, nhưng với nhiều trader Bloomberg Terminal được xem như là vật bất ly thân không thể thiếu trong suốt thời gian giao dịch của họ. Vậy Bloomberg Terminal là gì?

Bloomberg Terminal là một hệ thống máy tính cho phép các nhà đầu tư truy cập dịch vụ dữ liệu của Bloomberg, cung cấp dữ liệu tài chính, tin tức, hệ thống nhắn tin độc quyền cũng như tạo điều kiện cho việc giao dịch tài chính theo thời gian thực. Tất cả đều được cập nhật vô cùng nhanh chóng, chính xác nhờ vào đội ngũ phóng viên, biên tập có mặt tại khắp mọi nơi trên thế giới của hãng truyền thông khổng lồ này. Như có nói trước đó phí để sử dụng Bloomberg Terminal là 24.000 USD/ năm tương đương 2.000 USD/ tháng, nếu đăng ký từ 2 tài khoản sử dụng trở lên phí này sẽ giảm xuống còn 22.000 USD.

Bloomberg Terminal có 1 giao diện vô cùng nhạt nhẽo, cổ lỗ. Tuy nhiên, các nhà giao dịch chỉ quan tâm đến lợi nhuận, nên họ dường như cũng chẳng bao giờ thèm bận tâm tới giao diện toàn màu đen nhưng lại trở thành một đặc điểm dễ nhận biết của dịch vụ này.

Một trong những ưu điểm lớn nhất của Bloomberg Terminal là chúng hoàn toàn tương thích với hệ điều hành Windows. Đồng nghĩa bạn có thể truy xuất dữ liệu ra các file Excel, một điều cực kỳ quan trọng đối với những người làm trong ngành tài chính.

Ngoài ra, Bloomberg cũng cung cấp cho người dùng quyền truy cập vào ứng dụng trực tuyến cho các thiết bị di động, thông qua dịch vụ Bloomberg Anywhere.

Đối thủ cạnh tranh của Bloomberg

Đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Bloomberg là Thomson Reuters, công ty cung cấp hệ thống Reuters 3000 Xtra, nhưng đã đổi tên thành Eikon vào năm 2010. Hiện tại, Bloomberg và Thomson Reuters mỗi hãng đều đang nằm giữ 30% thị phần. Trước đó, vào năm 2007, Bloomberg chỉ nắm giữ 26% và Reuters là 36%.