Phải cơ cấu lại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM

Phải cơ cấu lại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM

Hcdc là gì

Ngày 13.1, Sở Y tế TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về đề án củng cố tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) giai đoạn 2022 – 2025.

HCDC sẽ có đội ngũ chuyên gia mạnh

Theo đó, HCDC sẽ tăng từ 3 phòng chức năng lên 5 phòng; giảm từ 13 khoa còn 10 khoa với tổng số nhân sự 573 người (bao gồm 3 người trong ban giám đốc).

Mục tiêu của đề án là sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, bộ máy các khoa, phòng thuộc HCDC, nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực trước tình hình mới. Cải thiện khả năng dự báo, lập kế hoạch và triển khai hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch bệnh mới nổi, các dịch bệnh lưu hành và các bệnh không lây hướng đến quản lý sức khỏe người dân ngày 1 tốt hơn.

HCDC sau khi củng cố lại sẽ thực hiện 6 hoạt động chính.

  • Thứ nhất, nâng cao năng lực phòng ngừa, kiểm soát bệnh truyền nhiễm.
  • Thứ hai, nâng cao năng lực quản lý bệnh không lây và sức khỏe cộng đồng.
  • Thứ ba, nâng cao năng lực truyền thông – giáo dục sức khỏe.
  • Thứ tư, nâng cao năng lực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống y tế công cộng.
  • Thứ năm, nâng cao năng lực ứng dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ về sức khỏe và công nghệ thông tin.
  • Thứ sáu, nâng cao năng lực xét nghiệm đáp ứng nhu cầu kiểm soát dịch bệnh và nâng cao sức khỏe người dân.

Để thực hiện những hoạt động này, HCDC cũng sẽ được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại tương ứng; thu hút và bồi dưỡng nhân lực.

Một vấn đề quan trọng là HCDC được thiết lập hệ thống chuyên gia tư vấn gồm các chuyên gia theo lĩnh vực, như: chuyên gia dịch tễ, giám sát, cảnh báo; chuyên gia về truyền thông; chuyên gia về lĩnh vực nghiên cứu khoa học; chuyên gia trong các lĩnh vực khác (xã hội học, công tác xã hội, tâm lý học; kinh tế y tế; văn học – nghệ thuật; chính sách, chiến lược truyền thông giáo dục sức khỏe.

Đội ngũ chuyên gia này sẽ được tạo điều kiện làm việc tốt nhất, có phòng làm việc, đưa đón và sinh hoạt phí.

Kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất

duy tính

HCDC hiện chưa đáp ứng được thực tiễn

HCDC được UBND TP.HCM ra quyết định thành lập ngày 28.1.2019.

HCDC là sự sáp nhập các trung tâm chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, bao gồm: Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm truyền thông – giáo dục sức khỏe, Trung tâm dinh dưỡng, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS.

Tính đến 30.6.2022, HCDC có 432 nhân sự.

Theo UBND TP.HCM, thực tế cho thấy do số nhân sự được chuyển giao từ 7 trung tâm sẵn có trước đó nên khi sáp nhập lại thành HCDC, các nhân sự này còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ.

Năng lực và hiệu quả của HCDC vẫn chưa thật sự được phát huy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công tác bảo vệ và chăm sóc người dân trên địa bàn.

Điều này càng bộc lộ rõ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua, như: năng lực xét nghiệm, năng lực điều tra dịch tễ, năng lực cách ly, năng lực dự báo, năng lực điều phối giữa các đơn vị trong hệ thống, năng lực đáp ứng khi có sự kiện y tế công cộng khẩn cấp…

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề sức khỏe cộng đồng không liên quan đến dịch bệnh như: các bệnh mạn tính không lây (tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư…) đang trở thành gánh nặng ngày càng rõ nét đối với bất kỳ hệ thống y tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhất là TP lớn, đông dân như TP.HCM.

Hơn nữa, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, tình trạng nghiện thuốc lá, rượu bia, tỷ lệ béo phì ngày càng tăng cùng với tình trạng già hóa dân số làm tăng gánh nặng bệnh tật và tử vong. Từ lúc hình thành đến nay, HCDC chưa có những can thiệp hiệu quả đối với các bệnh lý này do phải dồn toàn lực để chống dịch.

Phải tổ chức lại HCDC

Theo UBND TP.HCM, việc hình thành HCDC căn cứ trên các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế đã được UBND TP.HCM triển khai thực hiện.

Đánh giá của UBND TP.HCM thì về cơ bản HCDC đã thể hiện được vai trò của mình là cơ quan tham mưu giúp Sở Y tế, UBND TP.HCM trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đồng thời triển khai các hoạt động chuyên môn theo chức năng nhiệm vụ đã được giao.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, việc học tập kinh nghiệm về tổ chức bộ máy và các hoạt động chuyên biệt của các CDC (trung tâm kiểm soát bệnh tật) tại một số nước và TP lớn trên thế giới chưa được thực hiện. Đây là một trong các lý do chưa phát huy được hiệu quả mong muốn của HCDC phát triển ngang tầm các nước trong khu vực.

Từ thực trạng nêu trên, việc xây dựng đề án củng cố tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.