Bã rượu khô (distillers dried grais with solubes – DDGS) là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất etanol công nghiệp của các nhà máy etanol. Trong quá trình lên men, tinh bột từ các loại ngũ cốc được chuyển hóa thành etanol và CO2 và tập trung lượng chất dinh dưỡng còn lại của tinh bột trong DDGS lên 2 tới 3 lần. Tại Liên minh châu Âu, các nguồn năng lượng tái sinh rất được ưa chuộng và chính điều này đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất các nhiên liệu sinh học. Sự phát triển đó đã làm xuất hiện một nguồn cung DDGS lớn cho thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi . Do có hàm lượng chất dinh dưỡng cao cùng với khả năng sấy khô và chế biến tốt, DDGS thu được từ quá trình sản xuất etanol hiện đại có thể được sử dụng làm nguồn thức ăn tốt cho vật nuôi dạ dày đơn. Hạn chế chủ yếu của việc sử dụng DDGS làm thức ăn cho gia cầm là sự biến đổi lớn về hàm lượng chất dinh dưỡng giữa các nguồn DDGS khác nhau. Bài báo này sẽ trình bày các kết quả nghiên cứu thu được từ các phòng thí nghiệm khác nhau về việc sử dụng DDGS trong thức ăn cho gia cầm. Các kết quả nghiên cứu cho thấy phụ phẩm DDGS từ các nhà máy chế biến ethanol hiện đại có thể sử dụng làm nguyên liệu để chế biến thức ăn gia cầm và có thể được sử dụng an toàn với tỷ lệ 5-8% trong khẩu phần ăn cho gà thịt và gà tây trong giai đoạn khởi đầu, 12-15% cho gà thịt và gà tây trong giai đoạn nuôi lớn-vỗ béo và cho gà đẻ. Mở đầu Nhiên liệu sinh học sản xuất từ hạt ngũ cốc và một số thực vật khác là loại nhiên liệu có thể tái sinh được, tương đối sạch với môi trường và thải ra ít khí CO2 so với các nguồn nhiện liệu hóa thạch hiện nay. Trong những năm gần đây ngành công nghiệp sản xuất etanol và các nhiên liệu sinh học khác đã và đang phát triển nhanh chóng và có thể còn phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai (Windhorst, 2007). Hiện tại, Mỹ là quốc gia sản xuất etanol làm nhiên liệu sinh học lớn nhất thế giới. Liên minh châu Âu cũng đã khuyến khích phát triển việc sản xuất nhiên liệu sinh học nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng, giảm thiểu các khí gây hiệu ứng nhà kính và sự phụ thuộc vào dầu mỏ, đồng thời tạo thêm việc làm cho khu vực nông thôn. Nhiều chỉ thị cũng đã được đưa ra (theo tuần báo chính thức của Liên minh châu Âu, 2003) nhằm đẩy mạnh việc sử dụng các nguồn năng lượng sinh học và các nguồn nhiên liệu tái sinh khác ở các nước thành viên của Liên minh, đồng thời xác định mục tiêu đưa tỷ lệ sử dụng nhiên liệu sinh học vào năm 2010 lên 5.75% (tính theo mức tiêu thụ năng lượng) . Bã rượu khô (distillers dried grains with solubles – DDGS) là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất etanol công nghiệp tại các nhà máy sản xuất etanol. Nó là sản phẩm thu được sau khi chưng cất rượu etylic ra khỏi tinh bột đã lên men, nói một cách khác là hỗn hợp thu được sau khi cô đọng và sấy khô ít nhất 75% lượng bã còn lại bằng phương pháp của ngành công nghiệp chưng cất ngũ cốc (AAFCO, 2002). Ngô là nguồn tinh bột có thể lên men rất tốt do đó là loại ngũ cốc chính được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất nhiêu liệu etanol; tuy nhiên do điều kiện khí hậu và đất đai, tại một số khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ người ta cũng sử dụng lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và cây lúa miến hoặc hỗn hợp các loại ngũ cốc trên để sản xuất nhiên liệu etanol. Sự phát triển của ngành sản xuất etanol đã tạo ra một số lượng lớn DDGS cung cấp cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. DDGS thu được từ ngành sản xuất đồ uống đã được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi ở các trang trại trong nhiều năm trước đây, tuy nhiên chủ yếu là làm thức ăn cho các động vật nhai lại. Do có sự biến đổi rất lớn trong hàm lượng và sự hạn chế của một số chất dinh dưỡng nên DDGS chỉ được sử dụng làm thức ăn cho gia cầm với tỷ lệ thấp (khoảng 5%). Tuy nhiên DDGS thu được từ quá trình chưng cất etanol lại có ưu điểm là giá trị dinh dưỡng cao, dễ dàng sấy khô và sơ chế nên có thể được sử dụng trong khẩu phần ăn cho động vật dạ dày đơn với tỷ lệ cao hơn. Việc này có thể làm gia tăng lượng tiêu thụ DDGS trên thị trường thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên những biến đổi trong thành phần chất dinh dưỡng vẫn sẽ là một hạn chế cho việc sử dụng nguyên liệu thức ăn này. Thành phần dinh dưỡng trong DDGS Trong quá trình lên men, tinh bột ngũ cốc được chuyển hóa thành rượu etylic và CO2, do đó nồng độ của các chất dinh dưỡng còn lại trong phần bã tăng lên khoảng 2-3 lần. DDGS chứa một lượng lớn protein thô, amino axit, photpho và các dưỡng chất cần thiết kháccho gia cầm. Vấn đề chính ở đây là chất lượng và hàm lượng dưỡng chất trong DDGS là khác nhau đối với các nguồn DDGS khác nhau. Trong những năm gần đây nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá thành phần chất dinh dưỡng và sự biến đổi tỷ lệ các chất dinh dưỡng đó trong các nguồn DDGS khác nhau. Theo một nghiên cứu thực hiện năm 1993, Cromwell và cộng sự đã nghiên cứu các đặc tính lý hóa và thành phần dinh dưỡng của DDGS từ 9 nguồn khác nhau (từ các nhà máy sản xuất đồ uống cho đến các nhà máy sản xuất nhiên liệu cồn). Nhóm nghiên cứu đã thấy một sự khác biệt đáng kể về hàm lượng các chất dinh dưỡng giữa các mẫu DDGS: protein thô thay đổi từ 23.4 đến 28.7%, chất béo thay đổi từ 2.9 đến 12.8%, chất xơ trung tính (neutral detergent fibre) (NDF) từ 28.8 đến 40.3%, chất xơ axit (ADF) từ 10.3 đến 18.1%, hàm lượng tro từ 3.4 đến 7.3%, lysin (lys) từ 0.43 đến 0.89%, methionin (met) từ 0.44 đến 0.55%, threonin (thr) từ 0.89 đến 1.16% và tryptophan (trp) từ 0.16 đến 0.23%. Màu sắc (color scores) các mẫu DDGS trên thay đổi từ rất sáng cho đến rất tối, mùi thay đổi từ bình thường đến mùi khói. Màu tối và mùi khói có thể là do sấy khô ở nhiệt độ quá cao. Hàm lượng lysin thấp nhất ở các mẫu có màu tối nhất và cao nhất ở mẫu có màu sáng nhất, tương quan giữa chỉ số Hunterlab L và hàm lượng lysin là khá rõ ràng (Cromwell và cộng sự, 1993). Các tác giả trên cũng đề xuất rằng hàm lượng ADF có mối tương quan âm với các giá trị dinh dưỡng và khả năng chuyển hóa của DDGS Gần đây, Spiehs và cộng sự (2002) đã nghiên cứu hàm lượng chất dinh dưỡng trong DDGS của các nhà máy sản xuất etanol mới được đưa vào hoạt động (tổng cộng 118 mẫu lấy từ 10 nhà máy). Hàm lượng trung bình của protein thô là 30.2%, chất béo thô là 10.9%, chất xơ thô là 8.8%, hàm lượng tro là 5.8%, tỷ lệ các chất chiết không có nito (nitrogen free extractives) là 45.5%, ADF là 16.2%, NDF là 42.1%, lys là 0.85%, met là 0.55%, canxi là 0.06% và photpho là 0.89%. Tỷ lệ lys, met và các khoáng chất thay đổi nhiều nhất. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết hàm lượng protein thô, chất béo thô, lys, met, thr và photpho cao hơn, đồng thời lượng vật chất khô và canxi thấp hơn so với tiêu chuẩn (NRC, 1994). Các kết quả cũng chỉ ra rằng hàm lượng các chất dinh dưỡng trong DDGS không chỉ thay đổi theo từng nhà máy mà còn theo từng năm sản xuất. Các giá trị dinh dưỡng thường sai khác so với giá trị tiêu chuẩn vì vậy việc phân tích thành phần hóa học của DDGS từ các nguồn khác nhau nên được thực hiện ít nhất một năm một lần. Sự biến đổi tỷ lệ dưỡng chất giữa các mẫu DDGS khác nhau có thể là do sự khác nhau về loại ngũ cốc sử dụng, hiệu suất quá trình lên men và tỷ lệ lên men, lượng dung môi cho thêm và kỹ thuật sấy (nhiệt độ và thời gian sấy). Belyea và cộng sự (2004) cũng tìm ra rằng sự biến đổi lớn về tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong các mẫu DDGS khác nhau có liên quan đến thành phần ngô sử dụng để lên men và các kỹ thuật sản xuất. Hàm lượng chất béo cao trong DDGS sản xuất từ ngô cho ta lượng năng lượng toàn phần cao , tuy nhiên năng lượng tiêu hóa lại thay đổi và có thể bị ảnh hưởng bởi hàm lượng poly saccarit không bột (NSP). Pedersen và cộng sự (2007) cho biết lượng năng lượng toàn phần trong 10 mẫu DDGS là 5430 kcal/kg vật chất khô, cao hơn so với ngô. Fastinger và cộng sự (2006) lại tìm thấy mức năng lượng toàn phần thấp hơn (4848 – 4969 kcal/kg) trong DDGS từ 5 nguồn ở phía Tây miền Trung nước Mỹ. Họ cho biết chỉ số TMEn thử nghiệm trên gà trống trưởng thành (adult caecectomised roosters) thay đổi từ 2484 đến 3047 và thấp hơn một cách đáng kể ở những mẫu DDGS có màu sẩm nhất. Nhóm nghiên cứu này cũng đề xuất rằng khi màu của mẫu DDGS (được xác định bằng máy đo màu) đạt đến một ngưỡng nhất định (độ sáng từ 28 đến 34) thì hàm lượng TMEn có thể giảm đi. Dựa trên các kết quả phân tích 17 mẫu DDGS thu được từ các nhà máy đặt tại phía Tây nước Mỹ khi sử dụng trên gà trống thường, Batal và Dale (2006) đã đề xuất rằng TMEn trong DDGS thay đổi từ 2490 đến 3190 kcal/kg, trung bình là 2820 kcal/kg. TMEn trong DDGS xác định bởi Lumpkins và cộng sự (2004) cũng trên gà trống thường là 2905 kcal/kg. Trong khi đó, giá trị TMEn của DDGS theo tiêu chuẩn NRC (1994) là 3097 kcal/kg. Do rất nhạy cảm với các tác dụng của nhiệt, hàm lượng lysin và khả năng chuyển hóa là một trong những vấn đề được quan tâm khi sử dụng DDGS trong thức ăn cho vật nuôi dạ dày đơn. Fastinger và cộng sự (2006) thông báo rằng hàm lượng lys trong 5 nguồn DDGS khác nhau thay đổi từ 0.48 đến 0.76%, hàm lượng lys là thấp nhất trong mẫu DDGS có màu sẫm nhất. Tỉ lệ tiêu hóa lysin tuyệt đối và thực ở gà trống trưởng thành được ăn DDGS thấp hơn một cách đáng kể ở những mẫu có màu sậm hơn các mẫu còn lại. Sự khác biệt về tỉ lệ tiêu hóa các amino axit thiết yếu khác giữa các mẫu nhỏ hơn so với lysin nhưng cũng khá đáng kể. Tương tự như vậy, Batal và Dale (2006) cũng phát hiện thấy những sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ tiêu hóa thực các amino axit giữa các mẫu khác nhau, nói chung các mẫu vàng hơn và sáng hơn có hàm lượng và tỷ lệ tiêu hóa các amino axit lớn hơn, đặc biệt là lys. Nguyên nhân của hiện tượng này theo nhóm nghiên cứu là do lys trong các mẫu có màu sẫm hơn có thể bị phá hủy do xử lý nhiệt quá mức (trong phản ứng Maillard giữa cacbonhydrat trong glucozo và nhóm ε – amino của lysin). Họ cũng đề xuất rằng phân tích màu sắc có thể là một phương pháp nhanh chóng và đáng tin cậy để đánh giá hàm lượng các amino axit, đặc biệt là lys và tỷ lệ tiêu hóa DDGS của gia cầm. Nghiên cứu của Ergul và cộng sự (2003) cũng đã kiểm chứng các kết quả trên, nó cho thấy một mối tương quan dương giữa lys, cys, tỷ lệ tiêu hóa và các giá trị độ sáng (L*), độ vàng (b*) của DDGS. Dựa trên các thí nghiệm trên gà trống (precision-fed caecectonised roosters), Lumpkins và Batal (2005) cho biết tỷ lệ tiêu hóa thực của lys trong DDGS thu được ở các nhà máy sản xuất nhiên liệu etanol là 75%. Đối với gà con, tỷ lệ này cao hơn một chút, vào khoảng 80% (Lumpkins và Batal, 2005). Do các giá trị này không khác biệt đáng kể so với tỷ lệ tiêu hóa lys trong ngô (81%) nên các tác giả nghiên cứu cho rằng tỷ lệ tiêu hóa lys của DDGS dường như không bị ảnh hưởng lớn từ quá trình sấy. Trong các nghiên cứu trước đó, tỷ lệ lys của DDGS trong các thí nghiệm trên gà con là từ 66 đến 93% (Combs và Bossard, 1969; Parsons và cộng sự, 1983). DDGS còn có thể đóng góp một lượng photpho lớn trong khẩu phần ăn của gia cầm. Martinez Amezcua và cộng sự (2004) cho biết hàm lượng P trung bình trong 20 mẫu DDGS từ các nhà máy sản xuất etanol ở Minnesota là khoảng 73%, rất gần với giá trị tiêu chuẩn (NRC, 1994). Họ cũng chỉ ra rằng tỷ lệ photpho (tương ứng là KH2PO4), ước tính trên tro xương chày bằng phương pháp tỷ lệ dốc thay đổi từ 69 đến 102% và nói chung cao hơn so với giá trị tiêu chuẩn (NRC, 1994). Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất rằng việc tăng nhiệt độ trong quá trình sản xuất etanol có ảnh hưởng tích cực đến tỷ lệ photpho trong DDGS. Tuy nhiên các mẫu DDGS khác nhau có tỷ lệ photpho khác nhau rất nhiều. Các kết quả từ một nghiên cứu sau đó của Martinez Amezcua và cộng sự (2006) cho thấy có thể tăng tỷ lệ photpho bằng cách sử dụng các phytase vi khuẩn và axit citric. Lumpkins và Batal (2005) đã tiến hành 2 thí nghiệm về tỷ lệ dốc trên tro xương chày đã phát hiện ra tỷ lệ photpho của DDGS thay đổi từ 54 đến 68%. Các giá trị này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ photpho trong ngô, các tác giả từ đó đã nhận định rằng sự lên men tinh bột có thể đã nâng cao tỷ lệ photpho trong DDGS thông qua quá trình tổng hợp các phytase vi khuẩn. Hệ quả là tỷ lệ photpho trong khẩu phần ăn của gia cầm có chứa DDGS sẽ cao hơn, giảm được nhu cầu bổ sung nguồn photpho vô cơ cho vật nuôi, giảm sự bài tiết photpho trong chất thải, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường. Trong số các khoáng chất trong DDGS, natri là kim loại có độ biến đổi lớn nhất. Batal và Dale (2003) cho biết hàm lượng natri thay đổi từ 0.09 đến 0.44% trong 12 mẫu DDGS lấy từ phía Bắc khu vực trung tâm nước Mỹ. Hàm lượng Na trung bình là 0.23%, thấp hơn so với mức 0.48% theo tiêu chuẩn (NRC, 1994). Nguyên nhân cho sự dao động lớn này cho đến nay vẫn chưa rõ ràng vì Na không được thêm vào trong bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình sản xuất etanol. Các phần tử lên men trong DDGS không cung cấp nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng (thiamine, riboflavin và các vitamin khác). Trái lại, trong DDGS lại chứa nhiều chất hoạt động sinh học như các nucleotit, mannanoologosacharids, beta-1,3/1,6-glucan, inositol, glutamin và các axit nucleic, các hợp chất này đều có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch và sức khỏe cho động vật. Các kết quả nghiên cứu trên các động vật dạ dày đơn (lợn đang tăng trưởng) đã chỉ ra rằng thức ăn với tỷ lệ 10% DDGS có thể tác động tích cực đến ruột của vật nuôi bằng cách làm giảm thời gian, số lượng và độ trầm trọng của các tổn thương ở hồi tràng và kết tràng ở lợn bị gây nhiễm bệnh Lawsonia intracellularis (Whitney và cộng sự, 2006). Trước đây nhờ có các chất hoạt động này mà bã rượu khô còn được coi như là nguồn cung cấp các “yếu tố tăng trưởng không xác định” (Tsang và Schaible, 1960). DDGS cũng chứa nhiều hoàng thể tố (xanthophylls); tuy nhiên Roberson và cộng sự (2005) cho biết hàm lượng hoàng thể tố trong 2 mẫu DDGS khác nhau rất nhiều (29.75 và 3.48 mg/kg). DDGS trong thức ăn chăn nuôi Gà thịt DDGS đã được sử dụng như một thành phần trong khẩu phần ăn của gà thịt trong nhiều năm . Ban đầu DDGS được sử dụng chủ yếu với tỷ lệ thấp (khoảng 5%) và được đề cập đến như một nguồn cung cấp các “yếu tố tăng trưởng không xác định” có tác dụng tích cực đến sự tăng trưởng của vật nuôi. Tăng trọng cuả gà choai và gà tây sau khi cho ăn thức ăn có chứa một lượng nhỏ DDGS đã được cải thiện trong các nghiên cứu của Day và cộng sự (1972) và Couch và cộng sự (1957). Trong một công trình nghiên cứu được thực hiện sau đó, Waldroup và cộng sự (1982) thông báo rằng DDGS có thể được cho thêm vào trong thức ăn chăn nuôi với tỷ lệ 25% mà không ảnh hưởng xấu đến tăng trọng và độ chuyển hóa của thức ăn nếu mức năng lượng trao đổi được giữ ổn định. Parsons và cộng sự (1983) đã phát hiện ra có thể thay 40% lượng protein trong đậu tương bằng cách sử dụng DDGS, nếu tỷ lệ lys trong DDGS là đủ cho tăng trưởng của vật nuôi. Cromwell và cộng sự (1993) trong nghiên cứu của mình cho biết DDGS có màu càng sẫm càng ảnh hưởng tiêu cực đến vật nuôi và lý giải rằng nguyên nhân là do tỷ lệ lys tiêu hóa giảm trong các mẫu DDGS sẫm màu. Gần đây đã có thêm một số nghiên cứu về việc sử dụng DDGS từ các nhà máy sản xuất etanol thế hệ mới trong thức ăn cho gà thịt . Lumpkins và cộng sự (2004) đã thực hiện 2 thí nghiệm để đánh giá khả năng sử dụng DDGS thế hệ mới trong khẩu phần ăn của gà thịt. Trong thí nghiệm đầu tiên họ đã sử dụng 2 mẫu thức ăn khác nhau (có khối lượng riêng cao thấp khác nhau), mỗi loại chứa từ 0 hoặc 15% DDGS. Gà con được cho ăn thức ăn này từ lúc mới nở cho đến 18 ngày tuổi. Đối với loại có khối lượng riêng lớn không có sự khác biệt nào về các thông số tăng trưởng của gia cầm giữa 2 mẫu thức ăn chứa 0 và 15% DDGS. Tuy nhiên đối với loại có khối lượng riêng thấp, gà ăn thức ănchứa 15% DDGS có hiệu suất chuyển đổi thức ăn thấp hơn (tăng trọng:thức ăn) tại thời điểm 7 và 14 ngày tuổi. Trong thí nghiệm thứ 2, các nhà nghiên cứu sử dụng các khẩu phần ăn khởi đầu (starter), nuôi lớn (grower) và vỗ béo với lượng calor và nito như nhau chứa 0, 6, 12 và 18% DDGS trong thời gian cho ăn là 42 ngày. Kết quả cho thấy không có một khác biệt nào về khả năng tăng trưởng và tỉ lệ thịt xẻ ngoài trừ sự giảm tăng trọng và hiệu suất chuyển hóa thức ăn trong giai đoạn khởi đầu đối với gà ăn khẩu phần ăn chứa 18% DDGS. Nhóm nghiên cứu cho rằng nguyên nhân của hiện tượng trên có thể là do việc ước tính lượng lysin cao hơn so với mức lys có trong DDGS, gây thiếu hụt lượng amino axit này trong thức ăn. Từ các kết quả đó nhóm nghiên cứu đề xuất tỷ lệ DDGS an toàn là 6 % với khẩu phần ăn khởi động và từ 12 đến 15% đối với khẩu phần cho nuôi lớn và vỗ béo. Năm 2007 Wang và cộng sự đã đánh giá hiệu quả của thức ăn chứa 0, 5, 10, 15, 20 và 25% DDGS dựa trên tỷ lệ các amino axit tiêu hóa đối với khả năng tăng trưởng của gà thịt. Họ thấy rằng thức ăn chứa 25% DDGS không gây ra bất kì tác động có hại nào tới tốc độ sinh trưởng; tuy nhiên gà con ăn thức ăn chứa 25% DDGS có độ chuyển hóa thức ăn kém hơn nhóm đối chứng. Thức ăn chứa 15 và 25% DDGS làm giảm tỷ lệ thân thịt; gà ăn thức ăn có 25% DDGS có khối lượng thịt lườn thấp hơn (tính theo tỷ lệ trọng lượng hơi). Từ các kết quả đó nhóm nghiên cứu đề xuất tỷ lệ DDGS thích hợp trong khẩu phần ăn cho gà thịt là từ 15 đến 20%. Tỷ lệ này gây ra ít ảnh hưởng đến tăng trọng của gia cầm, mặc dù nó có thể gây ra sự giảm tỷ lệ thân thịt và khối lượng thịt lườn. Thacker và Widyaratne (2007) đã tiến hành thí nghiệm sử dụng thức ăn chứa 0, 5, 10, 15 và 20% DDGS và thấy rằng không có một sự khác biệt đáng kể nào về tăng trọng , lượng thức ăn tiêu thụ và độ chuyển hóa thức ăn; tuy nhiên khả năng sinh trưởng có xu hưởng giảm với thức ăn có chứa 20% DDGS làm từ lúa mì. Khả năng tiêu hóa các vật chất khô, năng lượng và photpho giảm theo quan hệ tuyến tính với sự gia tăng của hàm lượng DDGS trong khẩu phần ăn của gia cầm. Nhóm nghiên cứu từ đó kết luận rằng DDGS làm từ lúa mì có thể được sử dụng trong thức ăn cho gà thịt với tỷ lệ lên tới 15% mà không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của vật nuôi. Gà đẻ Các kết quả nghiên cứu thực hiện trên gà đẻ chỉ ra rằng DDGS có thể được sử dụng với tỷ lệ 5-20% trong khẩu phần ăn, thậm chí có thể là nguồn cung cấp 1/3 protein cho vật nuôi mà không ảnh hưởng gì đến sản lượng trứng và khối lượng trứng (Harms và cộng sự, 1969; Jensen và cộng sự, 1974; Matterson và cộng sự, 1966). Thức ăn có trộn các sản phẩm phụ của quá trình chưng cất có tác dụng tốt đến chất lượng trứng, được xác định bởi giá trị Haugh (Jensen và cộng sự, 1974; Jensen và cộng sự, 1978; Jensen và Maurice, 1980). Alenier và Combs (1981) thông báo rằng DDGS với tỷ lệ 10% trong khẩu phần ăn sẽ làm tăng lượng thức ăn tiêu thụ của gà đẻ. Đặc tính này không xuất hiện ở gà thịt (Cantor và Johnson, 1983). Allen và cộng sự (1979) đã thông báo rằng việc sử dụng thức ăn có mức năng lượng thấp, có chứa 14.9% DDGS sẽ làm giảm sản lượng trứng ở gà mái Logo nhưng không có ảnh hưởng xấu đến các dòng gà mái đẻ trứng nâu. Lilburn và Jensen (1984) cho biết khi cho gà đẻ ăn DDGS sản xuất từ ngô với tỷ lệ 20% sẽ làm giảm trọng lượng cơ thể , gan và các lipid huyết tương nhưng không làm giảm sản lượng trứng. Trong một nghiên cứu được tiến hành bởi Akiba và cộng sự (1982), thức ăn có chứa 20% DDGS làm giảm một cách đáng kể khối lượng gan (trên một đơn vị khối lượng thân thịt), các lipit trong gan và trong huyết tương, T3 và tỷ lệ estradiol đồng thời làm tăng hoạt tính của enzim lipase lipoprotein trong các mô mỡ của gà đẻ so với gà ăn các thức ăn chỉ có ngô và đậu tương. Nghiên cứu của Askbrant và Thomke, 1986 cho thấy việc sử dụng DDGS sản xuất từ lúa mạch và lúa mì làm thức ăn cho gà đẻ cũng đem lại các kết quả tốt. Nasi (1990) cho biết có thể cho gà đẻ ăn DDGS từ lúa mạch và lúa mì với tỷ lệ 20% mà không gây ra ảnh hưởng xấu đến sản lượng trứng; từ đó có thể thay thế 2/3 lượng protein từ đậu tương nếu trong khẩu phần ăn có bổ sung đủ các amino axit cần thiết (dạng kết tinh). Roberson và cộng sự (2005) đã tiến hành 2 thí nghiệm để xác định ảnh hưởng của thức ăn có chứa 0, 5, 10 và 15% DDGS đến sản lượng trứng, chất lượng vỏ và màu sắc của lòng đỏ trứng của gà HyLine W36 từ 48 đến 56 và từ 58 đến 67 tuần tuổi. Kết quả cho thấy sản lượng trứng và chất lượng vỏ ở các độ tuổi là không khác nhau. Tuy nhiên đôi khi có những ảnh hưởng xảy ra vào những khoảng thời điểm nhất định, cùng với đó khi tỷ lệ DDGS trong thức ăn tăng lên thì sản lượng trứng (gà 52-53 tuần tuổi), khối lượng trứng (63 tuần tuổi), sinh khối (51 tuần tuổi) và tỉ trọng (51 tuần tuổi) giảm đi một cách tuyến tính. Các tác giả từ đó kết luận rằng DDGS sản xuất từ ngô với tỷ lệ trong thức ăn là 15% không gây ảnh hưởng đến sản lượng trứng, tuy nhiên họ đề xuất rằng nên sử dụng DDGS với tỷ lệ thấp hơn. Tương tự như vậy Lumpkins và cộng sự (2005) trong nghiên cứu của mình cũng không tìm ra một sự khác biệt nào giữa các thông số về sản lượng và chất lượng trứng của gà đẻ ăn thức ăn có chứa 0 và 15% DDGS từ các nhà máy sản xuất etanol. Thức ăn chứa 15% DDGS với mức năng lượng thấp có thể làm giảm sản lượng trứng ở gà đẻ 26 đến 34 tuần tuổi, tuy nhiên đối với gà 34 tuần tuổi trở đi thì không có một ảnh hưởng xấu nào xảy ra. Dựa trên các kết quả đó nhóm nghiên cứu kết luận rằng DDGS có thể được sử dụng trong thức ăn cho gà đẻ và cho hiệu quả cao nhất với tỷ lệ từ 10 đến 12%. Tuy nhiên họ cũng đề xuất rằng nên sử dụng khẩu phần thức ăn với mức năng lượng thấp có tỷ lệ DDGS thấp hơn tỷ lệ trên. Các kết quả nghiên của Roberts và cộng sự (2007a, 2007b) cũng chỉ ra rằng thức ăn có chứa 10% DDGS không có ảnh hưởng gì đến sản lượng trứng, khối lượng trứng, màu sắc lòng đỏ trứng, lượng tiêu thụ và sử dụng thức ăn, khối lượng cơ thể và sự bài tiết N, tuy nhiên có thể làm giảm lượng khí amoniac thoát ra từ phân gà. Roberts và cộng sự (2005) phát hiện ra rằng DDGS sản xuất từ ngô có thể làm tăng cường màu của lòng đỏ trứng một cách nhanh chóng khi cho gà đẻ ăn thức ăn có chứa 10% DDGS; đối với thức ăn chỉ chứa 5% DDGS hiện tượng này xảy ra chậm hơn (khi cho ăn trên 2 tháng). Trái lại, Lumpkins và cộng sự (2005) không phát hiện ra hiện tượng trên khi cho gà đẻ ăn thức ăn có chứa 15% DDGS. Nhóm tác giả của bài báo này cũng đã thực hiện các thử nghiệm trên gà mái Lohmann nâu (từ 26 đến 68 tuần tuổi) để đánh giá ảnh hưởng của thức ăn có chứa các tỷ lệ khác nhau của DDGS sản xuất từ ngô và lúa mạch đen đến sản lượng và chất lượng trứng (Swiatkiewicz và Koreleski, 2006a; Swiatkiewicz và Koreleski, 2006b). Thức ăn được sử dụng trong thí nghiệm có lượng calo và nito giống nhau chứa 0, 5, 10 và 15% DDGS sản xuất từ ngô và lúa mạch đen. Khẩu phần tỷ lệ 20% DDGS được bổ sung ezim thủy phân NSP (với các hoạt tính của xylanase và beta-glucanase) hoặc một lượng lys và met cũng được bổ sung cùng với các enzim này . DDGS sản xuất từ ngô sử dụng trong thí nghiệm này bao gồm: vật chất khô – 92.5%, protein thô – 35.3%, chất béo – 3.89%, chất xơ thô – 10.8%, lys – 0.64%, met – 0.68%, Ca – 0.08%, P – 0.54% và năng lượng MEn – 10.61 MJ/kg. DDGS sản xuất từ lúa mạch đen bao gồm: vật chất thô – 91.2%, protein thô – 33.8%, chất béo – 3.57%, chất xơ thô – 11.9%, lys – 0.67%, met – 0.62%, Ca – 0.07%, P – 0.50% và năng lượng MEn – 10.23 MJ/kg. Trong giai đoạn đầu tiên của chy kỳ đẻ (26-43 tuần tuổi), khẩu phần ăn với các tỷ lệ DDGS khác nhau không làm ảnh hưởng đến tỉ lệ đẻ, sinh khối trứng , tỷ lệ chuyển hóa thức ăn. Trong giai đoạn 2 (44-68 tuần tuổi), không có sự khác nhau về các thng số của trứng giữa các nhóm gà cho ăn thức ăn có chứa 0, 5, 10 và 15% DDGS. Thức ăn có chứa 20% DDGS sản xuất từ ngô làm giảm tỉ lệ đẻ và sinh khối trứng tuy nhiên sự có mặt của enzim thủy phân NSP đã làm giảm đi các ảnh hưởng xấu của mẫu thức ăn này. Thức ăn có chứa DDGS làm từ lúa mạch đen với tỷ lệ dưới 10% không gây ảnh hưởng đến quá trình đẻ trứng, tuy nhiên thức ăn với tỷ lệ 15 và 20% DDGS làm giảm tỉ lệ đẻ và độ chuyển hóa thức ăn trong cả 2 thời kỳ đẻ trứng. Việc bổ sung thêm enzim thủy phân NSP, lys và met trong thức ăn chứa 20% DDGS từ lúa mạch đen đã tạo ra những tác động tích cực đến khả năng đẻ trứng tuy nhiên vẫn còn hạn chế nếu so sánh với nhóm gà đối chứng sử dụng các mẫu thức ăn cũng chứa các dưỡng chất trên. Tỷ lệ DDGS ngô và lúa mạch đen trong thức ăn không làm ảnh hưởng đến tỷ lệ lòng trắng, chỉ số Haugh, độ dày vỏ trứng, khối lượng và lực đập vỡ trứng hay các đặc tính cảm nhận của trứng luộc). Màu sắc lòng đỏ đậm lên một cách đáng kể khi sử dụng DDGS từ ngô trong các mẫu thức ăn. Từ các kết quả trên có thể khẳng định rằng DDGS là một thành phần thức ăn rất có hiệu quả với gà mái đẻ. DDGS từ ngô có thể được thêm vào trong thức ăn với tỷ lệ an toàn lên tới 15% mà không ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng trứng. Đối với DDGS lúa mạch đen tỷ lệ này nên thấp hơn 10%. Gà tây Potter trong một nghiên cứu thực hiện năm 1966 đã phát hiện ra rằng DDGS có thể được thêm vào trong thức ăn cho gà tây với tỷ lệ lên đến 20% nếu tiến hành đồng thời việc điều chỉnh hàm lượng lys và năng lượng trong khẩu phần ăn. Manley và cộng sự (1978) thông báo DDGS với tỷ lệ 3% trong thức ăn có thể làm tăng sản lượng trứng của gà tây giống. Roberson (2003) đã thực hiện 2 thí nghiệm trên gà tây mái Large White để đánh giá những ảnh hưởng của thức ăn với các tỷ lệ DDGS khác nhau đến các chỉ số sinh sản của giống gà này. Các kết quả chỉ ra rằng khẩu phần ăn với tỷ lệ DDGS 10% có thể được sử dụng làm thức ăn trong giai đoạn nuôi lớn-vỗ béo gà tây mà không gây ra bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đến tăng trọng và độ chuyển hóa thức ăn nếu hàm lượng các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn được cân đối . Noll và cộng sự (2004) cũng thông báo không có một ảnh hưởng xấu nào đến tăng trọng và độ chuyển hóa thức ăn khi cho gà tây ăn thức ăn có chứa đến 20% DDGS trong giai đoạn nuôi lớn và vỗ béo (từ 8 đến 19 tuần tuổi). Họ thậm thí còn phát hiện ra rằng khẩu phần ăn với tỷ lệ DDGS 10 hoặc 15% với hàm lượng protein cao hơn (100% NRC) có thể nâng cao khả năng tăng trọng của gà. Trong một nghiên cứu sau đó, Noll và Brannon (2006) cũng cho biết thức ăn có tỷ lệ DDGS là 20% không làm ảnh hưởng đến tăng trọng và độ chuyển hóa thức ăn của gà từ 5 đến 19 tuần tuổi, tuy nhiên khả năng sinh trưởng lại giảm đi khi cho ăn thức ăn chứa 20% DDGS kết hợp với các sản phẩm phụ của gia cầm với tỷ lệ 8 hoặc 12%. Kết luận Dựa trên kết quả của các nghiên cứu được trình bày trong bài báo này có thể kết luận rằng bã rượu khô (DDGS) thu được từ các nhà máy sản xuất etanol hiện đại có thể làm thành phần trong thức ăn cho gia cầm. DDGS có thể cung cấp một lượng lớn protein, các amino axit, photpho, hoàng thể tố và các dưỡng chất khác cho gia cầm. Tỷ lệ DDGS an toàn trong khẩu phần ăn là 5-8% (giai đoạn đầu cho gà thịt và gà tây), 10-15% (giai đoan nuôi lớn-vỗ béo đối với gà thịt, gà tây và cho gà đẻ), với các tỷ lệ này có thể thay thế một phần chi phí cho việc sử dụng bột đậu tương và ngô hoặc các loại ngũ cốc khác. Tuy nhiên sự thay thế protein của đậu tương bằng protein của DDGS có thể làm ảnh hưởng đến tỷ lệ một vài amino axit quan trọng và làm tăng tỷ lệ sử dụng L-lysin kết tinh trong thức ăn. Hạn chế chính trong việc sử dụng DDGS trong khẩu phần thức ăn gia cầm là sự thay đổi lớn trong hàm lượng các chất dinh dưỡng trong các nguồn DDGS khác nhau đặc biệt là lys, met, các khoáng chất và năng lượng. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất sử dụng phương pháp phân tích màu mẫu DDGS để đánh giá chất lượng của DDGS, đặc biết là về sự có mặt của lys và các amino axit khác.(Người dịch: Nguyễn Quốc Hùng, Phạm Thị Thanh Hoa)
Tạp chí chăn nuôi gia cầm thế giới, số 64, tháng 6/2008