Thị trường biến động (Choppy Market) là gì? Thị trường biến động trong các khung thời gian khác nhau

Choppy là gì

Hình minh họa. Nguồn: Forexmt4indicators.com

Thị trường biến động

Khái niệm

Thị trường biến động còn được gọi là Thị trường trôi nổi trong tiếng Anh là Choppy Market.

Thị trường biến động là một điều kiện thị trường trong đó giá cả trong thị trường này tăng hoặc giảm đáng kể (swing up/down) trong khoảng thời gian ngắn hạn hoặc dài hạn.

Thị trường biến động thường có liên quan đến các mô hình biểu đồ giá hình chữ nhật hay các giai đoạn biến động thị trường không có xu hướng hoặc có xu hướng nhưng khó giao dịch.

Đặc điểm Thị trường biến động

Thị trường biến động xảy ra khi lượng người mua và người bán cân bằng hoặc cả người mua và người bán đang cạnh tranh với nhau và vẫn chưa phân được bên thắng cuộc (hay bên thu được nhiều lợi nhuận hơn).

Thị trường biến động có giá dịch chuyển lên xuống với tốc độ nhanh hoặc chậm, với khối lượng dịch chuyển lớn hoặc nhỏ, nhưng về tổng quan giá không làm cho xu hướng cao hơn hay thấp hơn.

Điều kiện thị trường biến động thường liên quan đến các biên độ giá (mô hình hình chữ nhật), và cũng có thể xảy ra với các xu hướng khác nhau.

Xu hướng tăng giá (uptrend) là một loạt các mức đỉnh đảo chiều (swing high) cao hơn và các đáy đảo chiều (swing low) cao hơn.

Nếu xu hướng tăng biến động (choppy), giá có thể phá các mức đáy làm xuất hiện một mức đáy đảo chiều thấp hơn và sau đó dịch chuyển sang một mức đỉnh đảo chiều cao hơn.

Dù mức giá cuối cùng tăng cao hơn nhưng xuất hiện mức đáy thấp hơn có thể khiến nhiều nhà giao dịch bối rối hay đưa ra các quyết định giao dịch dẫn đến thua lỗ.

Nếu hiện tượng này xảy ra nhiều lần, dù giá có thể đang tiến triển theo một hướng nhất định, nhưng những khối lượng dịch chuyển đáng kể theo hướng ngược lại có thể khiến các nhà giao dịch cho rằng thị trường đang trở nên khó khăn hơn.

Nhiều nhà giao dịch tập trung dựa vào các xu hướng giao dịch trên thị trường hay vốn hóa dựa trên sự dịch chuyển theo một chiều của giá cả, sẽ thấy việc giao dịch trở nên khó khăn hơn khi điều kiện thị trường biến động.

Mặt khác, các nhà giao dịch giao dịch theo mô hình hình chữ nhật và mô hình mở rộng (Broadening formation) thường có lợi hơn trong điều kiện thị trường biến động do giá thị trường dao động lên xuống.

Những nhà giao dịch này thường hoạt động có hiệu quả trong điều kiện thị trường biến động nhưng không hiệu quả trong điều kiện thị trường theo xu hướng.

Quá trình đấu giá và Thị trường biến động

Cả điều kiện thị trường theo xu hướng và điều kiện thị trường biến động đều có thể thực hiện quá trình đấu giá các tài sản tài chính. Nhà giao dịch và nhà đầu tư đặt giá dự thầu để mua và giá chào bán (giá ưu đãi) để bán.

Do đó, luôn tồn tại hai mức giá cho một tài sản tài chính được đấu giá tại mọi thời điểm.

Trong điều kiện thị trường biến động, cả giá thầu và giá chào bán có xu hướng ở trong một vùng giá xác định. Giá dao động hay dịch chuyển cao hơn hoặc thấp hơn, sẽ không gây ra sự thay đổi đáng kể nào trong xu hướng.

Hay có nghĩa là người mua và người bán trên thị trường cân bằng, và áp lực mua và áp lực bán bằng nhau.

Mặt khác khi thị trường dịch chuyển theo một hướng, một bên lực lượng thị trường sẽ áp đảo bên còn lại.

– Trong một xu hướng tăng, lượng người mua sẽ lớn hơn lượng người bán, lượng người mua tăng lên đẩy giá thầu lên cao hơn, đồng thời người bán cũng không muốn đẩy giá xuống vì hi vọng sẽ bán được với giá cao hơn.

– Trong một xu hướng giảm, lượng người bán lớn hơn lượng người mua, áp lực bán đẩy giá chào bán xuống thấp hơn đồng thời người mua cũng không muốn tăng giá do họ hi vọng sẽ mua được với giá thấp hơn.

Thị trường biến động trong các khung thời gian khác nhau

Thị trường biến động xuất hiện trong tất cả các khung thời gian, từ biểu đồ giá cập nhật theo phút đến biểu đồ cập nhật theo tuần. Tại một thời điểm nhất định, các xu hướng dịch chuyển giá sẽ dừng lại tạo điều kiện cho thị trường biến động hình thành.

Trên các biểu đồ giá trong dài hạn như biểu đồ giá hàng ngày hoặc hàng tuần, các điều kiện thị trường biến động phát triển khi tin tức thị trường ít đi khiến người mua hoặc người bán trở nên chủ động hơn. Tại thời điểm này, nhà giao dịch và nhà đầu tư chờ đợi một chất xúc tác thị trường.

Các điều kiện thị trường biến động cũng phát triển khi các nhà giao dịch và nhà đầu tư không biết phản ứng với tin tức hay dữ liệu kinh tế hoặc tài chính mới như thế nào.

Ví dụ một công ty A báo cáo một số tin tức xấu như bị rò rỉ dữ liệu, ban đầu sẽ đẩy giá cổ phiếu của nó xuống thấp hơn. Nhưng vì mức độ trầm trọng của vấn đề vẫn chưa được xác minh, vì vậy nhà giao dịch có thể cho rằng việc bán tháo cổ phiếu là một phản ứng thái quá.

Trong giai đoạn này, giá cổ phiếu công ty A có thể bấp bênh trong một khoảng thời gian cho đến khi có thêm thông tin xác thực, ví dụ như vấn đề đã được giải quyết hay khi xuất hiện một yếu tố khác thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

Trên các biểu đồ giá trong ngắn hạn như biểu đồ giá mỗi một hoặc năm phút, thị trường biến động thường (không phải luôn luôn) phát triển khi khối lượng giao dịch giảm.

Thị trường chứng khoán New York trong thực tế có xu hướng xuất hiện điều kiện thị trường biến động trong giờ ăn trưa. Dù hiện tượng này không phải luôn luôn xảy ra, nhưng giá cổ phiếu thường có xu hướng đi ngang và không thể hiện xu hướng nào trong giai đoạn này.

Trong thị trường tiền tệ, cặp tiền tệ EUR / USD thường (không phải luôn luôn) xuất hiện điều kiện thị trường biến động sau khi kết thúc một phiên giao dịch ở Mỹ.

(Theo Investopedia)