Hành vi tổ chức (Organizational Behavior) là gì? Sự cần thiết và vai trò của hành vi tổ chức

Hành vi tổ chức là gì

Hành vi tổ chức (tiếng Anh: Organizational Behavior) là môn khoa học quản lí nghiên cứu một cách có hệ thống về các hành vi và thái độ của con người trong một tổ chức và sự tương tác giữa hành vi của con người với tổ chức.

Định nghĩa

Hành vi tổ chức trong tiếng Anh là Organizational Behavior. Hành vi tổ chức (HVTC) là môn khoa học quản lí nghiên cứu một cách có hệ thống về các hành vi và thái độ của con người trong một tổ chức và sự tương tác giữa hành vi của con người với tổ chức.

Sự cần thiết nghiên cứu hành vi tổ chức

Mỗi cá nhân mang đến tổ chức những đặc điểm riêng về tính cách, ngành nghề chuyên môn và kinh nghiệm của riêng mình. Tuy nhiên, các cá nhân không làm việc đơn lẻ trong tổ chức. Họ còn có mối liên hệ với những đồng nghiệp, người quản lí, với tổ chức thông qua các chính sách, luật lệ, qui định và sự thay đổi diễn ra trong tổ chức.

Khi cá nhân thay đổi qua quá trình làm việc lâu dài trong tổ chức, thì đến lượt tổ chức sẽ chịu ảnh hưởng của sự thay đổi đó. Vì vậy, nghiên cứu sự tương tác giữa cá nhân và tổ chức là rất cần thiết.

Tổ chức tồn tại trước khi cá nhân vào làm việc và tiếp tục tồn tại sau khi cá nhân rời bỏ tổ chức. Do vậy, bản thân tổ chức là một khía cạnh thứ ba để nhìn nhận về hành vi tổ chức.

Chúng ta luôn có thói quen giải thích hiện tượng theo cảm tính của mình. Chẳng hạn một người vắng mặt tại cơ quan, chúng ta cho ngay rằng anh ta bỏ việc đi chơi mà chưa cần biết thực sự nguyên nhân là gì.

Hành vi tổ chức đi vào giải thích các hiện tượng như vậy một cách khoa học. Để làm được điều đó các kết luận của HVTC phải dựa trên các nghiên cứu được tiến hành có hệ thống.

Vai trò của hành vi tổ chức

Hành vi tổ chức hướng tới việc xem xét mối quan hệ giữa người lao động với tổ chức trong những vai trò khác nhau của người lao động trong tổ chức đó.

Do đó, HVTC có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo duy trì và phát triển quan hệ này một cách hiệu quả, giúp người lao động gắn bó hơn với tổ chức của mình, và có thể điều chỉnh thái độ và hành vi của mình cho phù hợp với mục tiêu và các giá trị mà tổ chức theo đuổi. Ngược lại tổ chức cũng phải điều chỉnh để tạo sự gắn bó hơn giữa người lao động với tổ chức và để khuyến khích tính sáng tạo và tạo động lực cho người lao động. Vai trò của hành vi tổ chức được thể hiện cụ thể như sau:

  1. HVTC có vai trò quan trọng trong việc tạo sự gắn kết giữa người lao động và tổ chức trên cơ sở đảm bảo mục tiêu và các giá trị theo đuổi của tổ chức, sự tôn trọng, đảm bảo các giá trị và lợi ích cá nhân của người lao động.
  2. HVTC giúp cho các nhà quản lí có được cách nhìn đầy đủ và toàn diện về người lao động để đưa ra được các chính sách, biện pháp phù hợp nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo và tạo động lực cho người lao động.

Đây là cơ sở quan trọng để tăng năng suất lao động và hiệu quả công việc của người lao động.

  1. HVTC giúp các nhà quản lí tạo lập môi trường làm việc hiệu quả trong tổ chức, trên cơ sở sự chia sẻ trách nhiệm và hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên trong tổ chức.
  2. HVTC có vai trò quan trọng trong đảm bảo sự cân bằng, tin tưởng và gắn kết người lao động với tổ chức nói chung và lãnh đạo tổ chức nói riêng.

Kết luận

Hành vi tổ chức giúp cho người lao động thay đổi được nhận thức, thái độ và do đó có hành vi ứng xử phù hợp với mục tiêu và giá trị của tổ chức. Kiến thức về HVTC rất cần thiết đối với các nhà quản lí nói chung và quản lí nhân sự nói riêng. HVTC giúp nâng cao hiệu quả của công tác quản lí, phát huy vai trò con người trong tổ chức, khai thác một cách tối ưu nguồn nhân lực, phát huy tính sáng tạo của con người và tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa con người với tổ chức.

(Nguồn: vietnambiz.vn)

THÔNG TIN KHAI GIẢNG THÁNG 06/2020

THẠC SĨ ĐIỀU HÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH QUỐC TẾ (IEMBA) – ĐẠI HỌC QUẢN TRỊ PARIS (PGSM)

TẠI HỒ CHÍ MINH – KHAI GIẢNG KHÓA 16 – LIÊN KẾT CÙNG ĐH QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH

Hotline: 0909.634.929

Email: Contact@pgsm.edu.vn

TẠI HÀ NỘI – KHAI GIẢNG KHÓA 06 – LIÊN KẾT CÙNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

Hotline: 0904.501.369

Email: info@pgsm.edu.vn

https://www.facebook.com/EMBA.PGSM