THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Lễ giáo phong kiến là gì

THS. PHAN MẠNH TOÀN – Đại học Hàng Hải

Trong bài viết này, tác giả đã trình bày quan niệm của Nho giáo về gia đình và phân tích lễ giáo đạo Nho trong việc xây dựng gia đình trong thời kỳ phong kiến, chỉ ra những mặt tích cực cũng như những hạn chế của lễ giáo Nho gia trong việc hình thành và phát triển các quan hệ gia đình. Để xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay theo những nguyên tắc, định hướng mới thì việc phát huy những giá trị hợp lý, tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của lễ giáo Nho gia là rất cần thiết.

Có những tôn giáo coi quan hệ gia đình là sợi dây trói buộc con người vào tội lỗi, lôi kéo con người đến sự phiền luỵ khổ đau, con người mới sinh ra đã mang tội do tổ tông để lại… Vì thế, con người phải tách khỏi gia đình, lìa bỏ người thân mới có thể kiếm tìm được cuộc đời hạnh phúc. Nho giáo thì trái lại, nó khẳng định “con người không thể sống chung với loài cầm thú” mà sống không tách rời nhau, quan hệ với nhau trong những cộng đồng từ “nhà” đến “nước” và “thiên hạ”, trong đó “nhà” là gốc.

Trong lễ giáo đạo Nho, “nhà” có một sức mạnh và khả năng khống chế rất lớn đối với mỗi con người, nó chế định những sợi dây ràng buộc con người một cách chặt chẽ. Coi nhà là gốc của nước và thiên hạ, muốn trị được nước trước hết phải giữ yên được nhà nên Nho giáo luôn cố gắng tìm cách xây dựng gia đình, gia tộc thành những “cự thất”, những thế lực mạnh mẽ. Mỗi người từ lúc ra đời đến khi tạ thế không thể lìa bỏ gia đình, hơn nữa phải luôn tìm cách nâng cao vị thế gia đình. Gia đình mong đợi ở họ điều đó và người đời cũng ứng xử với họ tuỳ theo địa vị gia đình anh ta.

Với mục đích củng cố gia đình, gia tộc nên vấn đề trật tự kỷ cương chặt chẽ, chính danh định phận, gia pháp nghiêm ngặt… là những yếu tố không thể thiếu trong nền nếp gia phong được lễ giáo đạo Nho nhấn mạnh và đề cao. Lễ giáo đạo Nho qui định một cách chặt chẽ các mối quan hệ giữa người với người, trong đó những quan hệ cơ bản nhất là tam cương và ngũ luân, còn các quan hệ khác chỉ là thứ yếu.(*)Trong những cương – luân đó thì các quan hệ trong phạm vi gia đình là chủ yếu. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của ý thức hệ Nho giáo nên giai cấp phong kiến Việt Nam trong lịch sử cũng chủ trương xây dựng gia đình, củng cố các mối quan hệ gia đình theo những khuôn mẫu của lễ giáo đạo Nho. Vì thế, dấu ấn và ảnh hưởng của lễ giáo đạo Nho ở nước ta hiện nay được biểu hiện khá rõ trong phạm vi gia đình. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, để xây dựng các mối quan hệ gia đình trên những nguyên tắc mới thì ảnh hưởng của lễ giáo Nho gia phong kiến là điều không thể không tính đến.

Xung quanh vấn đề gia đình, Nho giáo cũng có một số kiến giải sâu sắc và hợp lý, góp phần xây dựng và duy trì những quan hệ bình ổn trong điều kiện lịch sử xã hội nhất định. Bên cạnh đó, giáo dục gia đình kiểu cũ theo những nguyên tắc của lễ giáo đạo Nho ở nước ta vẫn còn tồn tại trong những chừng mực nhất định nên ảnh hưởng tiêu cực của nó còn có những biểu hiện chưa mờ nhạt, thậm chí cản trở việc xây dựng các quan hệ gia đình theo những yêu cầu mới hiện nay. Con người sinh ra và trưởng thành, hình thành nhân cách trước hết từ môi trường gia đình. Họ mang theo những suy nghĩ, tác phong đã được hình thành, giáo dục từ gia đình vào cuộc sống xã hội, ảnh hưởng, tác động đến các quan hệ xã hội. Mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình đã ra đời từ lâu nhưng trong cuộc sống gia đình, những tập quán, chuẩn mực, khuôn mẫu trở thành thâm căn cố đế bao đời nay vẫn cho thấy những tác động của nó. Có nhà nghiên cứu nhận định rằng, giai cấp phong kiến rất quan tâm đến vấn đề gia đình và xây dựng gia đình, song nó xuất phát từ “lễ” của đạo đức Nho giáo nên việc xác định các mối quan hệ trong gia đình của giai cấp phong kiến dựa trên ba nguyên tắc chỉ đạo: Tôn ti trật tự là nguyên tắc đầu tiên mà giai cấp phong kiến dùng để phân định các mối quan hệ trong gia đình; nguyên tắc thứ hai là trọng nam khinh nữ; nguyên tắc thứ ba là bảo đảm quyền tối cao của người gia trưởng(1). Các quan niệm đó ngày nay đã mất đi cơ sở xã hội nhưng những tàn dư của nó vẫn để lại nhiều dấu ấn và ảnh hưởng.

Với quan niệm cho rằng, việc thực hiện những chuẩn mực đạo đức ngay từ gia đình có một ý nghĩa rất lớn: “Một nhà nhân thì cả nước dấy lên đức nhân, một nhà lễ nhượng thì cả nước dấy lên lễ nhượng”(2) và chỉ có những con người hiếu thảo với cha mẹ, có trách nhiệm đối với người thân mới có thể trở thành những người có lòng yêu thương người khác, có trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội…, Nho giáo quan tâm trước hết đến việc giáo dục tinh thần nhân ái, tình yêu thương sâu nặng và bổn phận, trách nhiệm của mỗi con người đối với những người thân trong gia đình. Đó là điều mà chúng ta không thể phủ nhận trong việc xây dựng gia đình hiện nay. Nếu chúng ta xem nhẹ và buông lỏng quá trình giáo dục lòng nhân ái, khoan dung ngay từ trong môi trường gia đình sẽ góp phần làm gia tăng lối sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, sự vô trách nhiệm của cá nhân với chính gia đình và cả xã hội. Trong xây dựng gia đình, trong giáo dục một nền đạo đức mới thì việc giáo dục, hình thành lòng nhân ái, sự gắn bó, yêu thương, tôn trọng, tinh thần trách nhiệm đối với những người thân trong gia đình là một việc làm không thể bỏ qua; bởi lẽ, đó chính là tiền đề cho quá trình hình thành và phát triển những tình cảm đối với tập thể, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, cũng sẽ là sai lầm nếu tuyệt đối hoá những tình cảm đó, bởi không phải bất kỳ người nào có tình yêu sâu nặng, sự gắn bó bền chặt, có trách nhiệm với người thân cũng sẽ là người có tình thương yêu và tinh thần trách nhiệm cao với quê hương, đất nước. Ngược lại, khi những tình cảm đó được đẩy đến mức cực đoan sẽ dẫn đến thói vị kỷ gia đình, bệnh gia đình chủ nghĩa… để lại nhiều hậu quả nặng nề. Vì thế, cần bồi dưỡng, giáo dục và nâng tình cảm yêu thương, tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, người thân thành tình thương yêu, trách nhiệm của mỗi con người với tập thể, cộng đồng, xã hội; đảm bảo sự gắn kết tình thương và trách nhiệm của con người trong mối quan hệ hài hoà gia đình – tập thể – xã hội.

Thực tế cuộc sống hiện nay cũng cho thấy sự xuất hiện chiều hướng gia tăng những biểu hiện vô trách nhiệm trong quan hệ cha mẹ với con cái. Tình cảm và mối quan hệ gắn bó giữa cha mẹ với con cái bị xem nhẹ, sự kính trọng của con cái đối với cha mẹ có phần suy giảm. Tình trạng bố mẹ đánh đập con cái, con cái ngược đãi ông bà và cha mẹ… có chiều hướng gia tăng ở cả thành thị lẫn nông thôn. Trong khi đấu tranh xóa bỏ những tàn tích, di hại của lễ giáo cũ, chúng ta cũng cần chú ý thiết lập mối quan hệ cha con lành mạnh, tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tích cực, hợp lý mà Nho giáo đã đóng góp cho truyền thống: quan tâm nuôi dạy con cái, chăm lo đến sự nghiệp và tương lai hạnh phúc cho con cái là tình cảm, trách nhiệm của cha mẹ, cha mẹ phải tự mình là tấm gương tốt về mọi mặt của cuộc sống để con cái học tập, noi theo. Trong mỗi gia đình, cha mẹ gương mẫu và giáo dục con cái chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống có văn hóa sẽ tạo ra nét đẹp trong lối sống, gia đình và xã hội sẽ ngày một tiến bộ văn minh. Ngược lại, đứa trẻ sống trong một gia đình cha mẹ không ra cha mẹ, trên không ra trên thì dù nhà trường hay xã hội có tuyên truyền, giáo dục những bài học về lễ phép, kính trọng người trên, thương yêu cha mẹ, ông bà… cũng khó lòng đạt kết quả.

Trong lễ giáo đạo Nho, quan hệ cha con được đặc trưng bằng chữ “hiếu”. Gia đình Việt Nam trong xã hội phong kiến cũng rất đề cao mối quan hệ này, coi “hiếu” không chỉ là trách nhiệm mà còn là phẩm chất lớn nhất của đạo làm con. Lễ giáo đạo Nho (nhất là từ thời Hán, Tống trở đi) định ra những yêu cầu khắt khe, những qui định có phần khắc nghiệt, như “trong thiên hạ không có cha mẹ nào không đúng”, “cha không nhân từ nhưng con không thể không hiếu”… Song, thậm chí “cha bảo con chết mà không chết là bất hiếu”, nhưng xét về tinh thần, chữ “hiếu” của lễ giáo đạo Nho cũng thể hiện những điểm hợp lý nhất định, để lại nhiều bài học có ý nghĩa trong việc giáo dục thế hệ trẻ hiện nay. Rõ ràng, dù xã hội đổi thay, gia đình có những biến chuyển trên nhiều phương diện nhưng cũng không gia đình nào muốn con cháu bất hiếu với ông bà và cha mẹ, vô trách nhiệm với gia đình, người thân. Ngày nay, những quan niệm về chữ “hiếu” một cách mù quáng, khắt khe như trước đã không còn. Cũng không còn những qui định quá lỗi thời, trái ngược với yêu cầu xây dựng mối quan hệ hòa đồng, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau giữa những thành viên trong gia đình hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có nhiều trường hợp con cái hư đốn, không nghe theo sự chỉ bảo, góp ý đúng đắn, những lời hay lẽ phải của ông bà, cha mẹ. Họ không những thiếu sự kính trọng, mà còn có thái độ khinh nhờn, hắt hủi, bạc đãi cha mẹ. Trong thực tế cũng xuất hiện nhiều hiện tượng vô đạo đức mà dư luận bấy lâu nay vẫn thường lên án, như cha mẹ có tiền của dành dụm được thì con cái tranh nhau, giành giật việc “nuôi” cha mẹ; còn những bậc cha mẹ không có của cải, nghèo khó hay không lao động được, không đem lại lợi nhuận gì cho kinh tế gia đình thì bất hạnh thay, họ bị con cái đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí chia nhau từng ngày nuôi nấng, hoặc hắt hủi, ngược đãi cha mẹ…

Lễ giáo đạo Nho đưa ra những yêu cầu khắt khe một chiều đối với con cái, song nó cũng có những điểm hợp lý – giáo dục người làm con phải biết kính trọng, quan tâm chăm sóc những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình khôn lớn; giáo dục con người khi làm bất cứ việc gì cũng phải nghĩ đến danh dự của gia đình, không làm cho cha mẹ phải mang nhục, không được phóng túng làm càn… Đó là những điều vẫn cần thiết với xã hội ta ngày nay. Đương nhiên, chúng ta không tiếp thu trọn vẹn tất cả những gì lễ giáo đạo Nho đề ra. Chúng ta xây dựng tình cảm gắn bó, thương yêu đùm bọc lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái nhưng không phải quay lại sự ràng buộc khắt khe một chiều của lễ giáo Nho gia thời phong kiến, mà cần xây dựng, hình thành nên những chuẩn mực, khuôn mẫu, vị thế của mỗi thành viên gia đình, đặc biệt là xây dựng nên nền nếp gia phong và giáo dục gia phong theo yêu cầu mới. Những yêu cầu con cái hiếu thảo, ông bà cha mẹ gương mẫu, có trách nhiệm với con cháu vẫn là những giá trị cần thiết. Tuy nhiên, mỗi thành viên gia đình cũng là những cá nhân có cá tính, nhu cầu, năng lực và xu hướng phát triển khác nhau, do đó cần nhận thức đúng vai trò của cá nhân, tôn trọng quyền tự do, tự quyết của mỗi thành viên trên tinh thần dân chủ và bình đẳng.

Quan niệm và cách thức tổ chức gia đình mô phỏng theo lễ giáo đạo Nho từng tồn tại và ảnh hưởng suốt một thời gian dài trong lịch sử nước ta đã để lại nhiều hậu quả mà đến nay chưa dễ gì xoá bỏ. Tư tưởng trọng nam khinh nữ ngay trong phạm vi gia đình là một trong những hậu quả đó và hiện vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ với nhiều biểu hiện, như quan niệm về sinh con trai, con gái; phân chia tài sản cho các con; coi thường phụ nữ, chưa chú trọng đúng mức tới việc phát huy vai trò của phụ nữ… Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách cụ thể về bình đẳng nam nữ, có nhiều cải cách luật pháp, xây dựng cơ chế nhằm thúc đẩy sự bình đẳng nam nữ và trên thực tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể về vấn đề này. Tuy vậy, tư tưởng, tập quán trọng nam khinh nữ của lễ giáo đạo Nho vẫn tồn tại trong không ít gia đình, nhất là ở vùng nông thôn. Đấu tranh xoá bỏ tư tưởng lạc hậu, cổ hủ này vẫn đang là một yêu cầu trong việc xây dựng gia đình ở nước ta hiện nay. Thực tế cho thấy, dường như sự giải phóng phụ nữ chỉ dừng lại ở những lĩnh vực, những nội dung mà pháp luật đề cập tới chứ chưa đi sâu vào đời sống các gia đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”(3).

Ngày nay, đạo “tam tòng” là lạc hậu, tiêu cực, là sự trói buộc khắt khe đối với người phụ nữ cần phải vứt bỏ, nhưng tinh thần của “tứ đức” vẫn có ý nghĩa nhất định trong việc giáo dục người phụ nữ trở thành những người mẹ hiền, dâu thảo, những người vợ, người mẹ đảm đang, biết tận tụy chăm lo cho chồng con. Dĩ nhiên, ta không quy toàn bộ công lao ấy cho lễ giáo đạo Nho. Mặt khác, ngày nay, chế độ đa thê đã bị xóa bỏ, chế độ một vợ một chồng được pháp luật quy định, nhưng thực tiễn cho thấy không ít gia đình lại có lối sống buông thả và quan hệ bất chính. Chữ “tiết” hà khắc trong quan hệ vợ chồng theo kiểu lễ giáo phong kiến đã không còn, người phụ nữ được giải phóng khỏi gông cùm khắt khe, oan nghiệt đó. Tuy nhiên, có không ít trường hợp người phụ nữ không làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ khiến quan hệ trong gia đình trở nên lạnh lùng, rạn nứt – vợ chồng bất hòa, con cái không được quan tâm giáo dục đến nơi đến chốn.

Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường với sự mở cửa trong quan hệ giao lưu quốc tế, gia đình Việt Nam trở thành một đơn vị kinh tế tự chủ, tự hạch toán kinh doanh. Việc phát triển kinh tế gia đình là một hình thức phổ biến ở nước ta hiện nay, nó giúp cho các gia đình phát huy tính năng động, sáng tạo và phát triển tiềm lực kinh tế gia đình. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, nhất là mối quan hệ vợ chồng đã có nhiều thay đổi. Nhiều gia đình nhờ lối làm ăn mới đã giàu lên nhanh chóng nhưng cũng xuất hiện những đổi thay trong lối ứng xử, quan hệ vợ chồng. Từ sự không bình đẳng trong thu nhập kinh tế đã dẫn đến sự bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng, gây ra những rạn nứt trong gia đình, vợ khinh chồng, chồng coi thường vợ… Nhiều gia đình đã có cuộc sống đầy đủ hơn, sung túc hơn về tiện nghi vật chất nhưng mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái lại thiếu đi tình thương yêu, sự quan tâm chia sẻ trong đời sống tình cảm; người ta nhiều khi thấy cô đơn, xa lạ ngay trong chính ngôi nhà của họ. Trong quan hệ vợ chồng, quan hệ ông bà, cha mẹ với con cái… xuất hiện sự thiếu tôn trọng, trách nhiệm và gương mẫu.(3)Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có phần trở nên lỏng lẻo. Nền nếp, kỷ cương “kính trên nhường dưới”, “kính già yêu trẻ”, “con cháu hiếu thảo”… có phần suy giảm và ít được quan tâm, coi trọng như trước do những lệch lạc trong quan niệm, trong nhận thức về tự do, dân chủ. Những bất hoà, mâu thuẫn, xung đột và đổ vỡ các mối quan hệ tình cảm thân thiết trong gia đình có chiều hướng gia tăng. Khi lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ, sự tôn thờ lợi ích vật chất được đề cao, len lỏi vào trong đời sống đạo đức đã làm hoen ố những quan hệ vốn được coi là thiêng liêng nhất. Sự ngược đãi ông bà, cha mẹ; vô trách nhiệm với vợ (chồng), con cái; anh em ẩu đả, chém giết lẫn nhau vì tài sản… không còn là cá biệt. Không ít người chỉ chú trọng lợi ích của riêng mình mà không cần quan tâm đến hạnh phúc của người khác, đến danh dự của gia đình và cộng đồng.

Vì vậy, việc xây dựng các mối quan hệ trong gia đình ngày nay, sự hoà thuận, tình nghĩa, thuỷ chung vẫn là những giá trị cần được coi trọng. Tuy nhiên, những tình cảm đó không thể được xây dựng dựa trên việc đòi hỏi sự nhẫn nhục, chịu đựng một chiều của Nho giáo trước đây, mà phải dựa trên cơ sở tình yêu thương, sự tôn trọng lẫn nhau, sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các thành viên, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm với gia đình và tham gia vào công việc xã hội. Dĩ nhiên, chúng ta không mơ hồ muốn lặp lại cái cũ, luyến tiếc và tìm cách phục hồi sự ổn định theo trật tự sống cũ của lễ giáo đạo Nho, lẫn lộn những qui tắc mà giai cấp thống trị bóc lột ràng buộc nhân dân ta với những qui tắc mới cần xây dựng và củng cố trong cuộc sống hôm nay.

Giai cấp phong kiến Việt Nam trước đây đã tổ chức, xây dựng gia đình theo những nguyên tắc, chuẩn mực của lễ giáo đạo Nho: phân định các mối quan hệ trong gia đình theo trật tự tôn ti, đảm bảo cho cha có quyền lực hơn con, chồng có quyền uy hơn vợ, anh có quyền hơn em, con trai có quyền hơn con gái và đảm bảo cho người gia trưởng có quyền tối cao trong gia đình. Gia đình được coi trọng nhưng lại theo hướng chủ nghĩa gia trưởng, nghiệt ngã với phụ nữ, khắt khe với tuổi trẻ. Quan niệm và cách thức tổ chức gia đình như vậy đã từng tồn tại và ảnh hưởng lâu dài trong lịch sử nước ta, để lại nhiều hậu quả tiêu cực. ở nước ta hiện nay, việc xây dựng, củng cố gia đình với tư cách một “tế bào của xã hội” là việc làm cần thiết nhưng cũng là một việc lâu dài. Yêu cầu của công cuộc kiến thiết xã hội mới không cho phép chúng ta duy trì sự bất bình đẳng trong gia đình và sự bất công ngoài xã hội, nó đòi hỏi suy nghĩ của mỗi con người phải vượt khỏi ngưỡng cửa gia đình để vươn đến những tình cảm lớn hơn đối với Tổ quốc, nhân dân.

Xây dựng mối quan hệ trong gia đình Việt Nam hiện nay dĩ nhiên không phải theo những nguyên tắc của lễ giáo đạo Nho, song rõ ràng trong quá trình ấy, những ảnh hưởng của nó không thể không tính đến. Để tạo lập những mối quan hệ gia đình theo các nguyên tắc, định hướng, yêu cầu mới thì việc khai thác những giá trị, phát huy những ảnh hưởng tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của lễ giáo Nho gia phong kiến là điều cần thiết. Trong quá trình đó cần chống cả hai xu hướng cực đoan: Xu hướng thứ nhất là hoài cổ, muốn duy trì, bảo lưu mọi chuẩn mực của gia đình theo nguyên tắc, lễ giáo đạo Nho, coi đó hoàn toàn là những giá trị ưu việt, nhân văn mà cự tuyệt các giá trị hiện đại; xu hướng thứ hai là xem thường, phủ nhận mọi nền nếp gia phong cũ – chưa hẳn đã hoàn toàn lạc hậu, xem nó là cái trói buộc, nô dịch con người mà tuyệt đối hoá, tiếp thu vô điều kiện những cái mới – chưa hẳn là tiến bộ, văn minh.

Xây dựng gia đình ngày nay cần trân trọng các giá trị văn hoá, đạo đức, nếp sống truyền thống tốt đẹp, đồng thời tạo lập môi trường dân chủ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên và thế hệ thành viên; khắc phục những hạn chế của gia đình theo mô hình lễ giáo đạo Nho. Phải coi việc xây dựng gia đình như một cuộc cách mạng lâu dài và cũng đầy khó khăn, gian khổ. Cuộc cách mạng đó chỉ có thể thực hiện thành công khi nó được toàn Đảng, toàn dân cũng như mọi gia đình tham gia một cách chủ động, tự giác, tích cực.

***************

(1) Xem: Nguyễn Tài Thư. Nho học và Nho học ở Việt Nam – một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.101-103.

(2) Nguyễn Đức Lân (chú dịch). Chu Hi – Tứ thư tập chú. Nxb Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.44.

(3) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.9. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.523

SOURCE: TẠP CHÍ TRIẾT HỌC SỐ 3 (238) NĂM 2011

Filed under: 1. LÝ LUẬN CHUNG |