Luyện tiếng Anh bằng trò chơi Tabou (Taboo) – Hotcourses Vietnam

Taboo là gì

Taboo (mang nghĩa “điều cấm kỵ”, giống Tabou trong tiếng Anh) ra đời vào năm 1990 là một trong những trò chơi được các nhóm sinh viên quốc tế yêu thích. Tương tự như trò chơi Kim Tự Tháp hay phần thi đặc biệt trong gameshow Hành trình văn hóa ngày trước, Taboo là một trò tìm chữ qua các gợi ý. Một ván Tabou thường cần khoảng 4 người chơi cho mỗi đội, thông thường sẽ có hai đội đấu với nhau nhưng đôi khi sĩ số có thể thay đổi cho phù hợp đội hình.

Chơi Tabou bằng tiếng Anh từ A đến Z

Vì trò chơi Tabou chưa thực sự được cập nhật trong nước nên bạn phải chiu khó chuẩn bị “đồ chơi”. Nguyên liệu cần có là giấy – thật nhiều giấy, bút và kéo. Vì tính công bằng, tất cả người chơi sẽ cùng bắt tay vào công đoạn viết từ khóa để đảm bảo ai cũng có một số vốn từ khóa do chính họ viết ra. Theo đúng truyền thống, mỗi đoạn giấy sẽ bao gồm một từ khóa với 5 gạch đầu dòng bên dưới, tương ứng với 5 từ cấm.

Từ khóa đó có thể là danh từ (trường Đại học, Hà Nội) hay động từ (ăn cơm, đi học) hoặc là tên một danh nhân hay chương trình truyền hình nổi tiếng nào đó (The Voice, Trần Lập). Có nhiều đội đã từng viết từ khóa dài lê thê cả một… câu thơ!

Điều khiến Tabou trở nên hóc búa hơn so với các gameshow ở trên là sự góp mặt của năm từ chìa khóa có liên quan mật thiết đến từ khóa đã kể trên. Chẳng hạn với từ khóa The Voice, bạn có thể viết 5 từ chìa khóa như sau:

– Thu Minh

– Hương Tràm

– “Tôi chọn bạn”

– 2012

– Công ty Cát Tiên Sa

Đến khi nhóm bạn cảm thấy đủ (không nhất thiết số lượng cụ thể) từ khóa, mọi người hãy gấp mẩu giấy đó lại và bỏ vào một chiếc hộp để xóc chúng lên nhằm trộn lẫn các câu hỏi. Bây giờ, bạn cần một chiếc đồng hồ cát hay điện thoại có tính năng đếm giờ.

Lưu ý là đối với những người mới chơi, bạn có thể bỏ yêu cầu 5 từ cấm đi và chỉ sử dụng một từ khóa chính để làm câu hỏi thôi. Thông thường các từ khóa trong trò chơi Tabou luôn gắn liền với một kiến thức Văn hóa thường thức nào đó, tuy nhiên vì bạn là người tổ chức viết từ khóa nên bạn hoàn toàn có thể lựa chọn ngôn ngữ để ra “nội quy” riêng cho mình. Đối với những bạn sắp đi du học hoặc đang cần hệ thống lại vốn từ tiếng Anh, đây là một trò chơi thú vị giúp bạn ghi nhớ thông tin theo đúng tinh thần vừa học vừa chơi.

Luật chơi Tabou

Quy định duy nhất của trò Tabou là tất cả mọi người trong mỗi nhóm phải lần lượt ngồi vào “ghế nóng”, tức là vị trí người đoán từ khóa, thông qua sự gợi ý của mọi người trong nhóm mà không được nhắc đến từ khóa đó.

Một câu trả lời hợp lệ là câu trả lời chính xác từng chữ với từ khóa được ghi trong mẫu giấy và những lời gợi ý cũng hoàn toàn “vô can” với các từ cấm. Thành viên mỗi nhóm sẽ xen kẽ nhau đoán từ khóa và mỗi người có 1 phút để đoán từ.

Nếu lỡ bốc trúng câu hỏi khó, bạn có quyền được bỏ qua, nhưng chỉ được bỏ ba từ cho một lượt chơi thôi nhé! Thông thường một trò chơi Tabou sẽ không bị giới hạn về thời gian mà phải cùng nhau hoàn thành tất cả các mẩu giấy có chứa đựng từ khóa. Với một số biến tấu, trò Tabou còn được “nâng cấp” lên thành trò Mime với ba vòng chơi riêng.

Vòng một là phần đoán từ bằng gợi ý, khi đó người đoán sẽ phải đưa ra câu trả lời tương ứng cho những gợi ý của các thành viên trong nhóm. Chưa hết, vòng hai, bạn chỉ được sử dụng duy nhất một từ/cụm từ để gợi ý cho bạn chơi đoán ra từ bí mật. Phần này nhằm lục lại trí nhớ của bạn. Chẳng hạn, ở phần một, cho từ khóa Hà Nội, bạn đã dùng gợi ý Thủ đô của Việt Nam, thì ở phần hai, bạn có thể dùng từ Việt Nam để bạn chơi nhớ lại. Với việc bị giới hạn trong một từ/cụm từ, việc chú tâm theo dõi các lơi gợi ý của các từ khóa là điều đặc biệt quan trọng.

Cấp độ cuối cùng cũng là vòng thú vị nhất chính là phần chơi dùng hình thể để gợi ý từ khóa. Bạn có thể dùng mọi bộ phận trên cơ thể để gợi ý từ khóa, nhưng không được mở miệng ra nói bất kì lời nào.

Một lưu ý nho nhỏ là trong tất cả các ván Tabou, bao giờ độ “hú hét” người chơi cũng sẽ được tăng dần đều nên nhớ lưu ý về địa điểm cũng như thời gian “đo găng” Tabou để không làm ảnh hưởng tới người khác nhé. Cuối cùng, nếu để ý trong các phim nước ngoài, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp trò chơi này, chẳng hạn như trong phim Four Christmases hồi 2008.

Nhiều chữ quá nhỉ ^___^, vậy thì xem video này để biết cách chơi nhé. Chúc mọi người học tiếng Anh hiệu quả và vui nhộn.

_________________________________

Đọc thêm

>> Bí quyết học Tiếng Anh hiệu quả

>> Bí quyết luyện TOEFL/TOEIC/IELTS với English home

>> Bí quyết học ngoại ngữ khi đi du học

>> Hướng dẫn tìm khóa học và học bổng trên Hotcourses

>> CUỘC THI: Lời thú tội hay ho nhất