Nội dung chính của bài viết
- Làn da của chúng ta có khả năng sử dụng các thành phần còn lại từ quá trình sản xuất protein cấu trúc để tạo ra yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên.
- Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho khả năng sản sinh các thành phần này của da bị suy giảm.
- Đến nay vẫn chưa có cách nào có thể kích thích làn da tạo ra nhiều yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên hơn mà vẫn cần đến các sản phẩm chăm sóc da để cải thiện tình trạng khô da.
Làn da của chúng ta có khả năng tự dưỡng ẩm và điều chỉnh độ ẩm dựa trên môi trường xung quanh. Làn da có được khả năng này là nhờ một thành phần có tên là yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên (natural moisturizing factor – NMF) có chức năng hút độ ẩm từ không khí vào các tế bào của da. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau quyết định đến lượng NMF mà da sản sinh và ảnh hưởng đến khả năng dưỡng ẩm của da. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên là gì, cơ chế hoạt động ra sao và những cách để tăng cường độ ẩm cho da.
Yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên hoạt động như thế nào?
Yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên được tạo nên từ các axit amin và chất hút ẩm (humectant) – sản phẩm phụ của quá trình sản sinh một loại protein cấu trúc có tên là filaggrin. Da của chúng ta có thể sử dụng những sản phẩm phụ này để tạo ra yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên.
Các yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên này nằm trong các tế bào ở lớp sừng – lớp trên cùng của tầng biểu bì và được sử dụng để điều chỉnh độ ẩm của da. Vai trò của NMF là hút độ ẩm từ không khí vào da và giữ cho da căng mịn.
Yếu tố giữ ẩm tự nhiên còn đóng vai trò phòng thủ, có nghĩa là tạo ra một lớp rào cản để ngăn các vi sinh vật và chất gây hại trong không khí xâm nhập vào da.
Da tạo ra bao nhiêu NMF?
Cơ thể của chúng ta có thể điều chỉnh mức sản sinh yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên tùy theo môi trường xung quanh. Khi môi trường có độ ẩm thấp thì làn da sẽ tự sản sinh ra nhiều NMF hơn và khi môi trường ẩm ướt thì da sẽ tạo ra ít NMF hơn.
Thông thường, khi di chuyển từ nơi có khí hậu ẩm ướt sang nơi có khí hậu khô hoặc chuyển từ mùa nóng ẩm sang khô hanh thì sẽ mất khoảng 3 ngày làn da mới có thể điều chỉnh mức NMF mà nó tạo ra để tự cấp ẩm. Vì vậy, trong khoảng thời gian này, da thường có cảm giác bị khô, ngứa và thậm chí còn bong tróc.
Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến lượng yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên mà da sản sinh. Ở những người bị viêm da cơ địa hay bệnh chàm thì da tạo ra rất ít NMF. Mặc dù các chuyên gia vẫn chưa tìm được nguyên nhân gốc rễ gây bệnh viêm da cơ địa nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng di truyền là yếu tố ảnh hưởng đến mức sản sinh NMF. Ở những người mắc bệnh viêm da này, gen filaggrin có sự đột biến và điều này góp phần gây ra các triệu chứng bệnh.
Mức NMF cũng giảm theo tuổi tác, đó là một lý do tại sao da lão hóa thường bị khô và xỉn màu. Bên cạnh đó, tiếp xúc với tia cực tím trong ánh nắng, các chất hoạt động bề mặt (surfactant) hay ngâm nước trong thời gian dài cũng có thể làm giảm sự sản sinh yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên trong da.
Hiện tại chưa có phương pháp nào để kích thích da sản xuất thêm NMF. Vì NMF nằm bên trong các tế bào da nên việc sử dụng các sản phẩm bôi ngoài đều không có tác dụng.
Cần làm gì để cải thiện da khô?
Nếu như không có cách nào để tăng sản sinh yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên thì phải làm sao mới có thể cải thiện làn da khô? Cách tốt nhất là sử dụng một loại kem dưỡng ẩm có tác dụng phục hồi hàng rào bảo vệ da. Các loại kem này chứa axit béo, cholesterol và ceramide, mô phỏng cấu trúc bảo vệ tự nhiên của làn da để khôi phục khả năng giữ ẩm và ngăn cản các chất gây kích ứng từ bên ngoài.
Hyaluronic acid là một chất được sử dụng rất phổ biến để dưỡng ẩm cho da nhưng cần thận trọng khi dùng các sản phẩm có chứa thành phần này. Hyaluronic acid là một loại chất hút ẩm (humectant), có nghĩa là nó hấp thụ độ ẩm từ môi trường xung quanh giống như yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên của da. Tuy nhiên, nếu sử dụng khi thời tiết khô hanh thì hyaluronic acid và các chất hút ẩm khác sẽ hút ngược độ ẩm từ bên trong da vào không khí bên ngoài và khiến cho da càng trở nên khô hơn.
Vì lý do này nên cần kết hợp các chất hút ẩm với chất khóa ẩm (occlusive). Chất khóa ẩm hoạt động giống như một lớp màng vật lý để ngăn ngừa hiện tượng mất nước qua da (transepidermal water loss).