Đôi điều về chữ “Nhẫn” trong cuộc đời – Ngày mới Online

Nhẫn là gì

Rất nhiều gia đình Việt có treo những chữ Hán rất to đẹp ở phòng khách, ở nơi trang trọng, như: Phúc, Lộc, Thọ, An, Khang, Ninh, Đức, Tâm, Thiện… Chắc là mong đạt được và nhắc nhở, giáo dục mọi người sống phải như thế!

Có một số người treo chữ Nhẫn tiếng Việt, có nhiều dòng chữ phía dưới nói về cái tốt của chữ Nhẫn. Nhưng có gia đình treo chữ Nhẫn (chữ Hán), không có lời chú thích gì. Hầu hết mọi người ngắm nhìn cảm thấy đẹp về hình thức, chưa hiểu hoặc không hiểu được nội hàm của chữ Nhẫn thì học được gì, giáo dục được điều gì? Chữ Nhẫn có nội hàm, phức tạp hơn mấy chữ Phúc, Lộc, Thọ… Nếu học và làm theo chữ Nhẫn thì có đúng và có sai? Có nên học và không nên học? Tại sao như vậy?

Chữ viết của người Trung Quốc là chữ tượng hình, chữ Nhẫn gồm hai phần (chính): Phần trên là bộ đao (có hình hai cái đao, như hai mũi tên có ngạnh, sắc nhọn) chọc thẳng xuống phía (phần) dưới, là bộ tâm, chữ Tâm, có thể hiểu là trái tim. Chữ Nhẫn hiểu nghĩa bóng là: Trái tim bị đâm bởi hai mũi đao sắc nhọn, rất đau đớn. Chữ Nhẫn theo hình ảnh tượng hình này là biểu tượng của sự đau đớn, kéo dài! Đúng là thế nhưng không phải tất cả là thế, tại sao? Sau nhiều ngày sưu tầm tài liệu, tra cứu trên mạng, đọc bài nói về chữ Nhẫn khá nhiều, nội dung chủ yếu nói về khuyên dạy con người nên Nhẫn theo hướng thiện. Trăn trở, suy nghĩ về hình tượng chữ Nhẫn, kết hợp trí thức, kinh nghiệm… tôi đã “phác họa” về chữ Nhẫn như sau:

Người trải qua một Hội là 60 năm đầu (giai đoạn thứ nhất) và sống tiếp ở Hội thứ hai từ 61 tuổi trở đi. Cho nên chữ Nhẫn được gắn với cuộc đời của con người theo 2 giai đoạn.

A -Giai đoạn thứ nhất (dưới 60 tuổi)

Trong thời kì này, con người mưu sinh cuộc sống để tạo nên địa vị, công danh, của cải… nên chữ Nhẫn có “đất” để nảy sinh, phát huy, phát triển. Mỗi người đều có ít nhiều tính Nhẫn, nhiều tính Nhẫn thì được lắm cũng mất nhiều. Cụ thể:

1. Nhẫn nại, nhẫn nhịn, kiên nhẫn

– Nhẫn nại là thể hiện đức tính tốt, kiên trì, chịu khó, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong thời gian khá dài để đạt được điều mong muốn.

– Nhẫn nhịn là bạc (quý như vàng bạc). Nhẫn nhịn là đức tính tốt, nhịn nhường con đường công danh cho người khác; nhịn bỏ những tham lam vật chất, danh vọng. “Một điều nhịn là chín điều lành”! Nhẫn nhịn trong lời ăn tiếng nói, việc làm, nhường nhịn với mọi người trong thời gian khá dài.

– Kiên nhẫn là đức tính tốt, mức độ cao hơn kiên trì, trong thời gian khá dài nhằm tiến thân, để tăng tài, để tăng danh vọng, tăng uy… mưu cầu lợi lộc cho bản thân nhưng chính đáng.

Trong 3 dạng trên, ta hiểu là: Hai cái đao đâm vào trái tim là do bản thân mình muốn đạt được nguyện vọng và ước mơ thì phải Nhẫn (cảm thấy như tự đâm vào tim mình), tuy rằng “đau” nhưng vẫn cố gắng chịu đựng để hoàn thành, đem lại kết quả tốt cho mình. Cũng như ta phải tiêm thuốc bổ (bị đau) để ta khỏe mạnh.

Ba dạng Nhẫn trên là hướng thiện, tốt, mọi người nên học Nhẫn. Nhất là những người dưới 60 tuổi, càng phải học Nhẫn: Nhẫn nhịn, Nhẫn nại, kiên Nhẫn.

2. Nhẫn nhục

Nhẫn nhục có thể hiểu theo hai trường hợp:

– Nhẫn nhục là kiên trì, bền gan, chịu đựng sự khổ (chịu khổ thân và tâm) của người công bộc để tìm đường tiến thân, để tăng tài, để tăng dang vọng, tăng uy… mưu cầu lợi lộc cho bản thân. Nhẫn nhục có thể là kiên trì mai phục, chờ thời cơ thuận lợi để vươn lên hạ gục đối thủ.

– Nhẫn nhục là kiên trì chịu nhục vì cuộc sống đời thường nhằm yên ổn gia đình, dòng họ…

Hai trường hợp này là: Trái tim của mình bị người khác đâm – đó là hình tượng của Nhẫn – rất đau, kéo dài và đem lại kết quả mong muốn. Con người chịu đựng Nhẫn nhục hay không là tùy trong hoàn cảnh thực tế cụ thể. Nhẫn nhịn tăng thêm mức độ sẽ thành Nhẫn nhục và Nhẫn nhục giảm bớt sẽ thành Nhẫn nhịn.

3. Nhẫn tâm

– “Họ độc ác, Nhẫn tâm làm hại người ta đến thế là cùng”, thi thoảng có người như vậy! Vậy Nhẫn tâm là đức tính xấu, làm tổn hại về thể xác, tinh thần mức ghê gớm, có thể còn hơn cả giết người! Trong trường hợp này, họ (Nhẫn tâm) là người mang hai cái đao sắc nhọn đâm vào trái tim của người khác – đó là hình tượng của chữ Nhẫn (Nhẫn tâm). Nhẫn tâm là theo hướng ác, là nhân cách thâm hiểm, “giết người không cần dao”. Người mà Nhẫn tâm thì gây ra hiểm họa kinh khủng cho người khác. Nhẫn tâm xem ra cũng gần với phạm tội! Người Nhẫn tâm thì nhận quả báo cũng rất tồi tệ ghê gớm!

4. Tàn nhẫn

– Tàn Nhẫn là hành động có ý thức, ý định để thực hiện vụ việc gây ra tổn thương rất nặng về thể xác, về tinh thần hoặc giết chết một con người và có thể giết chết nhiều người! Chữ Nhẫn trong trường hợp này là đao đâm vào trái tim người khác chảy máu! Tàn Nhẫn là tội phạm nghiêm trọng! Người ác độc, dã man hơn ma quỷ! Giới giang hồ, xã hội đen thường xăm trên cánh tay, trên lưng chữ Nhẫn, kiên trì thực hiện việc Nhẫn tâm, tàn Nhẫn! Người có trí thức càng cao thì Nhẫn tâm, tàn Nhẫn càng lớn, càng khủng khiếp! Nhẫn tâm đến mức độ cao sẽ thành tàn Nhẫn, chuyển từ dã tâm, ác tâm thành hành động tàn ác!

B – Giai đoạn thứ hai

Người đã qua một hội, đã trên 60 tuổi nên học chữ Nhẫn theo hướng thiện hoặc không cần phải Nhẫn nữa.

1. Nhẫn hướng thiện là để tăng thêm tâm thiện, lòng yêu thương

– NCT nhi thuận, vẫn phải Nhẫn nhịn trong cuộc sống gia đình, xã hội.

– Người trung niên, đặc biệt là NCT nếu phát huy và học Nhẫn theo hướng thiện (tốt) thì kéo theo những đức tính tốt khác. Đó là:

+ Nhẫn để hiểu biết rõ ràng đúng sai; Nhẫn tỉnh giải ngu; Nhẫn để an toàn.

+ Nhẫn để vị tha, Nhẫn để thêm bạn bớt thù. Nhẫn để tăng bạn bè giao thiệp.

+ Nhẫn để yêu thương; để khoan dung; để kính người trọng ta; Nhẫn để ta vui người cùng vui.

+ Nhẫn để vô thường, không không sắc sắc đoạn trường trần ai.

+ Nhẫn để chuyển vần: Thiên thời, địa lợi, Nhân tâm hiệp hoà.

+ Nhẫn dưỡng tâm đức.

2. NCT nói chung là không cần phải “Nhẫn”

– NCT không cần phải Nhẫn nại, kiên Nhẫn vì sức khỏe không thể làm được nên đừng “tham công tiếc việc” nữa. NCT vẫn còn phải Nhẫn nại, kiên Nhẫn vì “bát cơm, manh áo” là người khổ suốt đời.

– NCT không cần Nhẫn nhục vì sức khỏe tâm thần đã yếu kém nên không chịu được nhục trong xã hội! Nhưng trong gia đình thì tùy theo từng hoàn cảnh mà chấp nhận hay không?!

– NCT phải loại bỏ triệt để Nhẫn tâm, tàn Nhẫn, ngay cả trong ý nghĩ!

C – Quan hệ giữa Nhẫn và Sức khoẻ

– Qua nội dung trên, nếu thực hiện Nhẫn nại, Nhẫn nhịn, kiên Nhẫn để đạt được mục đích của mình thì sức khỏe phải giảm bớt. Có được có mất!

– Nếu thực hiện Nhẫn nhục thì sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.

– Còn người Nhẫn tâm, tàn Nhẫn thì sức khỏe không những giảm sút mà còn có thể chết mất mạng.

Kết luận

Nếu việc bé thiếu chữ Nhẫn thì không làm được, dẫn đến việc to cũng không làm được. Người làm được việc lớn đều có đức tính Nhẫn: Việc lớn tốt nếu Nhẫn hướng thiện; việc lớn xấu nếu Nhẫn hướng ác. Việc lớn muốn thành công phải Nhẫn từ việc nhỏ.

Ở đời học lấy chữ Nhân/ Học thêm chữ Nhẫn muôn phần bình an. Đã học được chữ Nhân là người tốt, nếu học thêm chữ Nhẫn (hướng thiện) thì bình an suốt đời và giúp đỡ nhiều người khác!