Thế nào là “ý tưởng kinh doanh”? – DUE

ý tưởng kinh doanh tồi là gì

Thế nào là “ý tưởng kinh doanh”?

Ý TƯỞNG KINH DOANH

Thế nào là “ý tưởng kinh doanh”? Có phải nó làm bạn nhớ ngay đến Facebook của Mark Zuckerberg hay Microsoft của Bill Gates,… dĩ nhiên đó là những ví dụ kinh điển bên cạnh vô vàn những ý tưởng kinh doanh khác trên đủ mọi lĩnh vực. Nhưng khi phải nói về khái niệm “ý tưởng kinh doanh” thì thật sự khá mơ hồ bởi dĩ từ “ý tưởng” đã là một từ rất trừu tượng. “Ý tưởng” là tên gọi chung của một trong những sản phẩm vô hình được tạo ra bởi trí tuệ con người. Bạn có nhận thấy rằng những sản phẩm này luôn là những thứ có tính “đột biến” so với những giải pháp hiện có và nó ra đời trên mục đích là giải quyết một vấn đề nào đó. Chẳng hạn như trong việc giải trí cuối tuần của một nhóm bạn, họ sẽ hỏi nhau một câu quen thuộc “có ý tưởng gì?”, để con cái tài giỏi, các ông bố bà mẹ sẽ “có ý tưởng gì?” trong việc dạy dỗ, trước khó khăn của một tổ chức, các thành viên liệu sẽ “có ý tưởng gì?” hay “có ý tưởng nào?” để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu,… một vài câu hỏi ví dụ để chúng ta có thể thấy “ý tưởng” có mặt trên đủ mọi lĩnh vực của cuộc sống và trong kinh doanh thì không thể thiếu những “ý tưởng”. Đánh giá “ý tưởng kinh doanh” như thế nào? Chris Dixon, người trở thành triệu phú sau khi xây dựng một công ty và bán nó cho eBay với mức giá 80 triệu đô, hiện là founder của Andreessen Horowitz, một công ty đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp cho rằng: những công ty tiềm năng nhất là khi họ có những ý tưởng kinh doanh điên rồ nhất. “Một ví dụ điển hình là Google. Không phải bàn cải về mức độ thành công và lớn mạnh của Google với doanh thu hàng chục tỉ đô la mỗi năm . Nhưng hãy nhớ lại thời kì công ty này mới được thành lập, những doanh nghiệp khác như Yahoo (lúc đó là một công ty cực kỳ lớn) lại cho rằng, ý tưởng về một công cụ tìm kiếm là một thất bại. Yahoo cho rằng dịch vụ này gây khó chịu cho người sử dụng.” Cho đến thời điểm này, mọi thứ lại chứng minh rằng nhận định của Yahoo mới là một “thất bại”. Như thế này và vô số những trường hợp khác khi những ý tưởng kinh doanh được cho là có vấn đề, điên rồ,… khi bước ra thị trường lại lớn nhanh như vũ bão thậm chí trở thành những người khổng lồ như google chẳng hạn, vậy làm thế nào để có thể nhận biết một ý tưởng kinh doanh độc đáo? Cũng theo Dixon, sẽ có ba đặc điểm cho ý tưởng kinh doanh độc đáo:

Thứ nhất, ý tưởng kinh doanh đó sẽ bị bác bỏ bởi đa số những người được nghe bạn chia sẻ bởi vì nó nghe có vẻ điên rồ hoặc sản phẩm, dịch vụ đó đã được những doanh nghiệp khác cung cấp trong một gói sản phẩm dịch vụ lớn của họ.

Thứ hai, ý tưởng kinh doanh đó sẽ không được đánh giá cao vì nó được thực hiện bởi những nhóm người có cùng đam mê chứ không phải là một doanh nghiệp nào đó – nhưng ít ai biết rằng Steve Job khởi nghiệp từ Homebrew PC club.

Thứ ba, ý tưởng kinh doanh độc đáo vô tình bị đánh giá nhầm là một ý tưởng tồi chì vì nó đi ngược lại với chuẩn mực xã hội. Đó là 3 đặc điểm mà Dixon đưa ra, tuy nhiên những ý tưởng kinh doanh độc đáo chưa chắc sẽ mang lại kết quả như mong đợi. Có những ý tưởng kinh doanh tưởng như điên rồ khi những người nghe đều không chấp nhận nó thì thật sự nó lại quá là điên rồ khi thị trường cũng không chấp nhận nó. Vậy thì có những ý tưởng kinh doanh độc đáo nhưng sản phẩm của nó chưa chắc sẽ có chủ nhân, hoặc được thị trường chấp nhận nhưng chưa chắc sẽ phát triển thành công. Vậy làm thế nào để biết được ý tưởng có thật sự hiệu quả?

Theo doanh nhân Manish Bhalla – Nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty công nghệ FATbit Technologies thì sẽ có 5 cách xác định tính khả thi của ý tưởng kinh doanh:

Dựa vào lợi thế Để tránh mắc sai lầm, hãy xây dựng ý tưởng kinh doanh dựa trên những sở thích và điểm mạnh của bản thân. Điều này sẽ giúp công ty “né” được những sai lầm cơ bản và biết cách giải quyết rắc rối trong công việc sau này nhờ vào những kỹ năng mà bạn đã được trang bị sẵn.

Bằng cách đó, ý tưởng của bạn sẽ có lợi thế hơn hẳn so với những dự án “mới toanh”.

Bạn có thể tự nghĩ ra ý tưởng, thực hiện các cuộc khảo sát thăm dò hoặc tham khảo ý kiến của bạn bè. Đồng thời, nên thử tính toán xem liệu công ty sẽ “trụ” được bao lâu trước khi thu về lợi nhuận. Mục tiêu/ tầm nhìn của một doanh nhân, đối với bạn, là gì?

Tìm hiểu thị trường cạnh tranh

Nghiên cứu thị trường là bước chuẩn bị quan trọng giúp chúng ta phân tích được những yếu tố then chốt có khả năng biến sản phẩm/dịch vụ trở nên độc nhất khi tung ra ngoài thị trường.

Bên cạnh đó, bạn nên ưu tiên hàng đầu cho việc xác định đối thủ cạnh tranh của mình là ai (bao gồm cả đối thủ hiện tại và đối thủ tiềm năng) và hiện họ chiếm bao nhiêu thị phần? Hãy thử đánh giá các chiến lược marketing, thương hiệu trực tuyến, giá cả cũng như chất lượng sản phẩm/dịch vụ mà họ cung cấp.

Cách này có thể giúp bạn thấu hiểu được những mong muốn của khách hàng cũng như khám phá ra những nhu cầu mới chưa được ai khai thác để từ đó làm hài lòng các khách hàng mục tiêu sau này.

Chọn mô hình kinh doanh phù hợp

Bán hàng trực tuyến là một trong các hình thức kinh doanh phổ biến hiện nay

Cho dù bạn chọn mô hình phân phối kiểu liên kết, B2B hay cửa hàng thương mại điện tử thì mỗi thứ đều sở hữu những khách hàng mục tiêu, năng lực cốt lõi cũng như giá trị riêng. Việc kiểm tra xem khả năng đáp ứng của công ty đối với các yêu cầu riêng biệt của từng loại mô hình sẽ xác định được tỷ lệ thành công của nó, từ đó dễ dàng nhận diện được đâu là mô hình phù hợp với dự án kinh doanh của bạn.

Các mô hình kinh doanh phổ biến hiện nay là bán hàng trực tuyến, bán hàng trực tiếp hay phân phối qua đại lý bán lẻ, v.v… Tuy nhiên bạn đừng chọn đại một mô hình bất kỳ trong số này khi chưa có đủ cơ sở phân tích.

Hãy cố gắng thu thập thêm thông tin về doanh thu tiềm năng, cấu trúc chi phí cũng như những giải pháp giá trị của công ty trước khi lựa chọn một loại hình kinh doanh cụ thể.

Kiểm tra tính bền vững

Tính bền vững của một ý tưởng kinh doanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu của khách hàng và nguồn cung sẵn có. Nếu sản phẩm/dịch vụ của bạn chưa có ai làm, hoặc chúng cung cấp những thứ tốt hơn các giải pháp hiện có thì chắc chắn ý tưởng này sẽ có tiềm năng phát triển lâu dài.

Đồng thời, việc kiểm tra nguồn cung trước khi biến ý tưởng thành hiện thực sẽ giúp bạn ngăn chặn bớt những thất bại trong tương lai.

Ngoài ra, bạn cũng cần quan tâm đến giai đoạn mở rộng sản phẩm/dịch vụ của ý tưởng này và tính toán khả năng chi trả của khách hàng trong tương lai.

Gộp chung tất cả những yếu tố này lại sẽ giúp bạn xác định xem liệu ý tưởng kinh doanh trên có đủ khả năng sinh lợi từ thu nhập kỳ vọng hay không.

Tham khảo ý kiến chuyên gia marketing

Sẽ tốt hơn nếu bạn nhận được lời khuyên từ một chuyên gia marketing ngay từ lúc đầu. Bởi điều này sẽ hạn chế bớt những rủi ro cũng như giảm thiểu chi phí kinh doanh nhờ vào những kiến thức chuyên sâu về chiến lược quảng cáo, khuyến mại mà họ cung cấp cho bạn.

Thực tế, các công ty khởi nghiệp thường “lờ” đi những giá trị của marketing và cho rằng đó là việc của tương lai, cho đến khi họ nhận ra những sai lầm mà họ mắc phải sau này vốn dĩ đã có thể tránh được ngay từ đầu nhờ vào những hiểu biết nền tảng đó.

Viết Thành – 40K12

Tham khảo:http://www.doanhnhansaigon.vn/khoi-nghiep/5-cach-xac-dinh-tinh-kha-thi-cua-y-tuong-kinh-doanh/1091335/

http://www.ytuongkinhdoanhdocdao.com/y-tuong-kinh-doanh-doc-dao/the-nao-la-mot-y-tuong-kinh-doanh-doc-dao.html