Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – Chính phủ

Oecd là gì

I. KHÁI QUÁT CHUNG

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thành lập năm 1961, hiện có 34 thành viên, chủ yếu là các nước phát triển. Mục đích của OECD là tăng cường hợp tác kinh tế, phối hợp chính sách giữa các nước thành viên về các vấn đề kinh tế thế giới và phát triển. Chức năng của OECD: (i) là diễn đàn đối thoại giữa các nước thành viên, các tổ chức quốc tế và giới nghiên cứu về các vấn đề kinh tế- xã hội; (ii) tiến hành nghiên cứu, dự báo, đưa ra khuyến nghị và tư vấn các nước thành viên trong hoạch định, phối hợp chính sách phát triển kinh tế- xã hội.

OECD có nhiều ảnh hưởng đến các nước phát triển trong việc xây dựng chính sách hợp tác và phát triển kinh tế. OECD hiện là một trong những tổ chức quốc tế có uy tín trong nghiên cứu; xây dựng và lưu giữ cơ sở dữ liệu thông tin rất lớn trên hầu hết các lĩnh vực chính sách trừ quốc phòng như kinh tế, văn hóa, giáo dục… Các dữ liệu, thông tin, báo cáo của OECD có giá trị và độ tin cậy cao.

Trước sự phát triển năng động của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, OECD hiện đang chuyển trọng tâm hợp tác từ Châu Âu sang khu vực Đông Nam Á. Tháng 5/2007, OECD đã thông qua Nghị quyết đẩy mạnh quan hệ với khu vực Đông Nam Á, coi khu vực này là ưu tiên chiến lược.

II. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

1. Trong những năm qua, hợp tác Việt Nam – OECD đã có những bước tiến đáng kể. Việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai bên diễn ra thường xuyên, đạt kết quả tốt đẹp và hiệu quả tích cực trong đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên, đưa quan hệ hợp tác Việt Nam – OECD đi vào thực chất. Tháng 3/2008, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Trung tâm Phát triển OECD. Việt Nam cũng là thành viên của Nhóm Công tác về Hiệu quả viện trợ.

Việt Nam thường xuyên tham gia một số diễn đàn, hội nghị do OECD tổ chức. Gần đây nhất có thể kể đến Diễn đàn khu vực Đông Nam Á – OECD lần thứ 2 về “Nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua hội nhập khu vực”(4/2009, Thái Lan), Hội nghị OECD về Cải cách Quy định (10/2010, Pháp), tham dự lễ kỹ niệm 50 năm ngày thành lập Trung tâm Phát triển của OECD (28/2-1/3/2012, Paris, Pháp) v.v…

Trong lĩnh vực ODA, Việt Nam tích cực tham dự các cuộc họp Nhóm Công tác Hiệu quả viện trợ trong khuôn khổ Uỷ ban Hỗ trợ phát triển của OECD (OECD-DAC). Trên cơ sở Tuyên bố Pari về hiệu quả viện trợ được thông qua tại Diễn đàn toàn cầu về hiệu quả viện trợ (Pari, tháng 3/2005), Việt Nam đã cụ thể hóa Tuyên bố này vào điều kiện Việt Nam thành “Cam kết Hà Nội” được Thủ tướng Chính phủ thông qua tháng 9/2005. Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì tham gia các hoạt động trong Nhóm công tác hiệu quả viện trợ của OECD-DAC.

Tháng 3/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với ĐSQ Hàn Quốc tại Việt Nam và OECD đã phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Trao đổi kinh nghiệm phát triển giáo dục của Hàn Quốc và các quốc gia OECD vì sự phát triển giáo dục của Việt Nam”. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm việc với OECD để chuẩn bị cho việc Việt Nam tham gia chương trình Đánh giá Chất lượng Sinh viên (PISA) vào năm 2012.

Tháng 12/2009, Bộ Ngoại giao phối hợp với Trung tâm hợp tác với các nước không thành viên OECD (CCNM) tổ chức Hội thảo “Việt Nam và OECD: Cơ hội hợp tác” tại Hà Nội nhằm kết nối, thúc đẩy hợp tác OECD với các Bộ, ngành, Viện nghiên cứu của Việt Nam

Tháng 11/2010, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, USAID-VNCI và OECD phối hợp tổ chức Hội thảo ASEAN-OECD về cải cách thể chế nhằm mục đích công bố Báo cáo đánh giá Đề án 30 về Đơn giản hóa thủ tục hành chính của OECD, biểu dương thành tựu cải cách hành chính của Việt Nam thời gian qua, đồng thời thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực này. Với dự án này, Bộ Ngoại giao Việt Nam lần đầu tiên cử cán bộ biệt phái sang làm việc tại trụ sở OECD. Trong năm 2011 và các năm tiếp theo, dự kiến hàng năm Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ cử một cán bộ thực tập tại Trung tâm phát triển OECD (DEV) nhằm hỗ trợ OECD xây dựng Báo cáo thường niên về Triển vọng Kinh tế Đông Nam Á.

2. Chương trình hợp tác Việt Nam – OECD giai đoạn 2011-2015

Tháng 2/2012, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua phương hướng hợp tác Việt Nam – OECD giai đoạn 2012-2015, hướng tới một số mục tiêu:

(i) Đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-OECD tiếp tục phát triển ngày càng thực chất và bền vững, tập trung vào những lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

(ii) Thông qua quan hệ Việt Nam-OECD thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên OECD nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế đối ngoại của đất nước.

3. Chiến lược Phát triển của OECD (OECD Strategy for Development): được triển khai soạn thảo từ tháng 7/2011. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tiềm ẩn nguy cơ tái khủng khoảng và vai trò ngày càng tăng của các nền kinh tế mới nổi, vai trò của OECD được xác định nhằm hỗ trợ và đáp ứng các yêu cầu của các nước thành viên trong hoạch định chính sách phát triển. Mục tiêu của Chiến lược nhằm hỗ trợ các nước thành viên OECD hoạch định chiến lược phát triển của mỗi quốc gia và chiến lược hợp tác quốc tế, thông qua việc thu thập ý tưởng, đánh giá chính sách và thu thập dữ liệu (generate ideas, evaluate policies and generate data). OECD đề xuất 4 nội dung chính (4 key themes), bao gồm: (i) những nguồn lực sáng tạo và bền vững của phát triển (innovative and sustainable sources of growth); (ii) huy động các nguồn lực để phát triển (mobilising resources for development); (iii) quản trị cho phát triển (governance for development); (iv) đo lường tiến trình phát triển (measuring progress for development).

(Nguồn: Bộ Ngoại giao cập nhật đến tháng 9/2012)