Quá trình hình thành và phát triển huyện Phú Giáo
Phú Giáo là một huyện nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bình Dương, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km. Phía Đông giáp huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), phía Tây giáp huyện Bến Cát (Bình Dương), phía Nam giáp huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương), phía Bắc giáp huyện Đồng Phú (Bình Phước).
Thuở xa xưa, vùng đất có tên gọi Phú Giáo ngày nay là một nơi hoang vu thuộc xứ Đồng Nai “rừng rậm hàng nghìn dặm” (theo Lê Qúy Đôn – Phủ biên tạp lục). Cuối thế kỷ XVII nhà Nguyễn cử quan lại vào tổ chức chính quyền phân chia vùng đất mới thành các phiên, trấn. Đất Phú Giáo lúc đó nằm trong trấn Biên Hòa, sau đổi thành tỉnh Biên Hòa. Năm 1858 Pháp xâm lược Việt Nam, chia Biên Hòa thành 3 tỉnh, Phú Giáo khi ấy thuộc huyện Tân Uyên tỉnh Biên Hòa. Đến năm 1954, Mỹ thay chân Pháp chiếm Miền Nam Việt Nam, Mỹ tiến hành phân nhỏ các tỉnh và Biên Hòa lại được chia thành 3 tỉnh: Biên Hòa, Long Khánh, Phước Long. Vùng đất Phú Giáo nằm trong các huyện Tân Uyên và Đôn Luân (tức Đồng Xoài) của 2 tỉnh Biên Hòa và Phước Long.
Năm 1959, phong trào đấu tranh chống Mỹ và chế độ ngụy quyền phát triển mạnh. Tháng 11/1959, ngụy quyền cắt một phần đất Tân Uyên (Biên Hòa) lập thành một tỉnh mới mang tên Phước Thành. Tỉnh Phước Thành gồm 3 quận: Tân Uyên, Phú Giáo, Hiếu Liêm. Đến lúc này cái tên Phú Giáo mới bắt đầu xuất hiện. Khi đó Phú Giáo chỉ có 5 xã: Phước Hòa, Bình Mỹ, Tân Bình, Vĩnh Hòa, Vĩnh Tân. Sau trận tấn công tỉnh lỵ Phước Thành ngụy quyền ngày càng trở nên rệu rã, năm 1965 ngụy quyền đã giải thể tỉnh Phước Thành. Quận Phú Giáo được đưa trở lại quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa.
Về phía cách mạng, trước năm 1951, tổ chức hành chính các tỉnh, huyện được phân chia tương ứng với tổ chức hành chính của chính quyền thực dân Pháp. Tuy vậy, vùng đất Phú Giáo vẫn có một số thay đổi. Sau tháng 5 năm 1951, Uỷ Ban kháng chiến hành chính Nam Bộ thành lập những tỉnh mới trên cơ sở sát nhập một số tỉnh. Vùng đất Phú Giáo thuộc tỉnh Thủ Biên (gồm Thủ Dầu Một và Biên Hòa). Tháng 7 năm 1951, tỉnh Thủ Biên thành lập huyện mới lấy tên là Đồng Nai, các xã của huyện Phú Giáo thuộc huyện Đồng Nai. Năm 1955, để phù hợp với tình hình đấu tranh sau Hiệp định Giơnevơ, xứ ủy Nam Bộ tách tỉnh Thủ Biên thành hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa, vùng đất Phú Giáo thuộc tỉnh Biên Hòa.
Đến năm 1959, Phú Giáo chuyển về tỉnh Thủ Dầu Một. Năm 1961 Trung ương cục thành lập tỉnh Phước Thành gồm 2 huyện Tân Uyên 1 và Tân Uyên 2, sau đổi thành Phú Giáo và Tân Uyên. Huyện Phú Giáo gồm 8 xã: An Linh, An Long, Phước Sang, Phước Hòa Sở, Phước Hòa xã, Phước Vĩnh, Tân Bình và Lai Uyên.
Tháng 11/1966 do nhu cầu tập trung lực lượng đối phó với “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, Trung ương Cục quyết định giải thể tỉnh Phước Thành. Huyện Phú Giáo trực thuộc tỉnh Thủ Dầu Một. Năm 1968 Phú Giáo sát nhập trở lại huyện Tân Uyên. Đến năm 1969, Phú Giáo lại tách ra khỏi Tân Uyên để trở thành một huyện riêng.
Ngày 1/9/1973, sau Hiệp định Pari, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền Nam thành lập một tỉnh căn cứ lớn phía Bắc Sài Gòn, lấy tên là Tân Phú. Tỉnh Tân Phú gồm: Phú Giáo và Tân Uyên. Huyện Phú Giáo được tái lập gồm 9 xã (Tân Bình, Bình Mỹ, Phước Hòa, Phước Vĩnh, Lai Uyên, An Long, An Linh, Vĩnh Hòa, Phước Sang).
Sau ngày giải phóng, toàn huyện có 14 xã và thị trấn gồm: Tân Bình, Bình Mỹ, Phước Hòa, Tân Hưng 1, Tân Hưng 2, An Bình, Tân Long, Hưng Hòa, Lai Uyên, An Long, An Linh, Tân Hiệp, Phước Sang và Phước Vĩnh.
Do yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, quốc phòng, ngày 2/7/1976, các xã phía bắc Sông Bé thuộc huyện Phú Giáo được sát nhập về Đồng Xoài (sau đổi thành huyện Đồng Phú). Các xã Tân Bình, Bình Mỹ, Phước Hòa và Tân Hưng II của Phú Giáo thuộc huyện Tân Châu (Tân Uyên và Châu Thành). Các xã Tân Hưng 1, Lai Uyên phía Tây của Phú Giáo chuyển về Bến Cát.
Ngày 20/8/1999 Chính Phủ quyết định tái lập huyện Phú Giáo lần thứ hai. Lúc này Phú Giáo gồm 8 xã và một thị trấn gồm: An Bình, An Linh, An Long, Tân Long, Tân Hiệp, Phước Sang, Phước Hòa, Vĩnh Hòa và Thị trấn Phước Vĩnh. Năm 2004, xã Vĩnh Hòa được tách ra một phần, thành lập xã mới có tên là Tam Lập. Năm 2005 thêm một xã mới ra đời là An Thái, tách ra từ xã An Linh. Đến năm 2015 huyện Phú Giáo có 10 xã và một thị trấn.
Như vậy, trong suốt chặng đường dài lịch sử, tổ chức hành chính của huyện thường xuyên biến động, đặc biệt từ sau 1954 cho đến những năm gần đây. Tuy nhiên, từ khi tái lập huyện Phú Giáo vào năm 1999 đến nay, với những điều kiện tổ chức quản lý thuận lợi hơn, nên các mặt kinh tế, xã hội của huyện tiếp tục phát triển mạnh. Từ một vùng đất vùng sâu, vùng xa kém phát triển, với nền sản xuất nhỏ, nặng về tự túc, tự cấp nay Phú Giáo đã trở thành một huyện có kinh tế khá phát triển, đặc biệt trên lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp với sự phát triển của các công ty cao su và sự ra đời của của hàng trăm trang trại tư nhân. Kinh tế Phú Giáo đã bắt đầu chuyển lên thành nền kinh tế hàng hóa theo hướng sản xuất lớn. Đó là một thành tựu to lớn của địa phương trên bước đường xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh, đóng góp vào sự phát triển nhanh chóng của tỉnh Bình Dương và của cả nước.
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Phú Giáo giai đoạn 1930 – 2005