Nhà thờ Cha Diệp Bạc Liêu

Cha diệp ở đâu

Nhà thờ Cha Diệp còn gọi là nhà thờ Tắc Sậy, cái tên rất quen thuộc đối với người dân Bạc Liêu nói riêng và lữ khách phương xa nói chung. Không phải tự nhiên mà một nhà thờ xưa kia vốn chỉ là một nhà thờ nhỏ bé lợp tôn, mà bây giờ lại trở nên trang hoàng, lộng lẫy. Phải chăng có điều gí đó bí ẩn đằng sau vẻ lộng lẫy uy nghi ấy.

Tổng quan và giải thích tên gọi nhà thờ Cha Diệp

Nhà thờ Tắc Sậy nằm trên Quốc lộ 1A (tuyến Bạc Liêu – Cà Mau), thuộc Giáo phận Cần Thơ, và nằm trên địa bàn của xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Theo truyền miệng của người dân kể lại, sở dĩ nhà thờ Cha Diệp trở nên nổi tiếng là do sự linh thiêng của Cha Diệp đem lại ” ai đến khấn đều gì cũng đều được”.

Nhà Thờ Cha Diệp (Nhà thờ Tắc Sậy) – nơi gắn liền với một nhân vật nổi tiếng – cha Trương Bửu Diệp, vị linh mục được xem như một vị thánh bởi sự linh thiêng, thi ân giáng phúc cho những ai tin tưởng nguyện cầu. Nơi đây không chỉ là điểm hành hương của người miền Tây mà còn của dân Công giáo ở nhiều vùng miền khác. Nhà thờ hiện còn là Trung tâm Truyền giáo Phanxicô của Giáo phận.

Trong khuôn viên nhà thờ, có ngôi mộ chứa hài cốt Cha Phanxicô TRƯƠNG BỬU DIỆP, nhiều người tin tưởng linh thiêng, nhiều khách hành hương đến viếng, mỗi ngày một đông thêm từ thập niên 1990. Ngôi nhà mồ của Ngài được trùng tu và khánh thành ngày 04.06.1989, nhằm lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng họ đạo. Sau nhiều năm chuẩn bị, trong tuần tỉnh tâm thường niên của các Linh mục địa phận, Đức Cha Emm. Lê Phong Thuận, Giám mục giáo phận Cần Thơ, đã nâng cơ sở Tắc Sậy lên thành TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG THÁNH PHANXICÔ ngày 21.01.1997.

Lược sử cha Trương Bửu Diệp

Cha Diệp có tên là Trương Bửu Diệp, tên thánh là Phanxicô (1897 – 1946), là một Linh mục Công giáo tại Việt Nam. Ngoài sự linh thiêng của ông, có lẽ ông được biết đến nhiều bởi đã chịu chết thay cho giáo dân cùng bị bắt với mình.

Theo câu chuyện lưu truyền trong dân gian và bổn đạo, vào ngày 12 tháng 3 năm 1946, Linh mục Trương Bửu Diệp bị bắt cùng với gần 100 giáo dân tại họ Tắc Sậy. Tất cả bị lùa đi và nhốt chung tại lẫm lúa (kho lúa) của ông giáo Châu Văn Sự ở Cây Gừa. Theo lời kể của ông Ba Lập thì họ chất rơm chung quanh tính đốt tất cả, nhưng Linh mục Diệp đứng ra tranh đấu cho dân, đồng thời an ủi những người cùng bị giam.

Từ xưa đến nay vẫn theo lời đồn miệng từ dân Cà Mau thì ông đã bị Việt minh giết vì ông đã hy sinh để cứu giáo dân của mình. Ông bị mời đi làm việc ba lần và lần thứ ba thì không thấy trở về nữa. Bổn đạo thấy cửa lẫm để mở ngỏ và họ đã trốn thoát. Sau đó vài ngày giáo dân đã tìm thấy xác ông dưới một cái ao tại phần đất của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi, và họ đã đem chôn cất trong phòng Thánh của nhà thờ Khúc Tréo (nay thuộc xã An Trạch, huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu).

Về vấn đề ai đã bắt và giết ông, theo bảng tóm tắt tiểu sử Cha Trương Bửu Diệp hiện dựng tại nhà an nghỉ của ông thì ông bị bắt “vì sự tranh chấp giữa các giáo phái” (nhưng bảng này không ghi rõ người bắt thuộc giáo phái nào). Hiện tại có hai luồng ý kiến cho rằng: hoặc quân Việt Minh, hoặc quân Nhật đã làm điều đó.

Năm 1969, hài cốt Cha Diệp Bạc Liêu (Trương Bửu Diệp) được cải táng về trong khuôn viên nhà thờ Tắc Sậy, là nơi Ngài mục vụ trong 16 năm (Ngài là linh mục chánh sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy).

Ngày 4 tháng 3 năm 2010, hài cốt của Ngài lại được cải táng lần nữa, nhưng chỉ cách chỗ cũ khoảng hơn chục mét, và cũng ở trong khuôn viên nhà thờ Tắc Sậy.

Hàng năm, nhất là ngày 11 và 12 tháng 3 dương lịch (ngày Cha Diệp thọ nạn), đông đảo người dân từ nhiều nơi đến hành hương và tham quan Thánh đường Tắc Sậy và phần mộ của Cha Diệp.

Trước kia, chưa xét phong Thánh cho Cha Bửu Diệp, nhưng trong lòng nhiều tín hữu Công giáo, kể cả một số người thuộc các tôn giáo khác, đã coi Cha như một vị Thánh, vì rất nhiều người khấn xin với ngài và được ngài ban cho như ý. Tại các nhà thờ Công giáo trong nước, rất nhiều giáo dân xin lễ tạ ơn ngài. Đặc biệt, nhiều người không phải tín đồ Thiên Chúa giáo cũng rất kính mến, tin tưởng ở ngài. Những tấm bảng tạ ơn Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp được gắn trên tường trong căn phòng nguyện tại Nhà thờ Tắc Sậy nhiều không biết bao nhiêu mà kể.

Từ năm 2012, cuộc điều tra phong Thánh cấp giáo phận cho Linh mục Trương Bửu Diệp bắt đầu được tiến hành.

Tuyên Thánh cha Trương Bửu Diệp

[Cập nhật] Ngày 31 tháng 10 năm 2014, Bộ Giáo lý Đức tin ra tuyên bố nihil obstat (không có gì ngăn trở) chấp thuận việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho cha Diệp.

Lý do mà người Việt tín ngưỡng tin yêu Cha Diệp

Có 3 lý do:

  1. Cha Diệp yêu thương giáo dân, sẳn sàng hy sinh thân mình cho nhân dân.
  2. Những dấu chỉ điều lạ khi Cha “hiện về” giúp đỡ người dân địa phương.
  3. Hiển linh chấp thuận và ban phước cho lời thỉnh cầu của nhân dân không phân biệt tôn giáo.

Người dân Việt Nam, không phận biệt tôn giáo Phật Giáo hay Thiên Chúa Giáo, mỗi khi gặp khó khăn đi đến mộ Cha Diệp khấn vái, cầu ước nguyện gì được đó. Nên hằng năm đến ngày giỗ cha Diệp không chỉ có tín đồ Thiên Chúa Giáo mới đến viếng mà còn có cả Phật Giáo hoặc đạo ông bà cũng đến viếng Cha Diệp.

Nhân vật lịch sử Cha Diệp là một trường hợp đặc biệt về phía công giáo tuyên thánh là chuyện hiển nhiên, nhưng người dân ngoại đạo cũng tin ngưỡng và tin tưởng Cha Diệp, cho nên có thể tạm công nhận : Cha Diệp còn là tín ngưỡng dân gian như Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc.

Nhà thờ Cha Diệp Bạc Liêu ngày nay

Theo một thông tin trên mạng cho biết, ở bên Mỹ cụ Joan Baotixita Võ Hữu Hạnh, một nhà văn lớn tuổi, đã sáng lập “Hội những người con của Cha Trương Bửu Diệp”. Theo cụ, Cha Trương Bửu Diệp đã ban phép lạ cho nhiều người, cả lương cũng như giáo.

Thật là điều kỳ diệu, không phải tự nhiên mà nhà thờ Cha Diệp Bạc Liêu lại trở nên khang trang như ngày nay. Đó cũng là do sự đóng góp của rất nhiều người từ khắp nơi trong nước và ngoài nước đã tin yêu, quý mến Cha Diệp và được cha Diệp ban cho như ý nguyện.

Ngày 24 tháng 2 năm 2004 nhà thờ chính thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng kiến trúc cho đến hiện nay, nhà thờ được nguyên tiền xây cất đã hơn 59 tỉ đồng, tức gần 3 triệu đô-la, ấy là chưa kể các pho tượng 12 vị thánh tông đồ lớn gấp 2 hay 3 lần người thật, toàn bằng gõ đỏ tức loại gỗ quý hiện nay không còn có ở Việt Nam (được nhập về từ Lào và Campuchia ), giá mỗi pho tượng tới vài trăm triệu đồng, vậy thì tiền “nội thất” cũng tới hàng triệu đô-la. Tất cả những điều trên cũng đủ cho chưng ta thấy được rằng, Cha Diệp rất được tin yêu trong lòng công chúng thập phương.

Nhà thờ mang kiến trúc lạ và độc đáo gồm có 3 tầng, tầng trệt là nơi để cho khách nghỉ ngơi, tầng 2 và 3 là nơi dâng thánh lễ với tiền sảnh rất rộng. Nơi đặt phần mộ được kiến trúc như một tòa nhà rộng lớn có ba nóc, trong đó nóc chính giữa cao hơn hai nóc phụ có gắn đồng hồ lớn tạo nên điểm nhấn nổi bật cho cả tòa nhà. Nhiều bức tượng gỗ ở đây đa số bằng gỗ quý, tác phẩm tượng gỗ Hữu Thạo cao 2,5m được đặt tại nhà thờ Tắc Sậy ngày 24/12/2008 với gỗ nét điêu khắc tinh vi càng khiến cho không khí linh thiêng nơi đây thêm trang trọng.

Ngày nay, trên cung đường du lịch Bạc Liêu – Cà Mau, hầu như các xe du lịch điều ghé vào nhà thờ Cha Diệp Bạc Liêu này để nghỉ chân và xin ban phước lành.

Link