Nhà tù Phú Quốc là địa điểm tham quan nổi tiếng được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình du lịch Phú Quốc. Khi đến đây, bạn sẽ được chứng kiến hơn 40 kiểu tra tấn được mô phỏng qua những mô hình tù nhân và cai ngục. Đồng thời, bạn sẽ thấy khâm phục sự kiên cường, bền bỉ của quân dân Việt Nam trước tội ác của đế quốc thực dân.
1. Nhà tù Phú Quốc ở đâu? Giá vé & giờ mở cửa
- Địa chỉ nhà tù Phú Quốc
Nếu bạn cũng đang thắc mắc nhà tù Phú Quốc ở đâu thì đây là trại giam có địa chỉ số 350, đường Nguyễn Văn Cừ, xã An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang, cách trung tâm thị trấn Dương Đông, Phú Quốc khoảng 28km. Khi đặt chân đến đây, hầu hết khách du lịch đều có sự tò mò và mong muốn tìm hiểu về những câu chuyện thời chiến cùng những tội ác dã man đối với những chiến sĩ, đồng bào yêu nước thời Mỹ – Ngụy, Pháp thuộc.
- Thời gian mở cửa
Nhà tù Phú Quốc giờ mở cửa từ 8h – 11h30 sáng và 13h30 – 17h chiều hàng ngày.
- Giá vé tham quan
Nếu bạn đang quan tâm đến nhà tù Phú Quốc giá vé thì đây là địa điểm du lịch Phú Quốc hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, du khách có thể thuê hướng dẫn viên để được nghe thuyết minh nhà tù Phú Quốc với những câu chuyện mang tính lịch sử.
>>> Dắt túi: Kinh nghiệm du lịch Phú Quốc cho gia đình để chuyến đi được trọn vẹn hơn!
2. Tìm hiểu lịch sử nhà tù Phú Quốc
Khi tới tham quan nhà tù Phú Quốc, du khách sẽ được “quay về quá khứ” với những câu chuyện rùng rợn, tàn độc, những cảnh tra tấn tàn bạo tại đây. Trước tiên, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể về quá trình hình thành và lịch sử nhà tù Phú Quốc.
2.1. Thời Pháp thuộc
Di tích nhà tù Phú Quốc được xây dựng vào năm 1946 khi thực dân Pháp chiếm đóng Phú Quốc và lựa chọn nơi đây trở thành nhà tù lớn nhất Đông Nam Á. Lúc đó, nhà tù này có tên gọi là Căng Cây Dừa, gồm 4 trại giam A, B, C, D và được xây dựng thành hình chữ nhật với diện tích 40ha.
Nơi đây được bao quanh bởi hàng rào dây thép gai chằng chịt, phía trên là dây điện và đèn trần chiếu sáng toàn trại để ngăn tù nhân trốn ngục. Bên cạnh đó, cửa bằng tôn thiếc, nền phòng giam được tráng xi măng, tránh tù nhân đào hầm bỏ trốn. Cùng với đó, tất cả các lính canh gác, các chòi canh đều được trang bị súng trường, tiểu liên.
Đến năm 1954, nơi đây đã giam giữ khoảng 14000 tù nhân, cho tới khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Pháp mới trao trả tù binh cho Việt Nam. Nhưng vì sự tra tấn tàn bạo của thực dân Pháp, đã có nhiều chiến sĩ cộng sản hy sinh.
Tuy nhiên, cứ nghĩ rằng câu chuyện chiến tranh đã kết thúc, nhưng không, nơi đây lại bước sang một bước ngoặt dã man hơn, ác mộng nối tiếp ác mộng.
2.2. Thời Mỹ – Ngụy
Đến năm 1955, một trại giam mới đã được xây dựng ở nhà lao Cây Dừa cũ với diện tích khoảng 4 ha, đặt tên là Trại huấn chính Cây Dừa hoặc Nhà lao Cây Dừa và giam giữ cả tù nhân nam, nữ, phụ lão. Từ tháng 2-9 năm 1956, có khoảng 100 tù nhân đã vượt ngục, trong đó có một số người không may bị bắn chết khi đang vượt rào.
Nhà tù Phú Quốc đã giam giữ tới 40.000 binh sĩ, tù binh, họ đều là những chiến sĩ cách mạng trung kiên và khoảng 4.000 người bị giết bởi các hình thức tra tấn dã man.
Có thể thấy, hình ảnh nhà tù Phú Quốc giống như một nỗi đau kinh hoàng và bất tận đối với dân tộc Việt Nam ta dưới sự áp bức, tàn độc của đế quốc Mỹ và thực dân Pháp.
>>> Gợi ý: TOP 15 địa điểm du lịch Phú Quốc khiến ai cũng “xuýt xoa”
Xem thêm:
- Du lịch Phú Quốc 2022 – Hành trình “vi vu” đảo ngọc từ A-Z
- Ăn gì ở Phú Quốc? Top 30 đặc sản Phú Quốc cực “nịnh miệng” du khách
- Review khách sạn Vinpearl Phú Quốc: loại phòng, tiện ích, chất lượng
3. Tham quan nhà tù Phú Quốc có gì?
Người ta gọi nhà tù Phú Quốc địa ngục trần gian cũng đều có lý do cả. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn về khu di tích này như sau:
3.1. Khu di tích rộng lớn, còn giữ lại các hạng mục khi xưa
Nhà tù Phú Quốc có tổng diện tích lên đến 400ha với gần 500 ngôi nhà được chia thành 12 khu, trong đó có 2 khu đôi (mỗi khu này sẽ có 2 phân khu) và 10 khu (mỗi khu có 4 phân khu gọi là Khu A, B, C, D), mỗi phân khu cách nhau 100m. Mỗi phân khu gồm 11 ngôi nhà trong đó có 9 phòng giam, kích thước mỗi phòng giam là 20m x 5m. Đặc biệt, mỗi phân khu này đều có chuồng cọp và có 4 phân khu có nhà biệt giam.
Tất cả các nhà giam đều được xây dựng chắc chắn với tôn thiếc và xi măng, dây kẽm gai chằng chịt nhiều lớp, hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Cùng với đó là 4 vọng gác canh giữ 24/24 và 10 vọng gác lưu động, đèn chiếu sáng toàn khu trại.
Theo Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa, nhờ ý chí kiên cường, không khuất phục, các tù binh tại nhà tù Phú Quốc đã tổ chức thành công 45 cuộc vượt ngục dưới nhiều hình thức khác nhau như: Vượt rào, đào hầm ngầm, đánh lính áp giải khi ra ngoài làm việc khổ sai…
Cho đến hiện nay, di tích nhà tù Phú Quốc còn giữ lại một số hạng mục bao gồm:
- Cổng Tiểu đoàn 8 quân cảnh: Được phục dựng giống hoàn toàn với bản gốc, cổng Tiểu đoàn 8 quân cảnh được làm bằng lõi trụ sắt và gạch đặc, tạo thành 2 trụ vuông hai bên.
- Nghĩa địa tù binh: Có diện tích 20.427,8m2, nằm ở khu vực đồi 100, cách điểm Trại giam – phân khu B2 khoảng 1km. Sau 1975, công trình này được xây dựng bằng bê tông cốt thép và có hàng rào xung quanh. Ở khu trung tâm của Nghĩa địa tù binh được thiết kế hình tròn, chính giữa có khối hình chữ nhật và ở bên trên là tượng đài hình nắm đấm – thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, quả cảm của các chiến sĩ.
- Nhà thờ Kiến Văn: Nhà thờ này có diện tích hơn 4000m2. Hiện tại, nơi đây chỉ còn lại phế tích với vài mảnh tường, nền xi măng và các cột góc tường.
- Nhà trưng bày bổ sung di tích: Nơi đây được chia thành 2 gian phòng với 43 hiện vật và hơn 100 hình ảnh tư liệu về lịch sử của nhà tù Phú Quốc và các hình thức tra tấn cùng hình thức đấu tranh, các kỷ vật của tù binh.
- Phân khu B2: Được phục dựng với diện tích hơn 17.000m2 gồm: Vọng gác (chòi canh), Hệ thống hàng rào bằng dây kẽm gai sắc nhọn, Cổng trại giam của phân khu B2, Chuồng cọp kẽm gai, phòng biệt giam B2, dãy nhà ăn và nhà vệ sinh, các khu giam giữ và tra tấn tù binh…
- Đài tưởng niệm liệt sĩ tại Đồi Sim: Được thiết kế với hai bên là biểu tượng hình ngọn sóng, cao khoảng 5m, ở giữa là hình khối nhọn khoét rỗng với ý nghĩa “những con người ra đi từ nơi ấy”.
- Cổng Tiểu đoàn 7 quân cảnh: Cổng này đã được di dời vào bên trong, cách điểm cũ khoảng 15m. Cổng được làm lại bằng lõi trụ sắt và gạch chỉ đặc, tạo thành 2 trụ vuông hai bên với chiều cao 4.1m và rộng 0.85m. Bảng tóm tắt về Tiểu đoàn 7 quân cảnh nằm sát với trụ cổng.
- Cổng và nhà Ban Chỉ huy trại giam: Đây là hai khu vực đã được phục dựng lại bằng bê tông cốt thép, mái lợp tôn và cửa sổ bằng gỗ, còn cổng chính được làm bằng các thanh sắt ấp chiến lược và dây kẽm gai.
3.2. Phân khu B2 – tái hiện sống động nhà tù Phú Quốc trước kia
Phân khu B2 là phân khu vô cùng quan trọng bởi đây là nơi tái hiện sống động nhất về nhà tù Phú Quốc ngày trước. Nơi đây đã được phục dựng lại, bao gồm các hạng mục cụ thể như sau:
- Vọng gác (chòi canh): Nằm ở bốn góc, được làm bằng cốt thép, cao khoảng 5m và có mái che bằng tôn.
- Cổng trại giam phân khu B2: Cổng được quấn nhiều lớp rào bằng kẽm gai, có quân cảnh bảo vệ
- Chuồng cọp kẽm gai: Ở đây có các chuồng cọp ngồi, nằm, chuồng cọp nửa thấp nửa cao. Chiều dài khoảng 2m, chiều rộng và chiều cao khoảng 0.5m, được đặt ngoài trời và làm bằng kẽm gai, bên trong có các mô hình tù binh bị giam giữ.
- Liền kề với các chuồng cọp kẽm gai là kiểu giam giữ tù binh bằng thùng cát xô, trên đỉnh có đục một lỗ thông hơi, trên thành đục cửa sổ nhỏ để đưa cơm, nước vào cho tù binh.
- Hàng rào: Hệ thống này được làm bằng dây kẽm gai sắc nhọn và được quấn thành 8 đến 10 lớp.
- Phòng biệt giam B2: Căn phòng này có diện tích 9 x 3m, với vách được làm bằng thép tấm, đục lỗ nhỏ, mái che bạt, nền tráng xi măng và có lưới rào dây kẽm gai sắc nhọn. Phòng biệt giam B2 ở di tích nhà tù Phú Quốc tái hiện cảnh tượng địch tra tấn tù binh bằng chày vồ, giày đinh, chôn sống…
- Dãy nhà vệ sinh, nhà ăn, khu bếp: Được khắc họa bằng những mô hình tù binh đang nấu ăn, cảnh cai ngục bắt tù binh dọn dẹp…
- Khu giam giữ và tra tấn tù binh: Nơi đây được đánh số thứ tự từ 1 đến 18. Sau khi phục dựng, nơi đây có các mô hình tù binh và cai ngục, tái hiện cuộc sống sinh hoạt, các cuộc đấu tranh chống đàn áp, các hình thức tra tấn tù binh, cảnh giam giữ, đường hầm được đào để vượt ngục…
3.3. Vô vàn cảnh nhục hình man rợ tra tấn tù binh được khắc họa rõ nét
Khi đến tham quan nhà tù Phú Quốc, ít nhiều du khách cũng sẽ cảm thấy nổi da gà vì những cảnh nhục hình, tra tấn man rợ được mô phỏng lại.
- Chuồng cọp kẽm gai: Tù nhân sẽ nằm trong chuồng cọp, xung quanh là hàng gai, không thể di chuyển được với diện tích chỉ 2m chiều dài và 0.5m chiều rộng.
- Lộn vỉ sắt: Tù nhân phải cởi hết quần áo rồi cắm đầu xuống vỉ sắt, lăn lộn nhiều lần. Mấu của vỉ sắt khiến toàn thân tù binh rỉ máu, tróc da đầu…
- Dìm đầu vào thùng phuy ngập nước: Tù binh bị cai ngục nhấn đầu xuống thùng phuy, một tên cai ngục khác sẽ dùng búa gõ vào thùng khiến tù binh đau đớn, chảy máu, sặc nước.
- Đục răng: Cai ngục sẽ đặt đầu gậy sắt vào chiếc răng định đục, rồi dùng chày vồ đóng vào đầu kia thật mạnh làm chiếc răng bị gãy văng ra.
- Đóng đinh: Cai ngục dùng đinh dài 3-10cm, đóng vào bộ phận trên người tù nhân như: Đầu ngón tay, bàn chân, xương bả vai, đầu gối…
- Luộc sống tù binh: Các quản tù bỏ tù nhân vào bao tải và để tù nhân vào chảo nước đang sôi sùng sục, vô cùng bỏng rát, đau đớn khủng khiếp.
>>> Tham khảo: Phú Quốc có gì chơi? TOPLIST các điểm du lịch nổi tiếng “ăn khách” nhất
Xem thêm:
- Bún quậy Phú Quốc – review cảm nhận, quán ăn ngon & cách nấu
- Rượu Sim Phú Quốc: Đặc sản mua về làm quà ý nghĩa
- 20 Bãi biển Kiên Giang đẹp hút hồn du khách, HOT nhất 2022
4. Địa điểm du lịch hấp dẫn gần nhà tù Phú Quốc
Khi đi du lịch Phú Quốc, không chỉ ghé thăm di tích nhà tù Phú Quốc, du khách còn có thể vui chơi, giải trí tại các địa điểm hấp dẫn, sôi động như:
- Cáp treo Hòn Thơm
- Bãi Sao Phú Quốc
- Quần đảo An Thới
Sau khi tham quan khám phá Nam đảo Phú Quốc với nhà tù Phú Quốc… Bạn đừng quên dành ra một ngày trong lịch trình để ghé Bắc đảo Phú Quốc và trải nghiệm nhiều điều thú vị tại VinWonders Phú Quốc với vô vàn những trò chơi giải trí hàng đầu châu Á. Khi đến đây, đảm bảo sẽ khiến cho chuyến đi của bạn trở nên cực kỳ sôi động và đáng nhớ!
>>> Cập nhật giá vé + booking VinWonders Phú Quốc ngay hôm nay để nhận thật nhiều ưu đãi hấp dẫn!
5. Kinh nghiệm tham quan nhà tù ở Phú Quốc
- Nên mặc trang phục lịch sự vì đây là địa điểm tham quan đặc biệt
- Lưu ý giờ mở cửa – đóng cửa để không bỏ lỡ chuyến tham quan di tích nhà tù Phú Quốc
- Không chạm, sờ tay vào các hiện vật được trưng bày.
- Nên mang theo đồ ăn, nước uống bởi nhà tù được xây dựng với quy mô rộng và lúc tham quan sẽ khó tìm mua được đồ ăn và nước uống
- Không vứt rác bừa bãi tránh ảnh hưởng đến vệ sinh của khu di tích
Nhà tù Phú Quốc là một bằng chứng “sống” ghi lại dấu vết tội ác vô cùng dã man và tàn bạo của chế độ thực dân, đế quốc xâm lược. Đồng thời, nơi đây cũng khiến du khách cảm nhận rõ nhất về lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất, đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng quân ta giữa thời kỳ “ngàn cân treo sợi tóc”.
>>> Đừng quên booking voucher, combo, tour du lịch Phú Quốc và đặt vé vui chơi VinWonders Phú Quốc để chuyến đi du lịch của bạn và gia đình ngập tràn cung bậc cảm xúc thăng hoa với những trò chơi giải trí cực đã!