Giun là động vật có thể sống ký sinh trên người, động vật, chủ yếu ở ruột. Một số loại giun còn ký sinh trong cơ quan nội tạng, máu, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nhiễm giun cao do văn hóa và điều kiện sinh hoạt, vệ sinh tại nhiều vùng miền còn hạn chế. Vậy có các loại giun có thể ký sinh trong cơ thể người nào?
31/10/2020 | Giun móc: Triệu chứng và cách phòng bệnh hiệu quả16/06/2020 | Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo05/06/2020 | Tìm hiểu bệnh giun lươn Strongyloides stercoralis
1. Tìm hiểu các loại giun có thể ký sinh trong cơ thể người phổ biến nhất
Các loại giun có thể ký sinh trong cơ thể người phổ biến là: giun kim, giun móc, giun tóc, giun đũa gây ra bệnh lý và vấn đề sức khỏe khác nhau.
Giun ký sinh ở cơ thể người thường tập trung ở đường tiêu hóa
1.1. Giun kim
Giống như tên gọi, giun kim có dạng dài, kích thước rất nhỏ, chiều dài thường nhỏ hơn 1/2 Inch. Con người thường nhiễm giun này khi không may nuốt phải trứng của chúng có trong thực phẩm, thức uống. Khi trứng giun kim đi vào trong ruột sẽ nở ra, sinh sôi phát triển tại đây.
Ban đêm là thời gian hoạt động chủ yếu của loài giun ký sinh này, chúng sẽ thoát ra khỏi cơ thể qua hậu môn và đẻ hàng ngàn trứng tại đây. Theo con đường này, trứng giun kim lại tiếp tục bị phát tán, có thể lây truyền cho người khác và khiến họ nhiễm bệnh.
Trẻ em là đối tượng dễ bị giun kim ký sinh nhất và cũng dễ lây truyền nhất. Giun kim có vòng đời khoảng 1 – 2 tháng, thời gian từ trứng đến trưởng thành là khoảng 2 – 4 tuần. Trong thời gian này, trứng có khả năng đẻ 4 – 16 ngàn trứng nên khả năng gây lây nhiễm rất cao.
Giun kim có dạng dài, thường ký sinh trong đường ruột
Triệu chứng do nhiễm giun kim ký sinh thường không rõ ràng, có những bệnh nhân không có triệu chứng và có những bệnh nhân bị buồn nôn, đau, ngứa hậu môn.
1.2. Giun đũa
Giun đũa là loài giun ký sinh có vòng đời khá dài, khoảng 13 – 15 tháng, trong thời gian này chúng có khả năng đẻ đến 200 ngàn trứng mỗi ngày.
Điều kiện môi trường ưa thích để giun đũa phát triển là những nơi ấm áp, điều kiện vệ sinh kém, cụ thể là các nước nhiệt đới và ôn đới. Người dân vùng nông thôn có điều kiện vệ sinh chưa tốt dễ nhiễm giun đũa ký sinh hơn người dân khu vực thành thị. Giống như giun kim, trẻ em cũng thường bị nhiễm giun đũa hơn người trưởng thành.
Con đường lây nhiễm giun đũa giống với giun kim, khi trứng giun phân tán trong môi trường và được con người nuốt vào. Giun đũa thường làm tổ và phát triển ở đường ruột, trước đó giun non thường di chuyển tới phổi và cổ họng. Với kích thước lớn nên bệnh nhân nhiễm giun đũa có nhiều triệu chứng khá rõ ràng gồm: đau bụng, mệt mỏi, thở khò khè, nôn mửa, ho khan, giảm cân nhanh, tiêu chảy,…
1.3. Giun móc
Loài giun ký sinh này phổ biến ở các nước nhiệt đới. Một điểm đặc biệt là trứng giun do người bệnh thải ra lẫn đất sẽ tự nở trong môi trường, sau đó có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da. Vì thế, đi chân trần hoặc người làm công việc phải tiếp xúc dài, nhiều với đất kém vệ sinh rất dễ nhiễm giun móc.
Giun móc là loài giun ký sinh phổ biến ở các nước nhiệt đới
Giun móc có kích thước khá nhỏ, khi trưởng thành 1 con cái dài khoảng 10 – 13 mm, một con đực dài khoảng 8 – 11mm. Chúng cũng có khả năng đẻ trứng đáng kinh ngạc với khoảng 10 – 25 ngàn trứng mỗi ngày.
Mặc dù xâm nhập vào cơ thể người qua da nhưng đến giai đoạn trưởng thành, giun sẽ tập trung ở đường ruột, thường là tá tràng hoặc ruột non. Trong miệng chúng có đôi răng hình móc nên có thể cắn chặt vào niêm mạc đường tiêu hóa và hút máu để sống và trưởng thành.
Triệu chứng ban đầu do nhiễm giun móc gây ra là triệu chứng phát ban ngứa trên da. Ngoài ra, việc giun ký sinh bám chặt vào niêm mạc đường tiêu hóa sẽ gây đau bụng, tiêu chảy, cơ thể mệt mỏi, thiếu máu, rối loạn tiêu hóa, sụt cân,…
1.4. Giun tóc
Giun tóc có đặc điểm hình dạng giống như sợi tóc, rất mảnh và dài, môi trường sống ưa thích của chúng cũng là điều kiện thời tiết ấm áp khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Giun tóc có màu trắng sữa hoặc hồng nhạt, chiều dài từ 30 – 50mm tùy vào con đực hay con cái. Một giun tóc cái có khả năng đẻ 2 ngàn trứng mỗi ngày và vòng đời kéo dài tới 5 – 6 năm nếu không điều trị tốt.
Giun tóc có đặc điểm hình dạng giống như sợi tóc, rất mảnh và dài
Nhiễm giun tóc thường xảy ra ở các khu vực nông thôn, điều kiện vệ sinh kém, nhất là những người có thói quen dùng phân chưa qua xử lý để chăm sóc rau màu. Trứng giun có thể phát tán và phát triển ở điều kiện môi trường bên ngoài tới giai đoạn ấu trùng, sau đó lây nhiễm cho con người qua đường ăn uống.
Đa phần bệnh nhân nhiễm giun tóc không có triệu chứng rõ ràng nào, chỉ khi nhiễm trùng nặng sẽ thấy:
-
Người gầy gò, còi cọc.
-
Tiêu chảy kéo dài có lẫn máu hoặc chất nhầy.
-
Sa trực tràng trượt ra khỏi hậu môn.
Ngoài 4 loài giun ký sinh phổ biến nhất này, con người còn có thể nhiễm 1 số loài khác như: giun lươn, giun xoắn, sán dây, sán máng, giun chỉ bạch huyết,… Đa phần chúng ký sinh trong hệ tiêu hóa, một phần trong máu hoặc cơ quan nội tạng.
2. Dấu hiệu bị nhiễm giun ký sinh
Tùy vào số lượng giun ký sinh trong cơ thể mà người bệnh có thể có hoặc không có dấu hiệu. Nếu số lượng giun ký sinh ít, triệu chứng bệnh là không rõ ràng. Song do không được điều trị nên theo thời gian, số lượng giun sẽ nhân lên nhanh chóng và gây ra nhiều ảnh hưởng cho cơ quan bị bệnh và cơ thể.
Nhiều trường hợp giun ký sinh quá nhiều gây tắc ruột, phải thực hiện phẫu thuật loại bỏ. Với người bệnh nhiễm giun nhiều, triệu chứng khá rõ ràng như:
Giun ký sinh quá nhiều có thể gây tắc ruột
-
Giun kim: thường gây ngứa vùng hậu môn về ban đêm.
-
Có triệu chứng thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và khoáng chất.
-
Rối loạn tiêu hóa, lúc phân đặc lúc phân lỏng, đôi khi xuất hiện giun trong phân hoặc ở hậu môn.
-
Đau bụng vùng rốn, tái phát nhiều lần kèm theo buồn nôn, đi ngoài.
-
Trẻ nhỏ nhiễm giun ký sinh thường biếng ăn, khó ngủ, hay quấy khóc.
Khi có dấu hiệu, người bệnh nên chủ động đi thăm khám xác định tình trạng nhiễm giun và từ đó có biện pháp điều trị thích hợp. Các loại giun có thể ký sinh trong cơ thể người đa phần được điều trị bằng thuốc tẩy giun 1 liều, ít độc, tác dụng với nhiều loại giun. Tuy nhiên thuốc có thể gây ra một vài tác dụng phụ nên hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.