Liều dùng than hoạt tính cho trẻ em là bao nhiêu?
Liều dùng thông thường cho trẻ em để điều trị ngộ độc hoặc quá liều cấp tính
Dùng dạng pha loãng thành hỗn dịch hoặc huyền phù trong nước.
Liều đơn:
- Dưới 1 tuổi: dùng thuốc với liều 10 – 25g hoặc phân liều dựa trên trọng lượng cơ thể (0,5 – 1g/kg).
- Từ 1 đến 12 tuổi: dùng thuốc với liều 25 – 50g hoặc phân liều dựa trên trọng lượng cơ thể (0,5 – 1 g/kg).
- Từ 13 trở lên: Liều dùng tương tự người lớn, uống 25 – 100g hoặc dùng ống thông dạ dày một lần. Việc dùng liều đơn than hoạt tính hàng ngày không được khuyến cáo.
Liều dùng nhiều lần:
Dưới 13 tuổi:
- Liều khởi đầu: uống 10 – 25g hoặc dùng ống thông dạ dày, pha loãng trong nước.
- Liều duy trì: 1 – 2 g/kg mỗi 2-4 giờ.
Từ 13 – 18 tuổi:
- Liều khởi đầu: uống 50 – 100g hoặc dùng ống thông dạ dày, pha loãng trong nước.
- Liều duy trì: 12,5g mỗi giờ, 25 g mỗi 2 giờ hoặc 50g mỗi 4 giờ cho đến khi các triệu chứng ngộ độc chấm dứt.
Cách dùng
Bạn nên dùng than hoạt tính như thế nào?
Bạn dùng than hoạt tính theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Không nên dùng với một lượng lớn hơn hoặc nhỏ hơn so với quy đinh. Thực hiện theo các hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc.
Bạn nên uống thuốc than hoạt tính với một cốc nước đầy (250ml). Than hoạt tính thường được dùng sau bữa ăn hoặc khi xuất hiện triệu chứng khó chịu đầu tiên ở bụng.
Nếu dùng thuốc này kèm thuốc gây nôn để điều trị ngộ độc, không dùng than hoạt tính cho đến khi cơn nôn ngừng hẳn, thường là 30 phút sau khi uống thuốc gây nôn.
Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?
Bạn nên ngừng dùng thuốc và gọi cho bác sĩ nếu bạn bị tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày hoặc bị sốt.
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng than hoạt tính?
Than hoạt tính có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm:
- Đi ngoài phân đen
- Lưỡi đen
- Nôn mửa hoặc tiêu chảy
- Táo bón.
- Trong một số trường hợp nghiêm trọng, thuốc này có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hóa
- Làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin
Thận trọng/Cảnh báo
Trước khi dùng than hoạt tính bạn nên biết những điều gì?
Bạn không nên sử dụng thuốc này nếu bạn đã từng bị dị ứng với than hoạt tính.
Nếu có thể, trước khi bạn dùng than hoạt tính, hãy báo cho bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào, hoặc nếu bạn bị:
- Bệnh gan;
- Bệnh thận;
- Bất kỳ bệnh nghiêm trọng nào.
Không sử dụng thuốc cho trẻ em nhỏ hơn 1 tuổi khi không có sự tư vấn của bác sĩ. Than hoạt tính kết hợp với các thuốc khác có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc này, có thể gây nguy hiểm. Không nên uống than hoạt tính với bất kỳ loại thuốc nào khác hoặc dùng liều than hoạt tính ít nhất 2 giờ trước hoặc 1 giờ sau khi uống một liều thuốc nào khác.
Khi được dùng để điều trị ngộ độc hoặc quá liều cấp tính, than hoạt tính có nguy cơ đi vào phổi thay vì đường tiêu hóa. Điều này đặc biệt nguy hiểm cho những bệnh nhân đang bị nôn mửa, buồn ngủ hoặc đang bất tỉnh. Do nguy cơ này, chỉ nên dùng than hoạt tính cho những bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo.
Nếu bạn có bất kỳ tình trạng nào nêu trên, bạn có thể cần được điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc thực hiện các xét nghiệm đặc biệt để dùng thuốc này an toàn.
Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú
Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Tương tác thuốc
Than hoạt tính có thể tương tác với thuốc nào?
Than hoạt tính có thể làm giảm hoặc ngăn cản sự hấp thụ của một số loại thuốc như:
- Paracetamol
- Digoxin
- Theophyllin
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
Không kết hợp than hoạt tính với các thuốc trị táo bón (các thuốc như sorbitol hoặc magie citrat) vì có thể gây mất cân bằng điện giải hoặc các vấn đề khác.
Dùng thuốc này cùng với những loại thuốc bên dưới không được khuyến cáo, nhưng có thể cần thiết trong một vài trường hợp. Nếu cả hai loại thuốc được kê cùng nhau, bác sĩ có thể thay đổi liều thuốc hoặc tần suất sử dụng một hoặc hai loại thuốc:
- Acrivastine;
- Bupropion;
- Carbinoxamine;
- Fentanyl;
- Hydrocodone;
- Meclizine;
- Methadone;
- Morphine;
- Morphine Sulfate Liposome;
- Mycophenolate Mofetil;
- Axit mycophenolic;
- Oxycodone;
- Oxymorphone;
- Suvorexant;
- Tapentadol;
- Umeclidinium.
Thức ăn và rượu bia có tương tác tới than hoạt tính không?
Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.
Những tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến than hoạt tính?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:
- Xuất huyết, tắc nghẽn hoặc loét đường ruột: Than hoạt tính có thể làm cho tình trạng này trở nên tệ hơn;
- Mất nước do sử dụng các thuốc nhuận tràng, chẳng hạn như sorbitol
- Tiêu hóa chậm: Than hoạt tính có thể không hoạt động hiệu quả trong trường hợp này.
- Phẫu thuật gần đây: Than hoạt tính có thể gây ra các vấn đề về bụng hoặc dạ dày.
Bảo quản
Bạn nên bảo quản than hoạt tính như thế nào?
Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm. Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.