Ký quỹ là đòn bẩy tài chính hấp dẫn, được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, việc sử dụng phương thức này đòi hỏi chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm. Trong đó, bạn nhất định phải nắm rõ kiến thức về tỷ lệ ký quỹ Rtt. Vậy Rtt là gì? bao nhiêu Rtt thì bị Call Margin? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về tỷ lệ ký quỹ trong bài viết sau.
Tổng quan về Rtt
Đối với một nhà đầu tư mới, Margin hay giao dịch ký quỹ là một khái niệm còn khá mới. Để có thể sử dụng margin hiệu quả, nhà đầu tư cần hiểu về tỷ lệ ký quỹ Rtt.
Rtt trong chứng khoán là gì?
Rtt – Round Trip Time hay còn được gọi tỷ lệ ký quỹ của tài khoản trong chứng khoán. Đây là tỷ lệ giữa giá trị tài sản cổ phiếu trên tổng số nợ vay của nhà đầu tư. Thông qua Rtt, nhà đầu tư xác định được tình trạng tài khoản vay ký quỹ của mình so với các mốc cần quan tâm trong nghiệp vụ quản lý tài khoản như tỷ lệ cảnh báo, tỷ lệ Force sell, tỷ lệ ký quỹ duy trì, …
Tỷ lệ ký quỹ của tài khoản phụ thuộc vào quy định mỗi công ty. Ngoài ra tùy từng thời điểm, giá trị của tiền, giá trị chứng khoán của nhà đầu tư cũng sẽ có sự thay đổi.
Các mốc tỷ lệ ký quỹ của tài khoản
Khi nhắc tới Rtt, bạn cần lưu ý một số mốc thời gian quan trọng sau đây:
- Rtt >= 100%: Tỷ lệ an toàn tài khoản
- 100% > Rtt > 87%: Tỷ lệ duy trì của tài khoản – nhà đầu tư phải đảm bảo duy trì trong thời gian cho vay. Khi đó sức mua trên tài khoản sẽ nhỏ hơn 0.
- 87% > Rtt >= 80%: Tỷ lệ cảnh báo của tài khoản – Call Margin: Khách hàng cần bổ sung tài khoản hoặc nạp tiền, bán một phần chứng khoán để tỷ lệ Rtt về mức lớn hơn hoặc bằng tỷ lệ duy trì của tài khoản.
- Rtt < 80%: Tỷ lệ xử lý RXL Force Sell: Khi đạt tỷ lệ này, các công ty chứng khoán tự động bán chứng khoán trong tài khoản của khách để đưa tỷ lệ ký quỹ quy định.
Phân loại tỷ lệ ký quỹ Rtt
Tỷ lệ ký quỹ Rtt quy định số tiền ký quỹ tối đa mà nhà đầu tư được phép vay từ công ty chứng khoán. Nó được xác định dựa trên tài sản ròng cùng giá trị danh mục mà bạn đang nắm giữ. Có 2 loại tỷ lệ Rtt chính trong giao dịch:
- Tỷ lệ ký quỹ ban đầu – IMR là tỷ lệ giữa giá trị tài sản thực có và giá trị chứng khoán dự kiến mua được, thông qua Margin tại thời điểm giao dịch.
- Tỷ lệ ký quỹ duy trì – MMR là tỷ lệ tối thiểu giữa tài sản thực có và tổng giá trị tài sản trong tài khoản ký quỹ. Tỷ lệ này được đề ra để cảnh báo nhà đầu tư về những biến động trong tài khoản. Từ đó giúp nhà đầu tư lên kế hoạch phụ hợp, giảm thiểu rủi ro trước biến động thị trường.
Hai loại ký quỹ kể trên có liên quan chặt chẽ với nhau, khi giao dịch, nhà đầu tư cần lưu ý:
- Đảm bảo tỷ lệ ký quỹ thực tế tại thời điểm giải ngân ít nhất phải bằng tỷ lệ ký quỹ an toàn.
- Tỷ lệ ký quỹ thực tế >= Tỷ lệ ký quỹ duy trì: nhà đầu tư được phép duy trì danh mục chứng khoán trong tài khoản giao dịch, nếu tài khoản không có nợ quá hạn hoặc khoản vay không phải là nợ quá hạn.
- Tỷ lệ ký quỹ duy trì > tỷ lệ ký quỹ thực tế > tỷ lệ ký quỹ xử lý: Trong vòng 1 ngày kể từ lúc nhận được thông báo từ công ty chứng khoán, nghĩa vụ của nhà đầu tư là bổ sung tài sản nhằm mục đích điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ về mức tỷ lệ duy trì.
- Tỷ lệ ký quỹ thực tế <= Tỷ lệ xử lý: Lúc này công ty chứng khoán có quyền bán bớt cổ phiếu trong tài khoản của nhà đầu tư để đưa tỷ lệ ký quỹ thực tế về bằng tỷ lệ duy trì.
Trong đó, tỷ lệ xử lý là ngưỡng mà công ty chứng khoán có quyền bán bớt tài sản ban đầu và không cần sự đồng ý của nhà đầu tư.
Công thức tính Rtt chi tiết
Tỷ lệ Rtt được tính theo công thức sau:
Rtt = [(Giá trị tài sản ban đầu)/(Tổng giá trị nợ thực tế – tiền mặt – tiền bán chờ về)]*100%
Trong đó:
Tổng giá trị tài sản ban đầu = ∑(Số lượng chứng khoán*giá căn cứ*tỷ lệ cho vay)
Giá căn cứ sẽ được xác định theo nguyên tắc sau:
- Trong phiên giao dịch thì giá căn cứ – Min: Giá tham chiếu của phiên giao dịch hiện tại.
- Ngoài phiên giao dịch thì giá căn cứ – Min: Giá đóng cửa cửa phiên giao dịch gần nhất.
Tiền mặt là số dư tiền mặt hiện có hoặc đang chờ về tài khoản giao dịch Margin.
Để hiểu rõ hơn về cách tính Rtt, hãy cùng tìm hiểu các ví dụ sau:
Ví dụ 1: Trường hợp trong danh mục của nhà đầu tư chỉ có 1 mã chứng khoán duy nhất là VNM:
- Mã VNM số lượng 10.000 cổ phiếu
- Giá hiện tại: 108.000 VND
- Giá trị tổng tài sản: 1.080.000.000 VND
- Tổng nợ hiện tại: 350.000.000 VND
- Tỷ lệ vay Margin của mã VNM là 50%
⇒ Giá trị tài sản thế chấp ban đầu của nhà giao dịch bằng giá trị tổng tài sản*50% = 540.000.000 VND
⇒ Rtt = 540.000.000:350.000.000 = 154%
Ví dụ 2: Trong danh mục nhà đầu tư có nhiều hơn 1 mã chứng khoán:
- Số lượng cổ phiếu VNM là 10.000, giá mỗi cổ phiếu là 108.000 VND
- Số lượng cổ phiếu HPG là 10.000, giá mỗi cổ phiếu là 58.000 VND
Giá trị tổng tài sản là 1.660.000.000 VND
Tổng nợ hiện tại là 540.000.000 VND
⇒ Giá trị tài sản thế chấp của VNM = 108.000*10.000*50% = 540.000.000 VND
⇒ Giá trị tài sản thế chấp của HPG = 58.000 x 10.000 . 40% = 232.000.000 VND
⇒ Tổng giá trị tài sản thế chấp: 772.000.000 VND
Vậy Rtt = 772.000.000:540.000.000 = 143%
Trong cả 2 trường hợp này, tài khoản của nhà đầu tư đều an toàn, có tỷ lệ Rtt ở mức an toàn.
Tại sao phải quan tâm đến Rtt trong đầu tư chứng khoán?
Margin mang đến nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu tư, song đi kèm với đó là những rủi ro khôn lường mà ngay cả những người có kinh nghiệm thực chiến lâu năm trên thị trường cũng không thể dự đoán được.
Nhà đầu tư với kinh nghiệm dày dặn thường ưu tiên áp dụng ký quỹ Rtt lúc thị trường có những dấu hiệu tích cực và rõ ràng. Nếu thị trường khó nắm bắt xu hướng thì không nên sử dụng Margin. Sử dụng công cụ này phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro và không nên lạm dụng để vội sở hữu những mã cổ phiếu mà nhà đầu tư cho là tốt.
Chính vì thế, việc quan tâm đến Rtt là điều cần thiết trong quá trình sử dụng Margin:
- Nhà đầu tư biết được tỷ lệ cho vay Margin của mình, từ đó xây dựng danh mục đầu tư hiệu quả hơn.
- Dựa vào tỷ lệ này, bạn sẽ đánh giá, xem xét và cơ cấu danh mục đầu tư hiệu quả hơn. Loại bỏ những mã kém, chừa chỗ cho những mã tốt hơn.
- Theo dõi tỷ lệ Rtt để biết tình trạng tài khoản vay của mình, kịp thời bổ sung tiền mặt hoặc tài sản để duy trì tỷ lệ an toàn, đồng thời không bỏ lỡ cơ hội nắm giữ một mã cổ phiếu hot.
Tỷ lệ Rtt bao nhiêu sẽ bị Call Margin?
Tùy vào công ty mà tỷ lệ Rtt sẽ có điều chỉnh, đơn cử như sàn giao dịch chứng khoán New York và FINRA đã yêu cầu nhà đầu tư phải giữ mức ký quỹ ít nhất bằng 25% tổng giá trị chứng khoán. Trong khi một số công ty khác có thể yêu cầu mức duy trì cao khoảng 30 – 40%.
Tỷ lệ Rtt để bị Call Margin sẽ tuỳ thuộc vào từng nhà đầu tư và quy định của từng công ty chứng khoán. Đối với từng nhà đầu tư, số tiền Call Margin còn phụ thuộc vào tỷ lệ vốn và mức ký quỹ Rtt duy trì. Thông tin về việc Call Margin sẽ được thông báo trong tài khoản giao dịch của từng người.
Theo đó, Call Margin kích hoạt nếu giá trị tài khoản thấp hơn hoặc bằng tỷ lệ ký quỹ duy trì. Trong đó:
Giá trị tài khoản = Tiền vay : (1- mức ký quỹ duy trì)
Cách Xử lý khi bị Call Margin
Khi bị Call Margin, nhà đầu tư có thể thực hiện 5 việc sau đây:
- Đầu tiên: Không nên tiếp tục mua vào bằng Margin khi thị trường đang có xu hướng giảm, cổ phiếu cũng giảm mạnh. Lúc này nếu mua gây tăng cấp độ rủi ro cho tài khoản, chỉ cần một xê dịch nhỏ là tài khoản sẽ bị Call nghiêm trọng. Việc bắt đáy có tỷ lệ thành công thấp, đa số nhà đầu tư lâu năm có xu hướng mua cổ phiếu nếu thấy giá quay đầu tăng trở lại.
- Thứ hai: Hạ tỷ trọng sử dụng của Margin xuống khi giá tăng không như kỳ vọng ban đầu
- Thứ ba: Ưu tiên cơ cấu những mã cổ phiếu yếu, không có cơ hội phục hồi trong danh mục đầu tư. Khi bán bớt các mã này, danh mục sẽ giải phóng một phần áp lực căng Margin, bạn chuẩn bị được một nguồn tiền cho hoạt động khi thị trường khôi phục.
- Thứ tư: Để tài khoản thực sự an toàn, nhà đầu tư cần cân nhắc cắt lỗ nhiều hơn phần Call Margin. Bán bớt danh mục đầu tư, bỏ những mã yếu để đưa tài khoản về mức an toàn, tránh trường hợp gặp rủi ro liên tục nếu cổ phiếu giảm điểm. Ngược lại nếu giá tăng, cắt Margin nhiều hơn giúp tài khoản có chỗ trống để tái cơ cấu lại. Nhà đầu tư nên chủ động lựa chọn bán cổ phiếu thay vì để công ty chứng khoán xử lý.
- Thứ năm: Tâm lý gỡ gạc, “còn nước còn tát” nên được loại bỏ mà cần dành thời gian theo dõi thị trường để tìm kiếm cơ hội cơ cấu danh mục đầu tư. Sử dụng Margin để gỡ gạc khi thấy thị trường có tín hiệu hồi nhẹ chứa nhiều rủi ro, nhiều người sử dụng Full Margin ngay khi bị Force Sell, điều này rất nguy hiểm khi thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư sẽ phải loay hoay liên tục trong vòng xoáy cơ cấu lại.
Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đã hiểu rõ Rtt là gì, các đặc điểm và thông tin liên quan đến Rtt. Từ đó có thêm thông tin để quản lý danh mục đầu tư của mình, tránh trường hợp bị Call Margin. Điều này sẽ giúp bạn giao dịch an toàn, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro.