Trứng có màu trắng vàng, hình bầu dục, đường kính 3 mm, khoảng

Bọ vẽ sống ở đâu

Kiến vương Oryctes rhinoceros Linne là loài côn trùng gây hại phổ biến trên cây dừa và xuất hiện quanh năm, nhưng ghi nhận có 3 đỉnh cao của sự thiệt hại tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: đợt 1 vào tháng 4 và 5 (đầu mùa mưa), đợt 2 vào tháng 7, 8 và 9, đợt 3 vào tháng 12 và tháng 1, gây hại ở giai đoạn thành trùng khác hoàn toàn với đuông dừa (Rhynchophorus ferrugineus) gây hại ở giai đoạn ấu trùng. Kiến vương là loài gây hại nghiêm trọng trên cây dừa, ngoài sự gây hại trực tiếp chúng còn tiên phong tạo điều kiện cho các loài côn trùng khác và vi sinh vật tấn công gây hại nên khả năng làm chết cây rất cao, vì vậy nhà vườn cần hết sức chú ý phòng trừ kịp thời, bảo vệ vườn dừa hạn chế tối đa sự gây hại của nó.

1. Đặc điểm sinh học và hình thái

Kiến vương Oryctes rhinoceros Linne là loài côn trùng có kiểu biến thái hoàn toàn. Vòng đời của chúng dao động từ 110 – 250 ngày, gồm 4 giai đoạn (Hình 1):

Hình 1: Vòng đời của kiến vương hại dừa (Moore, 2016)

* Trứng

Trứng có màu trắng vàng, hình bầu dục, đường kính 3 mm, khoảng 4-5 ngày sau khi đẻ, trứng chuyển thành màu trắng nâu, những quả trứng mềm và thon dài ban đầu sẽ mở rộng thành hình một quả cầu (quả bóng) (Hình 2A) và thời gian nở trong vòng 11- 13 ngày. Trứng được đẻ bên trong thân dừa và gốc dừa mục, ẩm, đống rác, phân trâu bò, rơm mục, thân bắp, lá mía xác bả hữu cơ.

Hình 2: Hình thái các giai đoạn của kiến vương. A) Trứng; B) Ấu trùng; C) Nhộng; D) Thành trùng(Nguồn: Molet, 2013)

*Ấu trùng

Giai đoạn ấu trùng có 3 tuổi (1, 2, và 3), thường có màu trắng vàng hoặc trắng kem, có 3 đôi chân, chân và đầu có màu nâu, hình chữ C và có thể dài tới khoảng 60 – 100 mm hoặc hơn, chiều rộng tối đa là khoảng 10,6-11,4 mm (Hình 2B). Thời gian giai đoạn ấu trùng từ 82 – 207 ngày. Các vị trí ưa thích để phát triển của ấu trùng là những khúc gỗ chết hoặc sắp chết, hoặc trong gốc cây dừa, nơi có nhiều chất hữu cơ hoai mục. Chúng ăn xác bả hữu cơ trong thân cây mục và dưới đất, giai đoạn này không gây hại cho cây.

* Nhộng

Nhộng có màu nâu vàng và có chiều dài lên tới 50 mm. Chiều dài của các phần nhô ra hình sừng ở phía trước có thể chỉ ra giới tính của thành trùng. Nhộng có hầu hết các đặc điểm bên ngoài nhìn thấy ở một con trưởng thành, với lớp màng ngoài màu nâu vàng cứng, mỏng, dẻo và hơi trong suốt (Hình 2C). Từ 17-30 ngày nhộng sẽ vũ hóa thành thành trùng.

* Thành trùng

Kiến vương trưởng thành là những con bọ cánh cứng lớn màu nâu sẫm đến đen, sáng bóng, dài 35-50 mm và rộng 20-23 mm, có sừng nổi bật trên đầu (Hình 2D). Con đực và con cái khác nhau về kích thước cơ thể (lên đến 40 mm) và sừng con cái ngắn hơn. Sừng cũng có thể khác nhau về kích thước giữa các con bọ cánh cứng tùy thuộc vào môi trường phát triển của ấu trùng. Con đực và cái cũng có thể được phân biệt bằng mặt dưới của cơ thể, con đực có một đầu nhẵn, bóng của bụng, con cái có một chùm lông đỏ cứng ở đầu bụng. Thời gian sống trung bình từ 5 – 10 tháng. Con cái sống lâu hơn con đực, con cái trưởng thành sống được khoảng 9 tháng, còn con đực sống được khoảng 5 tháng. Con cái sẽ giao phối với một vài con đực và sẽ đẻ 3-4 ổ trứng, 30-50 trứng. Mỗi con cái đẻ được khoảng 100 trứng.

2. Triệu chứng gây hại của kiến vương trên dừa

– Trưởng thành đục những lỗ hang ở cuối bẹ lá dừa vào trong những lá non còn cuốn lại trên ngọn cây để ăn các phần mô mềm của lá, ngọn, chỉ chừa lại các phần xơ, vì vậy triệu chứng gây hại hiện diện rất rõ qua sự hiện diện của những lỗ đục với các sợi xơ trong các lỗ đục, khi các lá phát triển, mở ra sẽ có nhiều vết cắt hình chữ V rất đặc trưng (Hình 3). Hầu hết các vết đục của kiến vương đều ở nách các lá số 4 đến số 6 tính từ trên ngọn xuống, ít khi dưới các vị trị trí này.

Hình 3: Triệu chứng gây hại của kiến vương(Nguồn: Kumashiro et al., 2014)

– Các vết đục do kiến vương gây ra trên cây đã tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh và đặc biệt là cho đuông dừa có điều kiện đẻ trứng và gây hại. Có thể nói, kiến vương là đường dẫn cho đuông dừa và các loại bệnh thối đọt xâm nhập (Hình 4).

Hình 4: Vết đục của kiến vương trên bẹ (tàu) dừa(Nguồn: Kumashiro et al., 2014)

– Khi cây bị kiến vương đục phá làm số lá trên cây giảm, ảnh hưởng đến trái: trái non rụng, số lượng trái giảm đưa đến thất thu, giảm sản lượng, nặng sẽ làm chết cây.

– Kiến vương gây hại vào tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây dừa, nhưng dừa tơ thường bị cắn phá nhiều hơn, gây hại quan trọng trên những vườn dừa non, nhỏ hơn 10 năm tuổi, kiến vương phát triển mật số chủ yếu do điều kiện vệ sinh trong và xung quanh vườn dừa không tốt, hơn là do tuổi cây.

3. Biện pháp phòng trừ

Từ tập tính gây hại của kiến vương, một số biện pháp phòng trị đạt hiệu quả cao có thể áp dụng như sau:

– Việc kiểm soát các giai đoạn sống của bọ cánh cứng diễn ra trong lòng đất (trứng và ấu trùng) sẽ dễ dàng hơn nhiều so với trên cây (trưởng thành) bằng cách vệ sinh vườn dừa và tiêu hủy những nơi đẻ trứng và ấu trùng sinh sống trong những phần đã hoai mục của cây dừa như thân cây, gốc cây dừa bị đốn, trên các đống phân, các đống rác, gỗ mục, xác bã thực vật… đã và đang phân hủy.

– Tránh gom để thành các đống xác bã thực vật thành lớp dày trên 20 cm, để chống kiến vương đến đẻ trứng.

– Quan sát vườn dừa thường xuyên khi thấy có lổ đục là moi vào bắt kiến vương.

– Sử dụng một số loài vi sinh vật đối kháng như: chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae (MA) như Ometa, Naxa 800DP,..

– Dùng thuốc hóa học: vào đầu mùa mưa nên rãi thuốc có hoạt chất Cartap như Badannong 10GR, Padan 95SP, Supertar 950SP,.. vào bẹ lá để ngừa sự phá hại của kiến vương. Khi cây dừa đã bị kiến vương tấn công có thể bỏ các loại thuốc hạt có hoạt chất Fipronil như Regent 0.3GR, Rigell 3GR,.. vào đường đục của kiến vương, sau đó dùng đất sét trét lại.Đồng thời, có thể dùng thuốc trộn mạt cưa cho vào túi vải đặt lên đọt dừa có hiệu quả phòng trừ trong thời gian khoảng 4 – 5 tuần, nếu trong mùa mưa thì thời gian có thể ngắn hơn vì sau khi đặt thuốc mà gặp mưa thì thuốc sẽ bị rửa trôi.Chú ý thời gian cách ly khi sử dụng trái dừa làm thực phẩm.Biện pháp phun hoặc rắc thuốc trừ sâu định kỳ để phòng ngừa sự tấn công của kiến vương có hiệu quả thấp, thời gian hữu hiệu ngắn, kết quả không ổn định, nên không khuyến cáo áp dụng./.