Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, mở ra trang sử mới của dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều biết Đảng được thành lập ở Hồng Kông, song tại địa chỉ cụ thể nào, nhiều năm chưa rõ.
Từ ngày 17 đến 26/9/2007, đoàn cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh tiến hành nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hồng Kông. Đoàn gồm những cán bộ nghiên cứu, sưu tầm có kinh nghiệm, đặc biệt có sự tham gia của bà Lady Borton, nhà văn, nhà báo Hoa Kỳ, người đã có công sưu tầm từ lưu trữ nước Anh hàng ngàn trang tư liệu về Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 1931. Được sự giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông, sự cộng tác hết sức trách nhiệm của Thư viện, Cơ quan lưu trữ và Đại học Hồng Kông, Đoàn công tác đã sưu tầm được một số tài liệu và đặc biệt là xác định được một số địa điểm liên quan đến hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông những năm 30 của thế kỷ XX.
1. Nơi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18/12/1930 về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó có tên là Đảng Cộng sản Đông Dương), Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) viết: “Tôi triệu tập các đại biểu của 2 nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày mồng 6/1. Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng… Các đại biểu trở về An Nam ngày 8/2”(1).
Chính sử đã ghi nhận, trong một tháng ròng rã, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau, khi thì ở trong nhà một người công nhân nghèo, đóng giả làm đám người chơi mạt chược phòng khi cảnh sát bất ngờ ập vào kiểm tra, khi thì giả đi xem bóng đá, hôm thì trên một quả đồi gần sân bay, bến cảng…
Công trình khoa học của Viện Hồ Chí Minh thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh viết: “Hội nghị thành lập Đảng được khai mạc tại nhà của một công nhân ở Cửu Long thuộc Hồng Kông”.
Hồi ký của các đồng chí tham dự Hội nghị hợp nhất Đảng kể lại: “Để giữ bí mật, hôm thì mấy anh em giả đánh “mạt chược” ở khách sạn, hôm thì đến sân vận động xem đá bóng”(2). Năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh kể: “Tôi nhớ lại lúc Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Thành lập như thế nào? Thành lập bí mật. Đảng ta lúc sinh ra cũng như một người con đẻ bí mật. Nó đẻ ở đâu? Trên một cái đồi tạm thời của đế quốc. Nó đẻ ở đâu? Bên một sân bóng của đế quốc tư bản”(3). Báo cáo của hai đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thiệu, hai trong số những đại biểu dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam kể rằng, cuộc họp được bố trí “trong những căn phòng nhỏ hẹp xóm thợ thuyền bên Cửu Long Thành”(4). Sách Lý Phương Đức: nữ chiến sĩ giao thông của Bác Hồ viết: “Ở Cửu Long Thành, cơ sở của Tổng bộ là một căn gác ba có cầu thang đi riêng, ở lẫn với dân… Địa điểm này an toàn cho tới năm 1930, khi đồng chí Vương trở lại Trung Quốc, tới bắt liên lạc với Tổng bộ”(5). Hồi ký của bà Lý Phương Thuận kể rằng: “Trước khi bị thực dân Anh bắt, Bác Hồ, Hồ Tùng Mậu và Lý Phương Thuận vẫn ở Cửu Long”(6).
Theo phân chia của chính quyền Hồng Kông, đến năm 1982, Hồng Kông có 18 quận. Bán đảo Cửu Long gồm 5 quận: Cửu Long Thành, Quan Đường, Thâm Thủy Bộ, Huỳnh Đại Tiên, Du Tiêm Vượng(7).
Tống Vương Đài, phiên âm tiếng Anh là Sung Wong Toi, là một khu vực thuộc quận Cửu Long Thành. Khu vực Tống Vương Đài có một quả đồi không cao lắm, trên đỉnh có đền thờ Tống Vương, gần đền Tống Vương là miếu thờ Hầu Vương. Xung quanh chân đồi Tống Vương là khu dân cư, có hai con đường lớn chạy giao nhau là Tam Kung và Tống Vương Đài. Khu vực này có sân vận động nhỏ, thường xuyên diễn ra các trận đá bóng. Khi chúng tôi sang nghiên cứu, đồi Tống Vương không còn, thay vào đó là sân vận động Olympic. Đối diện với sân vận động, qua đại lộ Olympic là công viên Tống Vương Đài. Trong công viên có một hòn đá lớn trên đó khắc ba chữ Trung Quốc: “Tống Vương Đài” và một tấm bia đá khắc hai thứ tiếng: tiếng Trung và tiếng Anh, ghi lại toàn bộ lịch sử của Tống Vương Đài. Nội dung: Phía Tây biển Cửu Long có một quả đồi, trên đó có một viên đá rất lớn, thời nhà Nguyên ghi ba chữ “Tống Vương Đài”. Từ xa xưa đã có đền thờ vua Zhao Bình (hay là Triệu Bính), ông vua cuối cùng của triều đại nhà Tống, khi bị quân Mông Cổ truy đuổi đã chạy về đây ẩn náu và sau mất ở đây (8).
Khu vực Tống Vương Đài (Cửu Long, Hồng Kông), một trong những địa điểm diễn ra Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Ảnh: BTHCM
Căn cứ vào bản đồ Hồng Kông các năm 1926, 1935, 1945, 1967, 1970 và các tài liệu lưu tại Thư viện và các cơ quan lưu trữ, chúng tôi được biết vào những năm 20 của thế kỉ XIX, hai thương gia tên là Ho Kai và Au Tak đã xây dựng sân bay Kai Tak (hay còn gọi là sân bay Khải Đức) ở một phía bên chân đồi Tống Vương. Năm 1941, đế quốc Nhật Bản vào Hồng Kông mở rộng sân bay Kai Tak, đã dùng thuốc nổ phá đồi Tống Vương, hòn đá bị vỡ làm ba, nhưng phần có ba chữ “Sung Wong Toi” không bị vỡ. Sau giải phóng Hồng Kông năm 1945, Chính phủ Hồng Kông cho xây lại công viên và chuyển hòn đá còn nguyên chữ “Sung Wong Toi” về đặt trong công viên, cách vị trí cũ gần 100 mét về phía Tây Nam.
Căn cứ tài liệu tìm được và khảo sát thực địa, chúng tôi xác định khu vực Tống Vương Đài thuộc quận Cửu Long Thành, thuộc bán đảo Cửu Long hội tụ đủ các yếu tố như trong các hồi ký đã kể về địa điểm thành lập Đảng gồm: dấu tích đài kỷ niệm vua Tống, sân bay, sân vận động bên bờ biển, ngôi nhà 186 phố Tam Kung, thuộc dãy phố của những người công nhân nghèo…
2. Ngôi nhà số 186 phố Tam Kung
Hồ sơ mật thám và bài viết của T. Lan đều kể về nơi Tống Văn Sơ – tức Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh bị bắt ngày 6/6/1931 là nhà số 186 phố Tam Kung.
Phố Tam Kung, Cửu Long, Hồng Kông ngày nay. Trước đây phố này có số nhà 186, là nơi Tống Văn Sơ – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh bị bắt ngày 6/6/1931. Ảnh: BTHCM
Hiện nay phố Tam Kung vẫn có, nhưng số nhà chỉ đến 148. Bằng việc so sánh bản đồ Hồng Kông các năm, chúng tôi phát hiện: năm 1969, chính quyền Hồng Kông phá bỏ đoạn phố Tam Kung từ số nhà 150 trở đi để mở đại lộ Olympic. Như vậy nhà số 186 phố Tam Kung nằm trên đại lộ Olympic hiện nay.
3. Địa điểm diễn ra Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10/1930
Năm 2010, căn cứ những tư liệu do Bảo tàng Hồ Chí Minh công bố và một số tài liệu khác, Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân tỉnh Quảng Đông, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông, Viện khoa học xã hội Quảng Tây, Nhà xuất bản Trí thức thế giới, Trung Quốc đã phối hợp xuất bản cuốn sách ảnh Hồ Chí Minh với Quảng Đông – Hồng Kông, trong đó đã xác định Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 tổ chức tại khu Tống Vương Đài, trong đó có nhà số 186, phố Tam Kung, Cửu Long (trang 69)…
Năm 2012, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sưu tầm được hồi ký của Nhiêu Vệ Hoa, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, người được Đảng bộ Quảng Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc cử tới chúc mừng Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương, họp tháng 10/1930, tại Cửu Long, Hồng Kông. Nhiêu Vệ Hoa kể: “Hội nghị được tiến hành khai mạc ở Tống Vương Đài, bên bờ biển đối diện với miếu Hầu Vương, Cửu Long, nhằm lợi dụng sự đông đúc, nhộn nhịp của lễ kỷ niệm ngày sinh “Hầu Vương”. Nội dung hồi ký khớp với những tài liệu Bảo tàng đã sưu tầm được trước đó.
Như vậy, Đoàn nghiên cứu đã xác định được địa điểm hoạt động đặc biệt của Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông những năm 30 là Tống Vương Đài. Khu vực Cửu Long đã diễn ra ba sự kiện: nơi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930, nơi tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất, tháng 10/1930 và là nơi Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Kông, ngày 6/6/1931.
Hiện nay, các di tích liên quan đến sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đều đã thay đổi, chỉ còn duy nhất viên đá được di chuyển từ trên đồi có đền thờ Tống Vương xuống hiện đang đặt ở công viên Tống Vương Đài. Một số nhà khoa học và những người bạn yêu mến Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hồng Kông đang có sáng kiến vận động dựng các bia ghi dấu các địa điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hồng Kông, trong đó có Tống Vương Đài. Nếu làm được như vậy, sẽ góp phần làm tăng thêm giá trị lịch sử cho Tống Vương Đài, đồng thời gắn kết hơn nữa mối quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng và dày công vun đắp, xây dựng./.
TS. Chu Đức Tính
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
–
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.13.
2. T. Lan, Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2012, tr. 53.
3. Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, quyển 1, tập 1, tr. 139.
4. Báo cáo tường thuật về Hội nghị hợp nhất ở Hương Cảng năm 1930 của Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Thiệu, ghi ngày 17-11-1959. Lưu tại kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Văn Khoan: Lý Phương Đức: nữ chiến sĩ giao thông của Bác Hồ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 77.
6. Lý Phương Thuận là một trong tám thiếu niên được đưa từ Xiêm sang Quảng Châu, Trung Quốc năm 1925 theo học lớp thiếu niên tiền phong do Nguyễn Ái Quốc tổ chức.
7. Theo https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BB%ADu_Long_Th%C3%A0nh
8. Nguyễn Huyền Trang dịch, Đường Tống Vương Đài, Nội san Thông tin tư liệu, Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 18, tháng 12-2007, tr. 55.