Sử dụng YoY giúp người đánh giá cái nhìn tổng quan nhất về hoạt động của doanh nghiệp, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như đối tác nắm được tình hình hoạt động kinh doanh của tổ chức, đang tăng trưởng hay thụt lùi, đánh giá được hiệu quả quá trình đầu tư của mình, dự đoán tiềm năng phát triển hoặc là tìm các hướng đi khác.
Chỉ số YoY rất dễ tính, nó đã loại trừ các yếu tố thời vụ và các biến động trong năm. Nhưng các thông tin của nó khá hạn chế, có khả năng bị nhiễu thông tin, số liệu tăng trưởng là âm thì kết quả tính toán cũng vô nghĩa.
1. YoY là gì?
YoY (tiếng Anh Year over Year) dịch nghĩa: tăng trưởng qua từng năm, là chỉ số dùng để so sánh các kết quả tài chính của tổ chức trong một khoảng thời gian nhất định. Nói cách khác, đây cũng là một công cụ đánh giá “sức khỏe” của một doanh nghiệp theo thời gian cụ thể.
Chỉ số YOY được nhà đầu tư quan tâm khi đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp muốn đầu tư
2. Đặc trưng và ý nghĩa của YoY
Đặc trưng của YoY:
– Đem lại cho người đánh giá cái nhìn tổng quan nhất về hoạt động của doanh nghiệp;
– So sánh chỉ số qua từng giai đoạn thì có thể biết được hoạt động của đơn vị đó có đang hiệu quả hay không;
– Việc tính toán qua từng mốc thời gian theo năm giúp ban lãnh đạo biết được các yếu tố khách quan và chủ quan đang ảnh hưởng đến sự vận hành của công ty.
Tham khảo thêm: IRR là gì? Vai trò và cách tính chỉ số IRR trong chứng khoán
Ý nghĩa của YoY:
– Việc so sánh YoY qua các năm giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như đối tác nắm được tình hình hoạt động kinh doanh của tổ chức, đang tăng trưởng hay thụt lùi;
– Nhờ phân tích YoY ta cũng có thể so sánh tình hình hoạt động của tổ chức trong cùng kỳ khác năm hoặc khác tháng, chẳng hạn 2 tháng cùng kỳ, 2 năm cùng kỳ;
– Qua đó, nhà đầu tư cũng đánh giá được hiệu quả quá trình đầu tư của mình, dự đoán tiềm năng phát triển hoặc là tìm các hướng đi khác.
Những đặc điểm của chỉ số YOY mà đầu tư nên biết
3. Vai trò của chỉ số YoY
– YoY giúp các nhà quản trị công ty cũng như các nhà đầu tư tính toán được hiệu suất hoạt động của công ty mình khi đã loại trừ các tác động từ yếu tố khách quan, thời vụ gây ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh;
– Kết quả hoạt động kinh doanh sẽ được phản ánh thông qua 3 yếu tố chính là doanh thu, lợi nhuận và các chỉ số tài chính, những yếu tố này sẽ thay đổi theo mùa vụ, chu kỳ;
– So sánh YoY trong cùng khoảng thời gian sẽ giúp nhà quản trị nhận định được chỗ đứng của doanh nghiệp, đồng thời đưa ra được những quyết sách và hướng đi đúng đắn cho tương lai, cũng như tìm ra các sai sót, chênh lệch trong sổ sách và giảm thiểu các ảnh hưởng từ yếu tố thời vụ.
Chỉ số YoY không chỉ hữu ích trong bán lẻ mà còn rất nhiều lĩnh vực khác nữa, ví dụ:
– Với logistics: Nhờ việc theo dõi các con số này hàng năm mà họ có thể thay đổi tuyến đường để giao hàng nhanh hơn, thông qua số lượng hàng hóa được giao và số lần giao riêng lẻ;
– Với dịch vụ nhà hàng khách sạn: báo cáo YoY sẽ cho họ biết sự tăng trưởng hàng năm như thế nào.
– Với dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Bằng cách tính toán YoY qua từng năm các thương hiệu chăm sóc sức khỏe có thể có biện pháp nâng cao dịch vụ cũng như điều chỉnh các chi phí hoặc thêm công nghệ mới.
Lợi ích khi sử dụng chỉ số YOY trong quá trình phân tích đầu tư
4. Ưu và nhược điểm của YoY
Ưu điểm của YoY:
– Dễ tính toán, tính nhẩm hoặc sử dụng máy tính đơn giản cũng có thể tính ra được YoY;
– Chỉ số YoY loại trừ được các yếu tố thời vụ;
– YoY lược bớt được các biến động trong năm, chỉ tập trung so sánh kết quả ròng.
Nhược điểm:
– Thông tin cung cấp tương đối hạn chế, nó chỉ chỉ ra mức độ tăng trưởng của các số liệu chứ ta không thể biết được quá trình đạt số liệu đó ra sao, bị yếu tố nào tác động…;
– Nếu số liệu tăng trưởng là âm thì kết quả tính toán sẽ vô nghĩa;
– Có khả năng người khảo sát bị nhiễu thông tin vì kết quả trong khoảng thời gian nhất định cung cấp quá nhiều ý nghĩa;
– Nếu nhà đầu tư chỉ so sánh chỉ số YoY theo từng năm thì nhà đầu tư không thể biết được những biến động theo từng tháng và các vấn đề đã phát sinh trong giai đoạn đó.
Những mặt hạn chế của YOY mà ai cũng nên biết
5. Cách tính YoY
Để tính được YoY cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Lấy số liệu của năm hiện tại trừ đi số liệu năm liền trước đó. Điều này sẽ chỉ ra được công ty đang tăng trưởng hay thụt lùi.
Bước 2: Dùng kết quả của bước 1 chia cho số liệu năm trước đó để cho ra tốc độ tăng trưởng của năm nay so với năm ngoái.
Bước 3: Quy đổi kết quả vừa tính ra tỷ lệ phần trăm, đây chính là số YoY cần tìm.
Ví dụ: Giả sử doanh nghiệp A có doanh thu năm 2020 là 798 tỷ và doanh thu năm 2021 là 850 tỷ.
Vậy chỉ số YoY = (850 – 798) / 798 = 0.065 tương đương 6.5% đây là chỉ số tăng trưởng của doanh nghiệp A.
6. Các chỉ số đánh giá YoY
Các chỉ số đánh giá YoY có:
– Chỉ số về doanh thu – giúp doanh nghiệp xem xét doanh thu theo quý hay năm đang tăng hay giảm;
– Chỉ số mức giá vốn của hàng bán – giúp doanh nghiệp nắm bắt được khả năng quản lý tỷ suất lợi nhuận;
– Chỉ số thu nhập ròng – giúp doanh nghiệp biết được điểm quan trọng của thu nhập ròng theo mốc thời gian cụ thể.
Ngoài những chỉ số này thì chỉ số YoY còn liên quan tới nhiều vấn đề khác như: thu nhập trước thuế, thu nhập trên cổ phần…
Việc xác định chỉ số YoY đem lại rất nhiều dữ liệu hữu ích cho nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp, giúp họ phân tích rõ ràng mức độ hiệu quả của đơn vị kinh doanh trong thời gian cụ thể. Đây cũng là yếu tố quan trọng với thị trường tài chính chứng khoán đối với nhà đầu tư. Mong rằng những thông tin mà TOPI mang đến sẽ hữu ích cho quá trình phân tích và định hướng đầu tư của bạn. Chúc bạn thành công!